Thanh Hóa đứng thứ 2 cả nước về số lượng sản phẩm OCOP

Sau 5 năm triển khai chương trình mỗi xã, một sản phẩm (OCOP), đến nay tỉnh Thanh Hóa đã có 445 sản phẩm OCOP và vươn lên đứng thứ 2 toàn quốc về số lượng sản phẩm OCOP. Kết quả này là nền tảng vững chắc xây dựng nông thôn mới (NTM) trên địa bàn tỉnh.

Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham quan sản phẩm nông sản, thực phẩm an toàn tại tỉnh Thanh Hóa.

Thanh Hóa là địa phương có thế mạnh về sản xuất nông nghiệp với nhiều sản phẩm lợi thế, gần 200 làng nghề truyền thống và hơn 600 hợp tác xã nông nghiệp. Tỉnh Thanh Hóa xác định, OCOP là bước đi quan trọng trong xây dựng nông thôn mới và đóng vai trò trong phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất cho người dân.

Sau 5 năm triển khai chương trình, với sự nỗ lực của các địa phương, các chủ thể, đến thời điểm này, tỉnh Thanh Hóa có 445 sản phẩm OCOP. Trong đó, có 1 sản phẩm 5 sao, 56 sản phẩm 4 sao, còn lại là sản phẩm 3 sao. Riêng năm 2023, tỉnh Thanh Hóa có thêm 153 sản phẩm OCOP. Với kết quả này, tỉnh Thanh Hóa chỉ xếp sau thành phố Hà Nội và vươn lên đứng thứ 2 cả nước về số lượng sản phẩm OCOP.

Hiện nay trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có 27/27 huyện, thị xã, thành phố đều đã có sản phẩm OCOP. Chương trình OCOP đã ngày càng đi vào chiều sâu, với sự vào cuộc tích cực của các ngành, địa phương, thành phần kinh tế tư nhân, tập thể, hộ gia đình. Nhận thấy lợi ích chương trình mang lại, nhiều chủ thể sản xuất đã chủ động đăng ký tham gia.

Để chương trình OCOP đạt hiệu quả cao, tỉnh Thanh Hóa đã ban hành nhiều chính sách khuyến khích các chủ thể tham gia. Theo đó, Hội đồng nhân dân tỉnh Thanh Hóa đã ban hành chính sách hỗ trợ cho các sản phẩm sau khi được công nhận là sản phẩm OCOP thì sẽ được hỗ trợ kinh phí là 75 triệu đồng. Đây là số kinh phí để giúp các chủ thể hoàn thiện các công tác như; nhãn mác, bao bì, tem, video quảng cáo…

Trong năm 5 qua, tỉnh Thanh Hóa cũng đã tổ chức tập huấn cho khoảng gần 10 nghìn lượt lãnh đạo, chuyên viên các sở, ngành, đoàn thể các cấp, doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ thể sản xuất; hỗ trợ các chủ thể đưa sản phẩm OCOP tham gia các sự kiện tổ xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh.

Với những kết quả đã đạt được, trong năm 2024, tỉnh Thanh Hóa đặt mục tiêu có thêm 120 sản phẩm OCOP. Để đạt được mục tiêu, Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới Thanh Hóa đã có văn bản đề nghị các huyện sẽ phải đăng ký số lượng sản phẩm OCOP. Trên cơ sở số liệu từ các huyện báo cáo về, Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới sẽ có văn bản tham mưu cho Chủ tịch UBND tỉnh giao chỉ tiêu cho từng huyện.

Thời gian tới, Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh Thanh Hóa sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền; tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ cấp thôn, xã, huyện và các chủ thể, các hộ dân để triển khai thực hiện sản xuất sản phẩm; tiếp tục đẩy mạnh các hội nghị kết nối cung cầu, các hội chợ; đẩy mạnh các sản phẩm OCOP lên sàn giao dịch thương mại điện tử, nhằm đưa các sản phẩm OCOP của tỉnh ra các “sân chơi” lớn.

Là một trong những huyện dẫn đầu về sản phẩm OCOP, tính đến nay huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa có số sản phẩm OCOP là 37 sản phẩm (trong đó có 9 sản phẩm đạt 4 sao và 28 sản phẩm đạt 3 sao). Thời gian qua, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa đã tập trung tuyên truyền, giới thiệu về chương trình OCOP bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng nhằm cung cấp kiến thức, kỹ năng cần thiết trong việc phát triển các ý tưởng, dự án khởi nghiệp gắn với chương trình OCOP, góp phần nâng cao nhận thức và hiểu biết, khơi dậy tinh thần khởi nghiệp của nhân dân về chương trình OCOP.

Những sản phẩm OCOP ở huyện Nga Sơn đã tận dụng được những thế mạnh, tiềm năng của địa phương nên có lợi thế để phát triển lâu dài. Dưới sự chỉ đạo của các hợp tác xã địa phương, các sản phẩm được nâng cao chất lượng, cải thiện về mẫu mã để tăng sức cạnh tranh trên thị trường, đáp ứng được nhu cầu của thị trường và dần đứng vững trên thị trường trong nước.

Nghệ nhân Ưu tú Trần Thị Việt một trong những người "giữ lửa" cho nghề chiếu cói Nga Sơn.

Nghệ nhân Ưu tú Trần Thị Việt, Giám đốc Công ty TNHH Xuất khẩu Việt Trang người khơi dậy được tiềm năng, thế mạnh của địa phương, phát triển và gia tăng giá trị sản phẩm OCOP từ nguyên liệu cói cho biết: Từ cách làm truyền thống với cây cói đơn thuần, chúng tôi đã nghiên cứu kết hợp cói với các nguyên liệu khác như cọng bèo khô, rơm khô, bẹ ngô khô... để tạo màu tự nhiên cho các sản phẩm.

Bà Việt chia sẻ: Để gìn giữ được cái nghề truyền thống này phải có tâm huyết với nghề, cần kiên trì và đổi mới sáng tạo các mẫu mã để phù hợp với thị trường. Mặt khác, cần phải tìm kiếm thị trường và nắm bắt được cái nhu cầu của thị trường để cải tiến mẫu mã để phù hợp với từng thị trường.

Nhờ vậy, các sản phẩm được trang trí hoa văn bắt mắt, tăng tính thẩm mỹ và sức sống mới cho đồ thủ công truyền thống. Với quan điểm mình không bán cái mình có mà bán cái khách cần, chúng tôi luôn cố gắng thay đổi mẫu mã, hình thức phù hợp với nhu cầu và thị hiếu của khách hàng. Đến nay, sản phẩm của công ty đã xuất khẩu ổn định sang nhiều nước trên thế giới trong đó có Mỹ và Nhật Bản.

Nam Nguyễn

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Ngày 16/12, tại thành phố Cần Thơ, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức hội nghị báo chí toàn quốc tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025.
Tạp chí Người Làm Báo trân trọng giới thiệu bài viết của đồng chí Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về xây dựng hệ thống chính trị với tiêu đề : "Tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả".
Đó là nhấn mạnh của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm trong phát biểu tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
Ngày 21/9, diễn đàn Tổng Biên tập năm 2024 với chủ đề “Báo chí giải pháp, hướng đi cho báo chí truyền thống” đã diễn tại tỉnh Bình Thuận. Diễn đàn do Báo Nhà báo và Công luận, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với tỉnh Bình Thuận tổ chức, thu hút sự tham gia hơn 100 đại biểu là lãnh đạo các cơ quan báo chí, các cơ quan quản lý báo chí trên cả nước.
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top