Tết chiến trường: Thịt lợn hơi

Lần đầu tiên ăn Tết Nguyên đán tại chiến trường. Gạo tính từng lon, thịt hộp tính từng miếng, không bánh kẹo, thuốc lá.

Ảnh minh họa. Tranh: Tôn Đức Lượng

Những thứ mà năm trước Hà Nội khó khăn, bom đạn ác liệt, vẫn có, dù là tối thiểu. Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế khi đó có hơn ba chục nhà: nhà văn, nhà báo, nhà giáo, nhà tuyên truyền, huấn học lao xao bàn chuyện Tết. Duy chỉ nhà bếp là im re.

Ngày cận kề, theo truyền thống là mẹ bắc nồi bánh chưng xanh, con cái vây quanh đầm ấm, nhưng ở mảnh đất Mang Chang, miền Tây Thừa Thiên Huế này, mây mù quấn tròn ngọn kiền kiền cổ thụ, mưa rơi bộp bộp vào mái lá, đếm từng giọt nhớ nhà, nhớ quê, nhớ phố. Nhà báo Đoàn Dũng, cán bộ Thông tấn xã Việt Nam vào chiến trường trước tôi, đang là Phó Ban Tuyên huấn Thừa Thiên Huế đi từ nhà bếp lên, vung tay cười “khoái tỷ”. Điệu cười anh đặt cho mỗi khi người phụ trách hậu cần của Ban có thêm bao gạo, gói mỳ chính, hộp sữa từ miền Bắc vào hay thành Huế lên. Anh hồ hởi:

- Các cậu chú ý. Hết sức chú ý! Nếu như không có gì trục trặc thì Tết này Ban ta thịt lợn. Chúng tôi vây quanh anh bàn chuyện làm thịt lợn. Tôi nhanh nhẩu:

- Quý vị có biết khi giết lợn thì cánh đao phủ thích nhất món gì không? Im lặng à? Tiết canh lòng lợn chứ còn gì nữa. Mà muốn có bát tiết canh ngon thì tiết phải tươi non, không cặn. Muốn vậy thì phải chọc tiết bằng ống lồ ô vót sắc nhọn.

Tôi đang huyên thuyên thì anh Dũng vỗ tay đánh bốp:

- Tốt. Vậy là Vĩnh Trà có kinh nghiệm rồi.

Quang Huy bật dậy:

- Rứa thì bầu ông làm tổ trưởng giết lợn. Ngon quá hè.

Mọi người vỗ tay tán thưởng. Tôi ngẩn người. Thú thật là tôi đã cầm dao cắt tiết gà, chọc tiết lợn bao giờ đâu. Ấy là hóng chuyện, đọc sách, biết tý tẹo thôi mà. Chết tôi! Chỉ tại cái mồm, cái miệng, hại chân tay rồi!

Đến tiết mục gói bánh chưng, nhà báo Nhật Anh, quê Hương Trà, phóng viên Đài Phát thanh Giải phóng, cùng cơ quan với tôi nhận trách nhiệm từ đầu đến cuối. Khi Nhật Anh phổ biến kinh nghiệm gói bánh, quên đặt lạt dưới lá, tôi ngứa mồm:

- Phải đặt lạt dưới, lá trên mới dễ gói chứ.

Đoàn Dũng lại vỗ tay đánh bốp:

- Về đường bánh trái, Vĩnh Trà cũng thông thạo. Đề nghị ông kiêm luôn tổ trưởng gói bánh.

- Rứa thì mần luôn Trưởng ban Tết cơ quan cho nó ngon (!)

Quang Huy đế vào rồi cười khanh khách. Mắt Huy nhỏ, khi cười khoái trá như hai nét chì đen. Tôi nhận ra Huy đang ủ mưu chọc bạn. Phó ban Đoàn Dũng quyết luôn. Và không ngờ Trưởng ban Sự cũng duyệt ngay. Gay go. Chuyện như đùa lại thành thật mất rồi. Nhà báo Quế Lâm, phóng viên Thông Tấn Xã Việt Nam lớn tuổi hơn tôi, vào chiến trường trước tôi, dạn dày kinh nghiệm, lo lắng:

- Liệu cậu có cáng đáng được không? Nhiều việc lắm đấy. Không khéo làm cánh nhà báo mình mất mặt, lại mang tiếng báo hại nhé.

Giọng nghiêm, nét mặt cũng nghiêm của Quế Lâm làm tôi thêm rối. Tối hôm ấy, tôi họp Chi đoàn, phân công mọi việc chuẩn bị Tết. Quang Huy làm Tổ trưởng giết lợn. Nhật Anh phụ trách toàn diện bánh trái. Cu Phở (người dân tộc Pa Cô) giúp các O: Nhớ, Bông, Gái làm bếp. Quang Huy hỏi gấp, giọng gắt:

- Thế, ông không làm gì à?

- Tôi là Trưởng ban, phụ trách chung.

Huy ngán ngẩm:

- Thôi rồi. “Gậy ông đập lưng ông”. Đau ê ẩm.

Nhật Anh lè lưỡi, để lộ chiếc răng sứt, trông ngồ ngộ:

- Thằng cha ni mặt non choẹt mà khôn ghê.

Quế Lâm vỗ tay đánh đét:

- Láu cá. Láu cá. Tớ ngạc nhiên về ông đấy.

Sau trận cười hả hê, tôi lo sốt vó. Đêm không ngủ được. Sáng ra, anh Đoàn Dũng từ nhà bếp lên, hai tay chắp sau lưng, thả giọng trầm:

- Xin thông báo với cả nhà tin cực buồn: Đến giờ phút này, không có lợn ăn Tết.

Tất cả sững sờ... rồi tiu ngỉu. Quang Huy ấm ách:

- Không có lợn thì Tết nhất chi nữa. Rứa là có kẻ thoát hiểm. Huy chăm chắm nhìn tôi, môi trề ra, hai mắt như hai dấu sắc, huyền. Nhật Anh lại lè lưỡi:

- Hơ, hơ...Tết ni ăn lợn hơi. Tôi cũng tiếc, nhưng vẫn lẩm nhẩm: “Ơn trời, may quá, thoát chức Trưởng ban Tết bất đắc dĩ”

Vĩnh Trà

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Ngày 13/1/2025, tại Thủ đô Hà Nội, Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức hội nghị toàn quốc về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Hội nghị nhằm đánh giá tình hình thực hiện các nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về phát triển khoa học, công nghệ; quán triệt, triển khai Nghị quyết số 57-NQ/TW, ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, tạo sự chuyển biến mang tính đột phá về nhận thức và tổ chức thực hiện, góp phần đưa đất nước phát triển giàu mạnh, hùng cường trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Tổng Bí thư Tô Lâm dự và phát biểu tại hội nghị. Tạp chí Người Làm Báo trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu:
Trong kỷ nguyên số, chuyển đổi nội dung số các tạp chí của Việt Nam có vai trò quan trọng trong tuyên truyền, phổ biến, giáo dục quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thành tựu của đất nước; đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; phổ biến tri thức, góp phần nâng cao dân trí, phát triển văn hóa và con người Việt Nam trên không gian mạng. Đồng thời, góp phần “xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại”(1) theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Ngày 16/12, tại thành phố Cần Thơ, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức hội nghị báo chí toàn quốc tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025.
Tạp chí Người Làm Báo trân trọng giới thiệu bài viết của đồng chí Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về xây dựng hệ thống chính trị với tiêu đề : "Tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả".
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top