Tai mắt của nhân dân - Tiếng nói của xã hội để quyền lực trở về đúng bản chất
14:04 27/07/2023
- Báo chí & Công chúng
Công cuộc phòng chống, tham nhũng, tiêu cực dù không mới, nhưng luôn là một vấn đề nóng hổi, thu hút sự quan tâm của đông đảo quần chúng nhân dân.
Cuộc chiến thanh lọc từ gốc rễ đến tận ngọn, loại bỏ những “con sâu” làm mục ruỗng quyền lực trong sáng của nhà nước cũng được đẩy mạnh và tích cực hơn vào những thời điểm quan trọng của đất nước. Đặc biệt, trong những năm gần đây, với sự phát triển của mạng xã hội cùng quá trình mở rộng của báo chí - truyền thông trên các nền tảng, báo chí - truyền thông ngày càng hoạt động hiệu quả với vai trò là tai mắt, cất tiếng nói vì nhân dân nhằm phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đưa quyền lực nhà nước trở về đúng bản chất vì sự nghiệp cách mạng của đất nước.
Bàn về quyền lực, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đại diện cho giai cấp lao động đông đảo nhất, đồng thời cũng đại diện cho nhân dân, thì quyền lực chính trị đồng nghĩa với quyền lực nhà nước, phục vụ cho các giai cấp đứng chung một chiến tuyến - quyết định, định đoạt những công việc quan trọng về chính trị, tổ chức và hoạt động để bảo đảm sức mạnh thực hiện quyền lực ấy; cũng như việc áp đặt ý chí và tạo sự thống nhất trong việc phục tùng mệnh lệnh trong tất cả các chủ thể nhằm đảm bảo an ninh, duy trì trật tự xã hội.
Cơ quan Công an thực hiện khám xét tại CDC Thừa Thiên Huế_Ảnh: TL
Trong trường hợp của đất nước ta, “Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa (XHCN) Việt Nam là nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân; quyền lực nhà nước là thống nhất có sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp; phát huy quyền làm chủ của nhân dân, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân; nhà nước tổ chức, hoạt động theo pháp luật, quản lý xã hội bằng pháp luật nhằm phục vụ lợi ích của nhân dân; do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo đồng thời chịu trách nhiệm trước nhân dân và sự giám sát của nhân dân”.
Do vậy, quyền lực nhà nước là quyền lực của nhân dân, được trao quyền cho những đại biểu xứng đáng và vận hành bởi những cá nhân đủ tiêu chuẩn. Trong quá trình tiến hành sự nghiệp cách mạng phát triển đất nước, nhân dân vẫn luôn là người giám sát, nhằm phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và hỗ trợ những người chèo lái đất nước đi đúng với hải trình đã chọn. Và báo chí chính là công cụ để nhân dân thực hiện trách nhiệm kiểm soát quyền lực một cách hiệu quả.
Tai mắt của nhân dân
Báo chí thể hiện đúng vai trò là tai mắt của nhân dân, dựa trên nền tảng tư tưởng chính trị vững vàng, để lắng nghe, tìm kiếm, quan sát và điều tra những hành vi có dấu hiệu sai phạm, lợi dụng chức vụ và quyền hạn để trục lợi, có dấu hiệu tham nhũng.
Vai trò trên xuất phát từ một trong những nhiệm vụ của nền báo chí cách mạng là giám sát, phản biện xã hội. Báo chí đóng vai trò là một chủ thể quan trọng, thường xuyên cất tiếng nói khơi nguồn phản biện xã hội một cách mạnh mẽ nhất. Qua tìm hiểu, đấu tranh và quá trình xác minh, các sự kiện, hiện tượng tham nhũng mà báo chí nêu ra đã dâng cao dư luận xã hội, tạo cơ hội, điều kiện cho các cơ quan chức năng vào cuộc chống tham nhũng.
Trong những năm trở lại đây, Khánh Hòa là một vùng đất nóng của cuộc chiến phòng, chống tham nhũng, tiêu cực khi hàng loạt sai phạm từ nhiều nhiệm kỳ trước được phanh phui, nhiều cựu lãnh đạo, cán bộ phải hầu tòa. Cụ thể phải kể đến vụ việc “giao đất vàng Trường Chính trị cũ” thu hút sự quan tâm của đông đảo tầng lớp nhân dân, mà hàng loạt cơ quan báo chí đã theo dõi sát sao trong suốt hơn 3 năm diễn ra vụ án. Từ khởi nguồn điều tra đến quá trình xét xử diễn ra, các thông tin về sai phạm của những cựu quan chức được thông tin khách quan, minh bạch, mang đến toàn cảnh vụ án cho đông đảo quần chúng. Đó cũng là cách mà quyền lực nhà nước được thực hiện đầy đủ đối với mỗi một người công dân.
Bên cạnh đó, mặc dù không có các cơ chế điều tra được cấp phép đặc thù như cơ quan điều tra, viện kiểm sát, báo chí lại thực hiện vai trò kiểm soát quyền lực cùng nhân dân vô cùng hiệu quả khi luôn lắng nghe nhân dân và tìm hiểu, xác minh sự việc thông qua hộp thư bạn đọc, đơn thư kiến nghị, khiếu nại dù bằng hình thức nào. Qua con đường này, tiếng nói của người dân được khuếch đại và lan rộng, sức mạnh nhờ đó cũng được cộng hưởng, nhằm tìm ra sai phạm nếu có.
Vụ việc “giao đất vàng Trường Chính trị cũ” thu hút sự quan tâm của đông đảo tầng lớp nhân dân_Ảnh: TL
Vào tháng 9/2019, một bản án “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” đã được tuyên cho hai cựu cán bộ UBND xã Ba Cụm Nam, với hành vi “ăn chặn tiền hỗ trợ các hộ dân bị thiệt hại do cơn bão số 12 năm 2017 gây ra. Sau khi phát hiện hành vi trên, một người dân đã làm đơn tố giác, một số hộ dân khác cũng tiếp tục có đơn tố giác. Sự vào cuộc kịp thời của các đơn vị báo chí đã góp phần tạo cơ hội cho tiến trình điều tra được diễn ra nhanh hơn, tóm gọn những đối tượng có hành vi xấu trong quá trình thực hiện nhiệm vụ nhà nước giao.
Ngay sau đó, một vụ án khác cũng được phản ánh, báo chí góp phần giúp công chúng hiểu rõ toàn cảnh và thủ đoạn của các đối tượng trong vụ “băm nát” núi Chín Khúc. Các hoạt động xây dựng ở núi Chín Khúc được triển khai từ năm 2009-2015, với nội dung dự án được điều chỉnh nhiều lần, tuy nhiên, hai cựu lãnh đạo của Khánh Hòa đã bỏ qua các bước thủ tục chuyển đổi đất theo đúng pháp luật, để lại một hiện trường ngổn ngang. Các cơ quan báo chí đã vào cuộc ghi lại hình ảnh sai phạm thực hiện trên khu vực núi Chín Khúc. Với hình ảnh flycam rõ nét, người dân có thể nắm rõ thông tin và cập nhật tình hình sai phạm diễn ra tại đây. Đồng thời, các thông tin sai phạm được báo chí phối hợp với cơ quan chức năng công khai minh bạch với nhân dân, góp phần nâng cao nhận thức làm chủ của mỗi một công dân và chỉ định rõ tội trạng của các cựu lãnh đạo.
Trong suốt nhiều năm qua, các sự việc phát giác sai phạm với sự góp mặt của người làm báo ngày càng tăng, khẳng định vai trò quan trọng của báo chí trong công cuộc kiểm soát quyền lực, thanh lọc bộ máy quản lý nhà nước và là tai mắt của nhân dân.
Tiếng nói của xã hội
Bên cạnh việc thay nhân dân cất tiếng nói và dâng cao dư luận, báo chí còn đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng nên văn hóa giám sát, phản biện một cách lành mạnh trong thời đại mới. Báo chí là công cụ của Đảng, Nhà nước để tuyên truyền đường lối chính trị tới công dân; đồng thời, theo chiều ngược lại thì là kênh để phản ánh những tâm tư quyền lợi của người dân đến với các cơ quan lãnh đạo đất nước.
Xây dựng được ý thức đó trong nhân dân, người dân sẽ cởi mở để đối thoại với chính quyền, mang tính xây dựng nhằm hướng đến việc thực hiện quyền lợi thích đáng, cũng như vận dụng quyền lực của nhân dân hiệu quả.
Đảng ta luôn đòi hỏi báo chí phản ánh mọi mặt hoạt động của đời sống xã hội một cách chân thật, khách quan, đúng bản chất bằng tinh thần “nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật”. Với tinh thần và quan điểm rõ ràng, báo chí là kênh thông tin, lắng nghe và cất tiếng nói vì nhân dân một cách có chọn lọc, định kiểm, để kiểm soát, giám sát quyền lực.
Trong thời gian qua, trên thực tiễn làm báo ở tỉnh Khánh Hòa, nhiều sự việc, vụ việc sai phạm trong việc sử dụng quyền lực đều được báo chí đều mạnh mẽ cất tiếng nói đưa ra ánh sáng, bao gồm cả những sai phạm trong quản lý đất đai, công cuộc chống dịch Covid-19, công tác cấp sổ đỏ, sai phạm về kinh tế,… Các sai phạm gây thất thoát của nhà nước từ vài tỷ đến hàng chục nghìn tỷ, do buông lỏng trong quản lý, lợi dụng chức vụ và quyền hạn hay đã lợi dụng quyền lực nhà nước mà các cá nhân, tổ chức được trao quyền. Tiếng nói đấu tranh của báo chí khi ấy là tiếng nói của xã hội, chịu trách nhiệm giám sát công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; đồng thời cũng là tiếng nói cổ vũ nhân dân có trách nhiệm với quyền lực của mình khi cùng cộng đồng ý thức và đấu tranh với các sai phạm.
Để thực hiện tốt vai trò là tai mắt của nhân dân, tiếng nói của xã hội, đưa quyền lực được thực hiện đúng với bản chất, người làm báo cần giữ được bản lĩnh chính trị vững vàng, đảm bảo tính chân thật, khách quan, tính công khai, tính đại chúng và tính chiến đấu trong các tác phẩm báo chí của mình.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường căn dặn các nhà báo phải luôn trung thực, coi đó là một trong những tiêu chuẩn đạo đức số một của người làm báo cách mạng. Người nói, “Chống tham ô, lãng phí thì nêu rõ ai tham ô, ai lãng phí? Cơ quan nào tham ô?, Lãng phí cách thế nào? ngày, tháng nào,v.v.. Chớ viết lung tung”… Do vậy, báo chí cách mạng phải nhìn thấu vai trò của mình trong công cuộc kiểm soát quyền lực nhằm phòng, chống tham nũng, tiêu cực, để trở thành tai mắt, tiếng nói kiên trung đối với Đảng, Nhà nước và nhân dân.
Khánh Trinh
Bình luận: 0