Sức bền ngọn lửa(1)

16:38 03/10/2023 - Diễn đàn
Tôi không có ý định viết giới thiệu tập sách thứ 23 của nhà báo, nhà văn Phạm Quốc Toàn. Song, khi đọc tập bản thảo gần 300 trang sách“Cõng bà đi mở đất”của Phạm Quốc Toàn - sinh động và lôi cuốn - khiến cảm xúc tôi dâng trào về tác giả và tác phẩm.

Văn chương phi hư cấu hay cuộc đời đẹp thế?

“Cõng bà đi mở đất” là tập ký của Phạm Quốc Toàn đề cập đến mọi lĩnh vực đời sống xã hội mà tác giả “mục sở thị” và chiêm nghiệm, chắt lọc. Có thể, ta đã gặp nhân vật và đã đọc ở đâu đó, nhưng khi các bài báo - tác phẩm ấy được tập hợp thành một mối, khiến thông điệp mà tác giả muốn gửi gắm ùa ra chạm vào trái tim nhân hậu và nhân văn của người đọc.

Bấy lâu nay, theo quan niệm sáng tác văn chương và sáng tạo báo chí có khác nhau. Nếu văn chương thiên về tư duy hình tượng thì báo chí phải giữ tính nguyên tắc là tư duy logic. Cũng quan niệm lâu nay, chức năng của văn hóa nghệ thuật (trong đó có văn chương) là hướng tới chân - thiện - mỹ; còn báo chí, bằng việc thật, người thật định hướng người đọc đến nghĩ và làm việc tốt, việc tử tế - nhân rộng nó.

Bìa ấn phẩm Cõng bà đi mở đất của nhà báo, nhà văn Phạm Quốc Toàn_Ảnh: TGCC 

Đọc “Cõng bà đi mở đất” của Phạm Quốc Toàn, tôi cảm nhận, không chỉ có văn học nghệ thuật hướng đến mục tiêu định hướng con người tới chân - thiện - mỹ, mà cả những tác phẩm báo chí giàu tính thuyết phục, hấp dẫn, cũng định hướng hoàn hảo cho chân - thiện - mỹ. “Cõng bà đi mở đất” của nhà báo, nhà văn Phạm Quốc Toàn xác tín rõ điều đó. Các nhân vật trong tác phẩm của Phạm Quốc Toàn là những người thật, có danh tính và địa chỉ rõ ràng, đó là: nhà chính trị - nhà thơ Xuân Thủy (Suối reo để lòng ta reo); anh hùng lao động Lê Văn Kháng (Anh hùng cá biển ); trung tướng Châu Văn Mẫn và Côn Đảo - trường học lớn; nhà báo, nhà thơ Nguyễn Hồng Vinh (Cây chính luận làm thơ); thầy giáo Trần Bá Lạn (Đóa hoa ngát hương); đặc biệt là doanh nhân, cựu chiến binh Nguyễn Đức Lạc (Cõng bà đi mở đất).

Tôi đã có dịp gặp cựu chiến binh Nguyễn Đức Lạc tại “đại bản doanh” mang tên Hải Phương của ông. Hơn thế nữa, đã từng mục sở thị sự vượt lên chính mình của người lính bộ đội Cụ Hồ này trong kinh doanh cũng như các việc làm tri ân, nghĩa tình với đồng đội và nhân dân, mới hiểu Phạm Quốc Toàn đã tận dụng lợi thế “người trong cuộc” để xây dựng tác phẩm. Văn chương có hai dòng chảy.

Thứ nhất, văn chương hư cấu; thứ hai, văn chương phi hư cấu. “Cõng bà đi mở đất” của Phạm Quốc Toàn thuộc dòng văn chương phi hư cấu. Doanh nhân, cựu chiến binh Nguyễn Đức Lạc và các tướng lĩnh: Nguyễn Minh Ninh, Châu Văn, Mẫn, Nguyễn Tuấn Dũng; các anh hùng: Trần Lê Đông, Lê Văn Kháng, Hoàng Đức Thảo là những con người cụ thể, việc làm cụ thể. Nhưng qua ngòi bút củaPhạm Quốc Toàn, những suy nghĩ và việc làm của họ như những nhân vật bước ra từ tác phẩm văn chương, chạm tới trái tim của người đọc. Rõ ràng, bản thân cuộc sống đa dạng và phức tạp như một dòng chảy này, những điều tốt đẹp với những con người cụ thể và việc làm cụ thể vẫn là dòng chủ lưu trong đời sống tinh thần của xã hội. Có phải không đó là thông điệp của tác giả “Cõng bà đi mở đất”?!

Hướng người đọc tới chân - thiện - mỹ

Tôi đã đọc tác phẩm của Phạm Quốc Toàn cách đây gần nửa thế kỷ, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước bước vào giai đoạn cuối diễn ra quyết liệt và khi chiến tranh vừa kết thúc. Những bài bình luận thời sự quốc tế trên Báo Quân đội nhân dân ký tên: Phạm Quốc Toàn, Quốc Toàn, Hải Vân, Triêu Dương, Tuấn Bằng... đã quen thuộc với bạn đọc từ những nhận định nhanh nhạy, sắc sảo, chuẩn chỉ, thuyết phục. Cuối thập kỷ 80 của thế kỷ trước, khi tôi được điều về Báo Quân đội nhân dân công tác thì Phó Trưởng phòng Thời sự quốc tế, Thiếu tá Phạm Quốc Toàn, do hoàn cảnh riêng đã chuyển công tác về làm Tổng Biên tập Báo Đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo, sau đó là Báo Bà Rịa - Vũng Tàu.

Từ đó, dấu ấn để lại với Phạm Quốc Toàn song hành vừa là tác giả của nhiều bài viết của một nhà báo sắc sảo, yêu nghề, vừa là một nhà quản lý báo chí nhiệt huyết, năng động và luôn thân thiện, gần gũi với mọi người, nhất là đồng đội, đồng nghiệp. Bận công việc quản lý, Tổng Biên tập của nhiều tờ báo; Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam nhiều khóa - Phạm Quốc Toàn “tập trung chuyên môn” định hướng, dẫn dắt hạm tàu báo chí mà mình là thuyền trưởng vượt qua bão bùng, sóng gió. Tuy nhiên, thế mạnh bình luận thời sự, cây bút tiểu phẩm tài hoa của Phạm Quốc Toàn không thể cưỡng được.

Người đọc vẫn thưởng thức các bài bình luận, bút ký, chuyện trào phúng của Phạm Quốc Toàn với các bút danh khác nhau, như Ong Vò Vẽ, Tư Mã Tấu, Út Mũi Né... Nhưng thực sự ngòi bút của nhà báo, nhà văn Phạm Quốc Toàn trở lại chính mình, có đồng nghiệp nói là “nhiệt huyết” và “rực lửa” sau khi ông rời ghế quản lý để dồn sức, tập trung cho “nhả tơ”.

Chỉ trong vòng hơn chục năm gần đây, Phạm Quốc Toàn như gà đẻ trứng vàng, trình làng 23 cuốn sách. Từ tiểu thuyết đến truyện ngắn, tiểu phẩm, tiểu luận, bút ký, tản văn, chuyện trào phúng... tác phẩm nào cũng in đậm dấu ấn Phạm Quốc Toàn: sắc sảo nhìn đời với con mắt nhân hậu, nhân văn; luôn hướng người đọc tới chân - thiện - mỹ. Tuổi cao, tích lũy vốn sống càng nhiều, chịu đi, chịu đọc và chịu viết - một ngòi bút năng nổ, sáng tạo. Điều ấy, chỉ có thể ví đó là sức bền ngọn lửa. Là một người bạn, đồng nghiệp gần gũi, thân thiết, cùng trưởng thành từ môi trường quân đội, xin chúc mừng anh, chúc mừng “đứa con” tinh thần thứ 23 của nhà báo, nhà văn Phạm Quốc Toàn.

Trần Thế Tuyển

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Tạp chí Người Làm Báo trân trọng giới thiệu bài viết của đồng chí Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về xây dựng hệ thống chính trị với tiêu đề : "Tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả".
Đó là nhấn mạnh của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm trong phát biểu tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
Ngày 21/9, diễn đàn Tổng Biên tập năm 2024 với chủ đề “Báo chí giải pháp, hướng đi cho báo chí truyền thống” đã diễn tại tỉnh Bình Thuận. Diễn đàn do Báo Nhà báo và Công luận, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với tỉnh Bình Thuận tổ chức, thu hút sự tham gia hơn 100 đại biểu là lãnh đạo các cơ quan báo chí, các cơ quan quản lý báo chí trên cả nước.
Với tinh thần "Lá lành đùm lá rách", ngày 10/9, Hội Nhà báo Việt Nam ban hành công văn số 457/CV-HNBVN về việc hưởng ứng lời kêu gọi của đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khắc phục thiệt hại do cơn bão số 3.
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top