Quốc hội Việt Nam: Sứ mệnh và tinh thần đổi mới - Bài 2: Đổi mới… để gần dân, vì lợi ích của nhân dân

Việc đổi mới và phát triển của Quốc hội luôn để lại những dấu ấn đậm nét trong mỗi giai đoạn phát triển của đất nước, được đặt trong tổng thể đổi mới hệ thống chính trị, đổi mới tổ chức bộ máy nhà nước, đồng bộ với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

“Đổi mới” trở thành từ khóa đặc biệt được nhắc đến trong các kỳ họp quốc hội thời gian qua. Gần đây nhất, khi thực hiện tuyên thệ trước Quốc hội khóa XV, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã khẳng định: "… tiếp tục đổi mới phương thức, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của Quốc hội vì mục tiêu tối thượng là phụng sự lợi ích của Quốc gia, dân tộc, vì hạnh phúc của Nhân dân...". Và vấn đề "đổi mới" đã được người đứng đầu Quốc hội liên tục nhắc tới trong các phát biểu trước Quốc hội, là sự khẳng định quyết tâm đổi mới mạnh mẽ của Quốc hội trong công tác lập pháp, giám sát, quyết định vấn đề quan trọng của đất nước, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm trong mọi quyết sách, vì sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước.

Mệnh lệnh từ trái tim

Trong suốt cuộc đời phụng sự cách mạng, phụng sự nhân dân của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn thường trực một tư duy đổi mới, luôn thực hành đổi mới. Đơn cử, ngay từ khi nhà nước còn non trẻ, trong vấn đề chấn chỉnh lề lối làm việc, giảm bớt “nạn giấy tờ”, Người đã đặt ra yêu cầu giấy tờ gọn nhẹ, hợp lý. Với các đại biểu Quốc hội giữ cương vị lãnh đạo các cơ quan nhà nước, Người nhấn mạnh việc: “...phải rút bớt thời giờ viết công văn, thêm nhiều thời giờ công tác thực tế” (1).

Sự phát triển của Quốc hội là một quá trình liên tục kế thừa, không ngừng đổi mới và hoàn thiện cả về tổ chức và hoạt động, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của mỗi giai đoạn cách mạng. 

Với tư duy cởi mở về đổi mới, Người quan niệm, chẳng có việc gì là không thể đổi mới, miễn là đổi mới ấy mang lại lợi ích cho dân, cho nước. Trái tim người lãnh đạo cao nhất của đất nước - người đại biểu Quốc hội mẫu mực ấy luôn cùng nhịp đập với dân, với nước, đau đáu với mỗi bước chuyển mình của dân tộc. Gắn liền với hơi thở của cuộc sống, tinh thần đổi mới, dân chủ, thẳng thắn của Quốc hội khóa I, đã trở thành tấm gương để các nhiệm kỳ Quốc hội tiếp theo học tập. Đổi mới trở thành mệnh lệnh trái tim. Bởi, nó là cách thức thực hiện hiệu quả sứ mệnh của cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất và cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân.Và mỗi kỳ họp Quốc hội đi qua lại có những dấu ấn, những đổi mới được cử tri cả nước ghi nhận. Đổi mới cách thức điều hành, đổi mới phương thức chất vấn, đổi mới nội dung các phiên họp các Ủy ban của Quốc hội, đổi mới về công nghệ thông tin, giúp khoảng cách giữa các đại biểu với cử tri ngày càng được thu hẹp, thực sự là những đại biểu của dân, do dân và vì dân,…

Ở mọi giai đoạn phát triển của đất nước, đổi mới để tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội là yêu cầu tiên quyết. Sự đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội, trước hết thể hiện ở việc tiếp tục nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động lập pháp, thể chế hóa kịp thời, đầy đủ, đúng đắn các quan điểm, đường lối, chủ trương phát triển đất nước được Đại hội Đảng XIII xác định cho giai đoạn 2021-2026, 2030 và tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó, tích cực đổi mới quy trình lập pháp, đảm bảo tiến độ và chất lượng chuẩn bị dự án luật; tập trung xác định rõ chính sách pháp luật, chú trọng đánh giá tác động của chính sách, pháp luật đối với các đối tượng điều chỉnh, đảm bảo các luật được thông qua đáp ứng tốt nhu cầu của sự phát triển, hiệu quả và khả thi trong thực tiễn áp dụng, thể hiện được “ý Đảng - lòng dân” trong mỗi đạo luật của Quốc hội.

Cùng với đổi mới nâng cao hiệu quả giám sát của Quốc hội, các cơ quan Quốc hội và của đại biểu Quốc hội; đổi mới phát huy dân chủ, đề cao trách nhiệm trong quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Không ngừng nâng cao chất lượng và hiệu quả các hoạt động nghị trường, tạo bước chuyển mạnh mẽ từ phương thức tham luận sang tranh luận tại các phiên thảo luận, nâng cao tính chuyên nghiệp, tạo sự đồng thuận cao trong hoạt động của Quốc hội.

Đổi mới để chú trọng nâng cao hơn nữa chất lượng đại biểu Quốc hội, coi đây là việc làm có ý nghĩa quyết định trong nâng cao hiệu quả thực hiện chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của Quốc hội. Đồng thời phải đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Quốc hội; hoàn thiện mối quan hệ giữa Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan tư pháp để thực hiện hiệu quả nguyên tắc quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan thực hiện quyền lập pháp, quyền hành pháp và quyền tư pháp trong giai đoạn mới.

Sự phát triển của Quốc hội là một quá trình liên tục kế thừa, không ngừng đổi mới và hoàn thiện cả về tổ chức và hoạt động, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của mỗi giai đoạn cách mạng. Đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội, bảo đảm thực sự là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất. Nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động, tăng tính dân chủ, pháp quyền, chuyên nghiệp trong tổ chức và hoạt động của Quốc hội. Giữ tâm thế đổi mới để Quốc hội luôn chủ động, thích ứng, bắt mạch hơi thở cuộc sống.

Đổi mới mạnh mẽ trong tư duy và cách làm

Tiếp nối tư tưởng phụng sự nhân dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và sau này là Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam qua gần 80 năm xây dựng và phát triển luôn giữ vững và phát huy tinh thần vì nhân dân phục vụ. Quốc hội khóa XV được cử tri cả nước bầu ra trong bối cảnh tình hình khu vực, thế giới diễn biến phức tạp, khó dự báo. Cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn tiếp tục có những điều chỉnh cả về mức độ và phương thức. Những thuận lợi, khó khăn nêu trên, đặt ra cho Quốc hội, trước hết là Quốc hội khóa XV sứ mệnh to lớn, đó là phải khẩn trương thể chế hóa đường lối, chủ trương, chính sách được Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng thông qua thành pháp luật của Nhà nước, góp phần đưa chủ trương, chính sách đó vào cuộc sống.

Đổi mới mạnh mẽ trong tư duy và cách làm là thông điệp rõ nét nhất của Chủ tịch Quốc hội  Vương Đình Huệ xuyên suốt từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội đến nay. 

Để đảm nhiệm tốt vai trò là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, phát biểu trước Quốc hội tại phiên họp trọng thể đầu tiên của Quốc hội khóa XV, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu Quốc hội “tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức hoạt động.”

Thực hiện theo tinh thần này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ bản thân Quốc hội phải luôn luôn tự đổi mới và tự hoàn thiện. Hiệu quả hoạt động của Quốc hội được đo lường bằng kết quả các kỳ họp của Quốc hội, hiệu quả tổ chức hoạt động của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, bằng chất lượng hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội và từng đại biểu Quốc hội…

Đồng thời hết sức nhấn mạnh rằng: Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được quy định trong Hiến pháp, pháp luật; phát huy truyền thống 75 xây dựng và phát triển, kế thừa những kinh nghiệm, thành tựu của các khóa trước, Quốc hội nhận thức sâu sắc niềm tin, sự kỳ vọng của cử tri, thấy rõ những khó khăn, thuận lợi, thời cơ, đặc biệt trong bối cảnh đất nước đang đứng trước những thách thức chưa có tiền lệ; quán triệt sâu sắc ý kiến chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, tiếp tục phát huy cao độ tinh thần trách nhiệm, gần dân, trọng dân, cầu thị, lắng nghe ý kiến của nhân dân. Phát huy tối đa năng lực, bản lĩnh, trí tuệ, quyết tâm đổi mới, sáng tạo, bám sát thực tiễn nhằm tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội, ban hành quyết sách đúng đắn, kịp thời, hợp.

Không chỉ cứng nhắc một năm 2 kỳ họp theo kiểu xuân thu nhị kỳ, không còn nhiều hình ảnh sa đà đọc báo cáo dài dòng, chuẩn bị sẵn với nội dung lan man, thiếu tập trung, các kỳ họp Quốc hội gần đây đã thể hiện sự cải tiến, linh hoạt và sôi nổi hơn với chất lượng được nâng lên. Tuy vậy, để giải quyết một khối lượng công việc lớn trong một thời gian họp gói gọn, đặc biệt thích ứng nhanh, kịp thời với những biến đổi và yêu cầu thực tiễn khách quan, việc tiếp tục đổi mới kỳ họp Quốc hội là nội dung quan trọng được đặt ra trong nhiệm kỳ Quốc hội khoá 15. Đổi mới mạnh mẽ trong tư duy và cách làm là thông điệp rõ nét nhất, xuyên suốt từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội đến nay.

Kết quả tất yếu của sự nhận thức sâu sắc việc đổi mới của Quốc hội là quá trình liên tục, không ngừng nghỉ, trong hai năm đầu nhiệm kỳ khóa XV, kết quả hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn đã được tiến hành sôi nổi, dân chủ, trách nhiệm, thẳng thắn với 923 lượt đại biểu tham gia chất vấn tại 04 kỳ họp Quốc hội và 04 phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Qua đây, nhiều vấn đề tồn tại, vướng mắc, bức xúc về kinh tế - xã hội đã được kịp thời xem xét, giải quyết; nhiều nhiệm vụ, giải pháp quan trọng được đề ra, trong đó, đã kịp thời điều chỉnh một số quy định hiện hành chưa phù hợp, tháo gỡ các tồn tại, bất cập trước mắt và cả những vấn đề có tính chiến lược, căn cơ, lâu dài, tiếp tục kiến nghị để hoàn thiện hệ thống pháp luật; nhờ vậy, nhiều lĩnh vực có chuyển biến tích cực, góp phần vượt qua khó khăn, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Cũng thông qua hoạt động chất vấn, nhiều vị Bộ trưởng, Trưởng ngành có cơ hội giải trình minh bạch các thể chế, chính sách, nhận diện rõ hơn những bất cập, hạn chế trong quá trình thực thi pháp luật, không ngừng nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu trong việc khắc phục hạn chế, tồn tại. Những kết quả này tiếp tục khẳng định chất vấn là hình thức giám sát đặc biệt hiệu quả, thể hiện đậm nét tính dân chủ, pháp quyền, chuyên nghiệp, công khai, minh bạch và là một khâu trọng tâm, then chốt để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội -  Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Một luồng sinh khí mới tích cực, tiến bộ mang tên “đổi mới” với tinh thần đoàn kết, quyết tâm đổi mới, sáng tạo, tận dụng thời cơ, phát huy thế mạnh, nỗ lực vượt khó, chúng ta tin tưởng Quốc hội khóa XV sẽ tiếp tục hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ cách mạng trước Đảng, Nhân dân, cử tri cả nước; thực hiện tốt các chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Hiến pháp năm 2013, góp phần quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, thực sự là Quốc hội của Nhân dân, vì Nhân dân, xứng đáng với niềm tin, kỳ vọng của Nhân dân và cử tri cả nước.

(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập SĐD, T.7, tr264.

(Còn tiếp)

Bài 3: Dấu ấn giữa nhiệm kỳ

Nam Giao

 

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Tạp chí Người Làm Báo trân trọng giới thiệu bài viết của đồng chí Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về xây dựng hệ thống chính trị với tiêu đề : "Tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả".
Đó là nhấn mạnh của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm trong phát biểu tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
Ngày 21/9, diễn đàn Tổng Biên tập năm 2024 với chủ đề “Báo chí giải pháp, hướng đi cho báo chí truyền thống” đã diễn tại tỉnh Bình Thuận. Diễn đàn do Báo Nhà báo và Công luận, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với tỉnh Bình Thuận tổ chức, thu hút sự tham gia hơn 100 đại biểu là lãnh đạo các cơ quan báo chí, các cơ quan quản lý báo chí trên cả nước.
Với tinh thần "Lá lành đùm lá rách", ngày 10/9, Hội Nhà báo Việt Nam ban hành công văn số 457/CV-HNBVN về việc hưởng ứng lời kêu gọi của đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khắc phục thiệt hại do cơn bão số 3.
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top