Phục hồi kinh tế - Chủ động thích ứng và bền vững
14:19 02/10/2021
- Kinh tế
Theo ông Vũ Tiến Lộc, mỗi địa phương và doanh nghiệp hãy chuẩn bị cho mình kịch bản về kế hoạch sống chung và phục hồi nền kinh tế của riêng mình, gắn với đặc điểm, điều kiện của mỗi địa phương, doanh nghiệp.
Hội thảo trực tuyến Bức tranh kinh tế Việt Nam và Đồng bằng sông Cửu Long Dự báo kinh tế quý IV và triển vọng năm 2022
Phục hồi kinh tế là yêu cầu sống còn - đây là một trong nhiều nội dung quan trọng được đưa ra tại Hội thảo “Bức tranh kinh tế Việt Nam và Đồng bằng sông Cửu Long: Dự báo kinh tế quý IV và triển vọng năm 2022” được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh tại Cần Thơ phối hợp cùng Cơ quan Thường trú Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) tại ĐBSCL và Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) tổ chức ngày 1/10 bằng hình thức trực tuyến.
Phát biểu tại phiên khai mạc Hội thảo, ông Đỗ Tiến Sỹ - Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, khôi phục phát triển sản xuất là yêu cầu sống còn.
Bày tỏ sự tin tưởng vào các giải pháp của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ trong tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, Tổng Giám đốc VOV cũng cho rằng bên cạnh các giải pháp vĩ mô thì chính các doanh nghiệp cũng phải có sự "thích ứng".
Ông Đỗ Tiến Sỹ nhấn mạnh: "Những giải pháp từ phía cơ quan quản lý là chưa đủ, chúng ta còn một điều kiện nữa, đó là sự chủ động thích ứng từ phía doanh nghiệp: thích ứng an toàn để vượt qua dịch bệnh, thích ứng với đòi hỏi mới từ thị trường, thích ứng với sự phát triển công nghệ, với biến đổi khí hậu… Rõ ràng là khái niệm “thích ứng an toàn” mà Thủ tướng nhấn mạnh nhiều lần thời gian qua không chỉ bó hẹp trong đối phó với dịch, mà còn có ý nghĩa về lâu dài cho phát triển".
Xuất khẩu là điểm sáng kinh tế hiếm hoi trong 9 tháng qua
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam dẫn số liệu từ Tổng cục Thống kê cho biết, 94% doanh nghiệp trong nước đang gặp khó khăn về dịch bệnh. Tại 19 tỉnh thành phố phía Nam, 98% doanh nghiệp thiệt hại nặng nề, đặc biệt ở vùng Đông Nam bộ và ĐBSCL...
Ông Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh, với chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đến nay, dịch bệnh đã được kiểm soát bước đầu tại các địa phương. Cơ hội ngàn vàng để có thể nới lỏng giãn cách, mở cửa thị trường, tái khởi động nền kinh tế đã đến. Mở cửa là con đường không thể nào khác được.
Cũng với ý phải chủ động thích ứng, ông Vũ Tiến Lộc nêu rõ: "Chúng ta chờ đợi cẩm nang hướng dẫn “sống chung” cũng như chờ đợi bản kế hoạch của Trung ương về tái khởi động, phục hồi nền kinh tế. Nhưng chúng ta không thể ngồi yên, mỗi địa phương và doanh nghiệp hãy chuẩn bị cho mình kịch bản về kế hoạch sống chung và phục hồi nền kinh tế của riêng mình, gắn với đặc điểm, điều kiện của mỗi địa phương, doanh nghiệp".
Ông Lê Minh Hoan, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, câu chuyện liên kết vùng ĐBSCL trước giờ được nhắc đến nhiều, nhưng nhìn lại về liên kết trong suốt thời gian qua thì vẫn chưa đủ, mặc dù đã có Nghị quyết 120 về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu; còn nhiều lúng túng trong việc điều hành liên kết vùng.
Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, phải chăng đã đến lúc phải tư duy lại về không gian phát triển vùng. Chính quyền và doanh nghiệp cũng cần phải ngồi lại để kiến tạo ra một không gian phát triển, giúp định hướng chiến lược phát triển dài hạn, gắn kết và tạo ra giá trị rất lớn của từng ngành hàng.
"Nếu chỉ một bên tuân thủ, một bên kiểm soát thì nó khác, còn nếu hai bên ngồi lại cùng tạo ra một không gian để phát triển một cách bền vững. Rồi sự liên kết giữa doanh nghiệp với người sản xuất phải bền chặt hơn chứ không phải qua từng mùa vụ, doanh nghiệp thì đi mua theo từng mùa vụ, người nông dân sản xuất theo từng mùa vụ, sự thấp thỏm đó kéo theo câu chuyện mù mờ về lòng tin, về thị trường bền vững. Do đó, tam giác phát triển là một động lực mà sau đại dịch Covid-19 này chúng ta cần đẩy mạnh hơn", Bộ trưởng Lê Minh Hoan nêu rõ.
Sau khi mở cửa cần đẩy mạnh đầu tư công để thúc đẩy phát triển nền kinh tế
Cũng trả lời câu hỏi của doanh nghiệp về không gian phát triển vùng và từ thực tế đứt gãy các chuỗi cung ứng thời gian qua, ông Vũ Tiến Lộc cho rằng: "Các cơ quan chính quyền chỉ đóng vai trò mở đường bằng chính sách, bằng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Còn việc thực hiện liên kết vùng chính là các doanh nghiệp, chính là các chuỗi cung ứng được thiết lập, sẽ là dòng chảy để liên kết vùng. Nền kinh tế của chúng ta trong thị trường không thể là phép cộng của nền kinh tế địa phương. Các địa phương không có nền kinh tế riêng theo kiểu đóng kín cộng vào thì thành nền kinh tế cả nước. Mà các nền kinh tế trong nền kinh tế của chúng ta chính là các chuỗi cung ứng".
Ông Nguyễn Xuân Thành, Trường Chính sách công và Quản lý, Đại học Fulbright Việt Nam cho rằng, cần phải mở cửa ngay từ bây giờ và phải mở cửa bền vững. Nếu mở rồi lại đóng thì không những không phục hồi mà còn dẫn đến thiệt hại nặng nề hơn.
Theo ông Nguyễn Xuân Thành, dịch vụ vận tải, dịch vụ logistics phát triển chính là yếu tố then chốt thúc đẩy cho “dòng chảy” hàng hóa xuất khẩu được thông suốt. Tuy nhiên, do giãn cách xã hội, các tỉnh thành có quy định hàng hóa lưu thông vào địa phương khác nhau, khiến đây vẫn đang là “điểm yếu” để khôi phục lại sau dịch tại ĐBSCL, muốn khôi phục thì logistics phải được thông suốt, liên vùng.
"Cứ mỗi lần thay đổi địa điểm, lộ trình lại phải đi xin phép thì không thể nào có được lộ trình vận tải logistics xuyên suốt để “bình thường mới” được. Cần thay đổi quan điểm nếu như người điều khiển phương tiện vận tải và lao động logistics đã tiêm đủ vaccine thì chỉ cần chứng nhận đó thôi, không cần xin phép gì nữa. Nếu không có nữa thì chỉ cần đưa ra giấy xét nghiệm âm tính trong 72 giờ, đó chính là các tiêu chí an toàn mà thống nhất được tất cả địa phương trong vùng, để có thể lưu thông, hoạt động vận tải logistics liên tỉnh, liên vùng", ông Thành nêu quan điểm.
Với những khó khăn còn đang ở phía trước đối với các doanh nghiệp khi bước vào hoạt động sản xuất trong giai đoạn sắp tới, các diễn giả, chuyên gia kinh tế đã phân tích, làm rõ những vấn đề đặt ra để khôi phục kinh tế, về thị trường trong nước và thế giới, chuỗi cung ứng của doanh nghiệp; đồng thời, đề ra những biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp, tái khởi động và phục hồi như mở cửa thị trường, đẩy mạnh cải cách thể chế, cải cách hành chính, nghiên cứu thành lập Trung tâm nghiên cứu biến đổi khí hậu tại ĐBSCL...
Mặc dù dự báo sẽ còn nhiều khó khăn, ông Vũ Tiến Lộc đã chỉ ra những điểm sáng: "Trong thời gian tới, dệt may, giầy dép hay chế biến thủy sản sử dụng nhiều lao động vẫn là thế mạnh của nước ta. Ít ra trong thời gian trung hạn vẫn còn có lợi thế lớn nên vẫn cố gắng duy trì, tiếp tục đầu tư trong lĩnh vực này vì nó liên quan tăng trưởng của chúng ta, liên quan việc làm và ngân sách của nước ta".
Khẳng định Đài Tiếng nói Việt Nam luôn là người bạn đồng hành tin cậy, tích cực, sáng tạo và có trách nhiệm của cộng đồng doanh nghiệp, Tổng Giám đốc VOV Đỗ Tiến Sỹ bày tỏ: "Quan trọng là chúng ta có một cộng đồng doanh nghiệp đầy khát vọng vươn lên. Những nền tảng này và bằng những việc làm cụ thể vừa qua của toàn hệ thống chính trị, chúng ta có niềm tin sâu sắc rằng, cộng đồng doanh nghiệp với nhiều thành phần khác nhau nhất định sẽ cùng vượt qua khó khăn, tiếp tục xây dựng nên một Việt Nam giàu mạnh"./.
Theo VOV
Bình luận: 0
Tin tức liên quan
- SHB lần thứ 4 lọt tốp 10 doanh nghiệp báo cáo thường niên tốt nhất ngành Tài chính (03:34 21/11/2024)
- BIDV - doanh nghiệp có môi trường làm việc tốt nhất Việt Nam (01:04 20/11/2024)
- BIDV và VRG hợp tác toàn diện giai đoạn 2024 - 2029 (12:25 20/11/2024)
- VPBank khai trương phòng chờ sân bay siêu VIP dành cho nhóm khách hàng thượng lưu (07:17 20/11/2024)
- Tập đoàn Đại Dũng và BIDV ký kết thỏa thuận hợp tác toàn diện (05:11 19/11/2024)