Phát huy vai trò của báo chí trong phòng, chống tham nhũng
Cơ sở pháp lý của việc báo chí tham gia phòng, chống tham nhũng
Vai trò của báo chí trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã được khẳng định trong các Nghị quyết, Văn kiện của Đảng nhiều văn bản quy phạm pháp luật.
Văn kiện Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh: “Nâng cao vai trò phát huy tính tích cực, chủ động và phối hợp của Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị - xã hội, nhân dân, doanh nghiệp, báo chí trong phát hiện, đấu tranh phòng, chống tham nhũng”(1) .
Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 đã quy định trách nhiệm của cơ quan báo chí và nhà báo trong phòng, chống tham nhũng tại Điều 75: “1. Cơ quan báo chí, nhà báo có trách nhiệm đấu tranh chống tham nhũng, đưa tin về hoạt động phòng, chống tham nhũng và vụ việc tham nhũng; 2. Cơ quan báo chí, nhà báo có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền cung cấp thông tin liên quan đến hành vi tham nhũng. Cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân được yêu cầu có trách nhiệm cung cấp thông tin theo quy định của pháp luật về báo chí và quy định khác của pháp luật có liên quan; 3. Cơ quan báo chí, nhà báo có trách nhiệm phản ánh khách quan, trung thực và chấp hành các quy định khác của pháp luật về báo chí, quy tắc đạo đức nghề nghiệp khi đưa tin về hoạt động phòng, chống tham nhũng và vụ việc tham nhũng”. Ngoài ra, Điều 13 Luật phòng, chống tham nhũng còn quy định cụ thể về việc họp báo, phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí về công tác phòng, chống tham nhũng. Điều 14 Luật phòng, chống tham nhũng quy định về trách nhiệm của cơ quan, đơn vị, tổ chức, đơn vị cung cấp thông tin về tổ chức và hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị đó cho cơ quan báo chí. Điều 15 Luật phòng, chống tham nhũng quy định về trách nhiệm giải trình của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc người được phân công, người được ủy quyền hợp pháp để thực hiện trách nhiệm giải trình.
Điều 4, Luật Báo chí năm 2016 cũng nêu rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của báo chí, trong đó có nhiệm vụ “Phát hiện, nêu gương người tốt, việc tốt, nhân tố mới, điển hình tiên tiến; đấu tranh phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật và các hiện tượng tiêu cực trong xã hội”. Như vậy, nhiệm vụ phòng chống tham nhũng, tiêu cực của báo chí đã được luật hóa.
Thực tế thời gian qua, rất nhiều vụ việc tham nhũng, tiêu cực do báo chí phanh phui, phát hiện và chuyển đến các cơ quan có trách nhiệm xử lý như: Vụ “con bạc triệu đô” Bùi Tiến Dũng và tiêu cực lớn ở PMU18; vụ cán bộ lãnh đạo thị xã Đồ Sơn (nay là quận Đồ Sơn, Hải Phòng) chia chác hàng chục mảnh đất trị giá hàng tỷ đồng; vụ siêu lừa đảo Nguyễn Đức Chi cùng dự án Rusalka, Khánh Hòa; vụ đề án tin học hóa các hoạt động hành chính (Đề án 112); vụ vi phạm trong giải phóng mặt bằng cầu Thanh Trì (Hà Nội); vụ chạy hạn ngạch (quota) dệt may tại Bộ Thương mại; vụ trục lợi bảo hiểm xảy ra tại Công ty Cổ phần bảo hiểm Petrolimex (PJICO); vụ Ban quản lý dự án đại lộ Đông - Tây và Môi trường nước TP. Hồ Chí Minh; dự án xây dựng cầu Bãi Cháy; vụ Vinashin; vụ Dương Chí Dũng; một số vụ việc tham nhũng liên quan đến đất đai mới đây...
Thực tiễn đã khẳng định báo chí có vai trò tiên phong, vai trò xung kích trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Theo quy định của pháp luật hiện hành, báo chí không có thẩm quyền điều tra hoặc thanh tra như các cơ quan bảo vệ pháp luật. Báo chí cũng không có bộ máy, các thiết chế vũ trang, vũ khí hoặc công cụ hỗ trợ khác để tiến hành các hoạt động điều tra hay thanh tra. Tuy nhiên, báo chí lại có nhiều hình thức để phát hiện những vụ việc tham nhũng, tiêu cực. Ví dụ như qua thư bạn đọc gửi đến cơ quan báo chí, phóng viên; thông qua việc tiếp nhận các phản ánh, tố cáo của người dân, báo chí xác minh để tìm ra các tài liệu, chứng cứ xác thực để chuyển tới công luận và các cơ quan tư pháp. Qua hoạt động nghiệp vụ, báo chí có thể phát hiện được những biểu hiện tiêu cực, tham nhũng và thực hiện những biện pháp điều tra đặc thù của mình để đưa lên công luận. Điển hình là trong vụ án Trịnh Xuân Thanh, báo chí đã có vai trò rất quan trọng trong việc phát hiện, điều tra vụ việc có dấu hiệu tham nhũng. Thông qua việc đưa ra hàng loạt các câu hỏi nghi vấn, báo chí đã cho thấy sự vô lý trong câu trả lời của Trịnh Xuân Thanh, từ đó tiếp tục tìm ra nhiều sự thật khác liên quan đến nhân vật này.
Không chỉ phát hiện tham nhũng tiêu cực, báo chí còn đóng vai trò rất quan trọng trong việc hình thành, phát triển ý thức phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cho nhân dân. Báo chí có thể truyền tải thông tin về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thông qua rất nhiều kênh khác nhau như: Các xuất bản phẩm chính thức về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; các phương tiện thông tin đại chúng đưa tin về các vụ việc tham nhũng, tiêu cực; sách, báo lý luận, thực tiễn về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; phim ảnh có nội dung về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; giao tiếp giữa các cá nhân, các chuyên gia, nhà quản lý về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; giáo dục, đào tạo về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trên báo chí v.v...
Báo chí tạo ra các diễn đàn để người dân, phản ánh những kiến nghị; đề xuất về chính sách, về những quy định pháp luật chưa thực sự phù hợp với thực tiễn cuộc sống. Việc vận động nhân dân tham gia phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của báo chí nhằm hai mục tiêu xây và chống; xây là vận động nhân dân tham gia phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực; chống tham nhũng, tiêu cực là vận động nhân dân giám sát cán bộ, đảng viên với hình thức theo dõi, phản ánh, tố cáo, tố giác, báo tin nhanh về hành vi tham nhũng.
Báo chí phản ánh những tồn tại, bất cập để các cơ quan chức năng phải tăng cường trách nhiệm trong quá trình thực hiện nhiệm vụ thanh tra, truy tố, xét xử hành vi tham nhũng, tiêu cực. Ngoài ra, báo chí cũng phản ánh đa chiều, khách quan, công bằng về các vụ việc liên quan đến tham nhũng, tiêu cực.
Nhà nước ta cũng đã thể hiện sự vinh danh với báo chí trong phòng, chống tham nhũng qua các giải báo chí. Giải báo chí toàn quốc “Báo chí với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí” được dư luận đánh giá cao và có những tác động tích cực với xã hội và những người làm báo.
Cần có cơ chế phối hợp bảo vệ nhà báo và xử lý sai phạm
Hoạt động của báo chí cách mạng Việt Nam trong những năm gần đây đã khẳng định vai trò xung kích, đi đầu của các nhà báo trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của nhân dân. Báo chí vừa là tai mắt của Đảng, vừa là cầu nối giữa Đảng với nhân dân trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, trong quá trình thực thi nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, nhiều cơ quan báo chí, nhiều nhà báo gặp phải không ít khó khăn do thiếu thông tin, thiếu cơ chế bảo vệ, cơ chế phối hợp xử lý sai phạm. Điều đáng buồn là một số cơ quan báo chí chưa phản ánh được một cách đầy đủ, kịp thời những hiện tượng, vụ việc tham nhũng tiêu cực, lãng phí mà nhân dân đã phát hiện, đã cung cấp thông tin. Trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của cơ quan báo chí nhiều khi còn thiếu chính xác, thiếu khách quan, làm khó khăn cho các cơ quan bảo vệ pháp luật. Đồng thời có lúc có nơi còn làm tổn hại đến quyền và lợi ích của cá nhân, cơ quan, tổ chức... Nhiều vụ việc được báo chí phát hiện, nêu ra nhưng lại không được theo đuổi đến nơi đến chốn, làm suy giảm lòng tin của người tố cáo, cung cấp thông tin cho báo chí, trông cậy vào báo chí.
Đặc biệt, việc cung cấp thông tin cho báo chí về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đang tồn tại nhiều bất cập. Nhiều thông tin mà các cơ quan báo chí rất cần để tuyên truyền, cung cấp bản chất các vụ việc tham nhũng, tiêu cực nhưng báo chí lại không có điều kiện tiếp cận, không được biết. Thậm chí, người cung cấp thông tin cũng không bảo đảm an toàn cho báo chí. Ví dụ, theo Luật Tố cáo hiện hành thì cơ quan báo chí, phóng viên có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến hành vi tham nhũng. Cơ quan, tổ chức, cá nhân được yêu cầu có trách nhiệm cung cấp thông tin, tài liệu đó theo quy định của pháp luật, trường hợp không cung cấp phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do. Tuy nhiên, thực tế lại chưa có chế tài để xử lý những tập thể, cá nhân không cung cấp thông tin cho báo chí.
Nhà báo tham gia vào đề tài phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là chấp nhận sự nguy hiểm, rủi ro lớn. Nhưng cơ chế bảo vệ họ lại thiếu chặt chẽ. Ngay cả nguồn tin cho báo chí cũng thiếu sự bảo vệ một cách an toàn. Vướng mắc và cũng là nguyên nhân của những hạn chế, khó khăn nêu trên, là do còn thiếu cơ chế bảo vệ nhà báo trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Những lý do trên cũng dẫn đến một thực tế đáng buồn là gần đây, số vụ việc tham nhũng, tiêu cực do báo chí phát hiện, phanh phui có chiều hướng suy giảm.
Một số đề xuất, kiến nghị
Để phát huy hơn nữa vai trò của các cơ quan báo chí, các nhà báo trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, trong thời gian tới, xin đề xuất một số giải pháp, kiến nghị sau đây:
Thứ nhất, cần hoàn thiện thể chế để các cơ quan báo chí, các nhà báo chủ động tham gia đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Thực tế hiện nay nhiều nhà báo, nhiều cơ quan báo chí ngại tham gia đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực vì tâm lý sợ gánh chịu hậu quả, vì người bị tố cáo có chức vụ, quyền hạn và có vị thế cao trong xã hội. Khả năng bị đánh đập, bị hăm dọa, bị gây nguy hiểm đến tính mạng và người thân trong gia đình là hoàn toàn có thể xảy ra. Vì thế rất cần có cơ sở pháp lý đầy đủ để cung cấp thông tin, bảo vệ các nhà báo, các cơ quan báo chí trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Cần xác định rõ trong các quy định của pháp luật, phóng viên báo chí tham gia phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thì được bảo vệ như thế nào; nguyên tắc, cơ chế phối hợp và hợp tác giữa các cơ quan nhà nước và tổ chức, cá nhân trong phòng, chống tham nhũng; xây dựng cơ chế đối thoại và tham vấn thường xuyên giữa nhà nước và người dân, các tổ chức xã hội.
Các cơ quan bảo vệ pháp luật phải coi việc nhà báo thực thi nhiệm vụ đúng pháp luật là thi hành công vụ. Có như vậy mới xử lý nghiêm minh và ngăn chặn được những hành vi cản trở, hành hung nhà báo hành nghề đúng pháp luật. Đây đang là vấn đề báo giới quan tâm và lo lắng trong hành nghề.
Thứ hai, chú trọng đào tạo và đào tạo lại các phóng viên báo chí chuyên sâu về lĩnh vực phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, chú trọng lương tâm của người cầm bút với nhân dân, Tổ quốc.
Yếu tố quyết định đến hiệu quả của truyền thông trong việc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực nằm ở chính việc xây dựng một đội ngũ làm truyền thông có tâm, có tầm và có tài. Thực tế, nhiều phóng viên đưa thông tin chưa khách quan, chưa chính xác, làm sai lệch bản chất vụ việc, đưa ra những bình luận vượt quá thẩm quyền của báo chí. Có trường hợp như vậy vì phóng viên báo chí còn hạn chế về năng lực, có động cơ cá nhân hoặc cạnh tranh, câu khách giữa các cơ quan truyền thông.
Thứ ba, cần có cơ chế cho báo chí theo dõi quá trình xử lý các vụ việc tham nhũng, tiêu cực để thông tin kịp thời cho nhân dân, sau khi họ đã cung cấp thông tin cho báo chí.
Sự tham gia của người dân có ý nghĩa rất quan trọng vừa bảo đảm dân chủ, vừa tạo lập sự ủng hộ, tin tưởng của người dân, vừa thông qua đó có thể giáo dục cho công chúng, vừa tận dụng được trí tuệ, chất xám, ý kiến của người dân. Không những thế, sự tham gia của người dân còn là điều kiện, là môi trường tốt cho văn hóa công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình.
Thứ tư, cần tăng cường sự phối hơp giữa các cơ quan báo chí với các cơ quan chức năng về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Các cơ quan phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cần tăng cường phối hợp với các cơ quan báo chí để cung cấp, trao đổi thông tin về những lĩnh vực, địa bàn, tổ chức, cá nhân có dấu hiệu tham nhũng, tiêu cực qua thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình để phản ánh, tham mưu, đề xuất, kiến nghị xử lý; tăng cường phối hợp xây dựng các chuyên đề, phóng sự chuyên sâu về các vụ án, vụ việc tham nhũng tiêu cực, vừa để xử lý nghiêm minh, vừa rút ra những bài học kinh nghiệm, khắc phục những sơ hở, bất cập về thể chế, pháp luật.
Đỗ Phú Thọ
(1) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H,2011,t.2,tr146.