Ông Cơ Còi làm báo “Phá ngục” ở Côn Đảo
18:16 01/11/2018
- Báo chí & Công chúng

Cuốn sách "Ông Cơ Còi làm báo “Phá ngục” ở Côn Đảo" mới được NXB Quân đội nhân dân xuất bản
Bản thân tên sách đã mang đậm phong cách báo chí hiện đại qua cách đặt vấn đề trực tiếp, rõ ràng, giàu thông tin nhưng không kém phần khơi gợi trí tò mò. Chỉ riêng tên tờ báo là “Phá ngục”, nhưng lại được làm ở trong nhà ngục Côn Đảo đã khiến người đọc hình dung ngay ra sự khắc nghiệt và tự hỏi: Tờ báo ấy được làm như thế nào?
Người đặt “nền móng” cho tờ “Phá ngục” chính là ông Cơ Còi. Ông Cơ Còi, tên là Đặng Đức Hòa, sinh năm 1920, quê Thái Bình, từng đỗ tú tài thời Pháp. Ông tham gia giành chính quyền năm 1945 rồi được giác ngộ, tham gia công tác cách mạng. Trong kháng chiến chống Pháp, ông công tác tại Ban Tuyên huấn Trung ương Đảng ở Chiến khu Việt Bắc.
Đầu năm 1951, Đặng Đức Hòa được giao nhiệm vụ xuống Liên khu Ba đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng dịch tin bài cho anh em làm báo về tư duy chính trị. Trên đường đi công tác, ông rơi vào ổ phục kích của địch, bị thực dân Pháp bắt và đưa thẳng về nhà tù Hỏa Lò. Tại đây, ông được Ban Chi ủy nhà tù Hỏa Lò phân công làm chủ bút tờ “Lửa thiêng”. Nhưng sau một lần bị bại lộ, ông bị liệt vào nhóm tù nguy hiểm và bị chúng đày ra Côn Đảo.
Và tờ “Phá ngục” đã gắn với tên tuổi của Đặng Đức Hòa với bí danh Cơ Còi. Cái tên Cơ có từ khi ông vào khám Hỏa Lò, với mục đích tránh cho gia đình ở địa phương bị liên đới, nhưng vì ông có vóc người nhỏ lại có tiếng nói thì to như còi nên được gắn thêm chữ còi phía sau.
Bắt tay vào làm cuốn sách này, PGS, TS. Nguyễn Ngọc Oanh xuất phát từ việc mến mộ một người cộng sản tri thức khiêm tốn nên có ý định tái hiện lại một quãng đời hoạt động cách mạng gắn với việc làm báo của ông Đặng Đức Hòa qua một bài viết ngắn. Tuy nhiên, khi tiếp cận với nguồn tư liệu quý hiếm, PGS,TS Nguyễn Ngọc Oanh thực sự bất ngờ, anh đã kiên trì mở rộng khai thác tư liệu, động viên ông Đặng Đức Hòa cùng đồng đội cũ phục dựng lại ký ức về quãng thời gian làm báo trong tù ngục.
Từ vốn tư liệu quý giá đó, triển khai thành cuốn sách với bố cục 3 phần: Chuyện làm báo trong tù; Một số bài viết bài nói có liên quan đến tờ phá ngục ở Côn Đảo; Một số sáng tác trong nhà tù Côn Đảo. Trong đó, đặc biệt chú ý là ở Phần 1 cuốn sách, 11 bài viết được sắp xếp một cách trình tự, khoa học theo từng chủ đề: Người chủ bút tờ báo, chất liệu làm báo, nội dung và nội dung trọng tâm, đối tượng đọc, cách thức tổ chức nội dung và trình bày; vai trò của báo và những bài học kinh nghiệm vô cùng quý giá.
Bạn đã bao giờ hình dung trong điều kiện bị kiểm soát gắt gao nhưng những người tù vẫn cho ra được một tờ báo? Họ đã làm gì và làm như thế nào? Những người tù cộng sản chưa bao giờ bị hoàn cảnh khuất phục. Họ đã nghĩ ra việc thu lượm lõi bút chì và vỏ bao thuốc lá của bọn cai ngục, giấu lõi bút chì vào hậu môn để tránh bị lục soát, phát hiện, rồi dùng lõi chì cắm vào nhánh cây để viết trên vỏ bao thuốc lá.
Sau này những nguyên liệu đó khó kiếm quá, lại phải để dành ưu tiên cho việc soạn tài liệu tuyên truyền cách mạng, họ dùng san hô, đá vôi nung thành phấn và viết lên mặt sàn xi măng trước cửa nhà vệ sinh của tù nhân - nơi mà bọn cai ngục ít để mắt đến nhất. Báo được xuất bản mỗi tuần một kỳ, mỗi “tờ báo” chỉ xuất hiện ở mỗi cửa vệ sinh của mỗi phòng giam 1 đêm, từ 21 giờ đêm bắt đầu làm, đến 1 giờ sáng hoàn thành, thời gian anh em tù nhân đọc báo từ 1 giờ sáng đến 5 giờ sáng. Sau đó, một nhóm được phân công sẽ dấp nước vào bao tải, kéo lê trên sàn để xóa hết dấu vết.
Bằng giờ hôm sau, quy trình làm báo sẽ được thực hiện lặp lại ở phòng giam tù chính trị tiếp theo. Dây chuyền xuất bản chặt chẽ, ăn ý và tuyệt đối giữ bí mật này tiến hành từ thứ hai đến thứ năm, lần lượt báo được xuất bản ở hết bốn phòng giam tù chính trị. Và như vậy, bắt buộc anh em trong ban biên tập phải nhớ hết nội dung, cách trình bày để làm sao 4 phòng giam đều được đọc một thông tin thống nhất.
Về nội dung, báo dành trọng tâm cho những vấn đề bên trong nhà tù, tuyên truyền chủ trương của Đảng ủy Đảo (còn gọi là Đảo ủy), những bài học chính trị, kêu gọi tinh thần đoàn kết không phân biệt tù chính trị hay tù án để chống lại kẻ thù chung là thực dân Pháp…, báo còn dành đăng thông tin thời sự ngoài nhà tù, về tình hình chiến sự, các trận đánh, chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, tình hình quốc tế. Những thông tin này được khai thác từ số tù nhân mới vào, hay từ những người dân và cai ngục thuộc đối tượng “cảm tình cách mạng”, sau đó được anh em tổng hợp, biên tập lại thành những tin ngắn cho dễ đọc dễ nhớ.
Cũng trong phần 1, cuốn sách đã tái hiện cuộc vượt ngục ngày 12-12-1952 của các chiến sĩ cộng sản. Nhân việc tù nhân bị điều động đi làm đường tại khu Bến Đầm, cách xa khu vực nhà giam hơn 10km nên địch bố trí cho anh em tù ngủ lại lán trại gần công trường trong một thời gian dài, Đảo ủy đã lên phương án phá ngục, phổ biến kế hoạch, chuẩn bị tư tưởng, quân sự, hậu cần, các phương án tác chiến, đồng thời bí mật đóng thuyền… chờ thời cơ thuận lợi vào mùa gió chướng thì dong buồm vượt biển về đất liền.
Kế hoạch trưa ngày 12/12/1952 không diễn ra như mong đợi do hiệp đồng tác chiến chưa chặt chẽ, buộc họ phải chuyển sang phương án 2: giải thoát một bộ phận nổi dậy tại Bến Đầm và Mũi Cá mập khoảng 200 người, lên 5 chiếc thuyền vượt biển. Không may, gió chướng đột ngột đổi chiều, thổi ngược so với hướng di chuyển vào đất liền nên thuyền di chuyển chậm, 117 người bị bắt lại, 81 người hy sinh, một nửa số anh em trong Ban biên tập tờ “Phá ngục” hy sinh.
Ông Cơ Còi là nhân chứng cùng tham gia tất cả những hoạt động đó của tù nhân chính trị. Vì trực tiếp phụ trách nội dung tờ “Phá ngục” nên ông nắm rất rõ kế hoạch vượt ngục thông qua việc phổ biến thông tin trên báo. Sự kiện này đã làm chấn động dư luận nước Pháp và các thuộc địa của Pháp, buộc nhà cầm quyền Pháp phải xem lại chính sách với các nhà tù.
Trong 188 trang sách, PGS,TS Nguyễn Ngọc Oanh dành ¾ số trang cho các bài viết của những nhân chứng là các tù nhân chính trị bị thực dân Pháp giam giữ ở Côn Đảo giai đoạn trước và sau 1950, trong số đó có người đã từng tham gia cuộc vượt ngục lịch sử 12/12/1952, có người tham gia Ban biên tập tờ báo; và các bài tham luận tại Hội thảo Khoa học kỷ niệm 60 năm sự kiện ngày 12/12. Đặc biệt, cuốn sách dành một phần sưu tầm và đăng lại những bài viết đã từng đăng trên báo “Phá ngục” được các nhân chứng cùng nhớ và chép lại.
Như vậy, cùng với việc phản ánh hoàn cảnh ra đời, tôn chỉ, mục đích, phương pháp hoạt động tờ “Phá ngục”, tái hiện lại một giai đoạn lịch sử cách mạng đầy khó khăn gian khổ của ta, khẳng định mối liên quan mật thiết giữa báo chí và cách mạng, cuốn sách đồng thời rút ra những kinh nghiệm và bài học lớn. Đó là kinh nghiệm về cách xây dựng và hoạt động của một tờ báo cách mạng, kinh nghiệm tổ chức cộng tác viên, xác định nội dung trọng tâm trọng điểm, đối tượng đọc… Đó là những bài học về phối hợp hiệp đồng chiến đấu, về giữ bí mật quân sự, về công tác dân vận – binh vận, về nghệ thuật chiến tranh nhân dân trong lòng địch, về tinh thần đại đoàn kết… Những bài học đó vẫn còn nguyên giá trị.
Đề cao vai trò của những chiến sĩ trên mặt trận báo chí; khẳng định vị trí, vai trò, những giá trị đóng góp của báo chí cách mạng trong cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc; ca ngợi ý chí cách mạng sắt đá, tinh thần khắc phục khó khăn, mưu trí sáng tạo, gieo niềm tin chiến thắng và tinh thần lạc quan cách mạng của những người cộng sản dù trong bất cứ hoàn cảnh nào… cuốn sách đã thể hiện một thái độ sống trách nhiệm của thế hệ trẻ, sự quan tâm của Đảng và Nhà nước trong vấn đề khôi phục, trân trọng, bảo tồn những giá trị lịch sử, truyền thống của dân tộc. Hy vọng cuốn sách là một tư liệu quý trong dòng chảy lịch sử và lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam.
Mộc Hương
Bình luận: 0
Tin tức liên quan
- Câu chuyện về hành trình theo đuổi đam mê của các gương mặt trẻ tại giải thưởng “Bền đam mê” (09:43 02/04/2025)
- Hoa hậu môi trường thế giới Nguyễn Thanh Hà: Lan tỏa thông điệp xanh tại sự kiện “Triệu cây xanh vì môi trường quốc gia” (07:55 23/03/2025)
- Ra mắt cuốn sách kể chuyện lịch sử Hà Nội qua những công trình kiến trúc (05:54 06/12/2024)
- Tình trạng "báo hóa" trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội đã giảm đáng kể (04:45 29/11/2024)
- Hoa hậu Môi trường thế giới năm 2023 Nguyễn Thanh Hà: Môi trường chỉ có thể tốt hơn nếu lối sống của chúng ta thay đổi (08:18 09/11/2024)