Nới room tín dụng: Thuốc ‘kích thích’ doanh nghiệp duy trì sản xuất
16:09 08/09/2022
- Kinh tế
Việc được cấp thêm hạn mức tín dụng sẽ thuận tiện cho việc triển khai thực hiện gói hỗ trợ lãi suất 2% cũng như đáp ứng nhu cầu về vốn cho doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh cuối năm.
Ảnh minh họa
Ngân hàng Nhà nước đã chính thức điều chỉnh hạn mức tín dụng cho các ngân hàng thương mại. Đây là thông tin được nhiều người chờ đợi bởi thời gian qua các ngân hàng cạn hạn mức đã thắt chặt hoạt động cho vay, giờ đã có thể mở rộng cửa hơn.
Mặc dù cơ quan chức năng không đưa ra con số cụ thể nới cho từng ngân hàng nhưng theo tìm hiểm của phóng viên thì mức độ nới sẽ phụ thuộc vào sức khỏe của từng ngân hàng với mức dao động từ 0,7%-4%.
Như vậy, đợt nới hạn mức tín dụng lần này tương đương với khoảng 457.000 tỷ đồng được phân bổ về cho các ngân hàng thương mại. Nguồn vốn này sẽ thuận tiện cho việc triển khai thực hiện gói hỗ trợ lãi suất 2% cũng như đáp ứng nhu cầu về vốn để thực hiện phát triển kinh tế xã hội và phục hồi sản xuất kinh doanh cuối năm.
Thêm “oxy” cho doanh nghiệp
Sau 3 tháng phải nằm im vì cạn vốn, doanh nghiệp chỉ còn hơn 3 tháng để tăng tốc về đích và nguồn vốn rất quan trọng ở giai đoạn này.
Quyết định nới room tín dụng được nhiều khách hàng đón nhận. Các doanh nghiệp kỳ vọng dòng vốn được tăng thêm sẽ tiếp thêm “oxy” cho doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
Lãnh đạo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) hồ hởi chia sẻ với việc một số ngân hàng được nới room tín dụng, các doanh nghiệp xuất khẩu sẽ được tiếp tục vay vốn trở lại, chẳng khác gì nắng hạn gặp mưa rào.
Cũng theo lãnh đạo VFA, doanh nghiệp xuất khẩu gạo đa phần là doanh nghiệp vừa và nhỏ không có vốn lớn để đầu tư nên toàn bộ đều vay ngân hàng, nhất là vào các tháng cuối năm cần đẩy mạnh giao hàng nên nhu cầu vốn tăng cao.
Thông thường thị trường xuất khẩu gạo sẽ bắt đầu nhộn nhịp từ tháng Mười, vì đây là thời điểm doanh nghiệp cần vốn để đón đầu thu mua lúa vụ Thu Đông và thu mua gối đầu cho năm 2023.
Đại diện một công ty du lịch lữ hành lớn tại Hà Nội cũng chia sẻ các doanh nghiệp du lịch nằm trong đối tượng được hưởng hỗ trợ 2% lãi suất nhưng đa số đều chưa nhận được sự hỗ trợ này, trong khi muốn vay mới cũng không được do có nhiều rào cản.
“Một phần vì ngân hàng hết room, một phần vì các ngân hàng đều yêu cầu muốn vay mới phải trả nợ cũ để bảo đảm an toàn và phải có tài sản thế chấp, nhưng trong 2 năm COVID-19 tài sản đã thế chấp hết. Cùng với đó, doanh nghiệp lữ hành chủ yếu nhờ vào nhân lực, tri thức, thương hiệu... mà các yếu tố này không thể đem ra thế chấp được. Chúng tôi hy vọng với việc các ngân hàng được nới room thì công ty thể có cơ hội được vay vốn để tiếp tục đầu tư vào các sản phẩm mới phục vụ du khách,” vị đại diện trên nhấn mạnh.
Ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội, nhìn nhận nhu cầu vốn của doanh nghiệp hiện nay rất lớn. Doanh nghiệp cần vốn nhiều để nhập nguyên liệu, trang trải hoạt động của bộ máy và trả lương cho người lao động. Đặc biệt, doanh nghiệp cũng cần vốn để xây dựng thương hiệu, tham gia hội chợ, giao thương nhằm quảng bá sản phẩm, mở rộng thị trường nội địa, xa hơn là hướng tới xuất khẩu.
Sản xuất tại một doanh nghiệp.
“Việc các ngân hàng thương mại được tăng cung tín dụng và áp dụng lãi suất cho vay hợp lý chính là liều thuốc kích thích để doanh nghiệp phục hồi và duy trì sản xuất kinh doanh từ nay đến cuối năm đồng thời đáp ứng nhu cầu vốn để thực hiện kế hoạch phục hồi kinh tế-xã hội. Tuy nhiên cần hướng dòng vốn này vào đúng nơi, đúng chỗ để đạt hiệu quả nhất,” ông Mạc Quốc Anh bình luận.
Bổ sung là cần thiết
Tính đến 26/8, tín dụng đã tăng 9,91% so với cuối năm 2021. Với chỉ tiêu điều hành cả năm ở mức 14%, ước tính sẽ có thêm khoảng 457.000 tỷ đồng vốn sẽ được cho vay ra.
Một số ngân hàng thương mại cho biết sẽ tập trung vốn vào các lĩnh vực ưu tiên, những lĩnh vực đang có đà phục hồi sau dịch.
Ngân hàng VIB được chính thức nới room cho vay thêm 3%. Lãnh đạo ngân hàng cho biết sẽ tiếp tục tập trung nguồn lực bổ sung này vào thế mạnh của mình, đó là cho vay tiêu dùng và các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cũng cho hay trong bối cảnh hiện nay, Ngân hàng Nhà nước đứng trước việc vừa ổn định hệ thống, vừa kiểm soát lạm phát nên chịu nhiều áp lực. Việc cấp hạn mức tín dụng cho các ngân hàng vào thời điểm này là phù hợp, đáp ứng nhu cầu vay vốn thời điểm cuối năm của doanh nghiệp. Hơn nữa, việc phân bổ hạn mức tín dụng cho từng nhà băng đã có sự đổi mới. Ngân hàng Nhà nước không phân bổ đồng hạn mức tăng trưởng tín dụng như trước đây mà có những tiêu chí rõ ràng, cái nào ưu tiên và cái nào là điểm trừ.
Việc điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước được các chuyên đánh giá rất ổn định nhưng cũng linh hoạt và nhận được đánh giá cao trong bối cảnh hiện nay.
Giáo sư tiến sỹ Trần Thọ Đạt, chuyên gia kinh tế nhận định việc Ngân hàng Nhà nước cấp bổ sung hạn mức tín dụng cho các ngân hàng thể hiện sự chủ động và kịp thời trong việc mở rộng tín dụng đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh và tiêu dung của người dân. Tiêu chí phân bổ tín dụng đã rõ ràng và mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14% đã được Ngân hàng Nhà nước thực hiện một cách kiên định tuy nhiên rất chủ động và linh hoạt.
Theo chuyên gia Cấn Văn Lực, về cơ bản tỷ lệ tín dụng được mở bám sát với tình hình thị trường, lạm phát. Doanh nghiệp cũng như ngân hàng mong đợi được bổ sung tín dụng cho những tháng cuối năm là cần thiết. Đến thời điểm hiện tại, lạm phát tương đối được kiểm soát, khả năng trong năm 2022 khoảng 4%.
Ông Lực cũng dự báo tăng trưởng kinh tế GDP năm 2022 cao hơn kế hoạch đặt ra đầu năm, trên mức 7%, ở kịch bản tích cực có thể lên 7,3%-7,6%. Vì thế, việc cấp thêm hạn mức tín dụng để cung ứng nguồn vốn cho nền kinh tế sẽ một phần hỗ trợ cho sự tăng trưởng kinh tế vào những tháng cuối năm tích cực hơn.
Các chuyên gia cũng nhận định, quyết định nới room không chỉ cởi trói cho các ngân hàng mà còn giúp nguồn vốn được khơi thông, từ đó sẽ hạn chế được tình trạng nợ đọng lẫn nhau giữa các doanh nghiệp giúp dòng chảy kinh tế sớm sôi động trở lại./.
Theo: TTXVN
Bình luận: 0
Tin tức liên quan
- SHB lần thứ 4 lọt tốp 10 doanh nghiệp báo cáo thường niên tốt nhất ngành Tài chính (03:34 21/11/2024)
- BIDV - doanh nghiệp có môi trường làm việc tốt nhất Việt Nam (01:04 20/11/2024)
- BIDV và VRG hợp tác toàn diện giai đoạn 2024 - 2029 (12:25 20/11/2024)
- VPBank khai trương phòng chờ sân bay siêu VIP dành cho nhóm khách hàng thượng lưu (07:17 20/11/2024)
- Tập đoàn Đại Dũng và BIDV ký kết thỏa thuận hợp tác toàn diện (05:11 19/11/2024)