Những người dệt ước mơ xanh

Tôi gọi những chàng trai, cô gái Tổng đội Thanh niên xung phong (TNXP) là những người mang trong mình đầy ắp khát vọng ước mơ xanh. Sau 13 năm, nếm đủ mưa ngàn gió núi, ước mơ ấy giờ đã thành sự thật.

Ở đâu có thanh niên, ở đó có màu xanh phát triển. Ảnh minh họa

Niềm tin, ý chí tạo nên sức mạnh

Buổi sáng của một ngày cuối năm này, bước vào vùng núi Chi Lời (Sơn Tây - Hương Sơn, Hà Tĩnh), tôi như thấy tâm hồn mình bay bổng, trước một sức sống phơi phới của làng thanh niên đang trỗi dậy. Lấp ló những ngôi nhà xây được phủ lên bằng bức tường vôi xanh, trắng dưới những khu đồi tĩnh mịch là gợn sóng xanh của những đồi chè tủa búp, còn long lanh giọt sương mai thức chào nắng mới.

Vẫn mang trong mình khí thế “đào núi, xẻ đồi” nhưng phải đối mặt với bao nhiêu khó khăn thách thức vây bủa. Đủ mọi thứ thiếu thốn trên đời: thiếu thực phẩm, thuốc men, điện sinh hoạt và sách, báo. Nhưng với mục tiêu đã đi là đến, thanh niên đã hành động là phải giành lấy thắng lợi.

Sau 13 năm vật lộn, sức trẻ của Tổng đội TNXP Tây Sơn đã minh chứng được điều đó. Với một tiềm năng đất dồi dào, hơn 3.631 ha đất tự nhiên, giao cho Tổng đội TNXP Tây Sơn quản lý (trong đó đất sản xuất nông nghiệp hơn 350 ha, đất lâm nghiệp hơn 2.651ha, phi nông nghiệp hơn 629 ha). Vậy khai phá từ quỹ đất ấy, thanh niên sẽ làm được những gì? Kế hoạch được đơn vị chỉ đạo và các đội viên hành động ngay, đó là: trồng trọt, chăn nuôi, và bảo vệ rừng. Những hướng đi mà nhiều tổng đội TNXP trong cả nước đã làm. Chỉ có một điều ước mơ giản dị, là làm sao “đất nuôi cây và cây ấy nuôi người”. Làm sao đất hoang ấy sẽ xuất hiện từng đàn trâu bò đang gặm cỏ, từng con gà nhảy ổ “mỗi ngày nuôi một quả trứng hồng”. Rồi đất ấy sinh nở tình yêu, trai chưa vợ, gái chưa chồng được “se duyên thắm chỉ”, được sống chan chứa hạnh phúc trong ngôi nhà nhỏ.

Câu chuyện đi lên bằng giọt mồ hôi của chính mình, mà nhiều đội viên hôm nay ở đây kể cho tôi nghe thật cảm động: Ngày ấy lớp trẻ thanh niên gia nhập trong đội quân tình nguyện này, đại đa số quê xã Hậu Lộc (Can Lộc). Họ lên đây vì quê họ quá nghèo nên “muốn bay không cất nổi mình mà bay”. Rồi một số thanh niên ở các vùng quê khác như Hương Sơn, Cẩm Xuyên, Thạch Hà, Nghi Xuân, hoàn cảnh cũng gieo neo không kém gì thanh niên Hậu Lộc.

Các đội viên trong tổng đội, được chia mỗi người từ 1,5 ha - 2ha đất để trồng chè, trồng cây ăn quả. Rồi hỗ trợ ban đầu tiền làm nhà tạm, tiền khai khẩn... Bằng đức tính cần cù và tiết kiệm, khi màu xanh nhen dậy đồi núi Chi Lời, cũng là lúc nghề chăn nuôi của các đội viên được hình thành và phát triển.

Sức sống mới ở miền đất mới

Sáng nay, trong ngôi nhà đầm ấm được uống bát nước chè xanh hòa quyện với hương rừng, tôi nghe cặp vợ chồng đội viên Hà Thu Thủy bộc bạch chuyện làm ăn. Tôi nhìn đôi mắt vợ và chồng, đều ánh lên niềm lạc quan, với những gì “cái riêng” nhờ “cái chung” mới tồn tại. Vợ chồng anh, nếu không có sự giúp sức của tổng đội, thì làm gì có cuộc sống viên mãn như ngày hôm nay.

Cùng người “láng giềng” với anh Hà Huy Thủy là cặp vợ chồng trẻ Phan Anh Tuấn. Chị Hợi vợ anh Tuấn, khi thấy bóng khách vào thăm “trang trại nhỏ” của gia đình mình, chị tỏ thái độ rất hồ hởi. Chị chạy ra vườn, hái “đãi” bọn tôi hai “đặc sản cây nhà lá vườn”, đó là quả cam bù và quả tắt. Hai thứ này chị lấy giống từ dưới quê chị ở Sơn Bằng lên trồng thử nghiệm, nhưng rất hiệu quả. Chỉ nếm vài quả, chúng tôi đã đủ tin cậy, sản phẩm gia đình chị sẽ rất được nhiều người chuộng, bởi “hàng ngon và sạch”.

Quả đúng như vậy thật, chỉ riêng 2 ha cam bù và tắt, mấy năm nay đã trở thành cây “xóa đói giảm nghèo”, giúp vợ chồng chị xây được nhà cửa khang trang nhất tổng đội, lại còn lo đủ cho hai đứa con ăn học hàng ngày. Tại khu Chi Lời hiện nay, những đội viên biết chí hướng làm giàu, không chỉ có đôi vợ chồng anh Thủy, anh Tuấn mà còn xuất hiện nhiều mô hình khác nữa như gia đình anh Hà Huy Chính, Trần Thanh Hải, hay cặp vợ chồng Thái Thành Long và Lê Thị Huyền.

Anh Long cho chúng tôi biết: Trước đây, do hoàn cảnh gia đình thiếu đất làm ăn, nên chính quyền địa phương xã Sơn Tây tạo điều kiện cho anh gia nhập với đơn vị này theo diện “đối tượng giãn dân” đi “ làm kinh tế mới”. Chỉ sau 7 năm, cuộc sống của gia đình anh Thái Thăng Long đã thực sự “lên hương”. Không cần diễn giải nhiều, chỉ liệt kê mấy con số này cũng đủ biết vợ chồng anh Long cũng thuộc diện táo bạo trong làm ăn. Hiện tại vợ chồng anh Long sở hữu 12 sào chè công nghiệp, 5 ha rừng trồng, 100 gốc cam bù, 500 con gà, 10 con “lợn nhít” và 5 con bò. Tiền thu nhập từ kinh doanh theo kiểu “sản phẩm nông nghiệp tổng hợp” mỗi năm thu nhập hơn 100 triệu đồng. Nhờ vậy, gia đình anh sắm được đầy đủ mọi thứ sinh hoạt trong gia đình mình.

Sau 13 năm vật lộn, cùng khó khăn, Thanh đã tìm cho mình một hướng đi lý tưởng. Lý tưởng đó giống như những chàng trai mặc áo nâu sồng, ngâm vang rừng “Bài ca vỡ đất” của nhà thơ Hoàng Trung Thông thủa trước. Chỉ có khác bây giờ, cái khó khăn hôm nay không giống với khó khăn ngày xưa nữa, tầm tư duy làm ăn cũng đổi mới hơn xưa nhiều. Cùng với tin ở bàn tay còn có sự trợ giúp của nền công nghệ mới. Nhưng nhờ chính bàn tay của tuổi trẻ, dám nghĩ dám làm đã tạo cho Tổng đội TNXP Tây Sơn thành “ngôi sao xanh” trong cuộc hành trình làm “cách mạng xanh”.

Với 174 ha chè, mỗi năm sản xuất ra được từ 650 tấn - 700 tấn trà búp, với hàng ngàn héc-ta phủ kín các loại cây công nghiệp, cây ăn quả trong vườn. Từ chăn nuôi trâu bò, gà lợn theo hướng gia đình, đơn vị đã có bước “đột phá” thành lập 2 Hợp tác xã chăn nuôi trâu, bò từ 500 con - 1.000 con. Những thành quả này như một thông điệp xanh của mùa mới, gửi đến bạn trẻ đang nuôi trong lòng mình những khát vọng lớn tới miền đất mới./.

Sơn Quỳnh

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Ngày 13/1/2025, tại Thủ đô Hà Nội, Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức hội nghị toàn quốc về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Hội nghị nhằm đánh giá tình hình thực hiện các nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về phát triển khoa học, công nghệ; quán triệt, triển khai Nghị quyết số 57-NQ/TW, ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, tạo sự chuyển biến mang tính đột phá về nhận thức và tổ chức thực hiện, góp phần đưa đất nước phát triển giàu mạnh, hùng cường trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Tổng Bí thư Tô Lâm dự và phát biểu tại hội nghị. Tạp chí Người Làm Báo trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu:
Trong kỷ nguyên số, chuyển đổi nội dung số các tạp chí của Việt Nam có vai trò quan trọng trong tuyên truyền, phổ biến, giáo dục quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thành tựu của đất nước; đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; phổ biến tri thức, góp phần nâng cao dân trí, phát triển văn hóa và con người Việt Nam trên không gian mạng. Đồng thời, góp phần “xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại”(1) theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Ngày 16/12, tại thành phố Cần Thơ, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức hội nghị báo chí toàn quốc tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025.
Tạp chí Người Làm Báo trân trọng giới thiệu bài viết của đồng chí Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về xây dựng hệ thống chính trị với tiêu đề : "Tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả".
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top