Những mô hình vượt khó, thoát nghèo ở huyện vùng cao Mù Cang Chải
12:14 12/10/2022
- Kinh tế
Với mục tiêu chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi ở huyện vùng cao Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái. Những năm gần đây, nhiều hộ gia đình người Mông đã tích cực đưa các loại cây trồng mới, vật nuôi có năng suất, giá trị kinh tế cao vào sản xuất. Mở ra triển vọng mới trong phát triển kinh tế, giúp đồng bào vùng cao tăng thu nhập, nâng cao đời sống, xóa đói giảm nghèo bền vững trên chính quê hương mình.
Vợ chồng anh Mùa A Mạnh thu hoạch lê tại vườn.
Đến thăm vườn cây ăn quả rộng gần 5 ha của gia đình Mùa A Mạnh ở bản Nả Háng Tủa Chử, xã Púng Luông. Tại khu vườn này, gia đình Mùa A Mạnh từng trồng lúa nương, ngô, mận, là giống địa phương hiệu quả kinh tế không cao. Từ khi có dự án trồng lê Đài Loan, Mùa A Mạnh nhận giống về trồng. Sau 6 năm chăm sóc đúng kỹ thuật theo hướng dẫn của cán bộ Trung tâm Dịch vụ hỗ trợ phát triển nông nghiệp huyện, cùng với sự chịu thương, chịu khó của 2 vợ chồng, gần 1ha lê cho thu hoạch trước hơn 2 tấn quả mang về nguồn thu hơn 50 triệu đồng cho gia đình.
Ông Phạm Đức Thịnh, Bí thư Đảng ủy xã Púng Luông cho biết: Mùa A Mạnh là đoàn viên trẻ, chịu khó làm ăn nên xã đã chỉ đạo thí điểm mô hình trồng Lê Đài Loan tại gia đình Mạnh hiện cho thu nhập khá là cao. Từ mô hình này thì chúng tôi sẽ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nhân rộng trên địa bàn của xã để góp phần nâng cao thu nhập cho bà con tiến tới xóa đói giảm nghèo cho nhân dân trong xã.
Rời xã Púng luông đến thăm mô hình nuôi lợn đen bản địa của gia đình Sùng A Páo bản Trống Là, xã Hồ Bốn đúng vào thời điểm vợ chồng anh đang nhổ răng sữa cho đàn lợn con mới đẻ. Tâm sự với A Páo tôi mới biết trước đây hai vợ chồng cũng đã đi làm thuê ở nhiều nơi, nhưng cuộc sống bấp bênh, không ổn định A Páo quyết tâm quay về bản Trống Là của mình để phát triển kinh tế xây dựng hạnh phúc mới. Sau hơn một năm, mô hình nuôi lợn bản địa của gia đình A Páo mỗi năm thu nhập trên 250 triệu đồng, đây là mô hình đến thời điểm hiện tại có hiệu quả nhất trên địa bàn xã và đã được Không chỉ dừng ở mô hình nuôi lợn đen bản địa A Páo đầu tư thêm máy say xát thóc liên hoàn vừa giúp bà con trong bản, vừa tận dụng nguồn cám để nuôi lợn, nuôi cá và mở thêm quán tạp hóa tạo điều kiện cho vợ buôn bán, giao thương hàng hóa những lúc dảnh rỗi. Ngoài thời gian chăm sóc đàn lợn A Páo còn thường xuyên giúp đỡ những hộ dân trong bản chăn nuôi giúp nhau thoát nghèo.
Mô hình nuôi lợn bản địa của gia đình Sùng A Páo bản Trống Là, xã Hồ Bốn, huyện Mù Cang Chải.
Anh Sùng A Páo cho biết: Lúc đầu hai vợ chồng suy nghĩ lợn bản địa của dân tộc mình là có giá trị nhất, cho dù giá lợn trên thị trường giảm sâu, nhưng lợn đen bản địa vẫn giữ được giá, nên hai vợ chồng quyết tâm đầu tư nuôi lợn bản địa. Đến nay, trong chuồng lúc nào cũng có từ 60 đến 80 con lợn lớn nhỏ, mình mong muốn cấp uỷ chính quyền địa phương cần tiếp tục quan tâm tạo điều kiện cho vay vốn nhằm giúp cho bản thân cũng như người dân trên địa bàn tiếp tục phát triển mô hình này.
Sự thay đổi của đồng bào Mông Mù Cang Chải không chỉ thể hiện về mặt cơ sở vật chất như: Nhà cửa khang trang, sạch đẹp, chuồng trại chăn nuôi cách xa nhà ở, có nước sạch hợp vệ sinh… mà sự thay đổi còn thể hiện trong ý thức của người dân, tập quán du canh du cư phá rừng làm nương rẫy trước đây để lại nhiều hệ lụy về môi trường, thay vào đó người dân trong bản đã biết canh tác lúa nước hai vụ, đưa giống cây năng xuất cao vào sản xuất đẩy lùi tình trạng đói giáp hạt. Điển hình như gia đình anh Giàng A Chống, bản Trống Là, xã Hồ Bốn đã xây dựng được ngôi nhà gỗ 5 gian lợp proximăng khang trang, với khoảng sân trước và bên cạnh nhà rộng trừng 300m2 được láng xi măng sạch sẽ vừa là sân chơi cho các cháu vừa tận dụng để phơi thóc. Anh cho biết trong vụ Đông Xuân vừa qua gia đình đã thu hoạch được gần 200 bao thóc xấp xỉ 10 tấn, có tiền bán thóc anh Chống đã mua thêm 3 con trâu, 2 chiếc xe máy và một số vật dụng khác phục vụ sinh hoạt, gia đình Anh Chống đã trở thành hộ khá trong bản.
Phát huy lợi thế của địa phương, ông Sùng A Sào bản Hú Trù Lình, xã Lao Chải đã tận dụng 9ha diện tích đất đồi rừng của gia đình để trồng cây sơn tra gắn với khoanh nuôi bảo vệ rừng. Đây là mô hình đã đem lại hiệu quả kinh tế cho gia đình đồng thời tạo công ăn việc làm cho nhiều người dân trên địa bàn. Hiện nay, cây sơn tra là cây chủ lực phát triển kinh tế của huyện Mù Cang Chải và đây cũng là loại cây được công nhận sản phẩm OCOP được gắn mác nhãn hiệu chỉ dẫn địa lí. Hằng năm loại cây này đã mang lại nguồn thu nhập cho gia đình ông Sào hằng trăm triệu đồng.
Ngoài các loại cây, con giống được nhiều hộ gia đình người Mông đưa vào gieo trồng và chăn nuôi đã mang lại hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập cho nhân dân, huyện Mù Cang Chải tiếp tục chỉ đạo ngành nông nghiệp đưa cây đào Pháp, trồng cánh đồng hoa hồng mẫu lớn, cải mầm đá vào trồng thử nghiệm tại các xã: Púng Luông, Lao Chải, Nậm Khắt và một số xã có khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp nhằm thực hiện đa dạng cây, con giống, tăng thu nhập trên đơn vị diện tích tạo ra nguồn thu nhập cao cho người đồng bào dân tộc thiểu số. Đây sẽ là tiền đề để huyện vùng cao Mù Cang Chải thực hiện thắng lợi chỉ tiêu giảm nghèo, phấn đấu đến năm 2025 là huyện cơ bản thoát nghèo và đến năm 2030 không còn là huyện nghèo.
Lê Hà- Hoàng Yên
Bình luận: 0
Tin tức liên quan
- SHB lần thứ 4 lọt tốp 10 doanh nghiệp báo cáo thường niên tốt nhất ngành Tài chính (03:34 21/11/2024)
- BIDV - doanh nghiệp có môi trường làm việc tốt nhất Việt Nam (01:04 20/11/2024)
- BIDV và VRG hợp tác toàn diện giai đoạn 2024 - 2029 (12:25 20/11/2024)
- VPBank khai trương phòng chờ sân bay siêu VIP dành cho nhóm khách hàng thượng lưu (07:17 20/11/2024)
- Tập đoàn Đại Dũng và BIDV ký kết thỏa thuận hợp tác toàn diện (05:11 19/11/2024)