Như một dòng sông chảy giữa hai bờ

GS. Hà Minh Đức chúc mừng Nhà báo Phan Quang (từ trái sang: GS Hà Minh Đức, NB Hà Đăng, NB Phan Quang)_Ảnh TGCC

“Xin kính tặng anh cuốn sách có bài viết về nhà báo Phan Quang mà anh từng đọc khi còn là bản thảo. “Xin cảm ơn anh, tôi vừa nhậnđược cuốn sách đẹp Du ký Phan Quang. Tôi đã đọc một số bài, nay tập hợp lại với những bài mới, thật là đồ sộ. Có lẽ ngòi bút tài hoa của Phan Quang nổi bật ở thể loại này” - HMĐ(1).

Hội Nhà báo Việt Nam có sáng kiến trong việc tổ chức hằng năm cuộc tọa đàm về từng nhà báo tiêu biểu để trao đổi, học tập và vinh danh. Theo nhà báo Trần Bá Dung cho biết, công việc có kết quả tốt, các nhà báo đều đồng thuận và hoan nghênh việc tổ chức tọa đàm đã tiến hành trong nhiều năm cho nhiều nhà báo như Thép Mới, Hoàng Tùng, Quang Đạm, Hữu Thọ. Và năm nay là một nhà báo còn hoạt động: nhà báo Phan Quang, 95 tuổi, với những chức vụ quan trọng đã từng đảm nhận: Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam (2 nhiệm kỳ). Phó Chủ nhiệm ủy ban Đối ngoại của Quốc hội (3 nhiệm kỳ). Thứ trưởng Bộ Thông tin - Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam.

Cuộc tọa đàm được tổ chức trang trọng với nhiều khách quý. Nhiều tham luận hay được trình bày: Cây đại thụ trong làng báo chí cách mạng nước ta (Hà Đăng) nhà báo, nhà văn Phan Quang; một tấm gương lao động không ngưng nghỉ (Nguyễn Thế Kỷ); cây bút vạm vỡ và đa tài (Trần Đăng Khoa); sức sáng tạo thanh xuân (Hồ Quang Lợi); Phan Quang cây bút uyên bác đa tài (Nguyễn Uyển); Một tầm vóc văn hóa (Nguyễn Văn Dững)... Không khí hội trường tĩnh lặng, trang trọng. Phan Quang đáp lễ khiêm nhường.

Trong tác phẩm Thời gian và nhân chứng (tập II tr450 - 452), nhà báo Hoàng Tùng nhận xét: “Quang Đạm học vấn rộng. Hà Xuân Trường, Lê Điền, Phan Quang viết vững chắc” và ở một đoạn khác :“Viết sắc sảo, là Thép Mới, Lê Điền, Lê Vân, Hồng Hà, Phan Quang”. Một trí tuệ sắc sảo, một tầm vóc văn hóa cao đâu cần danh hiệu đặc biệt gì về học thuật. Trong một lần trò chuyện, nhà báo Phan Quang nói nhẹ nhàng: “Tôi không có bằng cấp nào cả. Không hiểu sao tôi không thích bằng cấp lắm”. Phải chăng đó là một nghịch lý thông thường. Người có tài năng không có bằng cấp và ngược lại. Người có nhiều bằng cấp có khi không có đóng góp gì đáng kể.

Ông là một tấm gương tự học. Trước Cách mạng tháng Tám, nhất là ở vào những thập kỷ đầu của thế kỷ XX, đa số những nhà văn hóa lớn, những tài năng kiệt xuất đề cao tấm gương tự học. Họ đều là những người thông minh bản lĩnh, ý chí, giàu nghị lực như Đào Duy Anh (Phó Giáo sư Phan Ngọc gọi thầy Đào Duy Anh là ông khổng lồ về văn hóa), Cao Xuân Huy, Đặng Thai Mai là những tấm gương tự học. Giáo sư Đinh Gia Khánh nói vui “Các anh là tiến sĩ, tôi là thoái sĩ”. Một số nhà khoa học tốt nghiệp đại học với văn bằng cử nhân. Trường Đại học Đông Dương đào tạo cử nhân về luật, về y, dược. Các cử nhân luật trong ngày lễ nhận bằng đã có hàng chục xe ô tô đợi chờ khi thi đỗ về làm rể những gia đình giàu có, khi thi về nhận chức tri phủ, tri huyện.

Học thuật cán đến đích này là thi đỗ, là công việc, là hưởng thụ. Một số người có bằng tiến sĩ như Nguyễn Mạnh Tường, Thu Trang học ở nước ngoài, có bằng cấp cho công việc mà vẫn đi dạy, lại là chuyện khác. Thời thanh niên do hoàn cảnh riêng và điều kiện khách quan nên Nhà báo Phan Quang dang dở việc học hành, song có một mạch nối tiếp liên tục là tự học. Ông Phan Quang cho biết do việc “học dang dở và khó” càng phải tìm mọi cách để được học. Học ở trường công, tư, trường các nhà thờ, rồi học thầy không tày học bạn. “Thầy dạy văn ở Trường Kinh Chi là nhà viết kịch Bửu Tiến, thầy dạy văn ông Trường Sainte Marie là các linh mục”. Ông cũng theo học lớp học chung với con nhà nghèo của Pháp, học tiếng Pháp, nói tiếng Pháp. Trong một lần gặp lại nhà viết kịch Bửu Tiến, Phan Quang gọi là thầy, dù là anh em thân mật. Bửu Tiến nói: “Tôi có dạy anh mấy buổi, dạy để kiếm sống.

Nay hai chúng ta trở thành đồng nghiệp. Anh viết hay hơn tôi, nổi tiếng hơn tôi, anh chớ gọi tôi là thầy”. Phan Quang là một tác giả mà ngòi bút là của một nhà hoạt động chính trị, nhà báo, nhà văn, nhà văn hóa. Ở ông có sự quy tụ và chuyển dịch về kiến thức. Các tác phẩm của ông dù là báo chí, văn học đều có một cái nền văn hóa. Ông đã viết khoảng năm sáu chục tác phẩm gồm báo chí, tiểu luận chính trị văn hóa, xã hội, truyện ngắn, truyện vừa, và đặc biệt là bút ký, du ký. Phan Quang cũng là tác giả dịch thuật có uy tín, ông dịch những tác phẩm quen thuộc, có giá trị, từ Nghìn lẻ một đêm (năm 2021 vừa tái bản lần thứ 45 sau tròn 40 năm ra mắt bạn đọc lần đầu) cho đến các truyện hiện đại của P.K.Paustovski, Olga Berggolts. Ở tầm ngoài chín mươi, ông cho xuất bản nhiều tác phẩm có chất lượng như: Trên nẻo đường ngày xưa ta đã đi (2019), Dưới ánh hoàng hôn (2020), Tím ngát tuổi hai mươi (2020). Quá khứ trở về hòa hợp với hiện tại.

Chất suy nghĩ sâu sắc của người nhiều trải nghiệm tiếp nhận cái tuổi trẻ của một thời thanh xuân. Tôi thích đọc bút ký của Phan Quang kết hợp được hai yếu tố cái lạ, cái hấp dẫn của đối tượng miêu tả và phần suy nghĩ sâu sắc, đằm thắm của tâm hồn tác giả. Bút ký như một dòng trôi mang theo bao kiến thức về chuyện đời, chuyện văn hóa, văn chương. Tôi đã có lần nhận xét: “Bút ký của tác giả Phan Quang như một dòng sông chảy giữa hai bờ báo chí và văn chương”. Ranh giới giữa hai thể loại này thật tế nhị. Một nhà báo mà làm văn nếu không am tường văn chương dễ rơi vào cái bẫy việt vị...

Phan Quang thành thục ở cả hai thể loại báo chí và văn chương. Tùy theo đối tượng miêu tả, tác giả cố gắng thể hiện được đặc tính dân tộc, xứ sở quê hương; vẻ đẹp của cảnh vật, con người qua từng trang viết. Những bút ký viết về nước ngoài, về lăng mộ Tần Thủy Hoàng ở Trung Quốc, về dòng sông Mississippi ở Mỹ đều gây ấn tượng sâu sắc. Phan Quang đặc biệt “thâm canh” về nước Pháp qua nhiều bút ký hấp dẫn. Ông giỏi tiếng Pháp, lại giàu kinh nghiệm ứng xử trên đất Pháp, dễ phát hiện ra nhiều điều thú vị.

Một lần trong chuyến thăm trường báo chí Lille tại sân bay De Gaulle, một nhà ngoại giao Pháp gốc Việt nói với tôi: “Các nhà báo nhà văn Việt Nam sang đây chỉ có ông Phan Quang là nói tiếng Pháp hay, chuẩn mực”. Ông chỉ “Thơ thẩn Paris” nhưng lại tìm ra nhiều cái lạ. Như nghệ thuật ẩm thực với nam giới, người ta thích bàn nhiều đến hương và vị, hương thơm của thuốc lá xì gà và vị của các loại rượu tựu về đây. Bữa ăn tối ở Paris thường kéo dài như một thói quen, một phong tục của xứ sở này.

Tác giả kể: Tiệc rượu ở Paris vào buổi tối thường kéo dài để người ta có dịp trò chuyện, nhất là thư giãn vào cuối bữa, thường gọi là thời gian 3C (3C là café, cognac, cigare). “Café thượng hạng pha thật đậm tỏa mùi thơm, rượu cognac rót vào những cái ly tròn để nằm nghiêng lăn lóc trên bàn, rượu vẫn không đổ ra ngoài, chỉ nhấp một tí thôi đã thơm lựng ở đầu môi”. Trong hoàn cảnh ấy dễ vướng lời than của Tú Xương: Một trà, một rượu, một đàn bà Ba cái lăng nhăng nó hại ta.

Hơn nửa thế kỷ hoạt động chính trị, nhà báo Phan Quang đã đảm nhiệm xuất sắc nhiều trách nhiệm quan trọng. Hơn nửa thế kỷ tâm hồn sáng tạo, ngòi bút sắc sảo vững vàng của ông đã để lại cho nhiều thế hệ di sản báo chí quan trọng, di sản văn chương đáng quý. Những trang viết không giới hạn, thấy tự do nhiều màu sắc. Tôi gửi tặng ông mấy câu thơ làm đề từ cho tập thơ “Không giới hạn” vừa được xuất bản:

Người lữ hành nửa đường dừng bước
Cánh chim chiều vội về với rừng cây
Hạnh phúc nào đâu ở chốn này
Hay tan về phía trước
Nước non trăm miền tốt đẹp
Bầu trời lộng gió cho cánh chim bay
Đời vui nâng bước chân ai
Từ ngàn xưa non nước này
Không giới hạn.

Tôi nghĩ không nên tự giới hạn mình nếu có thể làm thêm được những việc có hiệu quả và cũng không được giới hạn người khác. Tuy không giới hạn nhưng anh Phan Quang lại biết giới hạn. Ông viết truyện ngắn, bút ký, du ký nhưng không làm thơ, dừng lại ở lĩnh vực thơ. Có những tập thơ sẽ được xuất bản và nay còn chờ giới thiệu với bạn đọc. Đó là một lựa chọn khôn ngoan.

Thơ là lĩnh vực của tâm tư tình cảm riêng mà không phải lúc nào cũng phù hợp với cuộc đời chung. Tạo cái mới, cái độc đáo lại dễ lạc dòng, hoang tưởng. Cuộc hội thảo sắp kết thúc, nhà báo Phan Quang phát biểu đôi điều, vẫn dáng cao đẹp, chủ động từng ý tứ ngôn từ, khiêm tốn, thuyết phục: “Không thầy đố mày làm nên. Trước hết, cảm ơn Giáo sư Hà Minh Đức. Ông là thầy học của tôi ở bậc đại học, mặc dù tuổi đời ông trẻ hơn tôi”.

Trường Đại học Tổng hợp mở khóa tại chức Khoa Ngữ văn bồi dưỡng kiến thức cho một số cán bộ trẻ. Trong số học viên ấy nếu tôi nhớ không nhầm có một số nhà văn đã ít nhiều thành danh như Nguyễn Khải, Hồ Phương, Nguyên Ngọc, về báo chí, riêng báo Nhân Dân có Hà Đăng, Diên Hồng, Phan Quang, hình như còn có Hữu Thọ. Các giáo sư dạy khóa ấy là các nhà sư phạm, nhà văn hóa tiêu biểu, có những thầy lớn tuổi như Bạch Năng Thi, Hoàng Xuân Nhị từ nước ngoài về và cũng có những giảng viên trẻ như Phan Cự Đệ, Hà Minh Đức. Thầy Đức và trò Quang có lẽ có nét chung là thầy và trò đều mê văn chương, cho nên vừa là thầy trò vừa là bằng hữu. Thực sự cảm ơn anh Phan Quang”. Chuyện xảy ra đã hơn sáu thập kỷ mà anh vẫn ghi nhớ. Tôi rất cảm phục tinh thần hiếu học của các nhà văn, nhà báo. Lúc đó anh Phan Quang chừng ba mươi buổi.

Tôi là người thuộc thế hệ sau anh về nhiều phương diện. Ra ông vẫn quan tâm đến tôi và có một số bài viết về một số cuốn sách của tôi khi xuất bản. Với tầm hiểu biết trên nhiều lĩnh vực văn hóa, triết học, văn học ông đã đánh giá đúng đắn và khích lệ tôi. Tôi không dám tri âm mà gọi là tri ân. Nhà báo Phan Quang là người sống có tình nghĩa. Chịu trách nhiệm nhiều công tác quan trọng của Nhà nước, lãnh đạo nhiều cơ quan văn hóa thông tin báo chí. Ông luôn thể hiện tinh thần dân chủ, tôn trọng ý kiến các cấp mà mình chỉ đạo. Ông đặc biệt quan tâm đến lớp trẻ, giúp đỡ, khích lệ phát triển tài năng.

Nhà báo Trương Cộng Hòa ghi lại một kỷ niệm còn nhớ mãi suốt đời. Năm 1976, khi đó anh 24 tuổi, nguyên là phóng viên Đài Giải phóng trong một lần đến Phú Quốc, anh đã gặp nhà báo Phan Quang. Phú Quốc lúc này còn hoang sơ, việc đi lại khó khăn. Nhà báo Phan Quang có xe hơi đón. Anh Phan Quang hỏi công việc của nhà báo trẻ và mời anh lên xe, cùng hỗ trợ anh trong công việc. Và lúc trở về, nhà báo trẻ cũng được tháp tùng anh trên xuồng máy về đất liền.

Bốn mươi năm sau, Trương Cộng Hòa vẫn là “đệ tử” trung thành của Đài và của nhà báo Phan Quang - người đã giúp đỡ anh qua nhiều chặng đường đời với lòng biết ơn sâu nặng, nặng tình nặng nghĩa. Rồi đây sẽ có những công trình nghiên cứu về cuộc đời và sự nghiệp của nhà báo Phan Quang. Nhà báo Phạm Quốc Toàn có một cuốn tiểu thuyết viết toàn diện và công phu về nhà báo Phan Quang. Thể loại anh thường gọi là tiểu thuyết chân dung. Ở Nga có cuốn tiểu thuyết chân dung về Pie Đại đế của Alexia Tolstoi. Ở ta, trong kháng chiến chống Pháp có tiểu thuyết Đất nước đứng lên của Nguyên Ngọc. Tiểu thuyết chân dung thường dành cho người đã khuất loại nhân vật gắn với sự kiện lớn kết thúc. Với những người đang sống, đang hoạt động, đang cống hiến thì phải thường xuyên bổ sung. Nhà báo Phan Quang còn dành cho chúng ta những bất ngờ về sức sáng tạo. Khi ông đang sống, đang hoạt động, không thể hư cấu được điều gì. Tiểu thuyết chân dung dễ trùng với ký chân dung(2).

Giáo Sư Hà Minh Đức

 

(1) Trích thư GS. Hà Minh Đức gửi Nhà báo. Phan Quang tháng 7/2022.

(2) Bài rút từ sách mớí xuất bản của GS. Hà Minh Đức: “Những chuyện thường nhật của các Nhà Văn hóa Văn nghệ”, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, 2022.

 

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Ngày 13/1/2025, tại Thủ đô Hà Nội, Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức hội nghị toàn quốc về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Hội nghị nhằm đánh giá tình hình thực hiện các nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về phát triển khoa học, công nghệ; quán triệt, triển khai Nghị quyết số 57-NQ/TW, ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, tạo sự chuyển biến mang tính đột phá về nhận thức và tổ chức thực hiện, góp phần đưa đất nước phát triển giàu mạnh, hùng cường trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Tổng Bí thư Tô Lâm dự và phát biểu tại hội nghị. Tạp chí Người Làm Báo trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu:
Trong kỷ nguyên số, chuyển đổi nội dung số các tạp chí của Việt Nam có vai trò quan trọng trong tuyên truyền, phổ biến, giáo dục quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thành tựu của đất nước; đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; phổ biến tri thức, góp phần nâng cao dân trí, phát triển văn hóa và con người Việt Nam trên không gian mạng. Đồng thời, góp phần “xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại”(1) theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Ngày 16/12, tại thành phố Cần Thơ, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức hội nghị báo chí toàn quốc tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025.
Tạp chí Người Làm Báo trân trọng giới thiệu bài viết của đồng chí Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về xây dựng hệ thống chính trị với tiêu đề : "Tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả".
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top