Kết nối tạp chí:
  • facebook
  • Tiwer
  • Youtube
  • Google

Nhu cầu sử dụng tài nguyên điện tử của viên chức, sinh viên Học viện Phụ nữ Việt Nam

Sự phát triển của khoa học công nghệ, đặc biệt là xuất hiện của internet, công nghệ truyền thông hiện đại đã làm thay đổi cách người học tiếp cận với tài liệu học tập. Bên cạnh tài liệu được trình bày bằng sách giấy truyền thống thì tài liệu được thể hiện dưới dạng tài nguyên điện tử đang là xu thế trong việc lưu giữ và phổ biến tri thức.

Sinh viên trong lễ tốt nghiệp tại Học viện Phụ nữ Việt Nam

Trong đào tạo đại học, phát triển và sử dụng tài nguyên điện tử là một xu hướng tất yếu của các trường trong việc nâng cao chất lượng đào tạo. Nguồn tài nguyên này là yếu tố phục vụ thiết thực và hiệu quả cho công tác quản lý, giảng dạy và học tập. Nhu cầu sử dụng tài nguyên điện tử của viên chức và sinh viên Học viện phụ nữ Việt Nam đang ở mức khá cao. Học viện Phụ nữ Việt Nam là cơ sở giáo dục đại học nên cần có những chính sách và giải pháp nhằm phát triển nguồn tài nguyên điện tử phục vụ nhu cầu học tập và nghiên cứu.

Thực trạng sử dụng tài nguyên điện tử của viên chức, sinh viên Học viện Phụ nữ Việt Nam

Sự phát triển của công nghệ thông tin (CNTT) trong những năm gần đây khiến nhu cầu của người dạy và người học không chỉ gói ghém trong những cuốn sách, những tài liệu giáo trình vật lý, thay vào đó là những tài liệu điện tử, tài liệu số với tính năng tương tác và khả năng tiếp cận đa dạng trong môi trường học tập tiên tiến. Vấn đề phát triển nguồn tài nguyên điện tử đã được nhiều chuyên gia nghiên cứu về thư viện quan tâm khai thác tại các hội thảo khoa học và trong những nghiên cứu của cá nhân, tập thể.

Tại Học viện Phụ nữ Việt Nam, thư viện chưa cung cấp nhiều thông tin cho người dùng dưới dạng các giáo trình điện tử, luận văn điện tử, kết quả nghiên cứu khoa học điện tử hoặc các thông tin, tư liệu chuyên ngành điện tử… Nguồn tài nguyên giấy hiện có tại thư viện chưa thực sự đa dạng để đáp ứng nhu cầu phục vụ học tập và các hoạt động khác của Học viện. Định hướng của Học viện Phụ nữ Việt Nam xác định tài liệu điện tử đặc thù của Học viện và các tài nguyên điện tử từ các nguồn khác có thể sử dụng tham khảo sẽ được phát triển mạnh, là một trong những công cụ hỗ trợ nhanh nhất, tích cực nhất và thuận lợi nhất. Nguồn tài liệu này sẽ đáp ứng nhanh nhu cầu thông tin nâng cao chất lượng bài giảng, kết quả học tập và nghiên cứu khoa học của Học viện. Tuy nhiên, song song với việc phát triển, khai thác, cung cấp, sử dụng nguồn tài nguyên điện tử cho giảng viên, nghiên cứu viên, sinh viên và học viên của Học viện cũng cần có các phương án quản lý chặt chẽ để tránh nhân bản, phát tán rộng rãi vi phạm bản quyền và quyền sở hữu trí tuệ. Đồng thời, đây cũng là nền tảng để từng bước xác lập dịch vụ truy cập, sử dụng nguồn tài nguyên điện tử có trả phí tại học viện.

Nghiên cứu được thực hiện tại Học viện Phụ nữ Việt Nam với hình thức phỏng vấn bảng hỏi và phương pháp phỏng vấn sâu đối với 162 trường hợp là: sinh viên, giảng viên, nghiên cứu viên, nhân viên Học viện Phụ nữ Việt Nam tại Hà Nội và Phân hiệu tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Biểu đồ 1. Nhu cầu sử dụng sách, báo, tạp chí, thông tin bản mềm của viên chức

Nhu cầu sử dụng tài nguyên điện tử của viên chức Học viện Phụ nữ Việt Nam

Hình thức sử dụng sách, báo, tạp chí, thông tin bản mềm của viên chức chức chủ yếu là xin chia sẻ từ tác giả hoặc xin chia sẻ từ người khác. Mức độ sử dụng sách, báo, tạp chí, thông tin bản mềm của viên chức: Loại tài liệu bản được cán bộ, viên chức sử dụng thường xuyên nhất là giáo trình chuyên ngành, sách tham khảo/chuyên khảo, bài báo/tin đăng báo.:

Loại tài liệu bản mềm cán bộ, viên chức nhất định sẽ sử dụng là Giáo trình chuyên ngành, Sách tham khảo/chuyên khảo, Báo cáo đề tài nghiên cứu. Ngoài ra, bài báo, tin đăng báo hay từ điển hoặc thông tin hỏi đáp về một vấn đề cũng được quan tâm.

Loại hình tài liệu điện tử được nhiều viên chức mong muốn được tiếp cận là sách tham khảo, chuyên khảo. Tiếp đến là giáo trình chuyên ngành và tạp chí/thông tin chuyên đề. Bài giảng, giáo án hay bài báo, tin đăng báo cũng được cán bộ, viên chức thường xuyên tìm hiểu. Những loại tài liệu ít được tìm hiểu là luận văn, luận án, khóa luận.

Nhu cầu sử dụng tài nguyên điện tử của sinh viên Học viện Phụ nữ Việt Nam

Kết quả nghiên cứu cho thấy, hình thức sử dụng tài liệu điện tử của sinh viên chủ yếu là được chia sẻ tài liệu điện tử từ người khác. Một số ít tài liệu cũng được sinh viên xin chia sẻ từ tác giả như bài báo/tin đăng báo, bài giảng/giáo án, báo cáo đề tài nghiên cứu, thông tin trao đổi/phỏng vấn. Tài liệu phải mua chủ yếu là từ điển (tiếng Việt, Anh….) và một số sách chuyên ngành, sách tham khảo.

Biểu đồ 2. Nhu cầu sử dụng sách, báo, tạp chí, thông tin bản mềm của sinh viên

Về mức độ sử dụng sách, báo, tạp chí, thông tin điện tử của sinh viên thì đề cương môn học/báo cáo, câu hỏi ôn tập các môn học là loại tài liệu điện tử được sinh viên sử dụng thường xuyên nhất. Giáo trình chuyên ngành, Từ điển (tiếng Việt, Anh….) được sinh viên sử dụng thường xuyên mức độ thứ hai. Luận văn cao học, luận án tiến sĩ, tham luận hội thảo là những loại tài liệu phần lớn sinh viên không quan tâm nhiều.

Về nhu cầu sử dụng sách, báo, tạp chí, thông tin điện tử của sinh viên thì giáo trình chuyên ngành là loại tài liệu điện tử được sinh viên khẳng định nhất định sẽ sử dụng nhiều nhất. Bài giảng/giáo án; Từ điển (tiếng Việt, Anh….); Đề cương môn học/báo cáo; Câu hỏi ôn tập các môn học cũng rất được quan tâm. Các loại tài liệu còn lại sinh viên chọn phương án sẽ sử dụng, rất ít lựa chọn không sử dụng

Đối với việc tiếp cận thông tin điện tử, sinh viên cho biết loại tài liệu câu hỏi ôn tập các môn học được sinh viên tiếp cận nhiều nhất. Giáo trình chuyên ngành, Sách tham khảo/chuyên khảo, Đề cương môn học/báo cáo cũng là những loại tài liệu được sinh viên chia sẻ thường xuyên. Luận văn cao học, luận án tiến sĩ, báo cáo đề tài nghiên cứu, khóa luận tốt nghiệp đại học là những loại tài liệu ít được sinh viên quan tâm.

Biểu đồ 3. Sinh viên đề xuất loại hình cung cấp tài liệu điện tử

Kết quả nghiên cứu ở trên cho thấy, có 82.5% sinh viên lựa chọn đề xuất cung cấp loại hình tài liệu điện tử bằng File mềm: word, excel, powerpoint, pdf, jpg…ở vị trí lựa chọn thứ hai với 57.5% là Sách báo, tạp chí online. Băng đĩa hay video, hình ảnh chỉ là lựa chọn của một số đối tượng khảo sát (21,3%).

Theo thống kê từ các phiếu khảo sát, phỏng vấn sâu sinh viên, cho thấy, đa phần sinh viên đã biết cách tiếp cận thông tin thông qua website, facebook/mạng xã hội, bước đầu biết cách sử dụng, chia sẻ tài nguyên điện tử phục vụ học tập. Nhu cầu sử dụng tài nguyên điện tử của các em chủ yếu tập trung vào loại hình tài liệu là sách chuyên ngành, sách tham khảo/chuyên khảo, đề cương môn học/báo cáo, câu hỏi ôn tập, bài giảng/giáo án điện tử mà ít quan tâm đến các tài liệu có tính chất nghiên cứu chuyên sâu như khóa luận tốt nghiệp, báo cáo khoa học, luận văn, luận án…Đánh giá về tài nguyên điện tử, sinh viên khẳng định giá trị, lợi ích của loại hình tài liệu này tuy nhiên cũng đưa ra một số hạn chế so với tài liệu in như độ tin cây, chính xác không cao vì vậy khó dẫn nguồn; Thông tin hay bị nhiễu loạn do quá tải và muốn sử dụng cần có kỹ năng công nghệ thông tin tốt. Sinh viên mong muốn Học viện xây dựng kho tài nguyên điện tử khoa học, dễ tìm kiếm, dồi dào thông tin, có sự đóng góp trực tuyến của bạn đọc đối với việc chỉnh sửa, bổ sung thông tin.

Học viện Phụ nữ Việt Nam hướng tới 62 năm truyền thống học viện

Giải pháp và khuyến nghị phát triển nguồn tài nguyên điện tử

Thu thập nguồn tài liệu điện tử nội sinh

Nguồn tài nguyên điện tử nội sinh có thể thu thập phục vụ công tác lưu trữ tài liệu của thư viện bao gồm: Luận án, luận văn; Giáo trình; Bài giảng; Đề cương môn học; Bộ đề thi, câu hỏi ôn tập; Đề tài nghiên cứu khoa học; Tạp chí Khoa học chuyên ngành; Bài báo phục vụ theo chuyên ngành đào tạo; Báo cáo nghiên cứu khoa học; Báo cáo, kỷ yếu hội nghị, hội thảo…Nguyên tắc thu thập tài liệu dựa trên văn bản về chính sách thu thập tài liệu nội sinh với từng đối tượng đang tham gia làm việc, giảng dạy, nghiên cứu và học tập trong nhà trường.

Số hoá tài nguyên

Số hóa tài liệu chuyển đổi từ hình thức truyền thống thành dạng tài liệu số (dạng chữ, hình ảnh, âm thanh...) được máy tính nhận biết đúng định dạng và được sử dụng trên máy tính. Có 3 cách tiến hành số hoá tài nguyên điện tử mà Thư viện của Học viện có thể áp dụng. Một là mua tài nguyên thông tin điện tử từ các nhà cung cấp/xuất bản/cá nhân (trước khi in ra giấy) hoặc trao đổi nguồn tài liệu điện tử, tài liệu số với các đối tác; Hai là truy cập, khai thác từ việc liên kết đến các nguồn tài liệu số có cùng nội dung thông tin/thông tin chuyên biệt trên Internet; Ba là tổ chức số hóa nguồn tài nguyên thông tin truyền thống bằng phương pháp quét hay nhập lại thông tin từ bàn phím của máy tính điện tử.

Mua, trao đổi với nguồn dữ liệu của các trung tâm TT-TV

Học viện Phụ nữ Việt Nam có thể tăng cường nguồn tài nguyên điện tử bằng cách mua, trao đổi nguồn dữ liệu thông qua việc đăng ký tham gia các tổ chức Liên hiệp Thư viện; Câu lạc bộ Thư viện; tham gia mạng lưới thư viện toàn cầu OCLC để tranh thủ sự giúp đỡ về đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ thư viện; chia sẻ nguồn lực thông tin giữa các thư viện đại học trong Liên hiệp; hợp tác giữa các thư viện để bổ sung tài liệu điện tử dùng chung. Đăng ký tham gia làm một trong những thành viên của Mạng lưới các Trường đại học, Học viện có sự tương đồng về chuyên ngành đào tạo để dùng chung các nguồn tin điện tử phục vụ các hoạt động của Học viện đặc biệt là nghiên cứu và đào tạo với mức đầu tư thấp nhất và hiệu quả sử dụng cao nhất.

Nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ của người cung cấp dịch vụ và người sử dụng thư viện

Đào tạo người cán bộ thư viện trở thành người tổ chức và chuyên gia thông tin trong môi trường "số". Họ có nhiệm vụ: Thu thập tư liệu; Thiết kế cấu trúc kỹ thuật cho thư viện số; Biên mục; Xây dựng kế hoạch, hỗ trợ các dịch vụ số; Tạo lập các giao diện thân thiện với người sử dụng trong hệ thống mạng; Xây dựng các chính sánh, tiêu chuẩn liên quan đến thư viện; Thiết kế, duy trì và chuyển giao các sản phẩm thông tin chất lượng cao với giá trị gia tăng; Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ đối với thông tin số trong môi trường mạng; Bảo đảm an ninh thông tin.

Phát triển tài nguyên điện tử cuối cùng cũng là đáp ứng, phục vụ tốt nhất nhu cầu người dùng tin. Vì vậy người dùng tin là động cơ xây dựng và phát triển và cũng là người thẩm định cuối cùng tài nguyên điện tử của thư viện. Bởi lẽ đó, khi tiến hành xây dựng và phát triển dạng tài nguyên này cần nghiên cứu nhu cầu, trình độ nhận thức của nhóm người dùng tin chức năng của mình để xác định diện ưu tiên trong bộ sưu tập số. Đồng thời, cần đào tạo, nâng cao kỹ năng sử dụng, khai thác, chia sẻ thông tin điện tử của người sử dụng thư viện bảo đảm sự hài hòa giữa việc cung cấp tài nguyên của thư viện và việc sử dụng tài nguyên của người dùng tin.

Đọc tài liệu điện tử

Kết luận

Bên cạnh sử dụng tài liệu giấy được in và đóng thành sách, tài liệu dưới dạng điện tử hay còn gọi là tài nguyên điện tử được viên chức và sinh viên sử dụng hàng ngày trong nghiên cứu và giảng dạy, học tập.

Nhu cầu của viên chức và sinh viên Học viện phụ nữ Việt Nam trong sử dụng tài nguyên điện tử là có khác nhau ở mỗi nhóm ở mỗi loại tài nguyên điện tử. Các giải pháp đề xuất trên cần được Học viện Phụ nữ Việt Nam xem xét và áp dụng để nâng cao chất lượng nguồn tài liệu, phục vụ giảng dạy, học tập và nghiên cứu.   

ThS. Trần Xuân Quỳnh

Học viện Phụ nữ Việt Nam

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Nguyễn Huy Chương (2009), Xây dựng thư viện điện tử và phát triển nguồn tài nguyên số trong hệ thống thư viện đại học Việt Nam, Trung tâm Thông tin - Thư viện đại học Quốc gia Hà Nội

2. Nguyễn Tiến Đức (2015), Xây dựng thư viện điện tử và vấn đề số hoá tài liệu ở Việt Nam, Trung tâm Thông tin KHCN Quốc gia

3. Đoàn Mậu Hiển (2016), Ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động chia sẻ tài nguyên thông tin tại các thư viện đại học Việt Nam, Trung tâm Học liệu - Đại Học Cần Thơ

4. Vũ Duy Hiệp (2014), Chia sẻ nguồn lực thông tin trong hệ thống Thư viện các trường Đại học Việt Nam, Thư viện trường ĐH Nội vụ

5. Trần Thị Kiều Hương (2010), Giải pháp phát triển nguồn tin điện tử phục vụ công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học tại đại học Ngoại thương, Thư viện ĐH Ngoại Thương.

--------------------***--------------------

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Ngày 31/5, tại Hà Nội, Hội đồng Giải Báo chí Quốc gia đã khai mạc vòng chấm chung khảo Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XVIII năm 2023.
Đạo đức cách mạng là "gốc" của người cách mạng, những người bằng uy tín của mình được nhân dân tín nhiệm giao trọng trách nắm và giương cao ngọn cờ lãnh đạo cách mạng của dân tộc. Kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại (19/5/1890 - 19/5/2024) là dịp để mỗi cán bộ, đảng viên thêm quyết tâm học tập, tu dưỡng, rèn luyện và thực hành đúng, thực chất đạo đức cách mạng, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, mãi là ngọn cờ lãnh đạo dân tộc trong thời kỳ mới.
Thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa ký ban hành Quy định số 144-QĐ/TW ngày 9/5/2024 của Bộ Chính trị về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới.
Thay mặt Bộ Chính trị, đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương đã ký ban hành Quy định số 142-QĐ/TW ngày 23/4/2024 quy định thí điểm giao quyền, trách nhiệm cho người đứng đầu trong công tác cán bộ.
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top