Nhìn lại 5 năm công tác bồi dưỡng báo chí của Hội Nhà báo Việt Nam

Trong nhiệm kỳ khóa X (2015 - 2020), Thường trực Thường vụ Hội Nhà báo Việt Nam đặc biệt quan tâm đến công tác bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ hội viên, nhà báo. Bên cạnh nguồn kinh phí khiêm tốn do nhà nước cấp, việc tìm kiếm các nguồn lực từ các nhà

Khóa bồi dưỡng “Kỹ năng kể câu chuyện hấp dẫn bằng hình ảnh dành cho phóng viên truyền hình” năm 2017

Đặc biệt từ khi Tòa nhà Hội Nhà báo Việt Nam tại đường Dương Đình Nghệ, quận Cầu Giấy, Hà Nội đưa vào sử dụng đã tạo điều kiện để tiến hành được nhiều khóa học bồi dưỡng báo chí so với trước. Cụ thể số lượng lớp học và số học viên tham dự các khóa học do Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức trong 5 năm qua là 539 lớp học với 15.394 lượt học viên từ các cơ quan báo chí trên cả nước là thành tích kỷ lục chưa từng có.

Được Hội Nhà báo Việt Nam giao phó nhiệm vụ, đến nay Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí (VJTC) đã trở thành một cơ sở bồi dưỡng các nhà báo nâng cao nghiệp vụ báo chí có quy mô lớn nhất cả nước, cung cấp các khóa bồi dưỡng đa kỹ năng, đa loại hình và tập hợp được một đội ngũ giảng viên hùng mạnh đáp ứng nhu cầu của các nhà báo và các cơ quan báo chí xuyên suốt chiều dài đất nước.

Chính vì vậy, trong 5 năm qua, công tác bồi dưỡng nghiệp vụ của Hội Nhà báo Việt Nam đã vượt xa về số lượng các khóa học so với các Trung tâm bồi dưỡng báo chí của Bộ Thông tin &Truyền thông và các cơ quan báo chí lớn như Thông Tấn xã Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam.

Lễ khởi công Công trình Trung tâm Bồi dưỡng  nghiệp vụ báo chí (Hội Nhà báo Việt Nam) năm 2009

Cơ sở của thành công

Sở dĩ Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức được một khối lượng lớp học trong 5 năm qua nhiều là do sự quan tâm sâu sắc của Lãnh đạo Hội và các đơn vị trong Trung ương Hội, giúp công tác bồi dưỡng có một nguồn ngân sách Nhà nước dù nhỏ nhưng ổn định. Hội đã trang bị cơ sở hạ tầng như các phòng học, phòng hội thảo có đủ thiết bị để có thể tiến hành bồi dưỡng các loại hình báo chí.

Hơn nữa, thấy được tầm quan trọng của công tác bồi dưỡng nghiệp vụ của Hội Nhà báo Việt Nam dành cho các hội viên, các tổ chức báo chí quốc tế cũng như các tổ chức Hội và Liên chi Hội các cấp đã cũng góp sức vào sự nghiệp lớn lao này. Trong tổng số các lớp học hàng năm, 60% là ngân sách nhà nước, 23% là do các tổ chức quốc tế tài trợ; số lớp còn lại là do các cơ quan báo chí, các hội nhà báo trong nước phối hợp cũng tổ chức lớp học.

Bên cạnh đó, phải kể đến sự đóng góp nhiệt tình, tâm huyết của gần 100 giảng viên kiêm nhiệm, là các nhà báo giàu kinh nghiệm đang làm việc tại các cơ quan báo chí như: TTXVN, Đài THVN, Đài TNVN, Báo Nhân dân, Báo QĐND, Báo Tuổi trẻ, Báo Lao động, các cơ sở đào tạo báo chí lớn trong cả nước đã mang lại uy tín cho các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ của Hội Nhà báo Việt Nam...

Nội dung các lớp bồi dưỡng được tổ chức tập trung vào những kỹ năng cơ bản, kỹ năng nâng cao, các chuyên đề báo chí và đạo đức người làm báo. Để bắt kịp với sự thay đổi của báo chí thế giới, những khóa học mới để đáp ứng nguyện vọng của các nhà báo như sản xuất long-form (bài chuyên đề) cho báo mạng, tòa soạn hội tụ, làm báo bằng Facebook...

Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí đón nhận Huân chương Lao động Hạng Nhì của Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam 

Được sự đóng góp ý kiến của các hội viên, lãnh đạo các cơ quan báo chí và các cấp Hội về nhu cầu đào tạo của các cá nhân, đơn vị, trong 5 năm qua, đã có 211 lớp dành cho Báo điện tử, 146 lớp dành cho báo in, 99 lớp về nghiệp vụ truyền hình, 43 lớp về Ảnh báo chí, 31 lớp về nghiệp vụ phát thanh và 9 lớp dành cho tạp chí. Ngoài việc tập trung tổ chức các khóa học ngắn ngày, các khóa học chuyên sâu đào tạo cây bút trẻ, các khóa học theo chuyên đề về khoa học, nội chính, an ninh quốc phòng, truyền thông về dân tộc, xây dựng Đảng, bình luận quốc tế cũng thường xuyên được tổ chức.

Các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ của Hội Nhà báo Việt Nam được phân bố đều cho các tỉnh, khu vực, các địa phương trong cả nước, đặc biệt ưu tiên những địa phương ở xa, điều kiện đi lại khó khăn như Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Đắk Nông, Kon Tum, Cà Mau, An Giang v.v.. Các hội viên tham dự các khóa học của Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức thường có những phản hồi rất tích cực về công tác đào tạo, bồi dưỡng như nội dung, chương trình sát với thực tế công việc, công tác tổ chức nhiệt tình, đáp ứng nguyện vọng của người học. Theo khảo sát, đại đa số hội viên cho rằng nội dung, chương trình các khóa học rất bổ ích, phục vụ tốt cho công việc hàng ngày của họ.

Cơ hội và thách thức

Sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp và toàn diện của Thường trực Thường vụ Hội Nhà báo Việt Nam, sự ủng hộ nhiệt tình của các Ban, đơn vị trong cơ quan Trung ương Hội, sự hợp tác của các cấp Hội và sự cộng tác chặt chẽ của các giảng viên là các nhà báo tâm huyết với sự nghiệp báo chí nước nhà là những cơ sở nền tảng, là cơ hội quan trong để phát triển công tác bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí của Hội Nhà báo Việt Nam.

Là một trong những cơ sở bồi dưỡng nghiệp vụ cho hơn 25 nghìn hội viên, nhà báo thuộc các cơ quan báo chí từ Trung ương đến dịa phương, Hội Nhà báo Việt Nam có uy tín cao đối với các tổ chức quốc tế tại Việt Nam như Đại sứ quán Mỹ, Văn phòng đại diện Viện Konrad Adenauer (KAS), Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), Viện Báo chí Truyền thông Thụy Điển (FOJO), Liên đoàn Báo chí và Xuất bản Thế giới (WAN-IFRA), Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Liên minh châu Âu (EU), Liên đoàn Báo chí Khoa học Thế giới (WFSJ), Liên đoàn Báo chí ASEAN...

Hằng năm, Hội Nhà báo Việt Nam nhận được sự phối hợp tổ chức các khóa bồi dưỡng với các chủ đề khác nhau từ các tổ chức quốc tế. Đây là cơ hội cho các nhà báo Việt Nam có cơ hội được học tập và trao đổi kinh nghiệm với các nhà báo quốc tế, giàu kinh nghiệm.

Tuy nhiên, cuộc cách mạng công nghệ số đã mang tới không ít cơ hội phát triển báo chí Việt Nam, nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức to lớn. Dựa trên nền tảng công nghệ kỹ thuật số, tích hợp những công nghệ hiện đại, thông minh để đem lại những sản phẩm vượt trội, hội tụ truyền thông trở thành xu thế tất yếu. Đó là sự kết hợp tất cả phương tiện truyền thông, không chỉ về loại hình mà còn về chức năng, phương thức đưa tin, hình thái tổ chức của các cơ quan báo chí.

Mạng xã hội, trí tuệ thông minh, Big Data... là những yếu tố đang thúc đẩy cuốn báo chí vào một cuộc thay đổi lớn, trong đó, người làm báo đương nhiên cũng bị cuốn theo và bắt buộc phải thay đổi để thích ứng và để tận dụng cơ hội mà các yếu tố trên mang lại. Điều này vừa là cơ hội, vừa là thách thức cho công tác bồi dưỡng nghiệp vụ của Hội Nhà báo Việt Nam là làm thế nào để giúp các tòa soạn, các phóng viên, biên tập viên có thêm các kiến thức và kỹ năng làm báo trong thời đại số, như sử dụng mạng xã hội để làm báo, kỹ năng phát hiện và hành xử với tin giả, báo chí dữ liệu v.v..

Định hướng tiếp theo

Môi trường hoạt động báo chí luôn luôn sôi động. Công tác đào tạo, bồi dưỡng của cơ quan báo chí và Hội Nhà báo cũng như việc học tập của mỗi cá nhân và rút kinh nghiệm từ thực tế tác nghiệp hằng ngày, nhằm nâng cao chất lượng báo chí ở nước ta. Trong bối cảnh công nghệ số đang làm thay đổi thói quen tiêu thụ sản phẩm báo chí của công chúng đòi hỏi sự thay đổi tư duy làm báo của các cơ quan báo chí.

Cùng với việc quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 đang được thực hiện, công tác bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí của Hội Nhà báo Việt Nam cần phải có những thay đổi nhạy bén trước tình hình này.

Lễ kỷ niệm 20 năm ngày thành lập Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí năm 2019

Một vài điểm trong công tác bồi dưỡng báo chí cần chú ý như sau:

Trước hết, cần chú ý đến việc bồi dưỡng công tác quản lý và tổ chức tòa soạn trước sự phát triển của mạng xã hội. Với cách thức đưa tin mới, công chúng thay đổi, các tòa soạn trên thế giới phần lớn tổ chức theo mô hình tòa soạn hội tụ.

Đây là yếu tố để các tòa soạn bảo đảm rằng các kênh truyền của mình có những giá trị riêng biệt được việc phân phối và cung cấp cho độc giả trên các loại hình truyền thông, đặc biệt trên thiết bị di động.

Với cách thức viết báo, làm báo, sáng tạo tác phẩm báo chí chủ yếu dựa vào nền tảng, ứng dụng của smartphone, kể cả phát thanh, truyền hình. Một mặt, xây dựng các apps là một xu thế tất yếu của báo chí khi cạnh tranh với mạng xã hội.

Bên cạnh đó, các tòa soạn xây dựng hệ thống cộng tác viên là những người sử dụng mạng xã hội bằng việc tiếp nhận, điều phối, thẩm định, sản xuất ngay lập tức tin tức từ người dân để tạo sức lan truyền rộng khắp.

Như vậy, các cơ quan báo chí, nhất là ở các địa phương cần nhiều hơn nữa những khóa đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu về kỹ năng làm báo hiện đại, mô hình tòa soạn đa phương tiện, ứng dụng công nghệ mới trong kỷ nguyên số.

Phần lớn các phóng viên am hiểu công nghệ số, đặc biệt là báo điện tử, đều còn trẻ, ít kinh nghiệm, gặp khó khăn khi tác nghiệp, đặc biệt khi đụng chạm những vấn đề lớn, nhạy cảm. Việc đào tạo kỹ năng tác nghiệp chuyên nghiệp cho phóng viên trẻ là hết sức cần thiết trong bối cảnh hiện nay.

Bên cạnh đó, vấn đề về “đạo đức nghề nghiệp” không bao giờ là cũ và thừa đối với các phóng viên trẻ. Bồi dưỡng phẩm chất nhà báo và đạo đức nghề nghiệp giúp các nhà báo trẻ hiểu rõ vai trò, trách nhiệm của mình, công việc mà họ đang làm, những tác động ảnh hưởng xã hội có thể gây ra với những thông tin mà họ có được.

Về công tác bồi dưỡng đạo đức báo chí cần phải được lồng ghép vào chương trình giảng dạy. Báo chí có phát triển đến đâu thì đạo đức luôn là nền tảng cơ bản quyết định sự sống còn của một nền báo chí lành mạnh, góp phần định hướng dư luận và xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ và nhân văn. Nếu như việc tăng cường năng lực tác nghiệp là điều kiện cần, thì trau dồi đạo đức báo chí là điều kiện đủ để tạo nên một nhà báo vừa hồng vừa chuyên.

Tuy nhiên, nếu việc bồi dưỡng đạo đức nghề nghiệp nhà báo theo cách khô cứng, khiên cưỡng, giáo điều thì hiệu quả sẽ thấp. Chính vì vậy việc đan xen, lồng ghép các bài giảng đạo đức báo chí vào các khóa học là điều cần thiết, đặc biệt trong bối cảnh cạnh tranh thông tin, lạm dụng cảm xúc và xung đột lợi ích ngày càng phát triển như hiện nay.

Việc bồi dưỡng cho các nhà báo các kiến thức về luật pháp rất cần thiết trong bối cảnh khi xã hội ngày càng phát triển. Rất nhiều nhà báo khi tác nghiệp những vấn đề phức tạp nhưng thiếu kiến thức về luật pháp. Do đó, Hội Nhà báo Việt Nam cũng cần chú ý bồi dưỡng, trang bị và cập nhật thường xuyên cho các hội viên những chủ đề về pháp luật như, ví dụ như Luật Báo chí, Luật Doanh nghiệp, Luật Hình sự, Tố tụng hình sự, Dân sự, Đầu tư, Đất đai, Khiếu nại tố cáo, Luật Bản quyền, Sở hữu trí tuệ, v.v.. Có được những kiến thức về pháp luật, các nhà báo sẽ tránh rơi vào các tình huống pháp luật bất lợi cho người làm báo, như gài bẫy, thúc đẩy người khác phạm tội, vi phạm đạo đức nghề nghiệp.

Điều quan trọng có tính sống còn với các cơ quan báo chí hiện này là vấn đề kinh tế báo chí. Đây là thách thức, là bài toán đau đầu đối với hầu hết các cơ quan báo chí. Doanh thu của các loại hình báo chí, cơ quan báo chí đều giảm, có những tờ báo, đài phát thanh truyền hình đang giảm sâu và lao dốc. Nguồn thu quảng cáo của báo chí dần dần chuyển vào túi của các tập đoàn truyền thông nước ngoài khổng lồ như Facebook, Google, Youtube...

Rõ ràng, trong bối cảnh công nghệ số bắt buộc các báo, đài phải thay đổi mô hình hoạt động, mô hình kinh doanh và nhất thiết phải có những sản phẩm mới, cách làm mới để tạo nguồn thu mới, bù đắp sụt giảm trong phát hành, quảng cáo, truyền thông, tài trợ...

Trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cho nhà báo, Hội Nhà báo Việt Nam - đại diện cho những người làm nghề báo chí trong cả nước cần phải đặc biệt quan tâm và chú ý đến những nội dung mới như kinh tế báo chí, mô hình kinh doanh, thu phí người dùng báo online, tổ chức các khóa bồi dưỡng dành cho các nhà lãnh đạo, quản lý cơ quan báo chí.

Những cuộc trao đổi kinh nghiệm, thảo luận giữa các cơ quan báo chí trong nước, giữa các cơ quan báo chí Việt Nam và các nước trong khu vực cũng như các tòa báo trên thế giới cũng sẽ là những trải nghiệm vô cũng quý giá nhằm củng cố cho báo chí nước ta phát triển vững mạnh./.

PGS,TS Đinh Thị Thúy Hằng

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Ngày 13/1/2025, tại Thủ đô Hà Nội, Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức hội nghị toàn quốc về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Hội nghị nhằm đánh giá tình hình thực hiện các nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về phát triển khoa học, công nghệ; quán triệt, triển khai Nghị quyết số 57-NQ/TW, ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, tạo sự chuyển biến mang tính đột phá về nhận thức và tổ chức thực hiện, góp phần đưa đất nước phát triển giàu mạnh, hùng cường trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Tổng Bí thư Tô Lâm dự và phát biểu tại hội nghị. Tạp chí Người Làm Báo trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu:
Trong kỷ nguyên số, chuyển đổi nội dung số các tạp chí của Việt Nam có vai trò quan trọng trong tuyên truyền, phổ biến, giáo dục quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thành tựu của đất nước; đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; phổ biến tri thức, góp phần nâng cao dân trí, phát triển văn hóa và con người Việt Nam trên không gian mạng. Đồng thời, góp phần “xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại”(1) theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Ngày 16/12, tại thành phố Cần Thơ, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức hội nghị báo chí toàn quốc tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025.
Tạp chí Người Làm Báo trân trọng giới thiệu bài viết của đồng chí Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về xây dựng hệ thống chính trị với tiêu đề : "Tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả".
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top