Kết nối tạp chí:
  • facebook
  • Tiwer
  • Youtube
  • Google

Nhiệm kỳ mới, làn gió mới

Nhiệm kỳ XI Hội Nhà báo Việt Nam được mong chờ sẽ tạo làn gió mới trong hoạt động của các cấp Hội Nhà báo cơ sở. Tạp chí Người Làm Báo ghi lại một số ý kiến của các cấp Hội về những đổi thay trong hoạt động của Hội địa phương.

Đoàn Chủ tịch Đại hội XI Hội Nhà báo Việt Nam. Ảnh: Phạm Hải

HỘI NHÀ BÁO TỈNH KIÊN GIANG:

Đại hội XI Hội Nhà báo Việt Nam nhiệm kỳ 2020-2025 là sự kiện chính trị có ý nghĩa quan trọng đối với tổ chức Hội và những người làm báo cả nước. Đại hội lần này cần bầu ra được Ban chấp hành là những nhà báo có kinh nghiệm và tâm huyết với công tác Hội, phân bổ đều từ trung ương đến địa phương. Đồng thời, điều lệ Hội Nhà báo Việt Nam sửa đổi phải được Chính phủ phê duyệt làm kim chỉ nam cho hoạt động của Hội trong nhiệm kỳ mới.

Sau đại hội, Ban Thường vụ, Ban Chấp hành cần tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, bám sát tôn chỉ, mục đích, chức năng, nhiệm vụ của Hội và thực tiễn phát triển của báo chí. Hoạt động của Hội phải thiết thực, chú trọng tính hiệu quả, đáp ứng yêu cầu giáo dục chính trị, tư tưởng, trách nhiệm xã hội, đạo đức nghề nghiệp và nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, bảo vệ quyền và lợi ích của hội viên. Thường xuyên quan tâm công tác quy hoạch, đào tạo, bố trí cán bộ, nâng cao chất lượng cán bộ, đổi mới chính sách cán bộ làm công tác Hội. Chăm lo xây dựng cơ quan Trung ương Hội thực sự vững mạnh. Đồng thời, hoạt động của Hội hướng mạnh về cơ sở.

Bên cạnh đó, cần quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ công tác Hội, công tác kiểm tra cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo Hội địa phương; Tổ chức thường xuyên các lớp bồi dưỡng, tập huấn để nâng cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ và năng lực thực tiễn cho cán bộ, hội viên, phóng viên, người làm báo nhất là khu vực các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long; Tiếp tục thực hiện đề án “Hỗ trợ sáng tạo tác phẩm báo chí chất lượng cao” để lựa chọn nhiều tác phẩm có chất lượng tham gia giải báo chí Quốc gia.

HỘI NHÀ BÁO TỈNH BẠC LIÊU:

Từ thực tế, Hội Nhà báo tỉnh rút ra những bài học kinh nghiệm giúp xây dựng tổ chức Hội ngày càng vững mạnh. Cụ thể: Hoạt động của Hội phải luôn bám sát chức năng chủ yếu, nhiệm vụ cơ bản của Hội vì sự phát triển của sự nghiệp báo chí, vì mục đích nâng cao chất lượng, hiệu quả của mỗi cơ quan báo chí, vì lợi ích chính đáng của hội viên, là chỗ dựa nghề nghiệp đáng tin cậy của hội viên và các nhà báo; bảo vệ quyền lợi của hội viên,...

Ngoài ra, đội ngũ làm công tác Hội đủ mạnh, cán bộ Hội phải đủ bản lĩnh chính trị, tiêu biểu về đạo đức, lối sống, có năng lực nghiệp vụ cần thiết, có kinh nghiệm và kỹ năng tập hợp hội viên, làm tốt vai trò tham mưu, tham gia chỉ đạo quản lý báo chí…

Hội Nhà báo tỉnh Bạc Liêu bước vào nhiệm kỳ mới với quyết tâm tiếp tục đổi mới toàn diện nội dung, phương thức hoạt động của Hội nhằm không ngừng nâng cao vai trò và hiệu quả hoạt động Hội. Bên cạnh đó, để tiếp tục một chặng đường mới hiệu quả hơn nữa chắc chắn Hội Nhà báo tỉnh Bạc Liêu vẫn cần nhiều hơn sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu và sự chỉ đạo của Hội Nhà báo Việt Nam thời gian tới.

Sự gắn kết, chung sức của những người làm công tác Hội và các cơ quan báo chí, hội viên nhà báo trong tỉnh tiếp tục là những mắt xích quan trọng, góp phần đẩy mạnh hiệu quả hoạt động, nâng cao vai trò, vị thế của Hội Nhà báo tỉnh Bạc Liêu nhiệm kỳ mới.

Đồng chí Lê Quốc Minh - Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập báo Nhân dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam phát biểu tại Đại hội XI Hội Nhà báo Việt Nam. Ảnh: Phạm Hải

HỘI NHÀ BÁO TIỀN GIANG:

Nhiệm kỳ tới của Hội Nhà báo Việt Nam diễn ra trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghệ 4.0 phát triển cực kỳ mạnh mẽ, chi phối và làm thay đổi từ quá trình thu thập thông tin, sản xuất ấn phẩm báo chí đến cách thức đọc báo của độc giả. Vì vậy, với Ban lãnh đạo mới gồm các nhà báo có bản lĩnh chính trị được trui rèn qua thử thách, dạn dày kinh nghiệm trong nghề lại luôn đi đầu trong ứng dụng khoa học công nghệ, kỳ vọng Hội chúng ta bên cạnh sự quan tâm lớn dành cho công tác giáo dục chính trị tư tưởng cần đặc biệt quan tâm việc nâng cao năng lực làm báo hiện đại cho giới báo chí cả nước. Trong đó có đội ngũ các Tổng Biên tập - những người đang hằng ngày hằng giờ chỉ đạo tờ báo vừa theo sát tôn chỉ mục đích, thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị, vừa phải đáp ứng nhu cầu bạn đọc theo cơ chế thị trường.

Mong nhiệm kỳ tới, lãnh đạo Hội dành thời gian nhiều hơn nữa để đi xuống các địa phương, nhất là các tỉnh vùng sâu, vùng xa để tìm hiểu, lắng nghe, chia sẻ những thuận lợi, khó khăn của các Hội địa phương, qua đó cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương có những giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ về cơ chế chính sách, nguồn nhân lực, cơ sở vật chất cho các Hội cơ sở, góp phần tăng cường mối quan hệ giữa Hội Nhà báo Việt Nam với các địa phương nói chung và các Hội Nhà báo địa phương nói riêng.

HỘI NHÀ BÁO TỈNH CAO BẰNG:

Đại hội lần thứ XI Hội Nhà báo Việt Nam, nhiệm kỳ 2020 – 2025; là một sự kiện chính trị quan trọng của những người làm báo cả nước. Chúng tôi mong muốn Đại hội sẽ có nhiều giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm nhằm phát huy hơn nữa vai trò của các cấp Hội Nhà báo trong thực hiện đoàn kết, tập hợp hội viên, đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, gắn với việc thực hiện 10 điều Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam để xây dựng đội ngũ những người làm báo có bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức nghề nghiệp trong sáng, trình độ chuyên môn nghiệp vụ cao, sáng tạo ra những tác phẩm báo chí có giá trị về nội dung tư tưởng và cách thức thể hiện phong phú, hấp dẫn.

Các đại biểu giơ thẻ hội viên Hội Nhà báo Việt Nam nhất trí chương trình Đại hội. Ảnh: Phạm Hải

HỘI NHÀ BÁO TỈNH QUẢNG TRỊ:

Trong điều kiện gặp nhiều khó khăn, thách thức do bối cảnh trong nước, quốc tế không thuận lợi; thiên tai, dịch bệnh, nhất là Covid-19 làm ảnh hưởng đến hoạt động và nguồn thu của báo chí; sự bùng nổ của công nghệ mới, các nền tảng mới của truyền thông xã hội... Hội Nhà báo các cấp và các cơ quan báo chí trong nước đã có nhiều nỗ lực để duy trì hoạt động và phát triển báo chí, đồng hành có trách nhiệm với sự nghiệp đổi mới và phát triển của đất nước, góp phần nâng cao vai trò, vị thế của đất nước trên trường quốc tế.

Trong tình hình mới, đòi hỏi các cấp Hội phải có cách làm mới, năng động và sáng tạo hơn. Chúng ta xác định rằng khó có thể nâng cao chất lượng hoạt động nếu như vẫn giữ cách làm cũ, như thực trạng Hội Nhà báo các cấp, nhất là cấp tỉnh, thành phố chỉ có 1-2 biên chế chuyên trách, trụ sở thì ở nhờ cơ quan báo chí; cán bộ làm công tác Hội thiếu nhiệt huyết vì có không ít nhân sự là người ở các cơ quan báo chí được điều chuyển về làm công tác Hội một cách miễn cưỡng; khi Tổng Biên tập một số tờ báo chỉ biết “giao khoán” cho phóng viên thường trú chỉ tiêu làm quảng cáo; viết bài sai tôn chỉ, mục đích, thậm chí còn chạy theo câu "like", câu "view"... mà thiếu đi sự quan tâm quản lý, bồi dưỡng, nâng cao trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân của người làm báo.

Trước thềm Đại hội XI Hội Nhà báo Việt Nam, cũng là bước vào thập niên thứ ba của thế kỷ XXI, chúng tôi đặt niềm tin và kỳ vọng BCH Hội Nhà báo Việt Nam khóa XI sẽ được thiết kế, cấu trúc bao gồm những người có tài, có đức; có sự bổ trợ giữa những người làm báo lão luyện với những nhà báo trẻ, tâm huyết, tài năng để có thể đảm đương được vai trò, sứ mệnh của báo chí Việt Nam trong một thế giới đầy bất trắc và biến động.

Niềm tin ấy được xây đắp, bởi phía trước chúng ta đã có một chiều dày hơn 96 năm Báo chí Cách mạng Việt Nam. Vì thế hoạt động Hội Nhà báo các cấp, các cơ quan báo chí cần được nâng lên một cấp độ mới, chất lượng và hiệu quả; hướng tới xây dựng một nền báo chí giàu tính chiến đấu, nhân văn, chuyên nghiệp và hiện đại; hết lòng hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.

HỘI NHÀ BÁO TỈNH LẠNG SƠN:

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư khiến cuộc cạnh tranh giữa báo chí và mạng xã hội ngày một gay gắt, một số cơ quan báo chí đang thực hiện sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế, thu gọn đầu mối, trong khi khối lượng công việc tăng lên, yêu cầu nhiệm vụ nặng nề hơn; thu nhập, đời sống của người làm báo còn khó khăn… đòi hỏi các cơ quan báo chí, từng hội viên, nhà báo phải không ngừng “tự làm mới mình” chuyển đổi phương thức hoạt động, tác nghiệp để đáp ứng nhu cầu thông tin ngày càng cao của công chúng báo chí.

Trên tinh thần ấy, tôi tin tưởng Đại hội XI - Hội Nhà báo Việt Nam là đại hội của đoàn kết, kỷ cương, đổi mới, sáng tạo và phát triển. Tiếp tục đẩy mạnh và đa dạng hóa hình thức giáo dục, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, lý luận chính trị, đạo đức nghề nghiệp và kiến thức pháp luật cho hội viên nhằm xây dựng đội ngũ người làm báo “vừa hồng vừa chuyên”, thực hiện tốt trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân.

Đồng chí Nguyễn Đức Lợi - Nguyên Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Nguyên Tổng Giám đốc TTXVN phát biểu tại Đại hội XI Hội Nhà báo Việt Nam. Ảnh: Thế Anh

HỘI NHÀ BÁO TỈNH ĐẮK LẮK:

Để công tác Hội thật sự có hiệu quả, mang lại hiệu ứng xã hội cao, ngoài việc tiếp tục thực hiện tốt Chỉ thị 43 – CT/TW, ngày 8/4/2020 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XII) về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam trong tình hình mới”, mỗi Chi hội nhà báo cần có sự kết hợp chặt chẽ với chính lãnh đạo cơ quan đơn vị mình, nắm vững định hướng tuyên truyền, không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động báo chí, phát huy thế mạnh của báo chí địa phương là sát cơ sở, sát dân, phản ánh kịp thời, sâu rộng các phong trào hành động cách mạng của nhân dân; coi trọng phát hiện biểu dương nhân tố mới, điển hình tiên tiến.

Đối với vai trò của Hội cấp tỉnh, làm tốt hơn nữa công tác tập hợp, đoàn kết, tăng cường giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức nghề nghiệp, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ góp phần giúp cho mỗi hội viên, nhà báo nhận thức sâu sắc trách nhiệm của người làm báo, ra sức học tập, tu dưỡng rèn luyện về mọi mặt, nêu cao tinh thần cống hiến để ấn phẩm báo chí chuyển tải kịp thời tiếng nói của Đảng, Nhà nước và là diễn đàn tin cậy của nhân dân.

HỘI NHÀ BÁO TỈNH ĐẮK NÔNG:

Đại hội Hội Nhà báo tỉnh Đắk Nông lần thứ III, nhiệm kỳ 2020 – 2025 xác định: “Xây dựng tổ chức hội và cán bộ, hội viên vững mạnh về chính trị tư tưởng, trong sáng về đạo đức, vững vàng trong nghề nghiệp, xứng tầm với vai trò là tổ chức chính trị - xã hội – nghề nghiệp của những người làm báo, góp phần cùng với địa phương đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”.

Để đạt được mục tiêu đề ra, trước hết Hội Nhà báo tỉnh Đắk Nông tiếp tục nỗ lực phát huy vai trò tập hợp, đoàn kết đội ngũ làm báo trên địa bàn tỉnh; Vận động, hướng dẫn hội viên tích cực hưởng ứng tham gia các phong trào thi đua yêu nước, sáng tạo các tác phẩm báo chí chất lượng cao để tham gia các giải báo chí của Trung ương và của tỉnh; Tiếp tục phối hợp với lãnh đạo các cơ quan báo chí tăng cường giáo dục chính trị tư tưởng, quản lý hội viên, quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, lý luận chính trị, thực hiện tốt Luật Báo chí, 10 Điều Quy định về đạo đức nghề nghiệp và Quy tắc sử dụng mạng xã của người làm báo Việt Nam.

Kỳ vọng nhiệm kỳ XI Hội Nhà báo Việt Nam sẽ tạo ra làn gió mới trong hoạt động của các cấp Hội Nhà báo địa phương_Ảnh: TL

HỘI NHÀ BÁO TỈNH PHÚ YÊN:

Hàng năm, Hội Nhà báo tỉnh Phú Yên chỉ đạo các chi hội cơ sở, các câu lạc bộ nhà báo trên địa bàn tỉnh tổ chức nhiều hoạt động thiết thực: Giao lưu, tọa đàm, văn nghệ, thi đấu thể thao (cầu lông, bóng bàn, bóng đá...). Đặc biệt, năm 2020, Hội đã tổ chức đoàn cán bộ, hội viên, phóng viên về nguồn, dâng hương Nhà thờ Bác Hồ ở xã Sơn Định, huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên.

Hội Nhà báo Phú Yên tích cực bảo vệ quyền hành nghề của hội viên. Qua đó đã có văn bản báo cáo Hội Nhà báo Việt Nam và cơ quan thẩm quyền đối với 3 vụ có hành vi đe dọa, hành hung phóng viên Báo Phú Yên. Vụ việc đã được các cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ.

Hướng đến Đại hội XI Hội Nhà báo Việt Nam, Hội Nhà báo Phú Yên quyết tâm nâng cao chất lượng hoạt động công tác Hội; xây dựng, củng cố kiện toàn tổ chức Hội vững mạnh; tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, chuyên môn, nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp cho hội viên nhà báo; đưa phong trào của Cụm thi đua Hội Nhà báo 7 tỉnh Trung – Nam Trung Bộ phát triển lên một tầm cao mới.

HỘI NHÀ BÁO TỈNH THÁI NGUYÊN:

Một trong những vấn đề mà Hội Nhà báo tỉnh Thái Nguyên đặc biệt quan tâm tại Đại hội XI đó là việc đề ra phương hướng nhiệm vụ cho nhiệm kỳ mới. Điều này không phải chỉ đơn giản là những “gạch đầu dòng” mà đó còn là sự tập trung trí tuệ của Ban Chấp hành, nhằm đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động Hội, đáp ứng một cách tốt nhất yêu cầu nhiệm vụ đổi mới.

Đồng thời, tiếp tục thực hiện tốt vai trò tập hợp, đoàn kết, động viên hội viên, nhà báo phát huy khả năng sáng tạo, nâng cao vị thể của một tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp. Chú trọng bồi dưỡng lý luận chính trị, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, rèn luyện đạo đức nghề nghiệp, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, nâng cao ý thức trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi của hội viên, góp phần bảo vệ quyền hành nghề hợp pháp của nhà báo theo quy định của pháp luật. Đồng thời, tiếp tục đổi mới hoạt động, có giải pháp hiệu quả tạo sự gắn bó, mối liên kết mật thiết giữa Hội Nhà báo tỉnh với các cơ quan báo chí của tỉnh, cơ quan thường trú trên địa bàn tỉnh...

Đặc biệt, muốn có được một nhiệm kỳ XI thành công, chúng ta cần coi trọng việc nâng cao năng lực công tác của cán bộ Hội các cấp; phát huy tối đa tính sáng tạo, tinh thần tự chủ của từng tổ chức Hội; quan tâm bồi dưỡng nghiệp vụ và kinh nghiệm làm công tác hội cho cán bộ hội, mở rộng các hình thức giao lưu, trao đổi kinh nghiệm hoạt động./.

PV

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Ngày 31/5, tại Hà Nội, Hội đồng Giải Báo chí Quốc gia đã khai mạc vòng chấm chung khảo Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XVIII năm 2023.
Đạo đức cách mạng là "gốc" của người cách mạng, những người bằng uy tín của mình được nhân dân tín nhiệm giao trọng trách nắm và giương cao ngọn cờ lãnh đạo cách mạng của dân tộc. Kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại (19/5/1890 - 19/5/2024) là dịp để mỗi cán bộ, đảng viên thêm quyết tâm học tập, tu dưỡng, rèn luyện và thực hành đúng, thực chất đạo đức cách mạng, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, mãi là ngọn cờ lãnh đạo dân tộc trong thời kỳ mới.
Thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa ký ban hành Quy định số 144-QĐ/TW ngày 9/5/2024 của Bộ Chính trị về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới.
Thay mặt Bộ Chính trị, đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương đã ký ban hành Quy định số 142-QĐ/TW ngày 23/4/2024 quy định thí điểm giao quyền, trách nhiệm cho người đứng đầu trong công tác cán bộ.