Nhân tố góp phần làm nên thắng lợi mùa Thu tháng Tám

Gần 8 thập niên đã đi qua nhưng mốc son chói lọi mang tên mùa Thu tháng Tám vẫn sáng ngời biểu tượng của tinh thần yêu nước, đoàn kết chiến thắng kẻ thù. Đóng vai trò như một vũ khí sắc bén trên mặt trận tư tưởng, báo chí cách mạng Việt nam tự hào là một nhân tố góp phần không nhỏ làm nên cuộc hồi sinh vĩ đại của dân tộc - Cách mạng tháng Tám 1945.

Vũ khí sắc bén

Kể từ khi ra đời, dù trong điều kiện hoạt động công khai hay bí mật, báo chí Cách mạng Việt Nam luôn góp mặt và đóng vai trò nhân tố quan trọng trên mọi lĩnh vực. Ở vào những giai đoạn lịch sử có tính quyết định, “vũ khí báo chí” càng được phát huy. Trong thời kỳ chuẩn bị Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945, mặc dù trong hoàn cảnh hoạt động bí mật vô cùng khó khăn, song hàng loạt các tờ báo cách mạng đã đến với quần chúng nhân dân, khích lệ lòng yêu nước, phát động cao trào cứu quốc, tập hợp lực lượng, góp phần làm nên thắng lợi vĩ đại đầu tiên của nhân dân ta từ khi có Đảng lãnh đạo.

Báo chí với cao trào cứu quốc, chuẩn bị khởi nghĩa, nổi bật ở vai trò phục vụ đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng. Đề cương về Văn hóa Việt Nam được thông qua tháng 2 năm 1943 là một trong những văn kiện lịch sử quan trọng khẳng định quan điểm và đường lối của Đảng về phát triển văn hóa dân tộc, với ba nguyên tắc "Dân tộc, khoa học, đại chúng". Báo Tiên Phong (Hội Văn hóa cứu quốc Việt Nam) đã có nhiều bài viết thể hiện rõ các nguyên tắc trên.

Giương cao ngọn cờ khởi nghĩa, các tờ Kèn Gọi Lính, Thanh Niên, Cứu Quốc, Cờ Giải Phóng,... tập trung nêu cao vấn đề giải phóng dân tộc lên hàng đầu và mang tính định hướng dư luận lớn. Một số tờ cũng đi sâu phân tích tình hình trong nước và quốc tế, kêu gọi nhân dân nhìn nhận lại kẻ thù chính của dân tộc. Trên báo Cờ Giải Phóng số ra ngày 12/4/1945, bài viết với tiêu đề “Đừng để giặc Nhật lừa phỉnh - Phải nhằm đúng kẻ thù” có đoạn viết “ Hiện nay, giặc Nhật dùng người Pháp trong các công sở và dung túng cho bọn Pháp này áp bức công chức người Nam. Nhưng một mặt chúng lại khuyến khích nhân dân Đông Dương bài Pháp. Chúng cho các báo hằng ngày vạch rõ tội ác của chủ nghĩa đế quốc Pháp khiến cho đồng bào ta căm hờn giặc Pháp mà không chú ý đến tội ác của chúng...”. Trong đó, hai tờ báo tiêu biểu Cứu Quốc và Cờ Giải Phóng có sức động viên rất lớn đối với việc đẩy mạnh cao trào cứu quốc, có nhiều bài viết chỉ đạo tiến hành nhiệm vụ chuẩn bị khởi nghĩa và tổ chức lãnh đạo Cách mạng tháng Tám 1945 đi đến thành công.

Báo Cứu Quốc ra đời ngày 25/1/1942 sau khi Hội nghị Xứ ủy Bắc Kỳ ra quyết nghị về việc chuẩn bị cho “tờ báo của Việt Minh” để phát hành rộng rãi trong các tổ chức của mặt trận và hướng tới “giới sĩ, nông, công, thương, binh và các đoàn thể cứu nước; toàn thể đồng bào mất nước...”. Lệnh Tổng khởi nghĩa được đăng trang trọng trên báo Cứu Quốc số 30 như một lời Hịch cứu nước của Đảng, đã quy tụ toàn dân nhất tề vùng dậy giành chính quyền.

Cờ Giải Phóng ra đời ngày10/10/1942 với tư cách cơ quan tuyên truyền, cổ động Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương. Báo Cờ Giải Phóng được coi là “một tờ báo lý luận chính trị có tầm cỡ”, “một trong những tờ báo cách mạng thành công nhất, xét về cả nội dung lẫn hình thức”..., được “in litô thủ công với chữ lấy từ Hà Nội ra trên giấy xanh thô sơ, nhưng đây là những tiến bộ vượt bậc về ấn loát và
trình bày của báo chí bí mật”. Bám sát các chủ đề lớn như phổ biến đường lối, chính sách lớn của Ðảng
và của Mặt trận Việt Minh; vạch trần âm mưu thâm độc của phát xít Nhật và bọn tay sai thân Nhật; vấn
đề xây dựng Đảng;... các bài viết trên Cờ Giải Phóng đã thực sự mang đến “luồng gió mới” có sức mạnh tập hợp lực lượng đoàn kết dưới ngọn cờ lãnh đạo của Đảng.

Bên cạnh đó, báo chí xuất bản trong các nhà tù giai đoạn trước Cách mạng tháng Tám 1945 giữ vai trò đặc biệt quan trọng và góp phần tạo nên bản sắc riêng của báo chí cách mạng. Giữa “địa ngục trần gian”, kề cận cái chết, lý tưởng cách mạng vẫn tỏa sáng trên từng trang báo do các tù nhân cộng sản kiên trung trực tiếp chỉ đạo, tổ chức, biên tập, in ấn, phát hành. Đây chính là phương tiện kết nối lực lượng, tuyên truyền chủ nghĩa cộng sản, là tài liệu học tập, nâng cao trình độ lý luận chính trị, là nguồn sức mạnh tinh thần to lớn trong cuộc đấu tranh vì độc lập, tự do của Tổ quốc.

Tại Bảo tàng Báo chí Việt Nam, phần trưng bày “Những cây bút xuất sắc và vũ khí báo chí” ghi trang trọng dòng chữ: “Lịch sử đấu tranh cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam 1930 - 1945 đã quy tụ nhiều nhà tổ chức báo chí tiêu biểu và nhiều cây bút tài năng, trong đó có nhiều người là cán bộ lãnh đạo cao cấp, nhà tư tưởng, nhà lý luận chính trị xuất sắc”. Lịch sử cách mạng đã chứng minh, báo chí giai đoạn này được coi trọng và phát huy thế mạnh, thực sự trở thành vũ khí sắc bén và hiệu quả, góp phần tạo nên những thắng lợi to lớn trong Cách mạng tháng Tám năm 1945 và thúc đẩy tiến trình phát triển đất nước.

Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet

Hoàn thành sứ mệnh cao cả

Báo chí cách mạng với thắng lợi mùa Thu tháng Tám, một lần nữa khẳng định vai trò và sứ mệnh cao cả của báo chí trong dòng chảy lịch sử. Thực tiễn phát triển phong phú của báo chí dưới sự lãnh đạo của Đảng đã tạo tầm ảnh hưởng rộng rãi của Đảng với quần chúng nhân dân, tăng cường vị thế của Đảng trong đấu tranh vận động cách mạng, góp phần tạo nên thành công của Đảng trong sự nghiệp lãnh đạo cách mạng Việt Nam.

Báo chí, lực lượng những người làm báo cách mạng những năm tháng này đã cho thấy sức mạnh một thành trì bất khả xâm phạm. Dẫu trong vòng bí mật, trong sự kiểm soát gắt gao của kẻ thù, hay trong ngục tù đày đọa, trong sự thiếu thốn trăm bề,... ngòi bút của những người làm báo, của những chiến sĩ cách mạng vẫn không ngừng sáng tạo. Mỗi tác phẩm báo chí ra đời thời điểm ấy đều mang tâm huyết, hơi thở của tinh thần yêu nước, đoàn kết, kêu gọi, động viên, cổ vũ các tầng lớp nhân dân tập hợp dưới ngọn cờ của Đảng, sẵn sàng khởi nghĩa giành chính quyền. Báo chí đã bám sát từng bước tiến triển của cách mạng, đóng một vai trò đặc biệt quan trọng trong việc chuẩn bị, tiến tới Tổng khởi nghĩa tháng Tám 1945 thắng lợi. Báo chí cách mạng Việt Nam đã thực hiện rất tốt các chức năng của mình, tuyên truyền, hướng dẫn dư luận, tập hợp lực lượng... để hoàn thành tốt sứ mệnh.

Từ mùa Thu Cách mạng năm ấy, 77 mùa thu tiếp nối, báo chí cách mạng được rèn giũa trong thực tiễn cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, hôm nay đang từng ngày một lớn mạnh, khẳng định vai trò tiên phong, xung kích trên mặt trận tư tưởng. Gần một thế kỷ xây dựng và trưởng thành, báo chí Việt Nam, những người làm báo luôn khắc cốt ghi tâm lời chỉ dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, phát triển một nền báo chí cách mạng nhân văn, hiện đại. Cách mạng tháng Tám năm 1945 vẫn còn nguyên giá trị và tiếp tục tỏa sáng trong sự nghiệp cách mạng của đất nước. Cũng như những người làm báo cả nước mãi tự hào về các thế hệ cha anh đã làm nên một thời kỳ báo chí sôi nổi, gian khó nhưng hào hùng.

Hà Giao

* Tư liệu tham khảo: Bảo tàng Báo chí Việt Nam, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam.

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Ngày 13/1/2025, tại Thủ đô Hà Nội, Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức hội nghị toàn quốc về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Hội nghị nhằm đánh giá tình hình thực hiện các nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về phát triển khoa học, công nghệ; quán triệt, triển khai Nghị quyết số 57-NQ/TW, ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, tạo sự chuyển biến mang tính đột phá về nhận thức và tổ chức thực hiện, góp phần đưa đất nước phát triển giàu mạnh, hùng cường trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Tổng Bí thư Tô Lâm dự và phát biểu tại hội nghị. Tạp chí Người Làm Báo trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu:
Trong kỷ nguyên số, chuyển đổi nội dung số các tạp chí của Việt Nam có vai trò quan trọng trong tuyên truyền, phổ biến, giáo dục quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thành tựu của đất nước; đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; phổ biến tri thức, góp phần nâng cao dân trí, phát triển văn hóa và con người Việt Nam trên không gian mạng. Đồng thời, góp phần “xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại”(1) theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Ngày 16/12, tại thành phố Cần Thơ, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức hội nghị báo chí toàn quốc tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025.
Tạp chí Người Làm Báo trân trọng giới thiệu bài viết của đồng chí Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về xây dựng hệ thống chính trị với tiêu đề : "Tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả".
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top