Nhà máy nước Thủ Đức: 50 năm hành trình cùng dòng chảy lịch sử

Những người trong cuộc còn nhớ như in thời khắc lịch sử của ngày 30/4/1975, khi cờ đỏ sao vàng tung bay trên tháp nước Sở sản xuất nước sông Đồng Nai (tiền thân của Nhà máy nước Thủ Đức).

Ông Trần Văn Nhiếp, nguyên quản đốc vận hành Nhà máy nước Thủ Đức_ Ảnh: Bùi Nhi

Đây cũng là lúc Nhà máy nước Thủ Đức bắt đầu viết nên câu chuyện mới của thời đại độc lập, tự do và phát triển không ngừng. 59 năm hình thành và phát triển cùng với những thăng trầm của lịch sử dân tộc. Trong đó có 50 năm đồng hành cùng TP. HCM phát triển, đảm bảo an ninh nước sạch, đời sống cho người dân kể từ dấu mốc 30/4/1975. Có thể ví Nhà máy nước Thủ Đức như một "chiến sĩ".

Chương đầu Nhà máy nước Thủ Đức sau ngày thống nhất

Đã 87 tuổi, ông Trần Văn Nhiếp, nguyên quản đốc vận hành Nhà máy nước Thủ Đức vẫn nhớ như in không khí ngày 30/4/1975. Tin chiến thắng len lỏi khắp nơi, tập thể lãnh đạo và công nhân Sở sản xuất nước sông Đồng Nai cũng vỡ òa hòa trong niềm vui lớn của dân tộc. Mọi người mừng nhưng vẫn duy trì vận hành để hoạt động nhà máy không gián đoạn, đảm bảo cấp nước cho người dân thành phố.

Chương đầu sau ngày giải phóng, sở sản xuất nước đối mặt với muôn vàn khó khăn từ trang thiết bị đến nguyên vật liệu do nền kinh tế nước ta còn bị cấm vận nhiều mặt. Thời điểm đó vật tư trong kho dần cạn kiệt nhưng nhiều chi tiết máy móc lại có dấu hiệu hư hỏng, cần được thay thế để đảm bảo quy trình xử lý nước hoạt động trơn tru. Với tinh thần trách nhiệm cao nhất, tập thể cán bộ, công nhân viên đã nảy ra nhiều sáng kiến ứng phó tình trạng này.

Ông Nhiếp hồi tưởng, khi TP. HCM thiếu nguồn cung chloroform (Clo) sử dụng trong khử trùng nước, ông đã ra tận Việt Trì (Phú Thọ) để tìm kiếm nguồn hàng. Chờ cả tháng lượng hàng mới được gom đủ vận chuyển về nhà máy. Để chủ động trước tình hình, ông chế ra chiếc máy điện giải Clo từ muối Natri Clorua (NaCl), sử dụng ở bể lọc tiêu diệt ký sinh trùng, vi khuẩn và vi rút gây bệnh trong nước.

Trải qua 59 năm hình thành, Nhà máy nước Thủ Đức luôn đồng hành cùng sự phát triển của TP.HCM_ Ảnh: SAWACO

Ông Nguyễn Văn Hòa, nguyên quản đốc phân xưởng bảo trì, sửa chữa nhà máy cũng không thể quên "thời sáng kiến" đó. Nhiều vật liệu đặc biệt như lốp cao su bọc bánh xe tăng, nhôm từ xác máy bay… được tận dụng tạo ra trang thiết bị cần thiết đảm bảo hoạt động của nhà máy. Trong đó, ông Hòa nhớ nhất nửa tháng tìm lại những vật liệu đã bị oxy hóa trong kho, anh em nhà máy cần mẫn tiện và mài thủ công để thay thế bạc đạn đỡ đã bị mòn của máy bơm nhà máy.

Nhờ sự nỗ lực không ngừng của tập thể cán bộ, công nhân tại nhà máy, công suất nước ban đầu vốn chỉ 450.000 m³/ngày (năm 1966) đã tăng lên khoảng 560.000 m³/ngày trong giai đoạn 1975 - 1982. Đến nay, công suất đã chạm mức 750.000 m³/ngày.

Nước sạch vượt tiêu chuẩn Bộ Y tế

Những dòng chảy từ sông Đồng Nai đi vào nhà máy. Từ đó trải qua nhiều quy trình khắt khe để đảm bảo cấp nước sạch cho gần 10 triệu dân TP. HCM. Theo Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn TNHH MTV Sawaco, nguồn nước từ sông Đồng Nai, qua xử lý đến nhà dân đều phải đạt quy chuẩn của Bộ Y tế. Tuy nhiên, công ty luôn yêu cầu chất lượng nước phải cao hơn quy chuẩn này. Chẳng hạn độ đục phải thấp hơn yêu cầu 4 lần, hàm lượng mangan và sắt cũng thấp hơn yêu cầu 10 lần.

Ông Nguyễn Văn Hòa, nguyên quản đốc phân xưởng bảo trì, sửa chữa Nhà máy nước Thủ Đức_ Ảnh: Bùi Nhi

Nước từ sông Đồng Nai đến mỗi hộ dân là một quá trình dài, được xử lý bằng quy trình khép kín và nghiêm ngặt. Nước sông trước tiên được thu vào hầm thu nước. Từ đó chảy vào ống dẫn nước vào hầm bơm để về Nhà máy nước Thủ Đức. Sau đó tiếp tục được dẫn qua các bể lắng, rồi bể lọc xử lý khử trùng.

Tại đây, các công nhân nhà máy tiến hành kiểm tra mẫu nước. Nếu đạt chuẩn, nước sẽ được đưa vào hệ thống bơm đẩy ra mạng lưới các công ty cấp nước và phân phối đến các hộ dân. Nếu có dấu hiệu bất thường, lập tức nước sẽ được tạm ngưng lấy và cung cấp đến người dân. Ngoài ra nước được xử lý trong nhà máy còn được giám sát trực tuyến qua hệ thống công nghệ thông tin hiện đại làm nhiệm vụ cảnh báo bất thường trong chất lượng nước và báo động ngừng cấp nước ra ngoài.

Nửa thế kỷ trôi qua, những dòng chảy lịch sử đã tiếp nối sứ mệnh quan trọng của mình, sản xuất nước sạch phục vụ người dân. Hành trình ấy vẫn đang tiếp tục cùng sự phát triển của hệ thống cấp nước TP. HCM nói riêng và sự phát triển của thành phố nói chung.

PV

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Ngày 13/1/2025, tại Thủ đô Hà Nội, Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức hội nghị toàn quốc về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Hội nghị nhằm đánh giá tình hình thực hiện các nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về phát triển khoa học, công nghệ; quán triệt, triển khai Nghị quyết số 57-NQ/TW, ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, tạo sự chuyển biến mang tính đột phá về nhận thức và tổ chức thực hiện, góp phần đưa đất nước phát triển giàu mạnh, hùng cường trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Tổng Bí thư Tô Lâm dự và phát biểu tại hội nghị. Tạp chí Người Làm Báo trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu:
Trong kỷ nguyên số, chuyển đổi nội dung số các tạp chí của Việt Nam có vai trò quan trọng trong tuyên truyền, phổ biến, giáo dục quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thành tựu của đất nước; đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; phổ biến tri thức, góp phần nâng cao dân trí, phát triển văn hóa và con người Việt Nam trên không gian mạng. Đồng thời, góp phần “xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại”(1) theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Ngày 16/12, tại thành phố Cần Thơ, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức hội nghị báo chí toàn quốc tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025.
Tạp chí Người Làm Báo trân trọng giới thiệu bài viết của đồng chí Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về xây dựng hệ thống chính trị với tiêu đề : "Tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả".
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top