Nhà báo Việt Hưng - Những điều đọng lại
21:04 16/06/2022
- Báo chí & Công chúng

Nhà báo, nhiếp ảnh gia Việt Hưng
Thương hiệu ảnh Việt Hưng
Anh vào cơ quan và được phân làm phóng viên ảnh, trực thuộc phòng Tòa soạn (nay là Thư ký tòa soạn, Báo Hà Bắc), còn tôi ở phòng phóng viên viết. Thời kỳ đó phóng viên viết ít chụp ảnh, còn phóng viên ảnh thì ít viết. Công việc của ai người đấy làm.
Tôi ấn tượng nhất ở anh là mái tóc bồng bềnh lãng tử cùng với chiếc xe MZ to vật, một con người phong độ. Dù vào nghề chỉ trước tôi có vài tháng, nhưng anh tỏ ra rất trải đời, trải nghề. Đi đến đâu anh cũng được cơ sở đón tiếp thiện tình.
Thời kỳ đầu làm báo, chủ yếu chụp ảnh bằng phim, ấy vậy mà mỗi lần chụp, anh đều “bắn liên thanh”, không tiếc. Nhiều chuyến đi về đếm tới vài chục cuộn. Do có óc quan sát lại chịu khó học hỏi kỹ thuật nên tay nghề của anh “tiến” vùn vụt. Ảnh có bố cục chặt chẽ, độ nét căng, rất đẹp. Ảnh không chỉ dùng để in báo mà còn có thể phóng to treo khung được.
Ảnh của anh chất lượng ngày một tốt, vì thế được sử dụng rất nhiều. Có giai đoạn ảnh của anh chiếm đa số trên mặt báo Bắc Giang và ở các bản tin của các cơ quan, đơn vị trong tỉnh. Công tác ở Báo Hà Bắc (sau này là Báo Bắc Giang) hơn 20 năm là gần đấy năm ảnh của anh đứng trang bìa các số báo Tết (báo Xuân). Và bìa báo Xuân năm nào của báo cũng được đồng nghiệp cũng như bạn đọc đánh giá cao, nhiều năm đoạt giải bìa đẹp ở Hội Báo Xuân toàn quốc.
Nhiều giai đoạn ở toà soạn, khách đến chủ yếu gặp phóng viên Việt Hưng để xin cũng như mua ảnh. Họ hẹn gặp ở cơ quan, ở nhà riêng làm anh lúc nào cũng bận túi bụi. Nhiều cơ quan, đoàn thể, kể cả các doanh nghiệp làm kỷ yếu, nhưng đều “khoán” phần ảnh cho anh làm. Có “lộc” thỉnh thoảng anh lại hào phóng mời anh em chúng tôi làm bữa bia cỏ vỉa hè. Rồi anh khuyến khích chúng tôi mua máy ảnh để chụp ảnh theo bài. Anh không ngần ngại hướng dẫn cách thức chụp cho lớp phóng viên mới.
Không chỉ ảnh báo chí, Việt Hưng còn bén duyên với ảnh nghệ thuật. Những bức ảnh anh tham gia dự giải đều có ý tưởng độc đáo, bố cục chặt chẽ và giàu tính nhân văn. Ảnh của anh có thần thái, có sức gợi. Nhiều bức ảnh trong đó đó đã đoạt giải cao trong các cuộc thi ảnh của khu vực. Trong đó có giải Nhất chụp cô gái Dao vào năm 1999. Hồi đó số tay máy tham gia cũng nhiều và khá “sừng sỏ”, nhưng Việt Hưng vẫn vượt qua hết để lên bục nhận giải cao nhất.
Đánh giá về nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Hưng, ông Vũ Quốc Khánh, nguyên Chủ tịch Hội Nghệ sỹ nhiếp ảnh Việt Nam khẳng định: “Đây là tay máy có dấu ấn. Ảnh Việt Hưng có sự sáng tạo trong thể hiện và đa dạng đề tài. Sự đồ sộ về khối lượng tác phẩm cho thấy sự miệt mài sáng tạo của một nghệ sỹ như Hưng”.
Việt Hưng (áo đỏ) trong một chuyến đi sáng tác tại quê hương quan họ
Có câu chuyện vui thế này, trong một đợt chọn ảnh trưng bày để phục vụ một sự kiện lớn của tỉnh, vì sợ cái bóng của Việt Hưng lấn át dẫn đến việc chọn ảnh không khách quan, Ban Tổ chức mới bỏ tên tác giả ở mỗi bức ảnh và cho Hội đồng tuyển chọn. Lúc ghép phách, ảnh của Việt Hưng lại chiếm đa số ảnh được chọn. Dù không nói ra, nhưng nhiều người lúc đó mới thực sự “tâm phục, khẩu phục” chất lượng ảnh của anh.
Trước lúc nghỉ hưu, anh đã mở được một triển lãm về ảnh. Đây cũng là người duy nhất (đến thời điểm này) ở cơ quan Báo Hà Bắc cũng như Bắc Giang có triển lãm ảnh cá nhân của riêng mình. 123 tác phẩm triển lãm được chọn trong số những tác phẩm anh chụp trong hơn 20 năm cầm máy, đã lột tả được bức tranh sinh động về một Bắc Giang truyền thống và hội nhập. Những bức ảnh có hồn vía, đầy sức lôi cuốn, hấp dẫn. Nhiều tay máy chuyên nghiệp khi xem triển lãm đã ngỡ ngàng trước những gì mà anh có. Phát biểu tại buổi lễ, ông Đỗ Bình Dương, nguyên Ủy viên T.Ư Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hà Bắc đánh giá cao công sức lao động của anh, đồng thời cho rằng những tác phẩm mà nhà báo Việt Hưng có thực sự xứng với danh hiệu người “chép sử Bắc Giang bằng ảnh”.
Khai trương triển lãm ảnh của nhà báo Việt Hưng
Thương hiệu tác phẩm báo chí Việt Hưng
Không chỉ chụp mà anh còn đam mê viết. Tôi thấy anh viết đa thể loại, nhưng nhiều và để lại dấu ấn là ở mảng phóng sự. Đây là mảng thể tài rất khó mà không phải ai cũng viết được. Tuy nhiên, với anh việc viết phóng sự lại có vẻ dễ dàng như “đẩy xe hàng”. Phóng sự của anh có hồn vía, lại có phong cách riêng nên dễ đọc, dễ nhớ. Tôi cũng đã đọc phóng sự báo chí của nhiều người, nhưng tác phẩm của Việt Hưng có chất riêng, rất ấn tượng.
Có khi chỉ cần đọc “tít” đã nhận ra tác giả, ví như năm 1996, anh viết về vùng cây ăn quả Lục Ngạn với tựa đề “Xôn xang mùa trái chín”; năm 1997, sau chuyến cùng lãnh đạo tỉnh thăm, thắp hương tại Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn (Quảng Trị), nơi có nhiều con em người Hà Bắc được quy tập hài cốt về đó, anh viết bài với tựa đề “Trường Sơn hai đầu nỗi nhớ”; năm 1999, trước tình trạng nhiều gia đình mua phải giống vải thiều kém chất lượng, bài anh viết có hàng tít “Mấy năm công cốc cho giống vải rừng”; hoặc khi viết về đề tài cây lúa thơm ở huyện Yên Dũng, anh lại có: “Lúa thơm - thơm đất Phượng Hoàng”… những tít đó đọc một lần là nhớ mãi.
Thời gian đầu anh viết còn tùy hứng theo kiểu thấy nhân vật thật ưng, thật xuất sắc mới viết. Thời kỳ đó, lượng tác phẩm phóng sự của anh còn thưa thớt. Những về sau dù bận bịu làm ảnh, anh vẫn đặt cho mình mục tiêu viết nhiều hơn. Thế rồi chuyên mục “Người Bắc Giang tiêu biểu” ra đời. Anh viết về những nhân vật là những người “con của quê hương” thành danh trên mọi miền Tổ quốc. Đều đều mỗi tháng một bài. Lúc anh đi một mình, khi đi với đồng nghiệp... công cuộc “đãi cát tìm vàng” đã cho anh nhiều hứng thú. Để rồi những người con quê hương trên các lĩnh vực được đề cập, đăng tải.
Đó là GS- TS Nhà giáo Nhân dân Ngô Thế Chi, quê ở xã Xuân Cẩm, huyện Hiệp Hòa; là Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền, quê ở huyện Yên Dũng; là Tiến sĩ Đoàn Thao, nguyên Phó Chủ nhiệm UBTT Việt Nam, quê ở T.P Bắc Giang; là Trung tướng, GS-TS, Nhà giáo ưu tú Đồng Minh Tại, nguyên Giám đốc Học viện Hậu cần, quê ở huyện Lạng Giang; là Trung tướng Nguyễn Ngọc Văn, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược quân sự (Bộ Quốc phòng), quê ở huyện Việt Yên; là GS- TS, Nhà giáo ưu tú Nguyễn Trọng Giảng, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội, quê ở huyện Sơn Động….
Trong mỗi bài viết, anh đều để họ bộc lộ tấm lòng nhớ quê hương và đóng góp cho quê hương. Những bài viết của anh đã có sức lan tỏa, khích lệ động viên họ tiếp tục nghiên cứu, cống hiến cho Tổ quốc. Đồng thời lại là sợi dây gắn kết, kéo họ gần hơn với quê hương. Những cuộc gặp gỡ của lãnh đạo tỉnh với những nhà khoa học (con em thành danh) nhiều hơn, đậm đà hơn. Những người con xa quê hương cũng dành tình cảm cho cơ quan Báo Bắc Giang nhiều hơn. Nhiều cuộc gặp mặt xúc động đã diễn ra. Nổi bật trong đó là tình cảm của cán bộ, phóng viên, công nhân viên cơ quan báo với cán bộ, chiến sĩ Học viện Hậu cần nơi Trung tướng, GS- TS Nhà giáo ưu tú Đồng Minh Tại làm giám đốc. Sự gắn kết còn được duy trì mãi sau này kể cả khi GS đã nghỉ hưu.
Nhà báo Việt Hưng luôn là người chịu khó học hỏi về nghề
Với cơ quan và các đồng nghiệp trẻ, anh luôn nhiệt tình hướng dẫn. Không chỉ hướng dẫn cách chụp những bức ảnh sao cho nét; chặt chẽ bố cục mà còn cả những kinh nghiệm chụp ảnh hội nghị, chụp ảnh lãnh đạo. Những kinh nghiệm tác nghiệp của anh ở các sự kiện lớn như Đại hội Đảng toàn quốc; Đại hội TDTT tỉnh rất bổ ích cho những người mới vào nghề. Một đội ngũ phóng viên trưởng thành sau này cũng có một phần đóng góp của anh.
Lẽ thường những phóng viên học việc phải “phục vụ” đàn anh đi trước, nhưng với Việt Hưng thì điều đó lại khác. Đi đâu anh cũng lái chiếc xe ô tô của mình đưa đón mọi người. Anh có xe ô tô sớm hơn nhiều người trong cơ quan. Giai đoạn đầu, nhiều người không có xe ô tô nên chuyện đi “ké” là lẽ thường. Nhưng sau này nhiều người có xe riêng rồi, tôi vẫn thấy họ đi cùng anh đều đều. Anh tốt tính, nhưng cũng cá tính. Điều đó thể hiện rõ trong cuộc sống và cả tác phẩm. Ai đó nói “đọc văn ra người”. Ngẫm vào anh, tôi thấy rất đúng.
Anh đoạt nhiều giải thưởng ở các lĩnh vực từ viết báo (tay trái) đến ảnh (tay phải) của mình. Anh không chỉ đoạt giải trong tỉnh mà còn cả khu vực; giải báo chí toàn quốc. Năm 1996, mới vài năm vào nghề, anh đã giành giải Nhất cuộc thi phóng sự với chủ đề “Phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường” với tác phẩm: “Xôn xang mùa trái chín”. Năm 1999, anh có phóng sự được dư luận đánh giá cao, đó là “Mấy năm công cốc cho giống vải rừng”. Đến năm 2014, anh tiếp tục đoạt giải Nhất với tác phẩm “Địa chỉ tin cậy để làm giàu”... Giai đoạn thăng hoa, anh gửi dự thi liên tục. Nhưng sau này vì nhiều lý do, anh không gửi nữa. Đó cũng là điều đáng tiếc. Đoàn Việt Hưng là Hội viên Hội nghệ sỹ nhiếp ảnh Việt Nam. Hội viên Hội Nhà báo Việt Nam. Anh là một trong những người làm báo ở Bắc Giang được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen về thành tích xuất sắc trong công tác.
Thanh Hải
Bình luận: 0
Tin tức liên quan
- Câu chuyện về hành trình theo đuổi đam mê của các gương mặt trẻ tại giải thưởng “Bền đam mê” (09:43 02/04/2025)
- Hoa hậu môi trường thế giới Nguyễn Thanh Hà: Lan tỏa thông điệp xanh tại sự kiện “Triệu cây xanh vì môi trường quốc gia” (07:55 23/03/2025)
- Ra mắt cuốn sách kể chuyện lịch sử Hà Nội qua những công trình kiến trúc (05:54 06/12/2024)
- Tình trạng "báo hóa" trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội đã giảm đáng kể (04:45 29/11/2024)
- Hoa hậu Môi trường thế giới năm 2023 Nguyễn Thanh Hà: Môi trường chỉ có thể tốt hơn nếu lối sống của chúng ta thay đổi (08:18 09/11/2024)