Nguồn tin-vốn quý của nhà báo

Nhà báo là người hay hỏi han, ghi chép tỉ mỉ, nhất là khi khai thác nguồn tin. Bởi những tình tiết từ nguồn tin dẫn đến kết quả điều tra là “nguyên liệu” chính xây dựng nên tác phẩm báo chí

Duy trì mối liên hệ tốt với nguồn tin là kỹ năng cần thiết đối với mỗi nhà báo

Nguồn tin đa chiều

Nhà báo không thể biết hết mọi sự việc đã, đang xảy ra khắp mọi nơi. Vì thế, nguồn tin là một cứu cánh cần thiết, không thể thiếu. Nhà báo phải có nguồn tin, nếu không anh sẽ rất cô độc, dẫn đến bất lực nghề nghiệp. Trong hành nghề, người làm báo luôn xem nguồn tin là đòi hỏi thiết yếu. Càng nhiều nguồn tin đắt giá càng có nhiều bài viết chất lượng.

Nguồn tin ở đâu. Cách tạo lập và nuôi dưỡng nguồn tin như thế nào. Hai câu hỏi này đều thuộc về năng lực nghề nghiệp của người làm báo. Năng lực biểu hiện ở sự “tinh thông” nghề nghiệp, ở tính nhạy bén, nhạy cảm đối với mọi sự việc liên quan đến đời sống báo chí đang diễn ra. Có thể, nguồn tin đến từ một bản tin thời sự trên sóng truyền hình VTV. Có thể, nguồn tin đến từ một bài báo nhỏ đăng trên báo địa phương. Trong một tiệm cafe, quán trà đàm đạo, nguồn tin có thể đến từ một người bạn. Và, nguồn tin đến nhiều từ bạn đọc gần, xa. Những người này có thể biết nhà báo hoặc nhờ người tìm nhà báo có đủ niềm tin cậy để trao gửi một đề tài mà họ thấy cần phải có tiếng nói của báo chí.

Dẫn ra như vậy để hiểu rằng, ngoài sự “tinh thông” nghề nghiệp, nhà báo phải có đủ độ tin cậy để bạn đọc, người dân có thể cung cấp, trao gửi thông tin. Lúc đó, nhà báo lãnh nhận trách nhiệm của mình là tiếp cận thông tin và viết như thế nào để từ hiệu ứng của bài báo khiến bạn đọc này sẽ hẹn những lần báo tin khác.

Thực tế, có nhiều nguồn tin bản thân nhà báo không thể biết, hoặc không thể biết tường tận. Khi được báo tin, thông tin giúp nhà báo tiếp cận thực tế mới hay những góc khuất, những “mảng tối” đang hiện diện khó ngờ. Giá trị của nguồn tin nằm ở chỗ đó.

Mới đây, tôi nhận điện thoại của một người dân, báo tin về vụ xà xẻo hàng ngàn mét đất trồng rừng ở xã Quỳnh Châu, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An). Sau khi nghe sơ bộ nguồn tin, tôi hỏi “vì sao anh biết số điện thoại của tôi để liên lạc”. Người dân nói, do vụ việc gây quá nhiều bức xúc trong dư luận kể cả trong các cuộc họp dân và tiếp xúc cử tri tổ chức ở địa phương nên tôi phải nhờ đến một đại tá cựu chiến binh trong xã để tìm một nhà báo có thể phản ánh vụ việc này. Vị cựu chiến binh có quen biết một cựu cán bộ ở thành phố Vinh nên người này đã bày cho. Tôi xin số điện thoại của anh qua vị cựu cán bộ này.

Từ đây, tôi yêu cầu người báo tin gửi lá đơn qua zalo. Đọc lá đơn, tôi thấy vụ việc xà xẻo hàng ngàn mét đất rừng bằng cách tẩy xoá hồ sơ một cách giản đơn để “biến” thành nhiều lô đất ở có bìa đỏ của nhiều người khác. Vụ việc tiêu cực, tham nhũng này là một đề tài không mới nhưng cần được phản ánh. Hôm tôi đến gặp người báo tin mới biết anh nguyên là cán bộ đoàn xã Quỳnh Châu. Ba người bạn của anh có mặt tại buổi làm việc đều là cán bộ và nguyên cán bộ của xã này. Từ bốn người dân cung cấp thông tin, tôi tận mắt xem xét tư liệu và thực trạng rồi làm việc với Chủ tịch xã Quỳnh Châu, Phó Chủ tịch Huyện và Trưởng phòng Tài nguyên -Môi trường Huyện Quỳnh Lưu. Tất cả những thông tin này giúp chúng tôi viết bài báo “Xà xẻo hàng chục mét đất rừng dễ như bóc bánh?” (Báo Nông Nghiệp Việt Nam, ngày 25/6/2021). Sau bài báo, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an Quỳnh Lưu vào cuộc. Hiện những người liên quan vụ án đang được công an gọi hỏi để điều tra.

Các phóng viên tác nghiệp trong một sự kiện tại Hạ Long, Quảng Ninh. Ảnh: T.L

Nguồn tin là bạn đồng hành

Cái thú vị của nguồn tin còn thể hiện ở chỗ, nếu là nguồn tin giá trị nghĩa là tự nó đã tạo lập cho nhà báo một đề tài độc quyền, không “đụng hàng” với bất kì ai. Vì anh là người được biết trước, viết trước.

Nhắc đến chi tiết này, chúng tôi nhớ đến nguồn tin từ một Phó Ban quản lý Di tích Lịch sử - văn hoá Đền Hoàng Mười ở huyện Hưng Nguyên (Nghệ An). Ông là đại tá một đơn vị Công an nghỉ hưu. Nguồn tin ông phản ánh bằng một số cảnh ghi lại từ chiếc điện thoại “cục gạch” cũ kĩ, phản ánh việc Ban quản lý ở đây thuê xe ô tô con của một doanh nghiệp và chở tiền lẻ về đếm. Nhận thấy, đây là một đề tài rất “nóng”, rất thời sự nên chúng tôi bí mật tiếp cận vụ việc ngay. Chỉ cách một ngày, phóng sự “Chở tiền công đức đi đâu” xuất hiện trên Báo Tuổi Trẻ, ngày 12/6/2003. Sau bài báo, các cơ quan chức năng vào cuộc, chấn chỉnh Ban quản lý. Từ đó, tiền công đức được quản lý nghiêm ngặt từng ngày. Từ năm 2002-2013, 11 năm, Ban quản lý chỉ nộp vào Kho bạc Nhà nước 1,4 tỉ đồng tiền công đức, đến nay số tiền công đức nộp vào kho bạc bình quân 15 tỉ đồng/năm. Có năm là 16 tỉ đồng.

Sau hiệu ứng của bài báo, Ban Biên tập Báo Tuổi Trẻ tặng người báo tin Giấy chứng nhận “Bạn đồng hành quanh tôi” kèm theo món quà nhỏ. Động thái này thể hiện cung cách làm báo chuyên nghiệp của một tờ báo uy tín, có đông đảo bạn đọc. Đây cũng là một tác động tương thích để khi nhà báo xác định nguồn tin là bạn đồng hành, có nghĩa xác định trách nhiệm đối với nguồn tin trong nghề viết báo. Nếu không, nguồn tin sẽ không bao giờ cần đến nhà báo.

Nguồn tin còn có vai trò quan trọng khác khi người thạo tin, có năng khiếu làm báo dễ trở thành cộng tác viên của một tờ báo nào đó. Thực tế, sự phát triển báo chí cho thấy, có tờ báo sử dụng tin tức, bài vở từ 50-60% của cộng tác viên và chuyên gia. Và, hầu hết các tờ báo lớn có trụ sở tại Hà Nội, TP.HCM đều có các Văn phòng đại diện hoặc thường trú ở các tỉnh/ thành để nội dung tờ báo đảm bảo sự phong phú và đa dạng những mảng màu của thông tin./.

VŨ TOÀN-ThS HÀ THỊ THUÝ

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Ngày 13/1/2025, tại Thủ đô Hà Nội, Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức hội nghị toàn quốc về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Hội nghị nhằm đánh giá tình hình thực hiện các nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về phát triển khoa học, công nghệ; quán triệt, triển khai Nghị quyết số 57-NQ/TW, ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, tạo sự chuyển biến mang tính đột phá về nhận thức và tổ chức thực hiện, góp phần đưa đất nước phát triển giàu mạnh, hùng cường trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Tổng Bí thư Tô Lâm dự và phát biểu tại hội nghị. Tạp chí Người Làm Báo trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu:
Trong kỷ nguyên số, chuyển đổi nội dung số các tạp chí của Việt Nam có vai trò quan trọng trong tuyên truyền, phổ biến, giáo dục quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thành tựu của đất nước; đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; phổ biến tri thức, góp phần nâng cao dân trí, phát triển văn hóa và con người Việt Nam trên không gian mạng. Đồng thời, góp phần “xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại”(1) theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Ngày 16/12, tại thành phố Cần Thơ, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức hội nghị báo chí toàn quốc tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025.
Tạp chí Người Làm Báo trân trọng giới thiệu bài viết của đồng chí Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về xây dựng hệ thống chính trị với tiêu đề : "Tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả".
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top