Ngổn ngang trên bàn biên tập
Không “tỉnh” với chi tiết nhạy cảm
Dịp kỷ niệm Ngày thành lập Đảng (3/2), Đảng bộ cơ quan X tổ chức lễ trao huy hiệu 40, 30 năm tuổi Đảng cho hai đảng viên: Một đồng chí đảng viên là sĩ quan cấp tướng, một đồng chí đảng viên là sĩ quan cấp tá. Khi đưa tin về sự kiện, tác giả chỉ đề cập tới tên tuổi, thành tích, trích phát biểu cảm tưởng... của đồng chí đảng viên cấp tướng mà không đề cập gì tới đồng chí đảng viên còn lại. Khi xử lý bài viết, người biên tập đã liên hệ với tác giả, đề nghị bổ sung thông tin và lưu ý tác giả không nên phân biệt cấp, chức của cá nhân nào trong sự kiện mà cần bình đẳng về mặt thông tin, nhất là khi chỉ có hai nhân vật trong cùng một sự kiện, cùng thời điểm, bởi khi báo đăng, thông tin chỉ đề cập tới việc trao tặng, vinh danh cho một người thì sẽ dễ dẫn tới việc xuyên tạc, suy diễn.
Quá trình “gác gôn” bài vở, các biên tập viên cũng gặp không ít câu chữ “hồn nhiên”, kiểu như: “Chúng tôi phấn khởi đi trên con đê làng khi cơn bão số 4 đang chuẩn bị đổ bộ vào vùng quê yên bình...”. Hoặc trong đoạn trích dưới đây, người viết đã cho nhân vật bộc lộ cảm xúc một cách thiếu tế nhị: “Bà Nguyễn Thị Vân, Chủ tịch UBND xã Hòa Phong không giấu được niềm vui, cho biết: “Sau chiến tranh, Hòa Phong có 578 liệt sĩ, gần 500 thương binh, bệnh binh và 118 Bà mẹ Việt Nam anh hùng...”
Có tác giả khi viết tin về hoạt động tăng gia, sản xuất của một đơn vị đóng quân trên tuyến đảo nọ, đã viết: “Do tích cực tăng gia nên có thời điểm số đầu lợn trong chuồng của đơn vị đã lên tới 70 con, gấp đôi quân số đơn vị”. Chi tiết “gấp đôi” trong câu trên vừa nhạy cảm ở việc so sánh giữa người với gia súc, vừa vi phạm nguyên tắc bí mật khi vô tình tiết lộ quân số của đơn vị bộ đội.
Viết bài về gương điển hình, gương người tốt, việc tốt, nhiều tác giả thiếu nhạy cảm khi miêu tả chi tiết, đi sâu vào gia cảnh éo le, thiếu may mắn của nhân vật mà vô tình xâm phạm đời tư của họ. Chẳng hạn, tờ báo nọ đăng bài viết về tấm gương một người đã dũng cảm cứu em nhỏ khỏi đuối nước, nội dung bài báo được rất nhiều bạn đọc quan tâm, nhưng sau khi báo đăng, em nhỏ ấy không dám đến lớp học. Thì ra, tác giả quá ham chi tiết, miêu tả tỉ mỉ về hoàn cảnh gia đình em, nào là em không có bố, rồi mẹ bỏ em đi lấy chồng khác... khiến em xấu hổ với các bạn.
Lạm dụng câu dài, chữ tắt...
Nếu coi mỗi tác phẩm báo chí như một món ăn tinh thần thì người đọc không chỉ thưởng thức về nội dung mà còn quan tâm tới hình thức thể hiện tác phẩm, nghĩa là độc giả còn “ăn bằng mắt”. Vì thế, “người bày mâm” là đội ngũ thư ký tòa soạn không chỉ chú trọng biên tập nội dung mà còn luôn cẩn trọng, tỉ mỉ trong việc hiệu đính để tránh sót, lọt những chi tiết nhạy cảm, những lỗi sơ đẳng về chính tả.
Trong quá trình xử lý các bài viết, chúng tôi nhận thấy bên cạnh việc lựa chọn cách viết giản dị, dễ hiểu để gần gũi hơn với bạn đọc, không ít tác giả vẫn để lại những dòng tít dài hoặc những câu thiếu chủ ngữ, vị ngữ, có “tuy” mà chẳng thấy “nhưng”; có “do” mà không thấy “nên”...; rồi các tin, bài có những câu dài lê thê, mãi không thấy xuống dòng, làm bạn đọc cảm thấy... hụt hơi.
Ngoài việc lạm dụng câu dài, còn có tình trạng viết tắt tùy tiện hoặc lạm dụng dấu ngoặc kép. Riêng việc lạm dụng viết tắt không chỉ gây ức chế, thiếu tôn trọng bạn đọc mà còn dẫn tới sự phản cảm, rất khó chấp nhận trên mặt báo.
Viết tắt là một nhu cầu bình thường nhằm đơn giản hóa và tiết kiệm ngôn từ. Tuy nhiên, người viết không nên lạm dụng việc viết tắt bởi dễ gây hiểu lầm và ảnh hưởng tới văn hóa giao tiếp. Có một câu chuyện vui liên quan đến việc viết tắt mà người viết bài này có dịp chứng kiến. Trong chuyến công tác cùng các thầy thuốc của một bệnh viện quân y tới khám, chữa bệnh miễn phí giúp đồng bào một huyện miền núi của tỉnh Sơn La, trong buổi lễ tổng kết chuyến công tác, đồng chí cán bộ Văn phòng Ủy ban nhân dân huyện đọc danh sách những cá nhân được Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện khen thưởng, trong đó hàng loạt cá nhân của bệnh viện quân y được xướng tên có cấp bậc, chức vụ là: “Trung úy chủ nhiệm Nguyễn Văn A”; “Thiếu tá chủ nhiệm Trần Văn B”; “Trung tá chủ nhiệm Lê Thị H”... Phía dưới hội trường, người nghe sửng sốt hỏi nhau: “Sao đoàn thầy thuốc này có nhiều bác sĩ giữ chức chủ nhiệm thế nhỉ?”. Hỏi ra mới biết, người lập danh sách khen thưởng đã ghi tắt cấp bậc Trung úy QNCN (Trung úy Quân nhân chuyên nghiệp), Thiếu tá QNCN (Thiếu tá Quân nhân chuyên nghiệp)... là Trung úy CN, Thiếu tá CN...; và sau đó, người cầm văn bản đọc trên bục là vị cán bộ Văn phòng Ủy ban nhân dân huyện đã hồn nhiên hiểu chữ viết tắt “CN” là “Chủ nhiệm”...
Từ hàng chục năm qua, Báo Quân đội nhân dân đã ban hành quy định cụ thể về việc viết tắt trên các ấn phẩm, trong đó nêu rõ: “Nếu trong tác phẩm nhắc đi nhắc lại nhiều lần một cụm từ thì được viết tắt, tuy nhiên bảo đảm yêu cầu từ, cụm từ đó phải được nhắc đến 3 lần trở lên và là các từ thông dụng...”. Với quy định chặt chẽ trên, những từ thông dụng như: Quân đội nhân dân (QĐND), ủy ban nhân dân (UBND), hội đồng nhân dân (HĐND); xã hội chủ nghĩa (XHCN)... nếu lặp lại nhiều lần mới nên viết tắt. Tuy nhiên, trên thực tế, có tác giả quan niệm do có những cụm từ nhắc lại nhiều lần (cho dù không thông dụng) nên đã thản nhiên viết tắt tới 6 - 7 cụm từ cho... tiết kiệm, trong khi đó chỉ là một tin ngắn khoảng 200 - 300 từ.
Trường hợp viết tắt “khó đỡ” như trong tin ngắn dưới đây, chúng tôi đã gặp khi xử lý tin bài trong kíp trực: “Trong khuôn khổ sự kiện Hội nghị vận động chính sách hỗ trợ đội ngũ cô đỡ thôn, bản (CĐTB), chiều 10/3, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đã gặp 30 CĐTB tiêu biểu trên toàn quốc. Tại buổi gặp mặt, Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh, trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe bà mẹ - trẻ em, vai trò của các CĐTB tại các vùng miền núi khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số là rất quan trọng. Tuy nhiên, thời gian qua, hoạt động của các CĐTB có gặp một số khó khăn, chủ yếu do các chính sách về hỗ trợ phụ cấp cho CĐTB chưa được thực hiện tốt...”. Rõ ràng, viết tắt cụm từ “cô đỡ thôn bản” trong trường hợp trên thật khó chấp nhận.
Bạn đọc cũng rất dị ứng với kiểu viết tắt tên của các cơ quan, đơn vị; hoặc ngay trong câu mở đầu đã có quá nhiều từ viết tắt cùng xuất hiện như các ví dụ dưới đây: “Văn phòng Bộ Quốc phòng (BQP) vừa thông báo kết luận của Trưởng ban chỉ đạo Cải cách hành chính (CCHC) và Chính phủ điện tử (CPĐT) BQP tại Hội nghị ký kết chương trình phối hợp thực hiện chuyển đổi số (CĐS) công tác hậu cần (CTHC) Quân đội năm 2023 giữa Tổng cục Hậu cần (TCHC) và Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội...”; “Tổng cục Hậu cần (TCHC) vừa tổ chức gặp mặt cán bộ, hội viên phụ nữ (HVPN) nhân kỷ niệm Ngày Quốc tế Phụ nữ...”; “Học viện Quốc phòng (HVQP) vừa tổ chức gặp mặt các tổ chức quần chúng (TCQC)”...
Ngoài ra, còn những cụm từ viết tắt bị một số người viết lạm dụng, dễ gây rối và nhầm lẫn như: Đã viết bảo hiểm tự nguyện (BHTN) lại còn viết bảo hiểm thất nghiệp (BHTN); đã viết Tổng cục Hậu cần (TCHC) lại còn viết công tác hậu cần (CTHC); chính trị viên (CTV) dễ nhầm lẫn với cộng tác viên; sẵn sàng chiến đấu (SSCĐ) dễ lẫn với sẵn sàng cơ động... Chưa kể, những cụm từ viết tắt phản cảm, tùy tiện, rất khó mà có tác giả vẫn “sáng tác” ra được, như: CU (cấp ủy); ĐU (đảng ủy); ĐUV (đảng ủy viên); HVPN (hội viên phụ nữ), TCQC (tổ chức quần chúng); PVTM (phòng vệ thương mại); UBVNVNONN (Ủy ban Về người Việt Nam ở nước ngoài)...
Thậm chí, cụm từ “chó nghiệp vụ” cũng từng bị viết tắt là CNV (dễ lẫn với công nhân viên) như trong đoạn trích sau đây: “Trong thời gian tới, nhà trường tập trung đẩy mạnh hợp tác quốc tế trên tất cả các mặt công tác để nâng cao chất lượng đàn CNV bảo đảm phục vụ tốt nhiệm vụ đào tạo, huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, thực hiện nhiệm vụ đột xuất được giao; nghiên cứu, đề xuất với cấp trên đưa huấn luyện viên và CNV tham gia cùng lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc...”.
Để thấy sự phản cảm của việc lạm dụng viết tắt, các tác giả hãy nhấn Ctrl+F trên bàn phím, sau đó gõ cụm từ đã được viết tắt trong văn bản, đoạn bôi màu đánh dấu và thống kê số từ viết tắt hiện lên cho thấy đó không còn là các “hạt sạn” mà trở thành những “lô cốt” ngổn ngang khi chúng xuất hiện trên mặt báo. Khi ấy, món ăn tinh thần là các tin, bài dù có hấp dẫn đến đâu thì cũng khó chiếm được cảm tình của bạn đọc.
Bùi Vũ Minh
Tin tức liên quan
- Chuyển đổi số báo chí và đào tạo báo chí (01:28 28/10/2024)
- Một số yêu cầu về phòng ngừa, ứng phó, giải quyết các vấn đề an ninh phi truyền thống, trọng tâm là an ninh mạng trong nền an ninh quốc gia trong thời gian tới (03:14 27/09/2024)
- Vai trò của người làm báo trong việc thực hiện trách nhiệm xã hội của báo chí ở nước ta hiện nay (03:08 16/08/2024)
- Xuất bản điện tử và đào tạo nhân lực xuất bản điện tử trong giai đoạn hiện nay (09:38 08/07/2024)
- Phát thanh chuyên biệt về sức khỏe qua góc nhìn lý thuyết truyền thông phát triển (05:08 26/06/2024)