Nâng cao hơn nữa vai trò báo chí Quảng Ninh

Ngày 13/1, tại thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh diễn ra lễ kỷ niệm 95 năm ra đời Báo Than (1928 - 2023), 60 năm Báo Quảng Ninh ra số đầu (1964 - 2024), 40 năm phát sóng truyền hình Quảng Ninh (1983 - 2023), 5 năm thành lập Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh (2019 - 2024).

Đồng chí Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam phát biểu tại lễ kỷ niệm_Ảnh: PV

Nhân dịp này, tập thể Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh được Bộ Thông tin và Truyền thông tặng Bằng khen; 7 tập thể, 23 cá nhân của Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh được UBND tỉnh Quảng Ninh tặng Bằng khen về những thành tích xuất sắc trong công tác báo chí.

Trong lịch sử báo chí cách mạng, Báo Than là tờ Báo Đảng địa phương đầu tiên của Việt Nam, là tiền thân của Báo Quảng Ninh ngày nay. Lễ kỷ niệm 4 sự kiện lớn là dịp rất có ý nghĩa để những người làm báo Quảng Ninh ôn lại những truyền thống đầy tự hào của báo chí vùng mỏ; nhận diện những thời cơ, thách thức mới; cùng quyết tâm trong nỗ lực đổi mới và phát triển.

Phát biểu khai mạc lễ kỷ niệm, ông Mai Vũ Tuấn, Giám đốc, Tổng Biên tập Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh chia sẻ, khởi đầu, Báo Quảng Ninh ra mỗi tuần một số với 4 trang, in bằng máy thủ công, mỗi số 2.000 bản. Sau đó, để kịp thời đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ tỉnh, từ năm 2000, Báo Quảng Ninh liên tục có những bước phát triển mới, vượt bậc. Trong đó, từ ngày 1/8/2000, báo in 2 màu; từ ngày 1/1/2001, báo tăng từ 3 kỳ lên 4 kỳ/tuần; từ ngày 21/6/2002, báo tăng lên 6 kỳ/tuần và từ ngày 1/7/2003, báo xuất bản 7 kỳ/tuần, trở thành nhật báo. Ngày 2/9/2010, báo in màu trang 1 và 4.

Đáng chú ý, để đáp ứng nhiệm vụ chính trị, nhu cầu thông tin của bạn đọc và yêu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng, từ ngày 1/4/2011, Báo Quảng Ninh hằng ngày đã tăng từ 4 trang lên 8 trang khổ lớn, in màu trang 1 và 8. Lượng phát hành báo cũng tăng nhanh từ 5-6 ngàn bản mỗi kỳ năm 1999 lên 7,7 ngàn bản năm 2001 và hiện nay là 8 ngàn bản mỗi kỳ.

Giám đốc, Tổng Biên tập Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh Mai Vũ Tuấn cho biết thêm, ngày 1/1/2019, Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh chính thức ra mắt và đi vào hoạt động sau khi hợp nhất các cơ quan báo chí, truyền thông của tỉnh, gồm: Báo Quảng Ninh, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh; Cổng thông tin điện tử tổng hợp thuộc Văn phòng UBND tỉnh, Báo Hạ Long thuộc Hội Văn học nghệ thuật tỉnh (theo Quyết định số 1276-QĐ/TU ngày 18/12/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ). Đây là cơ quan báo chí cấp tỉnh đầu tiên sáp nhập trong cả nước hoạt động theo Luật Báo chí và quy hoạch báo chí quốc gia nhằm phát triển sự nghiệp thông tin, tuyên truyền, báo chí của tỉnh, thực hiện có hiệu quả mô hình "Tòa soạn hội tụ”.

Phát biểu tại lễ kỷ niệm, đồng chí Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, chúc mừng những dấu mốc quan trọng của báo chí Quảng Ninh trong suốt chặng đường phát triển của mình. Đồng chí nhấn mạnh, báo chí Quảng Ninh có sự phát triển sớm trong dòng chảy của báo chí cách mạng Vệt Nam và có một lịch sử rất hào hùng, đạt được nhiều thành tựu to lớn. Đặc biệt mô hình Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh sau 5 năm thành lập đã khẳng định hướng đi đúng, thành công và hoạt động hiệu quả với mô hình tòa soạn hội tụ.

Trước thực tế mới, nhất là sự phát triển bùng nổ của công nghệ, báo chí truyền thông đang có thay đổi nhanh chóng. Đồng chí Lê Quốc Minh lưu ý, trong xu thế phát triển báo chí hiện đại ngày nay với công nghệ số và các nền tảng xã hội, các cơ quan báo chí chính thống cần tiếp tục giữ vững bản lĩnh chính trị, định hướng dư luận, đặc biệt là luôn làm tròn sứ mệnh của mình là tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với nhân dân. Báo chí Quảng Ninh tiếp tục phát huy những thành quả đạt được trong suốt chiều dài phát triển, xứng đáng với sự tin yêu của nhân dân vùng mỏ và cả nước.

Đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh nhấn mạnh, vùng mỏ anh dũng, kiên trung với tinh thần “Kỷ luật và đồng tâm” đã trui rèn các thế hệ người làm báo Quảng Ninh, hình thành trong họ tinh thần khí phách, bản lĩnh của những người chiến sỹ xung kích trên mặt trận tư tưởng. Trên các chặng đường phát triển của báo chí Quảng Ninh, việc thành lập Trung tâm Truyền thông tỉnh là một dấu mốc đặc biệt quan trọng nằm trong xu thế vận động, phát triển tất yếu của báo chí, truyền thông hiện đại dựa trên nền tảng của khoa học, công nghệ, đổi mới, sáng tạo và nguồn nhân lực chất lượng cao; chứa đựng tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược, quyết tâm chính trị đúng đắn của tỉnh; được Trung ương đồng tình, ủng hộ.

Việc tổ chức hoạt động của một mô hình mới, chưa có tiền lệ, lãnh đạo tỉnh đã mạnh dạn trao trách nhiệm chính trị để qua khó khăn, thử thách, áp lực công việc hàng ngày trở thành cơ hội để rèn luyện, tôi luyện bản lĩnh, ý chí, nghị lực, năng lực sáng tạo, năng lực chuyên môn của tập thể lãnh đạo, cán bộ, đảng viên, phóng viên, biên tập viên, nhân viên của Trung tâm.

Nhân dịp này, Bộ Thông tin và Truyền thông, UBND tỉnh Quảng Ninh đã tặng bằng khen cho Trung tâm Truyền thông tỉnh và các tập thể, cá nhân thuộc Trung tâm vì đã có thành tích xuất sắc trong hoạt động báo chí.

PV

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Ngày 21/9, diễn đàn Tổng Biên tập năm 2024 với chủ đề “Báo chí giải pháp, hướng đi cho báo chí truyền thống” đã diễn tại tỉnh Bình Thuận. Diễn đàn do Báo Nhà báo và Công luận, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với tỉnh Bình Thuận tổ chức, thu hút sự tham gia hơn 100 đại biểu là lãnh đạo các cơ quan báo chí, các cơ quan quản lý báo chí trên cả nước.
Với tinh thần "Lá lành đùm lá rách", ngày 10/9, Hội Nhà báo Việt Nam ban hành công văn số 457/CV-HNBVN về việc hưởng ứng lời kêu gọi của đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khắc phục thiệt hại do cơn bão số 3.
Báo chí nói chung là một trong những kênh chính tạo dư luận xã hội. Báo chí cách mạng Việt Nam càng cần trách nhiệm xã hội cao, vì báo chí là phương tiện thông tin thiết yếu đối với đời sống xã hội, tuyên truyền, phổ biến, góp phần xây dựng và bảo vệ đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thành tựu của đất nước và thế giới theo tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí, phục vụ lợi ích quốc gia - dân tộc, cộng đồng xã hội. Chính vì vậy, trong bối cảnh hiện nay, vai trò của người làm báo trong việc thực hiện trách nhiệm xã hội của báo chí là cực kỳ quan trọng, bởi họ có trách nhiệm phản ánh một cách chính xác, đa chiều cạnh và đa dạng về thực tế xã hội,... mang lại thông tin có giá trị, kịp thời cho độc giả.
Tháng 8/1945, chớp thời cơ chiến lược “ngàn năm có một”, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân Việt Nam tiến hành cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước, tạo nên một bước ngoặt lớn trong lịch sử dân tộc. Từ đây, nhân dân Việt Nam thoát khỏi thân phận nô lệ trở thành người chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình; đất nước ta bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội. Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945 là một trong những chiến công vĩ đại nhất của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta, là bản hùng ca bất diệt trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top