Nâng cao năng lực báo chí về năng lượng tái tạo, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả
09:41 30/10/2024
- Diễn đàn
Năng lượng bền vững là ưu tiên hàng đầu cho sự phát triển bền vững của Việt Nam, với cam kết Net Zero nhằm cắt giảm đáng kể lượng khí thải nhà kính. Mặc dù các chính sách và chiến lược quan trọng về năng lượng tái tạo và sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đã được ban hành, nhưng việc truyền đạt những chính sách đó đến với các người dân, doanh nghiệp để thúc đẩy thực hiện là một thách thức lớn. Trong đó, vai trò truyền thông chính sách về năng lượng, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả của báo chí đóng một vai trò quan trọng.
Những khoảng trống trong truyền thông báo chí về năng lượng tái tạo, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả
Năng lượng có vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Nhà nước luôn chú trọng, quan tâm đến việc ban hành những chính sách, khuyến nghị, chương trình, quy hoạch về năng lượng tái tạo (NLTT), sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (SDNL TK&HQ), nhằm tạo động lực mới cho sự phát triển của ngành năng lượng nói riêng, sự phát triển của toàn xã hội nói chung. Trong quá trình ấy, không thể không nhắc đến vai trò của báo chí. Chỉ thị số 07-CT/TTg của Chính phủ đã khẳng định “Báo chí và các loại hình truyền thông khác là kênh thông tin, là phương thức cơ bản, quan trọng để thực hiện việc truyền thông chính sách”. Các cơ quan thông tấn, báo chí đã và đang đóng vai trò hết sức quan trọng, là kênh thông tin chủ lực, nòng cốt thực hiện truyền thông chính sách, pháp luật đến với xã hội, người dân.
Qua khảo sát thực trạng năng lực thực hiện truyền thông, báo chí về năng lượng tái tạo, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trên báo chí, ở 10 cơ quan báo chí trung ương tiêu biểu, trong đó có 6 cơ quan báo chí đa phương tiện chủ lực; ngoài ra, khảo sát thực địa và phỏng vấn tại báo, đài của 06 tỉnh, thành phố như: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Lào Cai, Bạc Liêu, Nghệ An, Đà Nẵng; khảo sát bảng hỏi với 35 cơ quan báo và tạp chí trung ương, các báo và đài phát thanh - truyền hình các tỉnh, thành phố và 100 phóng viên tại các cơ quan báo chí trung ương và địa phương trong khoảng thời gian từ tháng 5/2024 đến tháng 9/2024.
Khi tiến hành khảo sát, thấy được, 26,9% các phóng viên ở cả trung ương và địa phương thỉnh thoảng tuyên truyền về đề tài năng lượng, NLTT & SDNL TK&HQ. 15,7% phóng viên thường xuyên phản ánh các đề tài về NLTT, SDNL TK&HQ. Nhóm phóng viên thường xuyên phản ánh các đề tài về năng lượng là không nhiều, số lượng phóng viên có mối quan tâm thường xuyên, liên tục cho đề tài này là tương đối ít.
Hình 1: Tần suất phản ánh về đề tài NLTT, SDNL TK&HQ trên đối tượng khảo sát
Hình 2: Hiểu biết của phóng viên sử về những luật/chính sách về năng lượng, NLTT, SDNL TK&HQ
Mảng năng lượng là mảng có đặc thù về thị trường năng lượng và ngành nghề năng lượng khác nhau, các vấn đề kỹ thuật rất đa dạng. Mỗi thuật ngữ, mỗi vấn đề luôn đòi hỏi phóng viên phải có những hiểu biết chuyên sâu. Đây cũng là một trong những thách thức của phóng viên theo dõi mảng năng lượng. Bên cạnh đó là khó khăn trong việc truyền tải thông tin chính sách, phát triển của ngành năng lượng. Cần phải tuyên truyền những vấn đề vốn rất khô khan, khó hiểu tới bạn đọc làm sao cho gần gũi và sinh động nhất. Qua khảo sát có thể thấy hiểu biết của phóng viên về Luật Sử dụng Năng lượng tiết kiệm và hiệu quả chỉ ở mức chung chung; các nội dung của Quy hoạch điện 8 cũng chỉ dừng lại ở mức biết nhưng chưa sâu. Đối với người làm báo thì cái khó khăn khó vượt qua nhất chính là thiếu kiến thức, thiếu sự hiểu biết, trong khi đó đa phần những người mang trọng trách “vừa cung cấp thông tin vừa là lực lượng tiên phong thúc đẩy tính công khai minh bạch, giám sát và phản biện xã hội” lại để lộ ra “gót chân A-sin” nguy hiểm khi thiếu hụt hiểu biết pháp luật, hiểu biết về chính sách, nhất là đối với mảng đề tài còn mới như mảng năng lượng.
Trong số mẫu khảo sát 100 đối tượng phóng viên đến từ các cơ quan báo chí trung ương và địa phương cho thấy có 47,2% là phóng viên đang theo dõi mảng kinh tế nói chung; phóng viên chuyên trách theo dõi mảng năng lượng chiếm 20,4%. Ở phía nhóm khảo sát đại diện các cơ quan báo chí cũng cho ra kết quả tương đồng, phóng viên được giao phụ trách mảng năng lượng là phóng viên kiêm nhiệm với các mảng kinh tế, công nghiệp chiếm 71,2; phóng viên chuyên trách mảng năng lượng là 24%; phóng viên cộng tác là 25%.
Có thể thấy rằng, phóng viên theo dõi kinh tế hay công nghiệp đồng nghĩa sẽ theo dõi mảng năng lượng. Câu trả lời cho những con số trên là do mỗi cơ quan báo chí còn khó khăn về nhân sự, kinh phí, trang thiết bị, vật chất, thời gian hoạt động cũng như hạn chế trong kinh nghiệm chuyên môn, chủ yếu dựa trên tinh thần trách nhiệm và sự chủ động tìm hiểu, tích luỹ của từng nhà báo. Tuy nhiên, với tương quan về chất lượng có thể thấy, nếu phóng viên chỉ theo dõi chuyên trách cho mảng năng lượng sẽ có độ tập trung, chuyên sâu và thường xuyên cho mảng đề tài về năng lượng. Và ngược lại, với các phóng viên kiêm nhiệm cùng lúc nhiều mảng, hay chỉ theo dõi mảng đề tài lớn thì tầm nhìn, cách thức khai thác, chọn lọc các vấn đề về đề tài năng lượng chỉ mang tính thời điểm và mức độ quan tâm ít.
Nhìn chung, so với các mảng đề tài khác, truyền thông trên báo chí về năng lượng tái tạo đã tương đối đa dạng, nhưng còn hạn chế về số lượng và chất lượng. Do đây là lĩnh vực chuyên ngành hẹp, “khó, khô và khổ”. Khoảng trống về năng lực phóng viên, về nhân sự và thậm chí cả về tài chính đang là một lỗ hổng lớn cho mạng lưới truyền thông báo chí về đề tài năng lượng, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Làm sao để truyền thông về năng lượng được hiệu quả, kịp thời chủ động đưa chính sách đến với dân, làm nhịp cầu giữa dân với Nhà nước trong góp ý, phản biện, thực thi chính sách; đồng thời nâng cao, hiểu biết, sự quan tâm của người dân và thay đổi thói quen, cách nhìn nhận của các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và người dân.
Giải pháp nâng cao năng lực báo chí về năng lượng tái tạo, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả
Sử dụng tiết kiệm, hiệu quả năng lượng và phát triển năng lượng xanh, bền vững là mối quan tâm hàng đầu của nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Từ nhiều năm nay, Việt Nam đã không ngừng nỗ lực để ban hành, triển khai nhiều chủ trương, chính sách, luật pháp, chương trình, đề án quốc gia, cũng như những hoạt động cụ thể nhằm thúc đẩy việc sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả trong toàn xã hội, góp phần hiện thực hóa mục tiêu Net Zezo vào năm 2050 theo cam kết của Chính phủ Việt Nam tại COP26. Trong nỗ lực chung đó, với chức năng, nhiệm vụ của mình, báo chí đã, đang và sẽ tiếp tục đóng góp tích cực vào việc thông tin tuyên truyền nâng cao hiệu quả sử dụng và phát triển năng lượng bền vững. Để công tác truyền thông, báo chí về đề tài năng lượng được hữu hiệu hơn, cần sự vào cuộc tích cực, mạnh mẽ hơn nữa của báo chí.
Nâng cao nhận thức của công chúng và lãnh đạo, phóng viên cơ quan báo chí
Truyền thông thay đổi/nâng cao nhận thức là giải pháp quan trọng nhất đối với lĩnh vực năng lượng, NLTT, SDNL TK&HQ. Nghiên cứu chỉ ra rằng mối quan tâm của công chúng đến đề tài này là động lực cốt lõi trong tuyên truyền của các cơ quan báo chí. Khi lĩnh vực năng lượng chưa thu hút đủ sự quan tâm của công chúng, thì phóng viên không có đủ động lực để truyền thông. Ngược lại, khi cơ quan báo chí ít quan tâm đến đề tài năng lượng, công chúng lại ít biết đến tầm quan trọng cũng như sự ảnh hưởng của năng lượng đến kinh tế - xã hội.
Về công chúng: Cần có các hình thức truyền thông thay đổi/nâng cao nhận thức của công chúng trong lĩnh vực năng lượng, NLTT, SDNL TK&HQ thông qua: các chương trình, dự án trực tiếp làm việc với các cộng đồng dân cư; các chiến dịch truyền thông sáng tạo; cải thiện cách thức truyền thông trên báo chí, hướng tới những câu chuyện dễ hiểu, dễ nhớ, thiết thực, gắn với đời sống dân sinh.
Về lãnh đạo và phóng viên cơ quan báo chí: Tăng cường các hội nghị, hội thảo về tầm quan trọng của truyền thông trong lĩnh vực năng lượng cho từng đối tượng riêng: lãnh đạo cơ quan báo chí, phóng viên theo dõi mảng kinh tế - công nghiệp. Các hội nghị, hội thảo cần chú trọng khâu tuyên truyền, có phương án tiếp cận rộng rãi các đối tượng, tích cực mời tham dự, tăng cường số lượng người làm báo biết đến hội nghị, hội thảo.
Về tuyên truyền trên chính các cơ quan báo chí: Cần có phương án đẩy mạnh hỗ trợ các cơ quan báo chí xây dựng và triển khai các chuyên mục truyền thông về năng lượng. Qua đó, đạt mục tiêu kép về nâng cao nhận thức của cả lãnh đạo, phóng viên cơ quan báo chí và công chúng. Các chương trình tọa đàm trên truyền hình, phỏng vấn trên sóng phát thanh, chuyên mục trên báo in, diễn đàn/chuyên trang trên báo điện tử nếu được hỗ trợ thực hiện, sẽ là phương tiện hiệu quả đưa cả lãnh đạo, phóng viên, các chuyên gia, cơ quan quản lý và công chúng vào cùng một dòng chảy truyền thông.
Tăng cường đào tạo, tập huấn cho phóng viên
Một trong những kết quả chính mà nghiên cứu chỉ ra là nhu cầu được đào tạo, tập huấn về NLTT, SDNL TK&HQ của phóng viên và của cơ quan báo chí là lớn. Do đó, cần có một chương trình đào tạo tổng thể cho giới báo chí, truyền thông trong lĩnh vực này. Chương trình đào tạo cần được xây dựng một cách khoa học, bài bản, hướng đến:
Về đối tượng: Là phóng viên theo dõi mảng kinh tế - công nghiệp - năng lượng.
Về phạm vi: Tại các cơ quan báo chí chủ lực; các cơ quan báo chí trung ương; các cơ quan báo chí địa phương theo các khu vực địa lý trọng điểm về năng lượng.
Về nội dung: Về tiết kiệm năng lượng, sử dụng năng lượng hiệu quả; năng lượng xanh, năng lượng bền vững; năng lượng tái tạo, năng lượng thay thế…; cung cấp kiến thức chuyên ngành về năng lượng; chia sẻ nghiệp vụ tuyên truyền hiệu quả, cách thức thực hiện các thể loại báo chí (tọa đàm, phỏng vấn, phóng sự, tin, phản ánh…).
Ngoài ra, để cung cấp thêm kiến thức, kinh nghiệm chuyên sâu cho phóng viên, việc hỗ trợ và tổ chức các chuyến đi thực địa tới các địa bàn trọng điểm về năng lượng là một cách thức tập huấn mang lại hiệu quả cao. Các chuyến đi thực địa có thể tổ chức dưới hình thức giao lưu nghiệp vụ tại địa bàn, chia sẻ thông tin, hoặc làm việc kết hợp nghỉ ngơi…
Tăng cường kết nối các nguồn thông tin, tư liệu
Nhu cầu tiếp cận tư liệu, thông tin về các chính sách, sự kiện, kiến thức về năng lượng là một trong những nhu cầu quan trọng đối với phóng viên và các cơ quan báo chí. Thông tin có thể đến từ các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan ở Trung ương (Bộ Công thương) đến địa phương (Sở Công thương các tỉnh, thành phố); từ các viện nghiên cứu, hội, hiệp hội về năng lượng; từ các doanh nghiệp lớn về năng lượng; từ các sự kiện, chương trình, dự án truyền thông về năng lượng v.v…
Trên thực tế, phóng viên còn gặp nhiều khó khăn khi tìm kiếm, khai thác các nguồn thông tin về chính sách, về các dự án, các sự kiện năng lượng từ phía cơ quan quản lý nhà nước. Các cơ quan này cần có giải pháp tăng cường cung cấp thông tin năng lượng trong luồng thông tin định kỳ cung cấp cho báo chí và trên các phương tiện thông tin chính thống như báo, tạp chí ngành, cổng thông tin điện tử. Các chương trình, dự án về truyền thông năng lượng có thể cung cấp tài liệu, phổ biến tư liệu tới các cơ quan báo chí thông qua các bản tin, các báo cáo năng lượng thường xuyên.
Thúy Nga
Bình luận: 0
Tin tức liên quan
- Trao Giải báo chí toàn quốc "Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam" năm 2024 (11:05 17/11/2024)
- Chuyển đổi số góp phần xây dựng tính chuyên nghiệp và hiện đại của báo chí (05:20 05/11/2024)
- Nhà báo, nhà ngoại giao Lý Văn Sáu: Một tấm lòng son sắt (02:05 01/11/2024)
- Nghĩa tình và lẽ sống (04:15 27/10/2024)
- Báo chí và doanh nghiệp luôn có sự gắn bó, đồng hành cùng phát triển (11:47 24/10/2024)