Hiệu quả khai thác nguồn lực tài chính từ tài sản công
17:36 03/03/2017
- Kinh tế
Bộ Tài chính vừa có văn bản số 2676/BTC-QLCS do Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Hữu Chí ký ngày 28/2/2017 về việc hướng dẫn mua sắm tài sản từ nguồn ngân sách nhà nước năm 2017 và nâng cao hiệu quả khai thác nguồn lực tài chính trong việc quản lý, sử dụng tài sản công.
Ảnh minh họa.
Theo đó, việc sử dụng xe ô tô công được Bộ Tài chính hướng dẫn theo hướng khuyến khích các cơ quan, tổ chức, đơn vị áp dụng cơ chế khoán kinh phí sử dụng xe ô tô hoặc thuê xe ô tô để phục vụ công tác.
Việc mua sắm mới xe ô tô (bao gồm xe ô tô phục vụ chức danh, xe ô tô phục vụ công tác chung và xe ô tô chuyên dùng) của các cơ quan, tổ chức, đơn vị chỉ được thực hiện khi đảm bảo đủ 4 điều kiện:
Một là, cơ quan, tổ chức, đơn vị thiếu xe ô tô so với tiêu chuẩn, định mức do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành. Sau khi rà soát, sắp xếp trong số xe ô tô hiện có thuộc phạm vi quản lý của bộ, ngành và địa phương mà không có xe ô tô phù hợp để điều chuyển;
Hai là, Bộ, ngành và địa phương có xe ô tô dôi dư theo kết quả rà soát, sắp xếp xe ô tô (theo Quyết định số 32/2015/QĐ-TTg ngày 04/8/2015 của Thủ tướng Chính phủ) đã gửi báo cáo kết quả xử lý gửi về Bộ Tài chính theo quy định (Bộ Công an, Bộ Quốc phòng đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả rà soát, sắp xếp lại xe ô tô tại các cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi quản lý theo quy định);
Ba là, nguồn kinh phí mua xe đã được bố trí trong phạm vi dự toán NSNN năm 2017 được giao và nguồn kinh phí được phép sử dụng theo quy định của pháp luật;
Bốn là, phương thức mua sắm xe ô tô sẽ tổ chức thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu thầu.
Ngoài ra, Bộ Tài chính đề nghị các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các cơ quan khác ở Trung ương, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các Tập đoàn, Tổng Công ty nhà nước thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công, Chỉ thị số 31/CT-TTg ngày 02/11/2016 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý, nâng cao hiệu quả sử dụng tài sản công và hướng dẫn tại Công văn số 17731/BTC-QLCS ngày 14/12/2016 của Bộ Tài chính.
Theo đó, các cơ quan tập trung triển khai một số nhiệm vụ chính. Cụ thể như sau:
Thứ nhất, khẩn trương hoàn thành việc xác định giá trị tài sản để giao cho đơn vị sự nghiệp công lập quản lý theo cơ chế giao vốn cho doanh nghiệp theo quy định tại Nghị định số 04/2016/NĐ-CP ngày 06/01/2016 của Chính phủ và Thông tư số 23/2016/TT-BTC ngày 16/02/2016 của Bộ Tài chính; Chỉ đạo các đơn vị thuộc phạm vi quản lý rà soát, thực hiện thu toàn bộ các khoản thu được từ việc sử dụng tài sản công không đúng quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước và pháp luật có liên quan để nộp vào ngân sách nhà nước.
Thứ hai, tăng cường công tác quản lý trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp theo Chỉ thị số 27/CT-TTg ngày 25/8/2014 của Thủ tướng Chính phủ; kiểm soát chặt chẽ tiêu chuẩn, định mức sử dụng trụ sở làm việc theo quy định, gửi lấy ý kiến của cơ quan tài chính về định mức diện tích trụ sở làm việc trước khi cấp có thẩm quyền phê duyệt thiết kế đầu tư xây dựng mới, nâng cấp, cải tạo trụ sở làm việc.
Thứ ba, hoàn thành việc phê duyệt phương án sắp xếp lại nhà, đất, phương án di dời theo quy định của pháp luật; đẩy nhanh tiến độ thực hiện phương án sắp xếp lại, xử lý nhà đất thuộc sở hữu nhà nước đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; xử lý dứt điểm các vi phạm, tồn tại phát hiện qua sắp xếp; Xử lý trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân để xảy ra vi phạm. Chỉ đạo việc quản lý, sử dụng tiền thu được từ sắp xếp nhà, đất theo Quyết định số 09/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ theo đúng quy định của pháp luật.
Thứ tư, khẩn trương hoàn thành việc công bố danh mục mua sắm tập trung và tổ chức triển khai thực hiện việc mua sắm tập trung theo quy định tại Quyết định số 08/2016/QĐ-TTg ngày 26/02/2016 của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản hướng dẫn của Bộ Tài chính. Hồ sơ thanh toán đối với mua sắm tài sản nhà nước theo phương thức tập trung của các Bộ, ngành, địa phương: Thực hiện theo quy định chung về mua sắm tài sản từ ngân sách nhà nước, đồng thời phải có thỏa thuận khung và hợp đồng mua sắm tài sản đã ký với nhà thầu (trong trường hợp mua theo phương thức ký thỏa thuận khung) hoặc hợp đồng mua sắm tài sản đã ký với nhà thầu cung cấp tài sản (trong trường hợp mua sắm theo phương thức ký hợp đồng trực tiếp).
Thứ năm, thường xuyên thực hiện rà soát đối với các tài sản nhà nước tại cơ quan, tổ chức, đơn vị, tài sản được xác lập sở hữu nhà nước, tài sản dự án khi dự án kết thúc để xử lý kịp thời, bảo đảm công khai, minh bạch; Tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc đảm bảo thu đúng, thu đủ, thu kịp thời nghĩa vụ tài chính đất đai, tài nguyên của tổ chức, cá nhân khi được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, cấp quyền khai thác tài nguyên, tránh thất thoát.
Thứ sáu, tăng cường áp dụng phương thức đấu giá trong giao đất, cho thuê đất, cấp quyền khai thác tài nguyên, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước tại cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp nhà nước, xử lý tài sản tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị, tài sản dự án, tài sản xác lập sở hữu nhà nước và các tài sản khác có quyết định bán của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Cơ quan, tổ chức, đơn vị có tài sản bán đấu giá hoặc đơn vị được giao nhiệm vụ bán tài sản chịu trách nhiệm giám sát toàn bộ quá trình tổ chức bán đấu giá tài sản bảo đảm công khai, minh bạch, đúng pháp luật./.
PV
Bình luận: 0
Tin tức liên quan
- SHB lần thứ 4 lọt tốp 10 doanh nghiệp báo cáo thường niên tốt nhất ngành Tài chính (03:34 21/11/2024)
- BIDV - doanh nghiệp có môi trường làm việc tốt nhất Việt Nam (01:04 20/11/2024)
- BIDV và VRG hợp tác toàn diện giai đoạn 2024 - 2029 (12:25 20/11/2024)
- VPBank khai trương phòng chờ sân bay siêu VIP dành cho nhóm khách hàng thượng lưu (07:17 20/11/2024)
- Tập đoàn Đại Dũng và BIDV ký kết thỏa thuận hợp tác toàn diện (05:11 19/11/2024)