Mỗi tác phẩm báo in phải là một “cú hích”
1. Báo In trong thời đại “số”
Cũng đã có ý kiến cho rằng, Báo In - loại hình báo chí truyền tải thông tin có mục đích dưới dạng văn bản được in trên giấy - gần 500 tuổi rồi, nên đã “già cỗi”, không còn “đủ sức cạnh tranh”, đã đến hồi “rửa tay, gác bút”, nhường chỗ cho báo chí truyền thông số? Liệu có đúng như vậy trong thực tế hiện nay? Báo In có sức mạnh riêng, không chỉ là sự thân quen từ mùi giấy in, mực in, mà còn là một trong những phương tiện thông tin đại chúng tốt nhất về lưu trữ tư liệu lịch sử thời đại. Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, tính đến ngày 30/11/2021, cả nước có 816 cơ quan báo chí, trong đó có 557 Báo và Tạp chí In, 11 Báo thực hiện hai loại hình; 116 Tạp chí thực hiện hai loại hình, 29 Báo và Tạp chí điện tử(2). Con số 557 Báo và Tạp chí In đã khẳng định một điều: Báo In vẫn đang là một đội quân chủ lực trong những phương tiện truyền thông thiết yếu của nước ta hiện nay, chưa bao giờ “già cỗi”. Một tờ Báo In được cấu thành từ nhiều loại tác phẩm, như: tác phẩm báo chí, tác phẩm văn học - nghệ thuật, tác phẩm quảng cáo,... cho nên, không phải tất cả tác phẩm có mặt trên tờ Báo In đều có sức cuốn hút đối với công chúng. Trên thực tế, thói quen của công chúng khi cầm tờ Báo In trên tay là lướt qua tất cả các “tít” và chỉ dừng lại ở cái “tít” nào có thông tin thực sự làm cho họ quan tâm, hoặc đôi khi đơn giản chỉ là tìm đến bài viết của nhà báo có uy tín mà họ ngưỡng mộ và yêu thích.
Để kích thích nhu cầu mua và đọc Báo In của công chúng trong xu thế cạnh tranh gay gắt ở thời truyền thông số hiện nay, mỗi tờ Báo In có cách làm riêng của mình. Tuy nhiên, để bổ sung cho nhận định “Báo In vẫn đang là một đội quân chủ lực”, chúng tôi muốn dẫn thêm góc nhìn của độc giả Báo In từ kết quả điều tra xã hội học ý kiến công dân trong đề tài nghiên cứu chuyên sâu Tác phẩm Báo In năm 2021(3). Về mức độ công dân tiếp nhận thông tin từ Báo In trong tương quan với các loại hình báo chí khác, (kết quả từ 1050 người có trả lời phỏng vấn anket = 100%), có 501 người tiếp cận thông tin từ Báo In (chiếm 47,71%), trong đó, nhiều nhất là: 297 người là cán bộ hưu trí; 105 người trong lực lượng vũ trang; số người còn lại thuộc về 9 nghề nghiệp khác.
Tuy số lượng công chúng tiếp cận thông tin từ Báo In có sự sụt giảm đáng kể so với TK20 (năm 1997: Báo In: 98%; Truyền hình: 97%; Phát thanh: 87%)(4) nhưng con số 47,71% cũng phần nào cho thấy, Báo In vẫn đang được công chúng quan tâm, vẫn đang trên đà phát triển tốt, không thể nói là “rửa tay, gác bút” được
Nguồn: Kết quả điều tra ý kiến công dân năm 2021.
Yếu tố làm nên “cú hích”của tác phẩm Báo In
Từ điển Oxford, “hích” (nudge) là động từ, tác động đến ai đó bằng khuỷu tay(5). Từ điển Tiếng Việt: “hích” là động từ, với hai nghĩa: (1) Áp sát một bộ phận cơ thể vào, rồi dùng lực hất hoặc đẩy mạnh một cái(6); (2) Như Khích: Nói chạm đến lòng tự ái, tự trọng để gây tác động đến tinh thần, làm cho hăng lên mà làm việc gì(7).
Theo Richard H. Thaler & Cass R. Sunstein, “cú hích” là tác động đến hành vi lựa chọn của con người nhưng không mang tính ép buộc(8). Với các cách giải nghĩa này, vai trò “cú hích” của tác phẩm Báo In có thể hiểu là: tác phẩm đó tác động mạnh (ngay lập tức, hoặc từ từ như kiểu “mưa dầm thấm lâu”) đến nhận thức của con người, từ đó làm thay đổi hành vi của họ trong thực tế cuộc sống (trong đó có hành vi lựa chọn loại hình báo chí nào để tiếp cận thông tin).
Với câu hỏi B5: Yếu tố nào thu hút quý vị mua và đọc Báo In? thì 501 người có đọc một số tờ trong 12 tờ Báo In mà chúng tôi nêu ra, cho rằng: (i) Nội dung thông tin phải hấp dẫn; có giá trị sử dụng đối với mỗi cá nhân trong xã hội; tờ Báo In phải có “thương hiệu”; (ii) Hình thức trình bày phải có điểm nhấn thu hút thị giác; dùng từ “đắt”. Có thể thấy, cả hai yếu tố nội dung và hình thức của tác phẩm Báo In đều quan trọng như nhau trong việc kích thích nhu cầu của công chúng lựa chọn đọc Báo In trong vô vàn loại hình báo chí hiện nay. Chỉ có thể trở thành một “cú hích” mạnh khi tác phẩm Báo In có sự kết hợp hiệu ứng mạnh giữa nội dung và hình thức của tác phẩm.
Để tìm hiểu xem loại thông tin nào tác động mạnh đến sự lựa chọn đọc Báo In của công chúng, chúng tôi đã đưa ra 12 tiêu chí để công chúng lựa chọn, kết quả thật đáng ngạc nhiên: có 100% công chúng chọn 5 tiêu chí: (i) Các vụ án tham nhũng; (ii) Thông tin về chính sách, văn bản luật mới; (iii) Những thành quả xây dựng và phát triển đất nước; (iiii) Tấm gương người tốt, việc tốt; (iiiii) Những bài viết phản bác quan điểm sai trái, thù địch; trong khi đó, tiêu chí thứ 9: Đời sống showbiz, thể thao chỉ có 119 người lựa chọn (chiếm 23,75%), thấp nhất trong bảng kết quả.
Lý giải vì sao nội dung thông tin ấy lại tác động mạnh đến nhận thức của quý vị? có rất nhiều câu trả lời nhưng chúng tôi chọn một số câu trả lời đáng chú ý: (i) Các vụ án tham nhũng kích thích tâm lý tò mò “muốn biết sự thật”; gây ra tâm lý bức xúc, khiến người ta muốn chống tham nhũng. (ii) Chính sách, văn bản luật mới ban hành là công cụ để nhận thức đúng và hành động đúng; có giá trị áp dụng, rút kinh nghiệm thiết thực cho cuộc sống cá nhân và xã hội; biết chính sách, pháp luật thì có thể góp ý kiến cho Đảng, Nhà nước điều chỉnh chính sách, pháp luật cho phù hợp với cuộc sống thực tiễn. (iii) Quan tâm đến những thành quả xây dựng và phát triển đất nước, vì đây là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam trên
trường quốc tế. (iiii) Quan tâm đến tấm gương người tốt, việc tốt là để rèn luyện lối sống nhân văn; để học tập, tham gia vào các hoạt động vì cộng đồng. (iiiii) Quan tâm đến những bài viết phản bác quan điểm sai trái, thù địch: vì muốn nhận rõ bộ mặt thật của bọn phản động núp bóng nhân quyền; không muốn bị lôi kéo vào con đường phản bộiTổ quốc.
Như vậy, xét về mặt nội dung, “cú hích” có thể không phải là những câu chuyện lớn lao, đôi khi chỉ là một mẩu tin sốt dẻo, như: “tin vui” về bóng đá nữ và bóng đá nam U23 của Việt Nam giành huy chương Vàng tại SEAGAME 31; hay “tin không vui” như “cơn bão Việt Á”; hoặc có thể chỉ là một câu chuyện gỡ rối tơ lòng của lứa tuổi đang yêu,... nhưng lại vô cùng quan trọng với độc giả, “buộc” người ta phải đọc tác phẩm.
Tác phẩm Báo In khơi nguồn cho độc giả chia sẻ tình cảm với người trong cuộc; bày tỏ tâm tư, nguyện vọng của mình với Đảng và Chính phủ; phát biểu ý kiến đóng góp vào việc sửa đổi chính sách, luật pháp cho phù hợp với sự vận động và phát triển của cuộc sống; hiến kếm để giải quyết những vấn đề “nóng” của đất nước. Như vậy, tác phẩm Báo In đã tác động vào nhận thức của con người, như một nguồn năng lượng tinh thần lớn lao, làm biến đổi tư tưởng, tình cảm, hành vi của con người, tiếp sức cho con người trong cuộc sống.
Xét về mặt hình thức, nội dung thông tin “nóng” sẽ ngay lập tức“đập vào mắt” người đọc Báo In nếu được trình bày bằng những dòng “tít” chữ to, in đậm ở trang nhất, hoặc trang cuối cùng; cách dùng từ ngữ phù hợp văn cảnh, có chọn lọc kỹ càng; có ảnh to kèm theo tác phẩm; hoặc nội dung tác phẩm được tóm tắt mạch lạc, bắt mắt bằng sơ đồ, đồ họa; hoặc dòng tên nhà báo có uy tín cũng phần nào khẳng định giá trị của tác phẩm,...Sự hòa quyện, nâng tầm nhau giữa nội dung và hình thức của tác phẩm Báo In sẽ là một “cú hích” mạnh, lôi kéo con người lựa chọn đọc Báo In, mà không phải loại hình báo chí khác.
Làm gì để tác phẩm Báo Inluôn là “cú hích”
Với câu hỏi B4: “Quý vị nhớ được bao nhiêu thông tin sau khi đọc một tờ nhật báo khoảng 20 trang?”, thì câu trả lời là 3 - 5 thông tin, chỉ thông tin “đáng quan tâm”, “có ích”, “thích”. Cho nên, nếu muốn thu hút được đông đảo công chúng bỏ tiền mua báo, đọc báo và tích cực gửi thư chia sẻ, bình luận, thì một sản phẩm Báo In phải có nhiều tác phẩm có vai trò là một “cú hích”. Với câu hỏi B8: “Các loại hình báo chí khác có lợi thế hơn Báo In trong việc thu hút người đọc, ví dụ như: xuất hiện nhanh, giật “tít sốc”. Quý vị có gợi ý gì cho Báo In?”, chúng tôi đưa ra khá nhiều phương án gợi ý để công chúng lựa chọn, tuy nhiên, những phương án trả lời có 100% lựa chọn là: (i) Tác phẩm Báo In phải là đặc thù của Báo In, không được na ná loại hình báo chí khác; (ii) Chọn đề tài cần tinh lọc, có giá trị mở, khơi nguồn cho nhân dân chia sẻ, bình luận; (iii) Chọn chi tiết độc, phân tích sâu, thể hiện rõ quan điểm phản biện của tờ báo; (4) Trình bày bằng đồ họa để cuốn hút thị giác; (5), Văn phong độc đáo, chuẩn tiếng Việt, có phong cách riêng của tờ báo và của cá nhân nhà báo; (6) Để tạo “bài đinh” cho một số báo, cần có những nhà báo giỏi, chuyên sâu, phù hợp từng loại đề tài.
Như vậy, muốn Báo In là sự chọn lựa đầu tiên để đọc của công chúng, thì trong một sản phẩm Báo In phải có những tác phẩm báo chí có giá trị như một “cú hích” mạnh, có thể “kích hoạt” cả một phong trào hành động. Ví dụ: Ngày 6/7/2020, Báo Tuổi trẻ TP. HCM có bài: “Tan hoang danh thắng Ba Làng An”, phản ánh về tình trạng các hộ dân ngang nhiên xâm hại danh thắng Ba Làng An, thì ngay sau đó, ngày 7/7/2020, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã có công văn hỏa tốc yêu cầu kiểm tra, xử lý vi phạm. Các cơ quan chức năng đã phải nhanh chóng vào cuộc. Tuy nhiên, việc xử lý không triệt để nên sau 2 năm, ngày 18/7/2022, Báo Tuổi trẻ TP. HCM lại có bài: “Sau văn bản hỏa tốc, Ba Làng An vẫn tan hoang”, làm công chúng rất đau lòng và bức xúc.
Xu hướng tương lai, công chúng báo chí sẽ là “người quyết định” nội dung thông tin của báo chí. Chia sẻ góc nhìn của độc giả từ kết quả của một công trình nghiên cứu rất nhỏ bé, hy vọng rằng, mỗi tác phẩm Báo In sẽ luôn là một “cú hích” mạnh đối với độc giả, dù người đó ở bất cứ độ tuổi nào.
(1) Nhà chuyên môn khoa học về báo chí truyền thông, PVS, ngày 15/8/2021, HN.
(2) Baonghean.vn, Hội nghị báo chí toàn quốc triển khai nhiệm vụ năm 2022, ngày 24/12/2021.
(3) Nguyễn Thị Hằng Thu, (2021), Tác phẩm Báo In, Đề tài khoa học cấp Học viện BC&TT, HN. (Trong bài viết
này, tất cả câu hỏi, câu trả lời, số liệu điều tra, đều được trích ra từ đề tài này, do đó chúng tôi không ghi chú thích
nguồn.)
(4) Dẫn theo: Tạ Ngọc Tấn, (1997-1998), Tác động của báo chí đối với việc xây dựng lối sống tích cực của thanh
niên sinh viên hiện nay, Đề tài khoa học Cấp Bộ (Kỷ yếu), Phân viện BC&TT, HN, tr.95.
(5) Oxford Learner’s pocket Dictionary, (Fourth edition), (2015), Oxford University Press, page 299.
(6) Viện Ngôn ngữ học, (1995), Từ điển Tiếng Việt, Nxb Đà Nẵng, tr. 420.
(7) Viện Ngôn ngữ học, (1995), Sách đã dẫn, tr. 482.
(8) Richard H. Thaler & Cass R. Sunstein, (2019), Cú hích, Nxb Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, tr. 6 - 10.
TS Nguyễn Thị Hằng Thu
Viện Báo chí, Học viện Báo chí và Tuyên truyền
Tin tức liên quan
- Chuyển đổi số báo chí và đào tạo báo chí (01:28 28/10/2024)
- Một số yêu cầu về phòng ngừa, ứng phó, giải quyết các vấn đề an ninh phi truyền thống, trọng tâm là an ninh mạng trong nền an ninh quốc gia trong thời gian tới (03:14 27/09/2024)
- Vai trò của người làm báo trong việc thực hiện trách nhiệm xã hội của báo chí ở nước ta hiện nay (03:08 16/08/2024)
- Xuất bản điện tử và đào tạo nhân lực xuất bản điện tử trong giai đoạn hiện nay (09:38 08/07/2024)
- Phát thanh chuyên biệt về sức khỏe qua góc nhìn lý thuyết truyền thông phát triển (05:08 26/06/2024)