Kết nối tạp chí:
  • facebook
  • Tiwer
  • Youtube
  • Google

Metro - đoàn tàu mùa Xuân

Đoàn tàu “Metro” ấy đã đi qua những thách thức bằng cả sự nỗ lực, quyết tâm, lòng kiên trì và niềm tin. Chuyên chở ước mơ, hi vọng, đoàn tàu mùa Xuân đã mang đến cho giao thông công cộng, cho Thủ đô cái nhìn tươi mới.

Đoàn tàu mùa Xuân đã mang đến cho giao thông công cộng, cho Thủ đô cái nhìn tươi mới.

Bằng sự đón nhận của người dân, những háo hức trải nghiệm, sự điểm tô thêm nét hấp dẫn của Hà Nội, hình thành văn hóa giao thông mới,... tuyến đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông của Thủ đô đã và đang từng ngày khẳng định vai trò kiến tạo hành trình chuyển động mới cho giao thông Hà Nội.

Phép thử thời gian...

Những ngày cuối năm, trong sự hối hả, sôi động của nhịp sống Thủ đô, những con tàu Mettro vẫn miệt mài đưa đón từng dòng người tấp nập ngược xuôi.

Ông Vũ Hồng Trường, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV đường sắt Hà Nội (Hà Nội Metro) chia sẻ với báo chí.

“Cát Linh - Hà Đông là tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của Thủ đô cũng như cả nước được đưa vào hoạt động. Sau hơn một năm vận hành, tuyến đường sắt đã đạt sản lượng hành khách đi tàu theo kịch bản tốt nhất trong phương án chuẩn bị vận hành...” - lời chia sẻ mừng vui của người đứng đầu Hà Nội Mettro như cởi bỏ được gánh nặng của bao lo toan. Kết quả của ngày hôm nay đã trả lời cho phép thử thời gian, phép thử lòng người...

Còn nhớ, thời điểm giữa năm 2015, theo Quyết định của Thành phố, Công ty TNHH MTV đường sắt Hà Nội được thành lập với nhiệm vụ quản lý vận hành các tuyến đường sắt đô thị của Thủ đô. Sự kiện này có ý nghĩa như một quyết sách chiến lược với một quyết tâm chính trị cao với mong muốn tạo ra một đơn vị chuyên nghiệp góp phần đưa giao thông công cộng của Thủ đô bứt phá. Song  đồng nghĩa với nhiệm vụ là khó khăn, thách thức, là hoài nghi, ngờ vực bởi tính hiệu quả, khả thi...

Đường sắt đô thị là loại hình vận tải khối lượng lớn văn minh, hiện đại và ưu việt. Nhưng tại nước ta nói chung và Hà Nội nói riêng vẫn còn rất mới mẻ, lạ lẫm đối với đa số người dân. Người ta chỉ mới nghe trên giấy tính ưu việt của loại hình giao thông mới mẻ này. Làm sao để “mắt thấy, tai nghe, chân đi được”? Nhận nhiệm vụ, không ai nói ra tuy đều hình dung trước mắt một chặng đường gian nan. Hợp đồng EPC lần đầu tiên Việt Nam triển khai rất nhiều cái khó, cái vướng đòi hỏi tinh thần hợp hòa ba bên. Nhận định khó khăn sẽ chỉ là nhất thời và sẵn sàng chấp nhận như một phép thử cho sự thay đổi, cho cái mới tốt hơn của giao thông công cộng Hà Nội. Bù lại, Cát Linh, Hà Đông là tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của cả nước cũng như của Hà Nội được đưa vào hoạt động, cho nên nhận được sự quan tâm rất sát sao từ các cấp chính quyền, từ Chính phủ đến Bộ Giao thông vận tải rồi đến Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân TP. Hà Nội, các sở, ban, ngành với tinh thần cái gì tốt nhất có thể làm được, những gì tốt nhất có thể hỗ trợ được thì đều hỗ trợ đơn vị thực thi nhiệm vụ. Rồi sự chia sẻ của người dân, của đối tác. Có những người dân đã dậy từ 5 giờ sáng chỉ để pha nước chè rồi trông xe cho đội ngũ của Metro lên ga. Những hình ảnh đẹp đẽ ấy đã truyền động lực, tiếp sức để những cán bộ, nhân viên Metro thêm niềm tin yêu mà cố gắng, để con tàu Metro băng băng tiến về phía trước.

Rồi ngày vận hành chính thức đoàn tàu Metro cũng đến. Tất cả như nín thở. Hồi hộp rồi vỡ òa hạnh phúc. Đoàn tàu Metro được người dân Thủ đô cởi mở đón nhận. Theo thống kê, từ ngày 6/11/2021 đến hết năm 2022, tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông đã khai thác an toàn và vận chuyển được một con số ấn tượng với trên 9 triệu hành khách. Đến nay, tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông sau hơn một năm đi vào vận hành, khai thác đã chứng minh được ưu thế của phương thức vận tải nhanh khối lớn văn minh hiện đại của thế giới và là lực lượng xương sống vận tải hành khách công cộng đô thị lớn. Tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông đã trở thành phương tiện đi lại hàng ngày của hàng chục nghìn người dân. Những ai trăn trở, những ai từng mất ăn mất ngủ, tâm huyết với nghề... đã có thể thở phào nhẹ nhõm, yên tâm để con tàu Metro tự tin lăn bánh.

Tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông đã trở thành phương tiện đi lại hàng ngày của hàng chục nghìn người dân_Ảnh: nguồn VOV.

“Để một tuyến Metro đi vào vận hành phát huy hiệu quả, chúng tôi luôn lắng nghe tôn trọng và cố gắng nắm bắt đặc tính nhu cầu đi lại để đưa biểu đồ, phương thức vận hành nhằm đảm bảo thuận lợi tốt nhất cho người dân và tiết kiệm ngân sách của thành phố, quá trình này liên tục cải tiến và không ngừng nghỉ”, ông Vũ Hồng Trường, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV đường sắt Hà Nội (Hà Nội Metro) chia sẻ.

Ông cho rằng, kết quả bước đầu này mang ý nghĩa hết sức quan trọng. Qua vận hành, người dân đã dần thay đổi thói quen đi lại và từng bước tạo dựng văn hóa tham gia giao thông, văn hóa sử dụng giao thông công cộng văn minh an toàn thân thiện. Nếu như trước đây nói người dân ngại đi 200 - 300m nhưng hiện đi bộ 1 - 2 km để tiếp cận giao thông công cộng, điều này góp phần hạn chế xe cá nhân, giảm ùn tắc giao thông đô thị... Người đứng đầu Hà Nội Metro tự hào nhấn mạnh: “Ngạn ngữ có câu: “Con đường vạn dặm bắt đầu từ một bước chân”. Chúng tôi tự hào được giao sứ mệnh cùng người dân Hà Nội kiến tạo những bước chân đầu tiên trên con đường vạn dặm để phát triển một hệ thống đường sắt đô thị của Thủ đô văn minh và hiện đại.”

Những kỳ vọng mới 

Hình ảnh đoàn tàu màu xanh nối đuôi nhau thẳng tiến về phía trước hiện hữu giữa lòng Thủ đô như lời khẳng định, cam kết về một hành trình tiếp nối tươi đẹp...

Hệ thống bán vé tàu tự động.

Nhớ một thời, tàu điện từng là một nét văn hóa đặc sắc của Hà Nội. Cho đến nay, đường sắt vẫn là cấu thành quan trọng của hệ thống giao thông đô thị Hà Nội, góp phần làm thay đổi diện mạo giao thông Thủ đô. Sự tiện lợi, an toàn là đặc điểm quan trọng thúc đẩy người dân quyết định sử dụng. Bên cạnh đó, nhiều tuyến đường sắt trên thế giới cũng tập trung vào sự hấp dẫn, kết hợp các nét văn hóa vào cơ sở tàu điện. Metro Cát Linh - Hà Đông không chỉ mang đến cho giao thông Hà Nội một chuyển động mới, mà Metro Cát Linh - Hà Đông đã và đang trở thành một điểm nhấn của Hà Nội, một điểm hẹn ghé thăm của du khách, một điểm check in mới mẻ, hấp dẫn.

Ai có dịp đến thăm khu Depot - trung tâm đầu não điều hành toàn tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông rộng 19,6ha tại phường Phú Lãm, Hà Đông sẽ không khỏi ngỡ ngàng. Diện mạo của nơi điều độ vận hành tàu cho toàn tuyến, nơi thực hiện bảo dưỡng, sửa chữa để đảm bảo tàu luôn ở trạng thái ổn định, an toàn đã được chính những kỹ sư, công nhân Hà Nội Metro thổi hồn, kỳ công, tâm huyết làm nên một công viên Depot được đánh giá “đẹp nhất Việt Nam”.

Đi từ không đến có, kiên trì và bền bỉ, Metro Cát Linh - Hà Đông đang mang đến những kỳ vọng tốt đẹp cho loại hình giao thông mới mẻ. Metro Cát Linh - Hà Đông không những mang lại con số sản lượng thể hiện tính ưu việt, mang tính tự nhiên của cái phương thức vẫn phải nhanh, khối lớn đường sắt đô thị; thay đổi thói quen đi lại, tạo dựng văn hóa sử dụng dịch vụ công cộng theo hướng văn minh lịch sự; Metro Cát Linh - Hà Đông còn là sự khẳng định sự chủ động, sáng tạo của đội ngũ kỹ sư, công nhân Việt Nam. Từ việc phụ thuộc vào đội ngũ chuyên gia nước ngoài, Hà Nội Metro đã từng bước tạo dựng được một cái đội ngũ, từ những người quản lý đến nhân viên trực tiếp vận hành dần chuyển sang quản lý vận hành một cách chuyên nghiệp. Đến nay toàn bộ tuyến người Việt Nam đã làm chủ được quản lý vận hành, làm chủ công nghệ. Đây cũng là đội ngũ nòng cốt để đơn vị tiếp nhận vận hành đoạn Nhổn - ga Hà Nội và sẵn sàng tiếp viện nhân sự tuyến số 1 Bến Thành - Suối Tiên tại TP.Hồ Chí Minh.

Một chặng đường mới của Hà Nội Metro đang bắt đầu. Chặng đường này sẽ có thêm những kinh nghiệm thành công của Metro Cát Linh-Hà Đông, có thêm sự hứng khởi của lòng người chờ mong. Hiện Hà Nội Metro đang triển khai đồng loạt bảy nhóm công việc, chuẩn bị đội ngũ vận hành để tới đây sẵn sàng tiếp nhận, vận hành tuyến đường sắt Nhổn - ga Hà Nội.

Bộ mặt giao thông của Hà Nội đang từng ngày thay đổi. Tuyến đường sắt trên cao tạo ra điểm nhấn cho giao thông hiện đại, mang đến những kỳ vọng mới cho sự phát triển mạnh mẽ của đường sắt đô thị vốn được xem như xương sống của hệ thống giao thông vận tải tại các đô thị lớn, hiện đại. Tại Hà Nội, nhu cầu phát triển mạng lưới đường sắt đô thị lại càng trở nên bức thiết hơn bao giờ hết trong bối cảnh thành phố luôn phải đối diện với vấn nạn ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường. Cái được lớn nhất của Metro Cát Linh - Hà Đông khi đi vào vận hành đã chứng tỏ sức ảnh hưởng làm thay đổi thói quen đi lại của người dân, góp phần hạn chế xe cá nhân, giảm ùn tắc giao thông đô thị. Thiết nghĩ, về lâu dài, nếu hệ thống kết nối được đầu tư mở rộng hơn nữa, phương thức đi lại này chắc chắn sẽ là lựa chọn hàng đầu của người tham gia giao thông bởi sự thân thiện, an toàn, văn minh.

Sự tiên phong của đoàn tàu Metro Cát Linh - Hà Đông mang đến những khởi đầu tốt đẹp. Đoàn tàu mùa Xuân ấy chở theo cả ước mơ, hi vọng về một hệ thống giao thông công cộng hiện đại cho Thủ đô và đất nước. Thêm một mùa Xuân mới, ngoài kia đoàn tàu Metro vẫn cần mẫn trên mỗi hành trình vẫy gọi reo vui: “Hành trình vạn dặm bắt đầu từ một bước chân/Hà Nội Metro đang vững vàng tiến lên phía trước/Viết những chặng đường bằng nụ cười quí khách/Tiếng Đoàn tàu vang mãi những mùa Xuân” (“Metro – vang mãi những mùa xuân”, Vũ Hồng Trường).

Nam Giao
 

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Với tinh thần "Lá lành đùm lá rách", ngày 10/9, Hội Nhà báo Việt Nam ban hành công văn số 457/CV-HNBVN về việc hưởng ứng lời kêu gọi của đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khắc phục thiệt hại do cơn bão số 3.
Báo chí nói chung là một trong những kênh chính tạo dư luận xã hội. Báo chí cách mạng Việt Nam càng cần trách nhiệm xã hội cao, vì báo chí là phương tiện thông tin thiết yếu đối với đời sống xã hội, tuyên truyền, phổ biến, góp phần xây dựng và bảo vệ đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thành tựu của đất nước và thế giới theo tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí, phục vụ lợi ích quốc gia - dân tộc, cộng đồng xã hội. Chính vì vậy, trong bối cảnh hiện nay, vai trò của người làm báo trong việc thực hiện trách nhiệm xã hội của báo chí là cực kỳ quan trọng, bởi họ có trách nhiệm phản ánh một cách chính xác, đa chiều cạnh và đa dạng về thực tế xã hội,... mang lại thông tin có giá trị, kịp thời cho độc giả.
Tháng 8/1945, chớp thời cơ chiến lược “ngàn năm có một”, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân Việt Nam tiến hành cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước, tạo nên một bước ngoặt lớn trong lịch sử dân tộc. Từ đây, nhân dân Việt Nam thoát khỏi thân phận nô lệ trở thành người chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình; đất nước ta bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội. Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945 là một trong những chiến công vĩ đại nhất của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta, là bản hùng ca bất diệt trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.
Theo thông tin từ Hội đồng chuyên môn bảo vệ sức khỏe cán bộ Trung ương, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, sau thời gian lâm bệnh, mặc dù được Đảng, Nhà nước, tập thể các giáo sư, bác sĩ tận tình cứu chữa, gia đình hết lòng chăm sóc, nhưng do tuổi cao, bệnh nặng, đồng chí đã từ trần lúc 13 giờ 38 phút, ngày 19-7-2024, tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Hưởng thọ 80 tuổi. Tạp chí Người Làm Báo trân trọng giới thiệu bài viết: “Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Nhà lãnh đạo lỗi lạc, trọn đời vì nước, vì dân” của Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam:
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top