Lời giải cho kinh tế báo chí thời Covid-19
17:12 01/10/2021
- Vấn đề sự kiện
Trong trận chiến chống dịch Covid -19, ba lực lượng đang tham gia trong tuyến đầu là đội ngũ chuyên viên y tế, quân đội và các lực lượng an ninh địa phương và báo chí. Với báo chí, họ xông vào những ổ dịch, các bệnh viện, các công xưởng để lấy tin và phỏng vấn bệnh nhân và họ có mặt nơi dịch bệnh hoành hành mạnh nhất, nguy hiểm nhất.
TS Nguyễn Trí Hiếu gợi mở gói tài chính giúp các cơ quan báo chí vượt qua ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid-19. Ảnh: TL
Lực lượng thầm lặng
Tại thời điểm này trận chiến chống Covid-19 ngày càng cam go và khốc liệt. Mặc dù hai thành phố đầu tàu của cả nước đã nới lỏng các biện pháp phòng chống và kiểm soát dịch bệnh, nhưng số ca nhiễm mới và số tử vong vẫn còn rất cao.
Trong trận chiến này ba lực lượng đang tham gia trong tuyến đầu là đội ngũ chuyên viên y tế, quân đội và các lực lượng an ninh địa phương và báo chí. Với báo chí, họ xông vào những ổ dịch, các bệnh viện, các công xưởng để lấy tin và phỏng vấn bệnh nhân và họ có mặt nơi dịch bệnh hoành hành mạnh nhất, nguy hiểm nhất.
Các nhà báo và các cơ quan báo chí làm việc trong những điều kiện ngặt nghèo nhất. Những biện pháp phòng chống dịch với những chỉ thị 15 và 16 đã hạn chế sự đi lại của báo chí và sự tiếp cận của báo chí ở những nơi có dịch bệnh. Hơn nữa, báo chí có trách nhiệm chính trị và xã hội và phải hoạt động trong một khuôn khổ có định hướng chính trị. Các nhà báo phải thận trọng khi đưa tin về dịch bệnh để không tạo sự hoang mang và khủng hoảng trong dân chúng.
Một so sánh khá thú vị khi tôi so sánh tình hình thông tin và truyền thông ở Việt Nam với Mỹ là nơi tôi đã sống và làm việc 30 năm trước khi về Việt Nam làm việc, tôi cũng đang theo sát diễn biến tình hình dịch bệnh mỗi ngày tại Mỹ qua những kênh thông tin như CNN, BBC World News, MSNBC, ABC News.
Báo chí và truyền hình Mỹ rất thông thoáng và tự do. Nhưng chính sự tự do của báo chí mà công chúng Mỹ bị “dội bom” hằng ngày với những tin tức sai lạc (fake news) như tiêm chủng là không cần thiết, là trò chơi chính trị của Chính phủ Mỹ, tiêm chủng có thể làm mất khả năng sinh sản của phụ nữ.
Thậm chí có những tin đồn được báo chí đăng tải là Chính phủ Mỹ gài những con chips vào các mũi tiêm để cài đặt vào trong cơ thể người dân để kiểm soát hành vi của họ. Do những thông tin sai lệch về tiêm phòng mà hiện gần một nửa người dân Mỹ vẫn không chịu tiêm vaccine. Tỷ lệ tiêm vaccine đầy đủ mới chỉ đạt được 54% người dân Mỹ trong khi Chính phủ Mỹ muốn đạt đến tỷ lệ 80% để đạt được miễn dịch cộng đồng.
Chính vì thế trong bối cảnh đại dịch đang hoành hành đất nước chúng ta thì việc định hướng thông tin và truyền thông để loại bỏ những thông tin sai lệch và độc hại lại tỏ ra phù hợp và cần thiết.
Tuy nhiên, chúng ta phải khẳng định một điều là thông tin chính thồng phải chính xác và trung thực. Thông tin đại chúng điều chỉnh hành vi và sự ứng xử của người dân. Kinh nghiệm phòng chống dịch tại TP. HCM trong những tháng qua đã cho thấy dịch bệnh lây lan nhanh chóng tại những nơi người dân thiều hiểu biết và thông tin về tình hình dịch bệnh và những chỉ thị, hướng dẫn của Chình phủ và chính quyền địa phương.
Nhiệm vụ của báo chí là tuyên truyền những chỉ thị và quyết sách của Chinh phủ và cung cấp những thông tin trung thực và chính xác, đồng thời cũng truyền tải những nguyện vọng và khó khăn của người dân lên các cơ quan hữu trách để có sự điểu chỉnh phù hợp và kịp thời. Báo chí không thể “tô màu hồng” lên một bức tranh mà thực chất là còn u ám và đòi hỏi sự cảnh giác của mọi thành phần.
Gói tài chính đối với các cơ quan báo chí
Tại thời điểm này thì sự lo lắng của cả người dân và các thành phần kinh tế không bao giờ được xem là “thừa”. Chúng ta đừng vì sợ người dân hoang mang lo lắng mà chuyền tải những thông tin chỉ mang tính “lạc quan” và “động viên”, và từ đó dẫn đến tình trạng người dân và các doanh nghiệp “lơ là, chủ quan”.
Những điều trên cho thấy, công tác của báo chí trong lúc này là vô cùng khó khăn và phức tạp: vừa thực hiện nghĩa vụ truyền thống của báo chí, vừa phải đối diện với các rủi ro và hạn chế khi tác nghiệp. Thêm vào đó là sự khó khăn trong kinh doanh của giới nhà báo.
Trong lúc đại dịch đang hạn chế tất cả các hoạt động kinh doanh và mức tiêu thụ của người dân thì doanh thu từ việc bán báo giấy, đến báo điện tử và doanh thu từ quảng cáo đã chạm mức thấp chưa từng có trong lịch sử báo chí.
Không những các cơ quan báo chí, các nhà xuất bản, nhà in, các doanh nghiệp liên quan đến thông tin truyền thông, mà các phóng viên chuyên nghiệp, các nhà báo tự do đều trải qua một thời gian khó khăn chưa từng thấy.
Đấy là chưa nói đến các phóng viên, các nhà báo tự do khi nhiễm bệnh, thậm chí tử vong, không hề nhận được một sự trợ giúp tài chính nào, vì chính ngay cơ quan của họ cũng đang ngụp lặn trong nợ nần, khó khăn.
Hinh như đây là một tình trạng chung cho các “chiến sĩ trong tuyến đầu của đại dich” là các cán bộ y tế và nhà báo trong lúc phải xông pha vào các “trận địa” thì lại là những thành phần chịu thiệt thòi nhất. Nhiều bác sĩ, cán bộ y tế, đáng lý phải được tăng lương vì những hy sinh của họ, thì lương giảm, thu nhập giảm vì bệnh viện và nhiểu cơ sở y tế cạn kiệt nguồn tài chính. Cũng thế, nhiều nhà báo, làm ngày làm đêm, xông pha vảo các ổ bệnh, nhưng thay vì được tăng lương thì thu nhập bị giảm vì chính cơ quan của họ cũng đang loay hoay từng ngày để sống còn. Thật là một thảm cảnh.
Chính phủ và chính quyền địa phương cần quan tâm đến các chiến sĩ này. Họ cần những gói hổ trợ tài chính để duy trì cuộc sống cho họ và gia đình họ. Bộ Tài chính, Bộ Thông tin và truyền thông, Bộ Y tế nên có những gói hổ trợ cho các cơ quan báo chí, các nhà báo.
Ngân hành Nhà nước và các ngân hàng thương mai nên có các chương trinh hổ trợ các cơ quan báo chí và các nhà báo: giảm lãi suất cho các món vay của các cơ quan truyền thông, báo chí và các phóng viên, nhà báo. Hơn thế nữa, các ngân hàng thương mại nêu đưa ra những chương trình cho vay đặc biệt dành riêng cho các cơ quan báo chí và các phóng viên, nhà báo, với hình thức cho vay tín chấp, không đòi hỏi tài sản bảo đảm và lãi suất thấp với thời hạn trả nợ trung hạn và dài hạn.
Trong tất cả các nền kinh tế hai yếu tố quan trọng để phát triển kinh tế là tiền và thông tin. Nền kinh tế nào nắm được hai yếu tố then chốt này thì nền kinh tế đó phát triển vượt bậc, và hai nhà chủ chốt của hai khâu quan trọng này là nhà băng và nhà báo. Hãy hổ trợ nhau vượt qua đại dịch và giúp đất nước phát triển sau đại dịch.
TS Nguyễn Trí Hiếu
Bình luận: 0
Tin tức liên quan
- Giải Vô địch Bóng bàn Hội Nhà báo Việt Nam sẽ diễn ra trong tháng 12/2024 (04:01 18/11/2024)
- Tổng Bí thư Tô Lâm làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Cà Mau (10:26 18/11/2024)
- Quốc hội thông qua nghị quyết về phân bổ ngân sách trung ương năm 2025 (08:42 13/11/2024)
- Phiên chất vấn đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, “đúng” và “trúng” (06:00 12/11/2024)
- Quốc hội bắt đầu phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 8 (09:10 11/11/2024)