Kết nối tạp chí:
  • facebook
  • Tiwer
  • Youtube
  • Google

Làng hoa Hà Nội - Lao xao trước mỗi đợt Tết về

Mỗi dịp gần Tết, các làng hoa quanh khu vực Hà Nội lại tấp nập chuẩn bị các giống hoa cho thị trường hoa tết. Tuy nhiên, biến đổi khí hậu những năm gần đây đã đặt người dân vào nỗi lo liệu hoa có nở đúng dịp hay không?

Rộn ràng “chăm” hoa Tết

Từ đầu tháng 11, các làng hoa lớn như Tây Tựu, Nhật Tân, Liên Mạc… đã bắt đầu những bước canh tác đầu tiên trong không khí nhộn nhịp. Ngay từ sáng sớm, người nông dân đã tất bật với công việc bón phân, tưới nước. Đất, giống cây đều được chuẩn bị, chọn lựa kỹ lưỡng. Với hoa ly, hoa cúc, đất đã được ủ phân trước đó hai tháng. 

Năm nào cũng vậy, trước thời điểm tết từ khoảng ba tháng người dân tại các làng hoa Hà Nội đã bắt đầu tất bật trồng các loại hoa, người cuốc đất, người lên luống...

Gia đình bà Phan Thị Mị có 4 người đều ra ruộng trồng hoa cúc. Với một mẫu ruộng, chủ yếu trồng hoa cúc và trồng thêm hoa hồng, hoa ly. “Dịp tết là mùa thu nhập lớn nhất với những người trồng hoa như chúng tôi nên công đoạn chuẩn bị thời gian này cần phải chu đáo, cẩn thận hơn.” Bà Mị chia sẻ. Ông Toàn - chồng bà Mị, ra đồng từ sớm để tưới nước làm ẩm các luống đất để vợ và các con cắm mầm.

Đối với đào và mai - loài hoa biểu tượng của Tết truyền thống, đòi hỏi phải có những phương pháp  chăm sóc chuyên biệt. Những gốc đào, mai chủ yếu được mang từ các vùng rừng của Sơn La, Điện Biên, Lào Cai. Từ lúc cây còn non, người trồng đã uốn thế cho cây, giá thành đắt hay rẻ một phần cũng phụ thuộc vào thế cây. Đến thời điểm hiện tại, cách Tết chỉ còn gần 2 tháng, một số gốc đào đã được đánh vào chậu, số khác được tỉa rễ gọn gàng bó vào các bầu đất, số còn lại vẫn được trồng tại vườn để khách hàng có thể trực tiếp đến chọn lựa.

Theo ông Trần Tiến Dũng - chủ vườn đào Dũng Ngà (264 Phường Nhật Tân, Tây Hồ): “3 năm gần đây, mai cổ được ưa chuộng hơn nên với gần 1 mẫu đất nhà tôi trồng 700 gốc mai và chỉ trồng 300 gốc đào. Nếu thời tiết thuận lợi như hiện nay thì với sẽ thu được 800-900 triệu đồng từ đào.”

Người dân làng hoa Tây Tựu trồng hoa cúc để kịp cho dịp Tết đáp ứng đủ nhu cầu cho người dân

Người trồng hoa dùng đèn để sưởi ấm cho các luống hoa

Tâm tư người trồng hoa

Đằng sau niềm háo hức về một mùa bội thu, người trồng hoa còn canh cánh những âu lo. Với thời tiết thất thường, người trồng hoa có thể phải đối mặt với tình trạng hoa nở quá sớm hoặc quá muộn so với dịp tết.

Bà Bùi Thị Niên (Tây Tựu) bày tỏ nỗi lo lắng: “ Nếu mà hoa nở đúng dịp Tết thì được ăn, còn để ra giêng có khi phải chịu lỗ. Mấy luống hoa tôi mới trồng tuần trước vì dính mưa mà vẹo đầu hết, hỏng hết cả, tiếc lắm! Mà bây giờ trồng lại thì nhỡ mất vụ Tết”.

Mỗi vụ người dân đều tính rất kỹ thời gian phù hợp để bắt đầu gieo trồng. Việc biến đổi khí hậu như hiện nay đã ảnh hưởng không nhỏ đến năng suất và thu nhập của người trồng hoa.

Vào những năm thời tiết nóng, hoa thường nở sớm, để khắc phục một số gia đình có điều kiện sẽ cho vào nhà lạnh để hãm không cho hoa nở. Tuy nhiên, phương pháp này cũng chỉ giữ được một số lượng ít trong vài ngày và giá thành bán ra cũng thấp. Nỗi khổ hoa nở không kịp hãm đe dọa đến đời sống của người dân các làng hoa một lần nữa cho thấy việc trồng hoa vào mỗi vụ tết như mai, đào, quất và các loại hoa khác chẳng khác nào một canh bạc với ông trời.

Giống và cách chăm sóc cũng là một yếu tố quan trọng quyết định chất lượng của hoa. Năm nay, giá mầm hoa cúc, hoa ly tăng so với mọi năm. Với loại giống tốt, một sào ruộng người dân có thể thu được một vạn đến một vạn rưỡi hoa trên tổng số hai vạn hoa giống.

Chẳng may mua phải loại giống xấu thì coi như mất không. Để thu được hoa đẹp, người trồng còn phải tỉ mỉ trong việc chăm sóc. Từ việc chọn đất phù hợp với từng loại hoa đến việc phải cắt tỉa, phun tưới đều đặn. Mỗi một vụ hoa trung bình phải trải qua ba lần bón phân. Chưa kể đến việc diệt sâu, diệt nấm cho hoa. “Vất vả lắm chứ không dễ dàng như mọi người thường nghĩ. “Bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” mà có kiếm được bao nhiêu đâu” - bà Niên chia sẻ.

Quá trình đô thị hóa dẫn đến diện tích trồng hoa bị thu hẹp lại, người dân phải đi thuê đất canh tác ở vùng lân cận. Điều đó khiến cho người nông dân mất thêm một khoản chi phí cho việc thuê người làm và trả tiền thuê đất. Nhiều hộ chỉ còn vẻn vẹn 3 sào ruộng nên việc thuê thêm đất là không thể tránh khỏi. Những mảnh đất này lại thường cách xa nhau khiến họ gặp khó khăn trong việc di chuyển để chăm sóc những luống hoa cho kịp Tết.

Người trồng hoa cũng rất lo lắng khi thị trường hoa giấy, hoa sáp được ưa chuộng hơn bởi tính tiện lợi. Trước đây, mỗi dịp tết người dân thường mua hoa tươi để thờ cúng, trang trí thì bây giờ họ mua hoa giả thay thế, bởi chúng có độ bền cao và tiết kiệm được chi phí. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến doanh thu của những người trồng hoa.

Hy vọng rằng với công tác chuẩn bị kỹ lượng và điều kiện thời tiết thuận lợi sẽ giúp bà con nông dân trồng hoa có một mùa bội thu để có một cái Tết sung túc hơn. 

Ngọc Diệp

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Ngày 21/9, diễn đàn Tổng Biên tập năm 2024 với chủ đề “Báo chí giải pháp, hướng đi cho báo chí truyền thống” đã diễn tại tỉnh Bình Thuận. Diễn đàn do Báo Nhà báo và Công luận, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với tỉnh Bình Thuận tổ chức, thu hút sự tham gia hơn 100 đại biểu là lãnh đạo các cơ quan báo chí, các cơ quan quản lý báo chí trên cả nước.
Với tinh thần "Lá lành đùm lá rách", ngày 10/9, Hội Nhà báo Việt Nam ban hành công văn số 457/CV-HNBVN về việc hưởng ứng lời kêu gọi của đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khắc phục thiệt hại do cơn bão số 3.
Báo chí nói chung là một trong những kênh chính tạo dư luận xã hội. Báo chí cách mạng Việt Nam càng cần trách nhiệm xã hội cao, vì báo chí là phương tiện thông tin thiết yếu đối với đời sống xã hội, tuyên truyền, phổ biến, góp phần xây dựng và bảo vệ đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thành tựu của đất nước và thế giới theo tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí, phục vụ lợi ích quốc gia - dân tộc, cộng đồng xã hội. Chính vì vậy, trong bối cảnh hiện nay, vai trò của người làm báo trong việc thực hiện trách nhiệm xã hội của báo chí là cực kỳ quan trọng, bởi họ có trách nhiệm phản ánh một cách chính xác, đa chiều cạnh và đa dạng về thực tế xã hội,... mang lại thông tin có giá trị, kịp thời cho độc giả.
Tháng 8/1945, chớp thời cơ chiến lược “ngàn năm có một”, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân Việt Nam tiến hành cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước, tạo nên một bước ngoặt lớn trong lịch sử dân tộc. Từ đây, nhân dân Việt Nam thoát khỏi thân phận nô lệ trở thành người chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình; đất nước ta bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội. Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945 là một trong những chiến công vĩ đại nhất của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta, là bản hùng ca bất diệt trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top