Làm báo với thông tin từ mạng xã hội
22:43 15/06/2017
- Báo chí & Công chúng

Báo chí trong thời đại mạng xã hội. ( Ảnh mạng)
Thông tin từ mạng xã hội – phóng viên chạy không kịp
Hàng ngày, hàng giờ, hàng phút thậm chí hàng giây, mạng xã hội không ngừng cập nhật những thông tin nóng hổi, diễn biến trực tiếp các sự kiện đang diễn ra. Trong khi đó, người Việt Nam dành 237 phút cho Internet mỗi ngày và chưa tới 91 phút cho TV. Như vậy, công chúng tiếp nhận thông tin qua mạng xã hội như: Facebook, Twitter... trước khi tiếp cận với báo mạng điện tử, truyền hình là điều hiển nhiên.
Thực tế, nhiều sự việc diễn ra được mạng xã hội “vào cuộc” đầu tiên sau đó phóng viên mới kịp đưa tin cho báo của mình. Điển hình là sự việc chiều 9/6, trên mạng xã hội Facebook xuất hiện đoạn video clip quay lại cảnh 1 người đàn ông bị người dân bao vây, truy vấn. Bên cạnh đó là một người phụ nữ trẻ đang bế con nhỏ khoảng 2 tuổi khóc lóc, kêu cứu vì cho rằng người đàn ông dàn cảnh bắt cóc. Người tung đoạn clip trên chú thích, đây là thủ đoạn bắt cóc trẻ em mới và đề nghị mọi người cảnh giác.
Ngay sau đó, video clip kèm theo hàng trăm bình luận, bức xúc, lời cảnh giác được chia sẻ nhanh chóng. Báo mạng điện tử cũng vào cuộc với hàng loạt bài viết đi tìm sự thật: Sự thật sau clip người đàn ông đánh phụ nữ, bắt cóc trẻ em ở Hải Phòng; Sự thật vụ chặn đường đánh mẹ, bắt cóc con ở Hải Phòng… Và công an kết luận: không hề có vụ bắt cóc ngang nhiên như vậy.
Rõ ràng, thông tin trên mạng xã hội được lấy từ nhiều nguồn khác nhau và không có một sự kiểm chứng nào. Trong khi, quyền tự do ngôn luận của công dân được nhà nước bảo hộ nên không thể có biện pháp kiểm soát, quản lý chặt chẽ.
Báo chí trong thời đại bùng nổ thông tin. ( Ảnh mạng)
Báo chí cần tỉnh trước thông tin trên mạng xã hội
Vai trò “gác cổng” thông tin của báo chí vẫn còn đó, Facebook không ngừng cập nhật thông tin từng giờ, từng phút. Công chúng thì luôn cần những thông tin nhanh, nóng, chính xác.
Lấy nguyên câu chuyện trên mạng và thêm thắt những bình luận, đánh giá, nhận xét mà không có sự điều tra, tìm hiểu, làm rõ từ các nhân vật liên quan là “căn bệnh” thường gặp của không ít tờ báo mạng, trang tin điện tử, truyền thông báo chí nói chung. Có thể đó chỉ là “con sâu làm rầu nồi canh” nhưng cũng ảnh hưởng tới niềm tin của công chúng vào báo chí.
Không thể phủ nhận vai trò của mạng xã hội trong việc cung cấp nguồn tin cho phóng viên viết tin bài. Nhưng mỗi nhà báo, phóng viên cần “tỉnh” hơn khi đưa tin từ nguồn này.
Trong thời đại truyền thông số, phóng viên vừa là người tham gia mạng xã hội vừa là người tiếp cận, chắt lọc, cung cấp thông tin chính xác tới công chúng. Mỗi sự kiện từ mạng xã hội phải được phóng viên phân tích giá trị, hệ lụy tác động từ nhiều khía cạnh khác nhau.
Người dùng mạng xã hội có thể “thoải mái” phát ngôn mà không bịa đặt, vi phạm pháp luật thì người làm báo cần cân nhắc, định hướng thông tin nên đưa và không nên đưa sao cho phù hợp với chuẩn mực và đạo đức nghề nghiệp.
Ngọc Châm
Bình luận: 0
Tin tức liên quan
- Câu chuyện về hành trình theo đuổi đam mê của các gương mặt trẻ tại giải thưởng “Bền đam mê” (09:43 02/04/2025)
- Hoa hậu môi trường thế giới Nguyễn Thanh Hà: Lan tỏa thông điệp xanh tại sự kiện “Triệu cây xanh vì môi trường quốc gia” (07:55 23/03/2025)
- Ra mắt cuốn sách kể chuyện lịch sử Hà Nội qua những công trình kiến trúc (05:54 06/12/2024)
- Tình trạng "báo hóa" trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội đã giảm đáng kể (04:45 29/11/2024)
- Hoa hậu Môi trường thế giới năm 2023 Nguyễn Thanh Hà: Môi trường chỉ có thể tốt hơn nếu lối sống của chúng ta thay đổi (08:18 09/11/2024)