Làm báo nào phải làm giàu
20:30 22/09/2017
- Báo chí & Công chúng

Tác nghiệp ở Đảo SongTử Tây. Ảnh: Thành Huy Long
Làm báo có giàu không?
Năm 2007, tôi hướng dẫn các sinh viên làm bài tập môn phóng sự truyền hình. Trưa ấy, mấy cô trò lê lết quay phim bên lề đường chật hẹp và đông đúc của quận 5 TP.HCM. Giữa những shot hình, một nữ sinh viên xinh xắn, giọng Nam bộ hiền lành, rụt rè hỏi tôi: “Cô ơi! Em nghe nói làm báo giàu lắm phải không cô?”
Tôi khi ấy là một nhà báo hơn 13 năm thâm niên làm nghề. Trước câu hỏi của em, tôi phải dừng lại rất lâu, nhìn sâu vào mắt em. Trong lòng tôi lúc ấy quả thật có quặn lên một chút chua xót. Rồi tôi hỏi em, em thấy bộ quần áo tôi mặc thế nào? Em bảo cũ và hơi quê mùa. Tôi hỏi, em thấy cái xe mà tôi đi thế nào, em bảo: “Trung bình” (bởi nó là cái Wave Alpha).
Tôi nói với em, cô làm báo hơn 13 năm, cô tôi làm báo hơn 20 năm. Nếu chỉ trông vào làm báo thì câu trả lời là “đủ ăn”. Ngoài thời gian làm cho cơ quan mình, vợ chồng cô còn phải làm sách thêm, cộng tác thêm cho nhiều nơi khác, thì mới có dư chút đỉnh.
Sau này, khi tiếp xúc với nhiều thế hệ sinh viên, tôi còn nghe nhiều lần những câu hỏi tương tự. Nhiều đồng nghiệp là giảng viên thỉnh giảng cho các trường báo chí cũng chia sẻ, họ thường xuyên phải trả lời câu hỏi rất đáng phải suy nghĩ ấy, “làm báo có giàu không?”. Và đáng suy nghĩ nhất là trường hợp, câu hỏi ấy được bật ra từ những học trò vùng sâu vùng xa, mang cả mồ hôi nước mắt mặn chát của cha mẹ đến giảng đường...
Nếu các bạn để cho vật chất tiền bạc, dù nhỏ, xen vào chương trình truyền thông của các bạn, mọi việc sẽ không còn khách quan được nữa
Những câu chuyện không mới
Có người bảo, phóng viên chạy sự kiện này, sự kiện kia còn có phong bì bồi dưỡng, có bữa trưa bữa tối, chứ biên tập ở nhà là đói. Có đôi người còn than, giờ mà mang format mới ra trình cơ quan, thì câu đầu tiên được hỏi sẽ là, có kêu được tài trợ không, nếu không thì hãy đợi đấy.
Học trò đi phỏng vấn, phấn khởi lắm khi trúng tuyển. Ít ngày sau lại ỉ ôi, cô ơi hóa ra họ tuyển tụi em đâu phải để làm nghề, họ tuyển tụi em để sale quảng cáo.
Một “phóng viên” trẻ khác làm cho một công ty truyền thông, chuyên “gia công” bản tin cho một số đài truyền hình trong đó có những đài lớn, buồn rầu “Em rất rầu khi những sự kiện liên quan đến đời sống dân sinh thì chỉ được đưa tin vắn, còn lễ ra mắt một sản phẩm thôi lại bị chỉ đạo làm tin tường thuật”.
Hôm rồi, tôi toát mồ hôi hột khi đọc status trên facebook của một sinh viên đi thực tập. Cậu ấy hân hoan kể vừa về cơ sở đã được theo các phóng viên đi công tác và ngay chuyến công tác đầu tiên đã có phong bì.
Truyện cổ tích thời nay
Năm 2002, tôi tham gia một dự án truyền thông lớn dành cho chủ doanh nghiệp vừa và nhỏ và những người muốn khởi nghiệp. Dự án đó còn kéo dài cho tới bây giờ dù hình thức truyền thông đã thay đổi khá nhiều và nhà tài trợ cũng đổi thay.
Tập huấn về truyền thông cho chúng tôi thời ấy là Peder Gustafsson, một nhà báo kỳ cựu đến từ Thụy Điển. Trước khi bắt tay vào khóa tập huấn, chúng tôi phải cam kết khá nhiều điều, mà điểm then chốt nhất tôi còn nhớ tới giờ là “không nhận bất kỳ thứ gì từ doanh nghiệp, bao gồm cả việc tuyệt đối không ăn cơm với doanh nghiệp”.
Chúng tôi đã thắc mắc rất nhiều vì cho rằng phong tục tập quán, thói quen, văn hóa, điều kiện kinh tế xã hội của Việt Nam khác phương Tây nên chuyện ăn uống quà cáp cũng mang nghĩa khác. Vả lại nếu quà có giá trị vật chất không lớn thì việc từ chối có thể làm tổn thương người tặng.
Sau những tranh luận, câu trả lời của Peder vẫn là: Tuyệt đối không!
Ông giải thích, chúng ta làm việc với đối tượng là các doanh nghiệp. Nhiệm vụ của các bạn trong chương trình truyền thông này là giúp đỡ họ phát triển lành mạnh. Nếu các bạn để cho vật chất tiền bạc, dù nhỏ, xen vào chương trình truyền thông của các bạn, mọi việc sẽ không còn khách quan được nữa. Khi không khách quan, các bạn không thể giúp đỡ họ được mà chỉ có thể gây khó khăn cho họ mà thôi. Thêm nữa, nếu các bạn không khách quan, doanh nghiệp sẽ có thể bất hợp tác với các bạn. Chúng tôi có trách nhiệm cung cấp cho các bạn các điều kiện cần thiết để các bạn làm việc mà không cần nghĩ đến những món quà, bữa cơm hay phong bì của doanh nghiệp. Nếu các bạn không chấp nhận cam kết này, các bạn có thể ra khỏi dự án.
Và tất cả các phóng viên ở vài chục tỉnh, thành tham gia dự án đã tuân thủ tuyệt đối cam kết này, ít nhất đến năm 2008, khi tôi kết thúc phần việc của mình ở dự án này./.
Điều 3 trong “10 điều Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam” nêu rõ: Nhà báo phải “Hành nghề trung thực, khách quan, công tâm, không vụ lợi”. Làm báo có giàu không? Câu trả lời không khó, chỉ cần chúng ta làm một thống kê xã hội học nho nhỏ. Thậm chí, chúng ta có thể điều tra được nguyên nhân khiến nhà báo (nào đó) trở nên giàu có. Nhưng, điều đó không quan trọng. Trăn trở nằm ở chỗ, tại sao ngày càng nhiều người hỏi câu hỏi ấy? Tất nhiên, nhà báo cũng cần kiếm cơm như bao người khác, nhưng đó không phải và không thể là mục tiêu số 1. Mục tiêu số 1 của nhà báo là ráng đưa “kiếm cơm” ra khỏi mục tiêu số 1. Sẽ thật nguy hiểm khi cả xã hội đang mặc định làm báo có thể rất giàu và nhiều người lao vào nghề báo, nghề truyền thông vì điều đó! |
Cù Thị Thanh Huyền
Bình luận: 0
Tin tức liên quan
- Câu chuyện về hành trình theo đuổi đam mê của các gương mặt trẻ tại giải thưởng “Bền đam mê” (09:43 02/04/2025)
- Hoa hậu môi trường thế giới Nguyễn Thanh Hà: Lan tỏa thông điệp xanh tại sự kiện “Triệu cây xanh vì môi trường quốc gia” (07:55 23/03/2025)
- Ra mắt cuốn sách kể chuyện lịch sử Hà Nội qua những công trình kiến trúc (05:54 06/12/2024)
- Tình trạng "báo hóa" trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội đã giảm đáng kể (04:45 29/11/2024)
- Hoa hậu Môi trường thế giới năm 2023 Nguyễn Thanh Hà: Môi trường chỉ có thể tốt hơn nếu lối sống của chúng ta thay đổi (08:18 09/11/2024)