Kỳ vọng lớn lao và trách nhiệm nặng nề của người làm báo Việt Nam (*)

Giới báo chí cả nước vừa tưng bừng kỷ niệm 91 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2016) với nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa nhằm ôn lại truyền thống lịch sử; những đóng góp tích cực của báo chí với sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng Cộng sản Việt Nam và toàn dân tộc.

Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Thuận Hữu phát biểu tại Hội nghị

Hội Nhà báo Việt Nam cũng vừa tổ chức thành công tốt đẹp Lễ trao Giải Báo chí Quốc gia lần thứ X-2015, được các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước, các cấp các ngành và công chúng báo chí quan tâm và đánh giá cao.

Trong không khí vui tươi phấn khởi đó, cho phép tôi thay mặt Đảng đoàn, Ban Thường vụ Hội Nhà báo Việt Nam, xin gửi tới các đồng chí lãnh đạo các Bộ, Ban, Ngành Trung ương, các vị đại biểu khách quý cùng toàn thể đại biểu dự Hội nghị lời chúc sức khỏe, thành công và hạnh phúc. Chúc Hội nghị học tập, quán triệt Luật Báo chí 2016;Triển khai xây dựng và thực hiện Quy định đạo đức người làm báo Việt Nam thành công tốt đẹp!

Luật báo chí (sửa đổi) 2016 đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Khóa XIII thông qua ngày 5/4/2016 và Chủ tịch nước công bố Luật ngày 29/4/2016, có hiệu lực từ 1/1/2017. Khi Luật Báo chí 2016 được thông qua đã nhận được sự quan tâm, hoan nghênh của những người làm báo và toàn xã hội. Luật Báo chí 2016 sẽ tạo hành lang pháp lý quan trọng cho sự nghiệp báo chí cách mạng Việt Nam tiếp tục phát triển bền vững, là chỗ dựa của những người làm báo để thực hiện nhiệm vụ chính trị, phục vụ xã hội và nhân dân tốt hơn.

Việc sửa đổi và ban hành Luật Báo chí 2016 khẳng định Đảng và Nhà nước ta đề cao vai trò của báo chí, đồng thời cũng trao trách nhiệm cao cả và nặng nề cho những người làm báo Việt Nam.

Luật có 6 chương, 61 điều, trong đó có tới 32 điều mới và 29 điều sửa đổi. Điểm cốt yếu nhất của Luật Báo chí 2016 là khẳng định quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí của người dân, bảo đảm quyền tiếp nhận thông tin và quyền được thông tin của xã hội. Luật cũng quy định rõ, cụ thể những điều báo chí không được làm, việc liên kết để sản xuất các ấn phẩm báo chí; quy định trách nhiệm cung cấp thông tin cho báo chí, việc cải chính trên báo khi báo chí đưa tin sai, đồng thời luật hóa các quy định bắt buộc về đạo đức người làm báo....

Trong những năm qua, đại bộ phận nhà báo, người làm báo Việt Nam đã thực hiện tốt những nội dung cơ bản nhất, cốt lõi nhất các quy định của Pháp luật nói chung, Luật Báo chí nói riêng. Những người làm báo Việt Nam đã  thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; là cầu nối giữa Đảng và các cấp chính quyền với nhân dân; đấu tranh chống âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch; phê phán, đấu tranh với các hiện tượng tham nhũng, tiêu cực, tệ nạn xã hội… thực sự  góp phần dự báo, đón đầu các sự kiện và xu thế phát triển của xã hội.

Điều này được thể hiện rõ nét qua chất lượng nội dung thông tin báo chí hàng ngày, hàng giờ đăng tải trên các loại hình báo chí; báo chí phản ánh, bám sát toàn diện mọi mặt của cuộc sống và đáp ứng rất tốt, rất kịp thời mọi nhu cầu thông tin đa dạng, phong phú của xã hội. 

Song bên cạnh đó có thể nhận thấy những biến đổi tiêu cực trong đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam đang diễn ra ngày càng phức tạp và cho thấy dấu hiệu của sự tha hoá trong một bộ phận nhà báo Việt Nam. Đó là: Hiện tượng nhà báo thông tin sai sự thật, thiếu trách nhiệm, không kiểm chứng, chụp giật, thiếu khách quan, thổi phồng sự thật và bóp méo sự thật;  hiện tượng thương mại hoá tờ báo bằng việc đưa tin bài, hình ảnh giật gân, câu khách, kích động, kích dục, thiếu văn hoá, thiếu tính thẩm mỹ và phản giáo dục; tình trạng nhà báo lạm quyền và cửa quyền ngày càng gia tăng; biểu hiện thiếu tính nhân văn trên báo chí; hiện tượng nhà báo lợi dụng nghề nghiệp, danh nghĩa nhà báo, cơ quan báo chí, lợi dụng vị trí và công việc của mình để vụ lợi cá nhân, kiếm chác cho riêng mình và làm trái pháp luật.

Điều 8 Luật Báo chí 2016 quy định rất cụ thể về chức năng nhiệm vụ của Hội Nhà báo Việt Nam: … đại diện, bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của nhà báo; bồi dưỡng đạo đức nghề nghiệp, chuyên môn nghiệp vụ báo chí cho hội viên; giám sát việc tuân theo pháp luật, quy tắc đạo đức nghề nghiệp nhà báo; tham gia xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách thông tin - báo chí; thực hiện các hoạt động hợp tác quốc tế theo quy định của pháp luật. Hội Nhà báo Việt Nam có nhiệm vụ ban hành và tổ chức thực hiện Quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam”

Thực hiện Chương trình hoạt động toàn khóa của Ban Chấp hành Hội NBVN khóa X và kế hoạch công tác năm 2016, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức triển khai đến tất cả các cấp Hội từ Trung ương đến địa phương học tập, quán triệt Luật Báo chí 2016 và góp ý kiến xây dựng Quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam phù hợp với Luật Báo chí 2016 và luật pháp hiện hành. Đây là một đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong toàn Hội nhằm phát huy vai trò, trách nhiệm của các cấp Hội  Nhà báo Việt Nam trong việc triển khai thực hiện Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 và Luật Báo chí năm 2016, đặc biệt đề cao vai trò, trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân  của người làm báo Việt Nam.

Đợt sinh hoạt này gồm hai nội dung quan trọng là: Tổ chức cho người làm báo, hội viên học tập, quán triệt sâu sắc Luật Báo chí 2016,  những điểm mới, điểm nhấn  so với Luật Báo chí 1999. Đây là luật thiết thân với những người làm báo, vì vậy chúng ta phải cần phải học tập, quán triệt, nắm vững các Điều luật để phục vụ tốt hơn công việc của mình, tránh sai sót trong quy trình tác nghiệp.

Cũng trong dịp này, Hội Nhà báo Việt Nam triển khai, phát động các cơ quan báo chí, hội viên nhà báo, các cấp các ngành và các tầng lớp nhân dân góp ý kiến tham gia sửa đổi, xây dựng Quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam phù hợp với Luật Báo chí 2016 và luật pháp hiện hành. Theo Kế hoạch của Ban Thường vụ Hội, thời gian  tổ chức triển khai quán triệt Luật Báo chí 2016 và lấy ý kiến tham gia sửa đổi Quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam diễn ra  trong 5 tháng, bắt đầu từ tháng 5 đến hết tháng 9/2016.

Trong thời gian qua, Trung ương Hội đã ban hành Hướng dẫn, tổ chức họp báo về các nội dung trên và tại Hội nghị hôm nay, các đồng chí báo cáo viên sẽ chuyển tải đến các cán bộ lãnh đạo của các cấp Hội những nội dung cơ bản nhất của Luật Báo chí 2016. Chúng ta sẽ cùng trao đổi, nhận thức sâu sắc quan điểm và nắm vững những quy định của Luật Báo chí 2016 để về tổ chức triển khai học tập ở các cấp Hội đến toàn thể hội viên - nhà báo của đơn vị, địa phương mình.

Hội Nhà báo Việt Nam sẽ phối hợp với các cơ quan quản lý, chỉ đạo báo chí, các địa phương để tổ chức các cuộc hội thảo; tọa đàm về việc thực hiện những nội dung đã được luật hóa đối với hoạt động báo chí, về thực hiện Quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam.

Đây là một hoạt động chính trị, nghiệp vụ quan trọng của Hội Nhà báo Việt Nam, của giới báo chí, thay mặt Ban Thường vụ Hội Nhà báo Việt Nam, tôi trân trọng cảm ơn các đồng chí báo cáo viên đã dành thời gian đến truyền đạt những nội dung cơ bản của Luật Báo chí 2016; hoan nghênh các  đại biểu đại diện các cấp Hội, các cơ quan báo chí đã sắp xếp công việc về dự Hội nghị quan trọng nay; đề nghị các đồng chí tập trung cao độ, phát huy tinh thần trách nhiệm, quán triệt sâu sắc tinh thần, nội dung cơ bản của Luật Báo chí để tiếp tục quản triệt ở cơ quan, đơn vị mình; đề nghị các cơ quan báo chí tích cực thông tin, tuyên truyền sâu, đậm, bằng nhiều loại hình báo chí, bằng nhiều hình thức về Luật Báo chí 2016 cũng như Quy định đạo đức Người làm báo Việt Nam, góp phần nâng cao hơn nữa chất lượng hoạt động báo chí, chất lượng công tác Hội, đặc biệt chú trọng việc trau dồi đạo đạo đức cách mạng, thực hiện nghiêm túc những  quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam, góp phần thực hiện nghiêm Luật Báo chí 2016.

Thuận Hữu
Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân
(*) Tiêu đề bài viết do Tạp chí Người Làm Báo đặt

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Tạp chí Người Làm Báo trân trọng giới thiệu bài viết của đồng chí Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về xây dựng hệ thống chính trị với tiêu đề : "Tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả".
Đó là nhấn mạnh của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm trong phát biểu tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
Ngày 21/9, diễn đàn Tổng Biên tập năm 2024 với chủ đề “Báo chí giải pháp, hướng đi cho báo chí truyền thống” đã diễn tại tỉnh Bình Thuận. Diễn đàn do Báo Nhà báo và Công luận, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với tỉnh Bình Thuận tổ chức, thu hút sự tham gia hơn 100 đại biểu là lãnh đạo các cơ quan báo chí, các cơ quan quản lý báo chí trên cả nước.
Với tinh thần "Lá lành đùm lá rách", ngày 10/9, Hội Nhà báo Việt Nam ban hành công văn số 457/CV-HNBVN về việc hưởng ứng lời kêu gọi của đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khắc phục thiệt hại do cơn bão số 3.
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top