Kết nối tạp chí:
  • facebook
  • Tiwer
  • Youtube
  • Google

Kỷ niệm 70 năm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng

Ngày 4/4/2019, tại xã Tân Thái, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp cùng Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thái Nguyên tổ chức Lễ kỷ niệm 70 năm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng - nơi giảng dạy lớp báo chí đầu tiên của nền báo chí cách mạng nước nhà.

Các đại biểu cắt băng khánh thành Gian trưng bày chuyên đề

Dự Lễ kỷ niệm, về phía Trung ương có đồng chí Thuận Hữu, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Biên tập báo Nhân dân, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; Nguyễn Đức Lợi - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc TTXVN; PGS,TS Nguyễn Hồng Vinh - nguyên Ủy viên BCH Trung ương Đảng, nguyên Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương, nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, nguyên Tổng Biên tập Báo Nhân Dân; Lê Quang Tùng -Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch; Lê Mạnh Hùng - Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Hồ Quang Lợi - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam; Mai Đức Lộc - Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam.

Về phía địa phương có đồng chí Trần Quốc Tỏ - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên; Vũ Hồng Bắc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo các Sở Ban Ngành trong tỉnh Thái Nguyên.

Đặc biệt, Lễ kỷ niệm cũng vinh dự đón những vị khách đặc biệt, họ là học viên, thân nhân của những học viên, giảng viên của Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng là nhà báo Lý Thị Trung, nguyên Tổng Biên tập Báo Phụ nữ thủ đô. Ở tuổi 94, bà chính là 1 trong 3 học viên nữ của Trường. Điều đặc biệt hơn, chồng bà - ông Vương Như Chiêm cũng là một học viên của trường. Ngoài ra còn có đại diện gia đình các nhà báo Trần Kiên, Đỗ Đức Dục, Quang Đạm... cũng đến dự kỷ niệm.

Đồng chí Thuận Hữu, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Biên tập báo Nhân dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam phát biểu tại Lễ kỷ niệm

Chương trình kỷ niệm 70 năm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng (4/4/1949-4/4/2019), khánh thành Bia di tích lịch sử cấp Quốc gia, nơi tổ chức Trường đào tạo cán bộ báo chí cách mạng đầu tiên tại xã Tân Thái, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên. Đây là chương trình có ý nghĩa đặc biệt do Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thái Nguyên và Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp tổ chức. Chương trình được truyền hình trực tiếp trên kênh TN1, TN2 của Đài PT-TH tỉnh Thái Nguyên và được 25 Đài, kênh truyền hình Trung ương, địa phương trong cả nước tham gia nối sóng trực tiếp.

Cách đây tròn 70 năm, Trường dạy làm báo đầu tiên của cách mạng Việt Nam được Chủ tịch Hồ Chí Minh lấy tên nhà chí sĩ yêu nước, nhà lãnh đạo tài năng, nhà văn, nhà thơ, nhà báo, nhà sử học, nhà giáo dục lão thành cách mạng - Huỳnh Thúc Kháng. Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc kháng với 29 giảng viên là lãnh tụ, lãnh đạo của Đảng, Nhà nước đến nay hầu hết đã trở thành người thiên cổ và 42 học viên, sau này đều trở thành những nhà lãnh đạo tư tưởng và báo chí. Không ít trong số họ đã hy sinh trong hai cuộc kháng chiến, đến nay chỉ 4 người còn sống đều ở tuổi trên 90.

Đồng chí Lê Quang Tùng -Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch trao Bằng công nhận Di tích lịch sử câp quốc gia

Năm 1949, khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đang ở giai đoạn khó khăn ác liệt. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ thị, Tổng bộ Việt Minh do đồng chí Hoàng Quốc Việt làm Bí thư đã bí mật tổ chức Trường dạy làm báo kháng chiến mang tên nhà chí sỹ Huỳnh Thúc Kháng. Đây là trường được tổ chức sớm tại khu vực châu Á vào thời điểm bấy giờ. 70 năm qua, ký ức về trường báo cách mạng đầu tiên được Bác Hồ đặt tên vẫn còn mãi và luôn nhắc nhở chúng ta trân trọng, tự hào về ngôi trường dạy làm báo đầu tiên của cách mạng Việt Nam, nơi đào tạo ra những nhà tư tưởng, quản lý, văn nghệ sỹ, nhà báo tên tuổi trên mặt trận tư tưởng, báo chí, văn hóa văn nghệ.

Hành trình tìm lại địa chỉ đỏ - nơi tổ chức Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng đã mở ra một hành trình mới, đó là hành trình về với dấu ấn một thời đã có của những nhà báo, chiến sỹ trên mặt trận báo chí được tôi luyện trưởng thành tại mảnh đất ATK Thái Nguyên lịch sử. Sức sống của những nhà báo đó là sức sống trường tồn, hiên ngang mà cứng cáp của hình tượng tre Việt Nam.

Cùng ngày, tại Quảng Ngãi, đại diện lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi, những nhà báo, hội viên của Hội Nhà báo tỉnh Quảng Ngãi đang có mặt tại Khu Mộ cụ Huỳnh Thúc Kháng nằm trên núi Thiên Ấn tại xã Tịnh Tấn, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi để cùng tưởng nhớ và tri ân lịch sử.

Khánh thành Bia di tích lịch sử quốc gia địa điểm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng

Nam Nguyễn - Từ Hải

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Với tinh thần "Lá lành đùm lá rách", ngày 10/9, Hội Nhà báo Việt Nam ban hành công văn số 457/CV-HNBVN về việc hưởng ứng lời kêu gọi của đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khắc phục thiệt hại do cơn bão số 3.
Báo chí nói chung là một trong những kênh chính tạo dư luận xã hội. Báo chí cách mạng Việt Nam càng cần trách nhiệm xã hội cao, vì báo chí là phương tiện thông tin thiết yếu đối với đời sống xã hội, tuyên truyền, phổ biến, góp phần xây dựng và bảo vệ đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thành tựu của đất nước và thế giới theo tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí, phục vụ lợi ích quốc gia - dân tộc, cộng đồng xã hội. Chính vì vậy, trong bối cảnh hiện nay, vai trò của người làm báo trong việc thực hiện trách nhiệm xã hội của báo chí là cực kỳ quan trọng, bởi họ có trách nhiệm phản ánh một cách chính xác, đa chiều cạnh và đa dạng về thực tế xã hội,... mang lại thông tin có giá trị, kịp thời cho độc giả.
Tháng 8/1945, chớp thời cơ chiến lược “ngàn năm có một”, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân Việt Nam tiến hành cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước, tạo nên một bước ngoặt lớn trong lịch sử dân tộc. Từ đây, nhân dân Việt Nam thoát khỏi thân phận nô lệ trở thành người chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình; đất nước ta bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội. Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945 là một trong những chiến công vĩ đại nhất của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta, là bản hùng ca bất diệt trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.
Theo thông tin từ Hội đồng chuyên môn bảo vệ sức khỏe cán bộ Trung ương, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, sau thời gian lâm bệnh, mặc dù được Đảng, Nhà nước, tập thể các giáo sư, bác sĩ tận tình cứu chữa, gia đình hết lòng chăm sóc, nhưng do tuổi cao, bệnh nặng, đồng chí đã từ trần lúc 13 giờ 38 phút, ngày 19-7-2024, tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Hưởng thọ 80 tuổi. Tạp chí Người Làm Báo trân trọng giới thiệu bài viết: “Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Nhà lãnh đạo lỗi lạc, trọn đời vì nước, vì dân” của Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam:
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top