Kỳ 1: Thống nhất ý chí và hành động
16:46 03/08/2022
- Kinh tế
Ngày 28/7/2022, tại Quảng Ninh, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương, Hưng Yên đã ký kết Thỏa thuận kết nối kinh tế trục cao tốc phía Đông. Cùng với đó là diễn đàn Kết nối kinh tế trục cao tốc phía Đông để giới thiệu và thảo luận về không gian kinh tế và cơ hội đầu tư vào 4 địa phương với các doanh nghiệp APEC. Đây là sáng kiến liên kết cấp vùng rất ấn tượng do VCCI kết nối và nhận được sự đồng thuận của lãnh đạo các địa phương, mở ra không gian phát triển rộng lớn và hứa hẹn nhiều đột phá mới.
Tứ giác Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương, Hưng Yên: Không gian lớn, đột phá mới
Liên kết 4 địa phương sẽ phát huy tốt nhất lợi thế cảng nước sâu Lạch Huyện của Hải Phòng (Ảnh: Trọng Luân)
Tăng cường liên kết vùng là một trong những định hướng lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng. Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng tới năm 2030, định hướng tới năm 2045 xác định rất rõ yêu cầu phải liên kết vùng. Thực tế, Hải Phòng và các địa phương lân cận đã có nhiều động thái hợp tác, liên kết nhưng vẫn rất cần những mô hình liên kết cấp vùng ở một tầm cao mới và sáng kiến Kết nối kinh tế trục cao tốc phía Đông được coi là mô hình mới, hiệu quả cao.
Muốn đi xa thì đi cùng nhau
Đây là thông điệp được Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công nêu lên. Theo đó, liên kết trong phát triển kinh tế là xu hướng tất yếu hiện nay bởi một địa phương riêng lẻ, thậm chí một quốc gia riêng lẻ không thể giải quyết được một cách hiệu quả tất cả những vấn đề phát triển kinh tế trong bối cảnh mới. Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương, Hưng Yên đều có những thế mạnh riêng nhưng nếu chỉ đơn lẻ thì khó có sự đột phá mới. Nếu liên kết lại, sẽ tạo nên sức mạnh tổng hợp, đủ sức vượt qua mọi khó khăn, thử thách và phát triển nhanh, đột phá.
[Infographics] 6 tháng năm 2022: Kinh tế Quảng Ninh tăng trưởng 10,66%. Nguồn: TTXVN
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký cho rằng: mục tiêu của sáng kiến kết nối kinh tế trục cao tốc phía Đông không chỉ thúc đẩy liên kết kinh tế giữa 4 tỉnh, thành phố Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương và Hưng Yên, những địa phương đang là những cực tăng trưởng nằm trên trục đường cao tốc hướng Đông, mà còn hướng tới việc xây dựng một mô hình liên kết kinh tế tiểu vùng, thiết lập cơ chế điều phối và triển khai hiệu quả để khơi thông, kết nối các nguồn lực, bổ sung lợi thế cho nhau, tối ưu hóa việc khai thác, sử dụng hiệu quả các nguồn lực của nền kinh tế.
Trong bối cảnh mới, với vai trò, vị thế của 4 địa phương ngày càng được nâng cao và trước nhu cầu chính đáng của người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư đòi hỏi 4 địa phương phải xích lại gần nhau, tăng cường các hình thức liên kết, hợp tác phù hợp với nhu cầu và thế mạnh của các địa phương gắn với các địa phương khác trong vùng Thủ đô, vùng đồng bằng Sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, Tam giác, Tứ giác phát triển..., tạo sự thống nhất và sức mạnh tổng hợp về kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh cho cho mỗi địa phương, cho toàn vùng và cả nước, nhất là trên các lĩnh vực phát triển kết cấu hạ tầng giao thông; giáo dục và đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao và lao động có kỹ năng; sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; hình thành, phát triển các dịch vụ và chuỗi sản phẩm du lịch; quản lý, bảo vệ môi trường sinh thái, tài nguyên than, khoáng sản; phát triển kinh tế số, xã hội số, xúc tiến đầu tư và giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội...
Thu - Chi ngân sách 7 tháng đầu năm 2022 của TP. Hải Phòng. Nguồn: Cục Thống kê Hải Phòng
Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng nhấn mạnh: sáng kiến về Kết nối kinh tế trục cao tốc phía Đông đã được hình thành và hứa hẹn sẽ trở thành một trong những tiền đề cho sự phát triển đột phá, đồng bộ tiềm năng, lợi thế đầu tư kinh doanh của bốn địa phương.
Theo ông Triệu Thế Hùng, Chủ tịch UBND Hải Dương: Những năm qua, 4 địa phương cũng đã có liên kết, phối hợp. Tuy nhiên, sự liên kết chưa thực sự phát huy hết được tiềm năng, thế mạnh. Vì vậy, với sự kết nối của VCCI và sự đồng thuận của các địa phương, sự liên kết, hợp tác sẽ phát huy hết tiềm năng thế mạnh, tạo lên trục kinh tế lớn của Bắc bộ cũng như trên cả nước.
Mục tiêu kinh tế - xã hội Hải Dương năm 2022. Nguồn: Truyền hình Hải Dương
Ông Triệu Thế Hùng cho rằng: Với trục giao thông kết nối là đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng - Hạ Long - Vân Đồn - Móng Cái đã hình thành, và trong tương lai, giữa 4 địa phương có thể có thêm các trục giao thông khác (cả đường bộ, đường thủy, đường sắt) sẽ là cơ sở để các tỉnh, thành phố, trong đó có Hải Dương quy hoạch các khu công nghiệp động lực, các trung tâm logistics gắn với các nút giao tuyến cao tốc. Đây là cơ hội để 4 địa phương tăng trưởng đột phá trong thời gian tới.
Bởi thế, lãnh đạo các địa phương đều thống nhất, cần tận dụng tối đa lợi thế cạnh tranh mang lại nhờ hệ thống kết cấu hạ tầng động lực về kinh tế - xã hội của từng tỉnh, thành phố đang ngày càng hoàn thiện, đồng bộ, hiện đại để tham gia sâu rộng vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu, phát triển kinh tế tổng hợp, toàn diện, hiện đại với độ mở cao để thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng xanh, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế trên nền tảng nguồn nhân lực chất lượng cao, yếu tố đổi mới sáng tạo, ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ.
Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công cho rằng, muốn đi xa hơn, tiến bước vững chắc hơn và đạt nhiều thành tựu hơn trên “đại lộ” của sự thịnh vượng, 4 địa phương cần đi cùng nhau, bù đắp những hạn chế nguồn lực của từng địa phương để tạo nên sức mạnh chung của cả vùng.
Đặc sản nhãn lồng Hưng Yên sẽ rộng mở hơn về thị trường tiêu thụ
Dư địa phát triển rộng mở
Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công cho biết, 4 địa phương có sự gần gũi về mặt địa lý, có sự gắn bó lâu đời về lịch sử, văn hóa, và đời sống cộng đồng. Với tổng diện tích tự nhiên gấp 3 lần thủ đô Hà Nội, 5 lần thành phố Hồ Chí Minh và 8 lần so với Đà Nẵng; quy mô dân số gấp gần 6 lần Đà Nẵng, bằng khoảng gần 80% dân số Hà Nội và bằng gần 70% dân số thành phố Hồ Chí Minh, 4 địa phương có những tiềm năng để trở thành một trung tâm phát triển kinh tế của Việt Nam nếu liên kết lại.
4 địa phương cũng nằm trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và hiện nay có sự kết nối về hạ tầng giao thông rất tốt khi cùng nằm trên trục cao tốc nối giữa Hà Nội với Hải Phòng và Quảng Ninh, đi qua Hưng Yên và Hải Dương. Quan trọng hơn nữa, cả bốn địa phương đều cho thấy sự năng động trong phát triển kinh tế và cải thiện môi trường kinh doanh. Quảng Ninh và Hải Phòng dẫn đầu bảng xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2021, trong khi Hải Dương và Hưng Yên là một trong những địa phương tiến bộ nhất cả nước theo kết quả của PCI gần nhất.
Kinh tế xã hội tỉnh Hưng Yên 6 tháng đầu năm có nhiều khởi sắc. Nguồn: Truyền hình Hưng Yên
Liên kết kinh tế 4 địa phương sẽ mở rộng không gian phát triển cả về chiều rộng và chiều sâu. Cụ thể, khi liên kết lại sẽ có đầy đủ tiềm năng và điều kiện để tạo thành một khu vực kinh tế phát triển năng động như có cảng biển nước sâu quốc tế (tại Hải Phòng); có cửa khẩu trên bộ và trên biển với thị trường lớn nhất thế giới là Trung Quốc (tại Quảng Ninh); có sân bay quốc tế (ở Hải Phòng, Quảng Ninh); có vịnh Hạ Long- vịnh Lan Hạ vô cùng hấp dẫn (Quảng Ninh, Hải Phòng); có nguồn nhân lực dồi dào (tại Hải Dương và Hưng Yên) cùng không gian phát triển kinh tế còn rộng lớn và nhiều tiềm năng (như tại Hải Dương và Hưng Yên).
Chính vì thế, mô hình liên kết kinh tế của 4 địa phương sẽ củng cố các thế mạnh hiện có và bù đắp những bất lợi về nguồn lực. Từ đó, 4 địa phương có lợi thế chung để thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển doanh nghiệp, thu hút nhiều hơn nữa các dự án đầu tư có chất lượng, khắc phục các hạn chế về logistics và cũng qua đó cải thiện chất lượng môi trường kinh doanh nói chung trong vùng. Khi đã cùng chung một mục tiêu, sẽ chung sức giải quyết các thách thức cấp vùng trong phát triển kinh tế nhằm tạo ra sự thịnh vượng chung, đồng thời hình thành vành đai kinh tế Đông Bắc Bộ, trở thành một trung tâm công nghiệp, kinh tế biển, và dịch vụ du lịch, trở thành một cực tăng trưởng kinh tế của vùng đồng bằng sông Hồng. Tầm nhìn là xây dựng một mô hình liên kết kinh tế cấp vùng năng động, có định hướng toàn cầu và phù hợp với đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước Việt Nam về chiến lược liên kết vùng. Quan trọng hơn là sẽ tạo nên dư địa phát triển mới vô cùng rộng mở cho mỗi địa phương và cả vùng./.
Thanh Nhân
Bình luận: 0
Tin tức liên quan
- SHB cấp tín dụng đến 85% giá trị xe cho doanh nghiệp mua ô tô (10:44 13/01/2025)
- OCB tiên phong ứng dụng giải pháp dữ liệu số Oracle Exadata Cloud at Customer tại Việt Nam (07:14 13/01/2025)
- Tăng trưởng ấn tượng, OPES lần đầu lọt tốp 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam 2024 (06:12 10/01/2025)
- Vietcombank vững thế dẫn đầu, bứt phá với dấu ấn xanh (05:04 10/01/2025)
- Hàng nghìn phần quà hấp dẫn dành tặng chủ thẻ ghi nợ quốc tế SHB đầu năm mới (04:00 10/01/2025)