Kỳ 1: Xây dựng môi trường văn hóa - giá trị trường tồn cho báo chí
20:42 04/10/2022
- Báo chí & Công chúng

LTS: Gần một thế kỷ được rèn giũa, tôi luyện trong công cuộc giành độc lập dân tộc và xây dựng đất nước, báo chí Việt Nam, người làm báo Việt Nam luôn sắt son với cách mạng, với Đảng, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Đặc tính ấy đã làm nên giá trị nhân văn cao cả của báo chí cách mạng, có sức lan tỏa, định hướng xã hội.
Báo chí chúng ta vừa hoàn thành công cuộc sắp xếp lại và bước vào tiến trình quan trọng - phát triển báo chí. Trong khó khăn, thử thách mới, để xây dựng các cơ quan báo chí lớn mạnh, văn hóa có một vai trò, vị trí hết sức đặc biệt. Hơn lúc nào, vấn đề nâng cao nhận thức về văn hóa, tạo lập không gian văn hóa trong hoạt động báo chí, xây dựng cơ quan báo chí và người làm báo văn hóa trở thành yêu cầu cấp thiết. Và ở bối cảnh, khi mà chuyển đổi số báo chí đang là xu thế tất yếu và sẽ hình thành "văn hóa mới" trong tòa soạn, để kiến tạo môi trường văn hóa báo chí, điểm sáng văn hóa báo chí thì cùng với việc giữ vững định hướng tư tưởng, sự lãnh đạo của Đảng; phải thường xuyên bồi đắp làm giàu có hơn bản sắc mỗi tờ báo; lấy niềm tin, sự yêu mến của độc giả làm thước đo giá trị.
Văn hóa báo chí phản ánh sức mạnh nội tại có trong mỗi tòa soạn, mỗi người làm báo_ Ảnh: Tư liệu.
Thực hiện tuyến bài “Kiến tạo môi trường báo chí văn hóa: Bản sắc người làm báo và niềm tin độc giả ”, Ban biên tập Tạp chí Người Làm báo và nhóm tác giả mong muốn trên cơ sở phân tích tính tất yếu, cấp bách của vấn đề; thực trạng từ thực tiễn các tòa soạn; đặc biệt trong bối cảnh chuyển đổi số, công nghệ đã và đang tạo ra những văn hóa mới;... từ đó mỗi tòa soạn, mỗi người làm báo phải định hình được yếu tố cốt lõi, cách thức làm nên bản sắc thương hiệu tờ báo; trong đó, nhấn mạnh yếu tố nòng cốt - "Cơ quan báo chí văn hóa, người làm báo văn hóa” thực thi sứ mệnh của báo chí cách mạng trong gìn giữ, xây dựng, phát triển nền văn hóa Việt Nam. Đồng thời lan tỏa những cách làm hay, những gương điển hình mới trong xây dựng môi trường văn hóa báo chí, xây dựng cơ quan báo chí văn hóa và những người làm báo văn hóa.
Giá trị bền vững
Chủ tịch Hồ Chí Minh - người khai sinh và đặt nền móng cho nền báo chí cách mạng Việt Nam. Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Người luôn coi báo chí là vũ khí sắc bén của cách mạng, là đội quân xung kích trong công tác tư tưởng. Người thể hiện quan điểm nhất quán, báo chí vừa là bộ phận cấu thành của văn hóa vừa là phương tiện xây dựng, truyền bá và thực thi văn hóa. Văn hóa báo chí trong tư tưởng của Người chính là cái hay, cái đẹp, và là các giá trị bền vững của báo chí cách mạng đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp và giải phóng con người và xây dựng xã hội mới.
Sinh thời, Bác dạy: “Nói đến báo chí trước hết phải nói đến người làm báo chí”. Báo chí là văn hóa thì tất nhiên đòi hỏi người làm báo phải có văn hóa, nhà báo coi tác nghiệp của mình là hoạt động văn hóa. Người chỉ rõ, báo chí là một lĩnh vực hoạt động đặc biệt, đòi hỏi năng lực cao về trí tuệ, hiểu biết, kinh nghiệm cuộc sống phong phú và nhiều năng lực nghề nghiệp. Báo chí phải là sự tập hợp mọi tiềm năng, mọi nguồn lực trí tuệ, có tầm hiểu biết rộng lớn, có lương tâm và đạo đức nghề nghiệp trong sáng. Mỗi bài viết đều phải chứa đựng hàm lượng cao chất xám và nhiệt huyết cao của người viết. Người quan niệm, nhà báo làm ra sản phẩm lao động là các giá trị tinh thần cụ thể được xã hội hóa ở mức rất cao. Nếu nhà báo không có trách nhiệm sâu sắc đối với sản phẩm mà mình làm ra thì hậu quả sẽ khôn lường. Vì thế hơn ai hết nhà báo phải luôn trau dồi đạo đức cách mạng, đạo đức nghề nghiệp.
Đề cao đạo đức người làm báo, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ. Để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang của mình, cán bộ báo chí cần phải tu dưỡng đạo đức cách mạng, cố gắng trau dồi tư tưởng, nghiệp vụ và văn hóa; chú trọng học tập chính trị để nắm vững chủ trương, chính sách của Đảng và Chính phủ; đi sâu vào thực tế, đi sâu vào quần chúng lao động”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh với các nhà báo tại Đại hội lần thứ II, Hội Nhà báo Việt Nam_ Ảnh: Tư liệu.
Trong giai đoạn cách mạng hiện nay, những quan điểm của Hồ Chí Minh về văn hóa báo chí càng mang ý nghĩa to lớn. Tư tưởng của Người tiếp tục được quán triệt, vận dụng, phát triển trong các nghị quyết, chỉ thị của Đảng về báo chí, truyền thông. Như Nghị quyết số 33-NQ/TW “Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” ngày 9/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI; Chỉ thị số 43-CT/TW ngày 8/4/2020 của Ban Bí thư về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam trong tình hình mới"; Luật Báo chí; Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam, Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam... đều coi trọng việc nâng cao văn hóa, đạo đức nghề nghiệp người làm báo, coi đây là một trong những vấn đề sống còn trong hoạt động báo chí.
Trước những yêu cầu, nhiệm vụ ngày càng cao trước thách thức của thời kỳ bùng nổ thông tin; xây dựng báo chí văn hóa vì con người, lấy con người làm trung tâm và vì lợi ích của con người đặt ra hết sức bức thiết. Thực tiễn hoạt động của báo chí cũng chứng minh, đối với các cơ quan báo chí, công tác xây dựng Đảng góp phần bảo đảm nguyên tắc bất di bất dịch là luôn luôn giữ vững sự lãnh đạo của Đảng đối với báo chí, truyền thông. Sự lãnh đạo của Đảng đối với báo chí là yêu cầu có ý nghĩa quyết định để hoạt động báo chí bảo đảm tính cách mạng, dân chủ, khoa học, nhân văn, phục vụ đất nước, phục vụ đại đa số nhân dân.
Nhân tố kiến tạo bản sắc
Mới đây, trong không khí chung vui của những người làm báo, đã diễn ra một sự kiện đặc biệt, đang và sẽ có tác động mạnh mẽ đến hoạt động báo giới - Lễ phát động phong trào thi đua "Xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí”.
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu tại Lễ phát động phong trào thi đua "Xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí” _Ảnh: Tư liệu.
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu chỉ đạo tại lễ phát động đã khẳng định, đây là hoạt động rất có ý nghĩa đối với các cơ quan báo chí và những người làm báo; là sự kiện có ý nghĩa mở đầu cho chuỗi các hoạt động kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam. Đồng thời nhấn mạnh: “Xây dựng cơ quan báo chí văn hóa, người làm báo văn hóa là trách nhiệm, đồng thời cũng là vấn đề tự thân của mỗi cơ quan báo chí, người làm báo. Để phong trào “Xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí” ngày càng đi vào chiều sâu, hiệu quả thực chất, tôi đề nghị các cơ quan báo chí, đội ngũ những người làm báo cả nước thiết thực hưởng ứng, thực hiện, lan tỏa phong trào ra xã hội; duy trì thường xuyên, liên tục, tạo thành nền nếp, từ đó tạo nên nhiều những sản phẩm báo chí có chất lượng, giàu giá trị văn hóa tốt đẹp, góp phần khơi dậy, định hướng những dòng chảy văn hóa tích cực trong đời sống xã hội”.
Phát biểu phát động phong trào, đồng chí Nguyễn Đức Lợi, Phó Bí thư Đảng đoàn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam nhấn mạnh, trong những năm gần đây, cùng với sự đổi mới đi lên của đất nước, báo chí cách mạng Việt Nam luôn xứng đáng là chiến sĩ xung kích trên mặt trận tư tưởng, văn hóa, góp phần gìn giữ, phát huy các giá trị, truyền thống văn hóa tốt đẹp, nâng cao nhận thức của nhân dân, bồi đắp nền tảng tinh thần xã hội.
Đồng chí Nguyễn Đức Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam phát biểu _Ảnh: Tư liệu.
Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam cũng nhìn nhận, cùng với sự phát triển mạnh mẽ, báo chí cách mạng Việt Nam đang đối diện với những thách thức, những hệ lụy, mặt trái của xã hội, ảnh hưởng không nhỏ đến bản sắc của tờ báo và yếu tố văn hóa, nhân văn trong tác phẩm báo chí… Trong bối cảnh đó, việc nâng cao nhận thức về văn hóa, tạo lập không gian văn hóa trong hoạt động báo chí, xây dựng cơ quan báo chí và người làm báo văn hóa là yêu cầu cần thiết.
Lãnh đạo 11 cơ quan báo chí đại diện các khối, loại hình, lĩnh vực báo chí trong cả nước ký giao ước thực hiện phong trào thi đua “Xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí”_ Ảnh: Tư liệu.
Động lực, sự kỳ vọng xây dựng mỗi tòa soạn là một điểm sáng văn hóa, mỗi người làm báo là một nhân cách văn hóa phải được thể hiện bằng sự quyết tâm, sự vào cuộc của cả giới báo chí. Đúng như tinh thần buổi Lễ phát động gửi gắm: nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức Đảng, lãnh đạo cơ quan báo chí, người làm báo về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của văn hóa đối với sự phát triển đất nước, cũng như sự phát triển của mỗi cơ quan báo chí, giá trị của các sản phẩm báo chí và danh dự, uy tín của người làm báo; xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí, trọng tâm là xây dựng cơ quan báo chí văn hóa, người làm báo văn hóa; thúc đẩy và lan tỏa sự hưởng ứng, tham gia tích cực, tạo phong trào thi đua thiết thực và ý nghĩa để các cơ quan báo chí thực hiện tốt vai trò, sứ mệnh của báo chí cách mạng trong gìn giữ, xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thực sự là “nền tảng tinh thần”, “động lực phát triển”; phát huy giá trị văn hóa và sức mạnh con người Việt Nam, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc...
Phóng viên các cơ quan báo chí tác nghiệp tại Trung tâm Báo chí Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII_Ảnh: Tư liệu.
Xây dựng “sức mạnh mềm” - nhân tố kiến tạo bản sắc của cơ quan báo chí, truyền thông, là điều kiện hun đúc, kết tinh nên thực chất của nền báo chí quốc gia. Đưa ra các tiêu chí về “người làm báo văn hóa” chính là thực hiện lời dạy của Bác Hồ kính yêu: “Nói đến báo chí trước hết phải nói đến người làm báo chí”; để mỗi nhà báo tự vượt lên trên những tính toán vụ lợi, hoàn thiện nhân cách, cống hiến trí tuệ, xứng đáng với sứ mệnh được giao phó “... hành nghề trung thực, công tâm, không vụ lợi, không sách nhiễu, cửa quyền, giữ gìn phẩm giá, tư cách của người làm báo” - đây là một nội dung của tiêu chí thứ hai trong 6 tiêu chí văn hóa của người làm báo.
Chúng ta đang thực hiện Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, tạo khát vọng của con người Việt Nam để đưa đất nước phát triển vượt bậc. Ở bối cảnh ấy, việc phát động phong trào thi đua về văn hóa báo chí không chỉ mang ý nghĩa thời sự, cấp thiết mà nó còn thể hiện sự quyết tâm, tinh thần đoàn kết, chung sức, chung lòng, vì một nền báo chí cách mạng chuyên nghiệp, vừa nhân văn vừa giàu sức chiến đấu, hiện đại, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.
Anh Tuấn - Hà Giao
Bình luận: 0
Tin tức liên quan
- Câu chuyện về hành trình theo đuổi đam mê của các gương mặt trẻ tại giải thưởng “Bền đam mê” (09:43 02/04/2025)
- Hoa hậu môi trường thế giới Nguyễn Thanh Hà: Lan tỏa thông điệp xanh tại sự kiện “Triệu cây xanh vì môi trường quốc gia” (07:55 23/03/2025)
- Ra mắt cuốn sách kể chuyện lịch sử Hà Nội qua những công trình kiến trúc (05:54 06/12/2024)
- Tình trạng "báo hóa" trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội đã giảm đáng kể (04:45 29/11/2024)
- Hoa hậu Môi trường thế giới năm 2023 Nguyễn Thanh Hà: Môi trường chỉ có thể tốt hơn nếu lối sống của chúng ta thay đổi (08:18 09/11/2024)