Khẳng định bản lĩnh, vai trò động lực tăng trưởng của cả vùng

Tăng trưởng kinh tế - xã hội đạt 9,94%, Hải Phòng là thành phố đứng thứ 3 cả nước; trong đó, nhiều chỉ tiêu kinh tế chủ yếu đứng trong tốp đầu về tăng trưởng, tiếp tục khẳng định bản lĩnh năng động, sáng tạo, vượt lên khó khăn, thách thức, phát huy vai trò động lực tăng trưởng của cả vùng trong 6 tháng đầu năm 2023. Kết quả này càng củng cố niềm tin, động lực cho thành phố, nhưng đồng thời còn có một số điểm nghẽn, một vài chỉ tiêu chững lại, giảm sút. Đây là vấn đề đã và đang được thành phố nhận diện rõ, xác định nguyên nhân và đề ra các giải pháp tích cực, hiệu quả với quyết tâm hoàn thành toàn diện nhiệm vụ, kế hoạch năm 2023 ở mức cao nhất.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng lãnh đạo bộ, ngành, lãnh đạo thành phố Hải Phòng khảo sát cơ sở hạ tầng KCN_Ảnh: PV

Toả sáng miền cửa biển

Thực tế, kết quả phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) những tháng đầu năm 2023 của Hải Phòng trải qua nhiều thăng trầm không tuần tự tiến bước như thông lệ những năm trước đây. Trong bối cảnh nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới lâm vào tình trạng suy thoái, khủng hoảng; ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đến năm 2023 mới thực sự “ngấm”; những khó khăn do giá cả vật tư nguyên liệu tăng cao; nhiều doanh nghiệp có dấu hiệu “đuối sức”; tình hình cung ứng vốn; cấp điện chưa được thông suốt thì Hải Phòng khó có thể bứt phá mạnh mẽ được. Tuy nhiên, thành phố vẫn giữ được mức tăng trưởng gần 10%, gấp gần 3 lần bình quân chung cả nước, đứng đầu vùng đồng bằng sông Hồng nếu không nói là “kỳ tích”  cũng rất đáng ghi nhận về bản lĩnh và sức sáng tạo.

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hải Phòng Nguyễn Hoàng Long nhấn mạnh, mức tăng trưởng GRDP của Hải Phòng đạt 9,94%, tuy chưa được như kỳ vọng (12,5-13%) nhưng vẫn nằm trong tốp 3 địa phương có mức tăng trưởng cao nhất cả nước, sau Hậu Giang, Bắc Giang và so với mức bình quân chung cả nước (GDP cả nước tăng trưởng 3,72% trong 6 tháng đầu năm) rất đáng ghi nhận và tự hào. Hơn nữa, quy mô nền kinh tế của Hải Phòng ngày càng lớn mạnh, hiện ở mức khoảng 365.000 tỷ đồng, so với Hậu Giang ở mức 48.000 tỷ đồng và Bắc Giang 155.000 tỷ đồng.

Trong 6 tháng đầu năm, Hải Phòng đã cơ bản hoàn thành kế hoạch thu hút nguồn vốn FDI cho cả năm (đạt 1,98 tỷ USD, bằng 99% kế hoạch năm). Đây chính là kết quả mang lại nhiều cảm xúc bởi từ tháng 5 trở về trước, đây vốn là chỉ tiêu mang lại nhiều lo lắng cho lãnh đạo thành phố khi giảm sút nhiều so với cùng kỳ năm 2022 và chỉ đạt khoảng 30% kế hoạch năm. Thế nhưng, với những nền tảng đã được dày công xây dựng trong nhiều năm qua, với 2 chuyến công tác có ý nghĩa đặc biệt của đồng chí Bí thư Thành ủy Lê Tiến Châu (tháng 6- 2023) và đồng chí Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Tùng (tháng 8-2022) tại Hàn Quốc, Hải Phòng đã có trái ngọt khi LG Innotek quyết định tăng vốn đầu tư một lúc 1 tỷ USD, nâng tổng số vốn đầu tư của doanh nghiệp này tại Hải Phòng lên tới hơn 2 tỷ USD và là cú lội ngược dòng ngoạn mục góp phần quan trọng để Hải Phòng cơ bản hoàn thành chỉ tiêu thu hút vốn FDI năm 2023. Chưa dừng lại ở đó, theo đồng chí Lê Trung Kiên, Trưởng Ban Quản lý Khu Kinh tế Hải Phòng, nhờ Quy hoạch chung được phê duyệt, Ban sẽ sớm hoàn thành điều chỉnh quy hoạch cục bộ Khu Kinh tế Đình Vũ- Cát Hải và chắc chắn sẽ cán mốc 3 tỷ USD thu hút vốn FDI trong năm nay. 

Một điểm sáng nữa trong phát triển kinh tế Hải Phòng 6 tháng đầu năm nay là giải ngân vốn đầu tư công. Theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Hoàng Long, 6 tháng, thành phố giải ngân gần 8000 tỷ đồng, bằng gần 60% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao và hơn 35% kế hoạch HĐND thành phố đề ra, tăng hơn 2 lần so với cùng kỳ năm 2022 (3395 tỷ đồng). Một loạt dự án tầm cỡ, “thế kỷ” được khởi công xây dựng và đẩy nhanh tiến độ đã góp phần quan trọng vào kết quả này như Trung tâm Chính trị- Hành chính; Trung tâm Hội nghị- Biểu diễn bắc sông Cấm; các dự án cầu, đường: cầu Bến Rừng, cầu Lại Xuân; đường 359 Thủy Nguyên; nút  giao khác mức tại ngã tư đường Tôn Đức Thắng - Máng Nước - Quốc lộ 5; đường Đỗ Mười kéo dài; tuyến đường bộ ven biển… Cùng với đó là một loạt dự án nhà ở xã hội với tổng vốn đầu tư hàng nghìn tỷ đồng mỗi dự án. Đây cũng là yếu tố quan trọng để Hải Phòng lấy lại được “phong độ” về thu hút vốn đầu tư toàn xã hội, đạt 81,79 nghìn tỷ đồng, bằng 43% so với kế hoạch năm 2023 (190 nghìn tỷ đồng),  tăng 11,96% so với cùng kỳ năm 2022.

Về sản xuất công nghiệp, Hải Phòng cũng đạt kết quả quan trọng khi giữ mức tăng trưởng 2 con số, đạt 12, 28%, tuy chưa đạt kế hoạch năm (15%) và không đột phá như những năm trước (tăng trưởng 14-21-23%) nhưng cao hơn nhiều so với nhiều trọng điểm công nghiệp của cả nước (trong đó có nhiều đầu tàu về công nghiệp như Bắc Ninh tăng trưởng âm). Trong đó đáng chú ý là công nghiệp chế biến chế tạo vẫn đạt mức tăng trưởng khá cao là 13%. Đây là yếu tố rất quan trọng bởi công nghiệp là một trong 3 trụ cột kinh tế chủ yếu của Hải Phòng, chiếm tới 48,8% trong cơ cấu GRDP. Bên cạnh đó, du lịch Hải Phòng cũng có nhiều khởi sắc, các khu du lịch Đồ Sơn, Cát Bà có nhiều sản phẩm mới, đón 3,47 triệu lượt khách, tăng trưởng hơn 10%.

Chủ trì phiên họp thường kỳ tháng 6 của UBND thành phố, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Tùng đánh giá, trong bối cảnh có muôn vàn khó khăn, Hải Phòng vẫn giữ được sự ổn định, phát triển, nằm trong tốp đầu cả nước. Đây là thành tựu rất đáng trân trọng và tự hào, thể hiện rõ bản lĩnh vượt khó, ý chí quyết tâm và sự đồng thuận thực hiện các khát vọng phát triển của Hải Phòng, ghi thêm những dấu ấn quan trọng về phát triển KT-XH. Từ đó, thành phố bảo đảm được các nguồn lực phát triển văn hóa xã hội, bảo đảm an sinh xã hội(ASXH), chăm lo chu đáo gia đình chính sách, hộ nghèo; quốc phòng-an ninh( QPAN) được giữ vững.

6 tháng cuối năm, Hải Phòng phấn đấu tăng sản lượng hàng hóa thông qua các cảng.

Nỗ lực tăng tốc, bứt phá

Mảng “tối” trong bức tranh KT-XH của Hải Phòng 6 tháng qua chính là công tác thu ngân sách. Lần đầu tiên trong 6 tháng đầu  năm so với những năm gần đây, số thu các tháng chưa đạt yêu cầu và liên tục sụt giảm so với cùng kỳ năm trước cả về thuế xuất nhập khẩu và số thu nội địa. Cụ thể, số thu ngân sách trên địa bàn mới đạt 46.490,8 tỷ đồng, bằng 39,93% dự toán HĐND thành phố giao và bằng 84,83% so với cùng kỳ năm trước. Đây là chỉ tiêu quan trọng, chủ chốt khiến thành phố lo lắng nhất. Tại phiên họp thường kỳ tháng 6 của UBND thành phố, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Tùng đã chỉ đạo phân tích, làm rõ các nguyên nhân và đặt quyết tâm phải hoàn thành dự toán thu năm 2023, cả thuế xuất nhập khẩu và thu ngân sách nội địa. Theo đó, thuế xuất nhập khẩu do ngành Hải quan đảm nhiệm. Về thu ngân sách nội địa, thành phố phấn đấu đạt 42.500 tỷ đồng như dự toán. Trong đó, ngành Thuế phải tìm mọi giải pháp để hoàn thành dự toán do ngành đảm nhiệm phần thu tiền đất (hơn 15.000 tỷ đồng), UBND thành phố trực tiếp chỉ đạo, yêu cầu các ngành liên quan, các quận, huyện vào cuộc để bảo đảm số thu.

Sản lượng hàng hóa thông qua các cảng Hải Phòng 6 tháng qua chỉ đạt hơn 69 triệu tấn, bằng 37,35% kế hoạch năm và giảm 3,44% so với cùng kỳ năm 2022. Ngoài ra, có một số chỉ tiêu đạt dưới 50% kế hoạch năm như kim ngạch xuất khẩu; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng…

Công tác chuyển đổi số chưa đạt yêu cầu, mới phê duyệt 32/74 nhiệm vụ là vấn đề khiến lãnh đạo các ngành, các cấp trăn trở. Bên cạnh đó, kỷ luật, kỷ cương công vụ có lúc, có nơi còn chưa nghiêm; một số sở, ngành, địa phương chậm trễ trong thực hiện nhiệm vụ UBND thành phố giao…

Tất cả những vấn đề này đã được thành phố nhận diện rõ và đề ra các biện pháp cụ thể, rõ ràng để khắc phục. Ngoài nhiệm vụ thu ngân sách đã được giao trách nhiệm cụ thể, rõ ràng, 6 tháng cuối năm, UBND thành phố chỉ đạo tăng cường hơn nữa hoạt động và hiệu quả của tổ công tác đặc biệt về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ hiệu quả các doanh nghiệp, nhà đầu tư, dự án đầu tư trên địa bàn thành phố và các tổ công tác giải ngân vốn đầu tư công; chống thất thu thất thoát ngân sách…

Quy hoạch chung phát triển thành phố tới năm 2040, tầm nhìn tới 2050 đã chính thức được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tháo gỡ nhiều điểm nghẽn cản trở sự phát triển của thành phố. Cùng với việc xác định rõ danh mục dự án cần khẩn trương và ưu tiên triển khai trong giai đoạn này theo Quy hoạch chung, cuối tháng 6/2023, ban lãnh đạo thành phố đã trực tiếp khảo sát và hoạch định các bước đi cần thiết để đề nghị trung ương cho phép triển khai các công việc khởi động xây dựng cảng Nam Đồ Sơn; đề xuất được thành lập Khu Kinh tế thứ 2 tại Hải Phòng bám theo trục đường ven biển…

Từ đây mở ra những cơ hội phát triển mới của Hải Phòng và làm tăng sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư. Cùng với đó, UBND thành phố chỉ đạo rất quyết liệt công tác giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp đã được cấp phép và đồng hành cùng các nhà đầu tư thành lập các khu công nghiệp, cụm công nghiệp mới để tạo đủ quỹ đất sạch thu hút đầu tư; thực hiện điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải; đẩy nhanh tiến độ dự án khu công nghiệp Xuân Cầu, khu công nghiệp Tiên Thanh; 2 bến cảng số 7, số 8 Lạch Huyện đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư; phấn đấu khởi công các cụm công nghiệp: Tiên Cường 2 (huyện Tiên Lãng), Đại Thắng (huyện Tiên Lãng), Giang Biên (huyện Vĩnh Bảo)...

Như thế, có thể thấy, tuy khó khăn, thách thức còn nhiều nhưng thuận lợi, cơ hội cũng khá lớn. Quyết định lúc này chính là tinh thần đồng tâm, hiệp lực của toàn thành phố, vững vàng, bản lĩnh, năng động vượt qua mọi gian khó, chớp cơ hội để thực hiện bằng được các mục tiêu, khát vọng phát triển để năm 2023, Hải Phòng tiếp tục thành công và tiến bước tới các đỉnh cao mới.

Thanh Hiệp

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Ngày 21/9, diễn đàn Tổng Biên tập năm 2024 với chủ đề “Báo chí giải pháp, hướng đi cho báo chí truyền thống” đã diễn tại tỉnh Bình Thuận. Diễn đàn do Báo Nhà báo và Công luận, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với tỉnh Bình Thuận tổ chức, thu hút sự tham gia hơn 100 đại biểu là lãnh đạo các cơ quan báo chí, các cơ quan quản lý báo chí trên cả nước.
Với tinh thần "Lá lành đùm lá rách", ngày 10/9, Hội Nhà báo Việt Nam ban hành công văn số 457/CV-HNBVN về việc hưởng ứng lời kêu gọi của đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khắc phục thiệt hại do cơn bão số 3.
Báo chí nói chung là một trong những kênh chính tạo dư luận xã hội. Báo chí cách mạng Việt Nam càng cần trách nhiệm xã hội cao, vì báo chí là phương tiện thông tin thiết yếu đối với đời sống xã hội, tuyên truyền, phổ biến, góp phần xây dựng và bảo vệ đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thành tựu của đất nước và thế giới theo tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí, phục vụ lợi ích quốc gia - dân tộc, cộng đồng xã hội. Chính vì vậy, trong bối cảnh hiện nay, vai trò của người làm báo trong việc thực hiện trách nhiệm xã hội của báo chí là cực kỳ quan trọng, bởi họ có trách nhiệm phản ánh một cách chính xác, đa chiều cạnh và đa dạng về thực tế xã hội,... mang lại thông tin có giá trị, kịp thời cho độc giả.
Tháng 8/1945, chớp thời cơ chiến lược “ngàn năm có một”, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân Việt Nam tiến hành cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước, tạo nên một bước ngoặt lớn trong lịch sử dân tộc. Từ đây, nhân dân Việt Nam thoát khỏi thân phận nô lệ trở thành người chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình; đất nước ta bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội. Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945 là một trong những chiến công vĩ đại nhất của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta, là bản hùng ca bất diệt trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top