Khẩn trương hoàn tất giải ngân vốn 3 Chương trình mục tiêu quốc gia

22:43 29/07/2022 - Kinh tế
Sáng 29/7, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh chủ trì Hội nghị trực tuyến của Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 với các địa phương về kết quả thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm 6 tháng cuối năm 2022.

Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh chủ trì hội nghị. Ảnh: TTXVN

Các chương trình mục tiêu quốc gia được thực hiện trong giai đoạn này gồm: xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, xóa đói giảm nghèo bền vững.

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, căn cứ vào Nghị quyết của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ đã giao kế hoạch vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021-2025, dự toán ngân sách Trung ương năm 2022 cho các bộ, cơ quan và địa phương thực hiện.

Cụ thể, tổng số vốn đã giao đạt hơn 92.057 tỷ đồng vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021-2015, chiếm 92,06% tổng vốn cho các địa phương; giao kế hoạch vốn ngân sách Trung ương năm 2022 là trên 34.000 tỷ đồng cho các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương, đạt 100% kế hoạch vốn năm 2022.

Báo cáo từ các địa phương cho thấy đến hết ngày 26/7, đã có 33/52 địa phương đã trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh thông qua nghị quyết phân bổ vốn ngân sách Trung ương, trong đó có 22 địa phương đã hoàn thành việc giao kế hoạch vốn; 7/52 địa phương đang trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh; 12/52 địa phương còn lại đang trong quá trình xây dựng nghị quyết trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh.

Các bộ, cơ quan và địa phương, các thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương đã chỉ đạo tập trung xây dựng, ban hành, hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản pháp luật, hệ thống cơ chế, chính sách khung để thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.

Tại hội nghị, đại diện các bộ, ngành, địa phương đã tập trung thảo luận các vướng mắc, khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, trọng tâm là việc chậm phân bổ vốn thực hiện làm ảnh hưởng đến việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra; một số bộ chưa ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện các nội dung trong từng chương trình dẫn đến các địa phương lúng túng, khó khăn trong triển khai…

Đồng thời, các đại biểu đề xuất các giải pháp tháo gỡ, đẩy nhanh tiến độ  giải ngân vốn thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia như: sớm ban hành các thông tư, văn bản hướng dẫn của các bộ, cơ quan để tổ chức thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia; bổ sung vốn sự nghiệp để thực hiện các tiểu dự án hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; tập trung phân bổ, giao vốn ngân sách trung ương theo Quyết định số 653/QĐ-TTg ngày 28/5/2022…

Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh đánh giá cao khối lượng công việc lớn mà các bộ, ngành, địa phương đã tập trung giải quyết, thực hiện để xây dựng hệ thống cơ sở pháp lý, triển khai và đưa vào thực tiễn các  Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025.

Tuy nhiên, quá trình thực hiện vẫn còn một số điểm hạn chế cần phải sớm giải quyết dứt điểm như: một số bộ chậm hoặc chưa ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện các nội dung trong từng chương trình; nhiều tỉnh chưa thông qua được Hội đồng nhân dân cấp tỉnh để phân bổ nguồn vốn thực hiện trong năm 2022.

Phó Thủ tướng Thường trực đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng các bộ, ngành liên quan khác có trách nhiệm rà soát những kiến nghị của các địa phương, khẩn trương hoàn thiện toàn bộ hệ thống văn bản pháp lý liên quan như thông tư, văn bản hướng dẫn... của các Chương trình mục tiêu quốc gia trước 15/8.

Đến ngày 15/8, các bộ, ngành phải hoàn tất việc ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản hướng dẫn còn lại để các địa phương có căn cứ triển khai giải ngân trên 34.000 tỷ đồng của 3 Chương trình mục tiêu quốc gia trong năm 2022, Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh đặt ra thời hạn.

Với các địa phương, Phó Thủ tướng Thường trực yêu cầu Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nhanh chóng hoàn tất để trình Hội đồng nhân dân sớm phê duyệt các Nghị quyết liên quan đến việc thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó có Nghị quyết phân bổ vốn cho các Chương trình mục tiêu quốc gia.

Hiện vẫn còn trên 10 địa phương chưa phê duyệt Nghị quyết phân bổ vốn cho các Chương trình mục tiêu quốc gia. Các địa phương phải hạ quyết tâm giải ngân hết số vốn đã được phân bổ cho các Chương trình trong năm nay, không để kéo dài nhiệm vụ giải ngân sang năm 2023, Phó Thủ tướng Thường trực quán triệt.

Đến thời điểm này, đã có 59/63 tỉnh, thành phố có quyết định kiện toàn hoặc thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh các Chương trình mục tiêu quốc gia.

Phó Thủ tướng Thường trực yêu cầu 4 địa phương còn lại phải nhanh chóng kiện toàn hoặc thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh để tổ chức triển khai thống nhất, hiệu quả do cả 3 Chương trình mục tiêu quốc gia đều phân cấp rất mạnh cho các địa phương.

Phó Thủ tướng Thường trực giao Bộ Kế hoạc và Đầu tư phối hợp với Bộ Tài chính thúc đẩy việc giải ngân nguồn vốn của các Chương trình mục tiêu quốc gia, góp phần đẩy mạnh phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, mang lại những lợi ích trực tiếp cho người dân, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp cùng các bộ, ngành rà soát lại những khó khăn, vướng mắc liên quan đến thẩm quyền quy định trong Nghị định số 27/2022/NĐ-CP quy định cơ chế, quản lý, tổ chức thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia; tổng hợp các ý kiến, kiến nghị của các địa phương để báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định./.

Theo TTXVN

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Ngày 13/1/2025, tại Thủ đô Hà Nội, Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức hội nghị toàn quốc về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Hội nghị nhằm đánh giá tình hình thực hiện các nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về phát triển khoa học, công nghệ; quán triệt, triển khai Nghị quyết số 57-NQ/TW, ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, tạo sự chuyển biến mang tính đột phá về nhận thức và tổ chức thực hiện, góp phần đưa đất nước phát triển giàu mạnh, hùng cường trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Tổng Bí thư Tô Lâm dự và phát biểu tại hội nghị. Tạp chí Người Làm Báo trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu:
Trong kỷ nguyên số, chuyển đổi nội dung số các tạp chí của Việt Nam có vai trò quan trọng trong tuyên truyền, phổ biến, giáo dục quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thành tựu của đất nước; đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; phổ biến tri thức, góp phần nâng cao dân trí, phát triển văn hóa và con người Việt Nam trên không gian mạng. Đồng thời, góp phần “xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại”(1) theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Ngày 16/12, tại thành phố Cần Thơ, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức hội nghị báo chí toàn quốc tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025.
Tạp chí Người Làm Báo trân trọng giới thiệu bài viết của đồng chí Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về xây dựng hệ thống chính trị với tiêu đề : "Tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả".
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top