Khai thác tính đặc thù của báo chí truyền hình

Đặt vấn đề

Phản biện xã hội của báo chí nói chung và của truyền hình nói riêng đều có chung tính mục đích là đưa ra những cái nhìn nhiều chiều, hướng tới việc tạo sự đồng thuận xã hội. Đồng thời, phản biện xã hội mang tính định hướng dư luận về sự tôn trọng luật pháp, góp phần thay đổi chính sách pháp luật phù hợp với thực tiễn cuộc sống. Phản biện xã hội là tiếng nói của nhà báo, cơ quan báo chí và của công chúng về tất cả các vấn đề trong cuộc sống, với những góc nhìn đa dạng, đa chiều, từ những tầng nhận thức khác nhau. Thông qua những chủ đề cụ thể, chân thực, những tiếng nói phản biện luôn có mục tiêu cụ thể, rõ ràng, hướng tới sự công minh trong thực thi pháp luật, hướng tới một xã hội công bằng, dân chủ và văn minh. Tất cả các loại hình báo chí đều thực hiện chức năng phản biện xã hội, tuy nhiên, so với báo in, phát thanh hay báo mạng điện tử, phản biện xã hội trong truyền hình có vai trò và phương thức mang tính đặc thù.

Đặc trưng loại hình báo truyền hình và các yếu tố mang tính đặc thù

Thứ nhất: Do đặc trưng loại hình, truyền hình phản ánh cuộc sống, chuyển tải thông tin đến với công chúng thông qua những hình ảnh sống động và chân thực. Bên cạnh đó, âm thanh - bao gồm lời nói, tiếng động, âm nhạc... được sử dụng trong chương trình cũng giúp làm tăng khả năng cảm nhận và tiếp thu thông tin của công chúng. Với khả năng tạo dựng những hiệu ứng dây chuyền trong một phạm vi rộng lớn, ở cùng một thời điểm phát sóng, truyền hình được coi là loại hình truyền thông có tác động mạnh và ảnh hưởng lớn tới công chúng thuộc nhiều tầng lớp khác nhau. Đây là một trong những đặc trưng khác biệt mà các loại hình báo chí khác khó có thể có được. Trong bối cảnh 4.0, ngay cả khi sự phát triển của khoa học và công nghệ truyền thông đã đem đến cho công chúng nhiều loại hình truyền thông khác, tích hợp yếu tố nghe nhìn, thì vai trò mang tính đặc trưng loại hình này vẫn không thể mất đi do tâm lý tiếp nhận thông tin thị giác và hình ảnh động của công chúng.

Cùng với sự phát triển của khoa học, công nghệ, truyền hình trên mạng Internet ra đời, mang những đặc điểm mới, góp phần phát triển ưu thế của loại hình báo chí này. Trước đây, có người cho rằng, truyền hình khó chuyển tải những nội dung mang tính phân tích, chỉ có lợi thế trong việc phản ánh sự kiện thời sự, do vậy, chỉ có vai trò thông báo sự kiện, sự việc, gợi mở vấn đề; phần đi sâu phân tích, lý giải và chuyển tải thông tin định hướng thường thuộc về báo in hoặc báo mạng điện tử - là những loại hình báo chí mà công chúng có thể tiếp thu thông tin một cách chủ động, không phụ thuộc vào quy luật thời gian tuyến tính... Tuy vậy, với truyền hình Internet, công chúng ngày nay có thể truy cập và xem đi xem lại các chương trình, có thể tải chương trình và chủ động điều khiển đường thời gian khi tiếp nhận thông tin..

Thứ hai là khả năng giao tiếp trực tiếp với công chúng của truyền hình, hay còn gọi là tính tương tác với công chúng của truyền hình. Khi một biên tập viên, một nhà báo có uy tín hay một chuyên gia, một nhà khoa học... xuất hiện trước ống kính và giao tiếp với công chúng, dù thông qua các thiết bị kỹ thuật thì yếu tố giao tiếp trực tiếp với đầy đủ các tầng thông tin ngôn ngữ, cử chỉ thái độ biểu cảm... sẽ làm cho những thông điệp được chuyển tải đến công chúng đầy đủ nhất. Sử dụng khả năng này, các tác phẩm báo chí truyền hình mang tính phản biện xã hội sẽ có được sức thuyết phục cao nhất. Đây cũng là yếu tố khác biệt cơ bản của báo chí truyền hình với các loại hình báo chí khác.

Thứ ba là tạo được kênh cho công chúng thảo luận thông qua các chương trình chính luận (bình luận sự kiện, vấn đề nóng, đàm luận về những vấn đề đang gây dư luận trái chiều...). Một diễn đàn rộng rãi được thiết lập khi báo chí truyền hình theo sát các vấn đề và tổ chức cho các diễn giả, đại diện các tầng lớp công chúng tham gia diễn đàn đó. Bằng việc được bày tỏ ý kiến, khả năng tranh luận và khả năng tạo được những luồng dư luận mang tính đại diện cao cho các tầng lớp công chúng sẽ xuất hiện. Cách thức truyền tải thông tin diễn đàn này tạo ra một môi trường thông tin đa chiều, đầy đủ và dễ mang lại hiệu ứng xã hội cao.

Thứ tư là tính chuyên nghiệp trong việc bảo vệ sự công minh, đúng đắn của luật pháp và quyền lợi của công chúng. Đưa công khai những thông tin và hình ảnh đến đại chúng là cách thức mà truyền hình có ưu thế. Tuy nhiên, điều này đòi hỏi các nhà báo truyền hình phải có bản lĩnh chính trị và đạo đức nghề nghiệp, sự trung thực và khách quan. Tính mục đích của việc đưa thông tin phản biện xã hội trên truyền hình luôn được thống nhất. Mục đích cao nhất luôn phải được xác định là những gì mà công chúng được hưởng lợi một cách công bằng nhất đằng sau một tác phẩm báo chí truyền hình.

Trong lịch sử phát triển của truyền hình, các thể loại tác phẩm báo chí truyền hình ngày càng thể hiện rõ tính chất phản biện xã hội thông qua nội dung và cách thức chuyển tải thông tin. Nhiều chương trình truyền hình hiện nay đã và đang kế thừa và phát huy những hình thức thông tin của những chương trình truyền hình trước đây.

Ở Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam là cơ quan báo chí truyền hình đầu tiên sử dụng loại hình báo chí truyền hình để thông tin về các vấn đề xã hội và cũng là cơ quan truyền hình đầu tiên có các chương trình mang tính phản biện xã hội. Nổi bật và được nhớ đến nhiều nhất có thể kể đến sự ra đời của chương trình “Vấn đề hôm nay” của Ban Thời sự ngày 1/4/1997 (và hiện vẫn còn được duy trì trên sóng truyền hình). Những sự kiện, sự việc, vấn đề được xem là nổi cộm trong tháng, trong tuần, trong ngày nóng bỏng, bức xúc dư luận xã hội... được đem ra bàn bạc ở chương trình này ngay lập tức đã thu hút sự chú ý của công chúng.

Tính phản biện xã hội của chương trình này thể hiện trước hết ở tính thời sự của những thông tin sự kiện, sự việc, vấn đề mà nó đưa ra bàn luận. Yếu tố thời điểm chính là yếu tố quan trọng thu hút sự chú ý của dư luận xã hội. Thứ hai là những nội dung thông tin mà chương trình cung cấp đến công chúng có tính xác thực cao; công chúng không chỉ được nghe các biên tập viên truyền đạt mà được thấy những hình ảnh đầy sức thuyết phục. Thứ ba là lực lượng phóng viên, biên tập viên - những con người sáng tạo nên những tác phẩm. Họ luôn bộc lộ chính kiến và luôn chiếm được niềm tin yêu, quý mến của công chúng bằng sự công minh chính trực.

Sau một thời gian gián đoạn, gần đây, chương trình “Vấn đề hôm nay” trở lại trên kênh chính luận của Đài Truyền hình Việt Nam với những hình thức mới. Có thể nói, bằng chương trình này, Đài Truyền hình Việt Nam đã khẳng định tính tiên phong lịch sử trong việc sử dụng báo chí truyền hình trong phản biện xã hội. Từ đó, nhiều đài truyền hình và các kênh trung ương, địa phương cũng đã tổ chức xây dựng nhiều chương trình mang tính phản biện xã hội và có nhiều chương trình hấp dẫn.

Về phương thức phản biện xã hội của báo chí truyền hình

Hầu hết các chương trình truyền hình đều ít nhiều mang tính phản biện xã hội khi nêu chính kiến của tác giả, phản ánh ý kiến của người dân, của các nhà hoạch định chính sách, nhà chuyên môn, kèm theo phân tích, bình luận, cách nhìn nhận, đánh giá về sự kiện, sự việc, vấn đề, hướng dư luận tới những chuẩn mực đúng đắn theo luật pháp và có tính phát hiện những mâu thuẫn nội tại trong các sự kiện, sự việc, vấn đề...

Có thể thấy, đề tài cho các chương trình phản biện xã hội đều rất phong phú và đa dạng. Nhìn chung, các chương trình mang tính phản biện đều tập trung nêu được những vấn đề có tính thời sự, đang gây bức xúc, tranh luận và có những ý kiến trái chiều trong dư luận. Thậm chí, có nhiều vấn đề, sự kiện, sự việc bị xuyên tạc, bóp méo và bị đối tượng xấu tung tin giả gây hoang mang, bức xúc. Từ đó, các bình luận viên, biên tập viên bày tỏ thái độ, giải thích, bình luận, phân tích, so sánh... thông qua hệ thống các luận điểm, luận cứ, luận chứng để định hướng công chúng đến một cách hiểu, cách nhìn đúng đắn nhất. Những mâu thuẫn xã hội trong từng sự kiện, sự việc được mổ xẻ một cách khách quan nhất có thể.

Mỗi chương trình đều có những đối tượng công chúng khác nhau, tuy nhiên, có một điểm chung nhất, dù thuộc chương trình nào thì các tác phẩm đều chỉ rõ cho công chúng cách nhìn nhận hợp lý, đúng đắn và khách quan nhất theo hướng tuân thủ luật pháp và nền tảng đạo đức xã hội phù hợp. Hầu như, với những chương trình kể trên thì tất cả các lĩnh vực đều có thể được đề cập trên truyền hình.

Một ví dụ về tính tác động của thông tin truyền hình trong các tác phẩm mang tính phản biện xã hội cao. Mới đây, tác phẩm: Kiên định con đường đã chọn của tác giả Nguyễn Thu Hà và nhóm phóng viên phát sóng trên kênh VTV1 nhân kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười Nga (tác phẩm đoạt giải Báo chí quốc gia năm 2021). Tác phẩm nói về con đường của Lênin và cuộc cách mạng tháng Mười Nga đã mở ra một chân trời mới cho cách mạng thế giới, trong đó có Việt Nam. Trong bối cảnh các thế lực thù địch chống phá luôn tìm cách xuyên tạc, nói xấu, bôi nhọ chủ nghĩa Mác - Lênin và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, tác phẩm đã sử dụng các luận điểm, luận chứng, luận cứ đặc thù thông qua phỏng vấn người thật việc thật để đưa ra những lý lẽ và dẫn chứng đanh thép, đập lại các luận điệu xuyên tạc và thù địch. Sự thuyết phục công chúng trong một đề tài khó, đã thể hiện rõ năng lực của các tác giả trong việc khai thác đặc trưng thế mạnh của truyền hình ở từng luận điểm của toàn bộ tác phẩm.

Các hình thức thể hiện tác phẩm truyền hình tác động đến khả năng truyền tải thông tin phản biện tới công chúng. Trên truyền hình, yếu tố phù hợp về hình thức chuyển tải thường được thể hiện rõ nhất trong thông tin hình ảnh kết hợp với âm thanh, tiếng động hiện trường. Lời bình chứa đựng thông tin phân tích, lập luận là yếu tố thể hiện rõ nhất tính chất và mức độ phản biện. Thông qua lời bình, nhà báo, cơ quan báo chí thể hiện cách nhìn nhận vấn đề, thái độ và khả năng phân tích cho công chúng hiểu rõ bản chất vấn đề. Đồng thời, tiếng động hiện trường đã góp phần đem lại cảm nhận về sự chân thực, khách quan của sự kiện, vấn đề, phù hợp với tâm lý tiếp nhận của công chúng.

Các thể loại báo chí truyền hình được sử dụng trong các tác phẩm như: Tin, phỏng vấn, phóng sự đóng vai trò đem lại nhiều luận cứ xác đáng, làm tăng tính xác thực và thuyết phục công chúng.

Về thời lượng, hiện đang có xu hướng rút ngắn các tác phẩm, chương trình. Trước đây, có những chương trình kéo dài đến 20 - 30 phút, nhưng hiện nay, thời lượng được rút ngắn mà ấn tượng và hiệu quả tác động đến nhận thức của công chúng không hề giảm, nhất là khi nhà báo sử dụng phương pháp bình và bàn của chính luận để chuyển tải thông tin.

Vai trò của bình luận viên thể hiện rất rõ trong các chương trình phản biện xã hội. Họ không chỉ tạo dựng nên tác phẩm mà còn là người dẫn, người thể hiện nội dung lời bình và lựa chọn hình thức cho tác phẩm. Trong các chương trình phân tích và bình luận trực tiếp, sức ép về tâm lý đối với bình luận viên là rất lớn. Vai trò của bình luận viên là kết nối thông tin, sắp xếp và chuyển tải để làm sao cho tác phẩm chuyển đến công chúng những thông điệp rõ nhất, thuyết phục nhất và định hướng nhận thức cho công chúng một cách thuyết phục nhất.

Tuy nhiên, trong thực tế, muốn trở thành một bình luận viên giỏi, có uy tín thì trước hết phải rèn luyện để trở thành một phóng viên giỏi, đặc biệt, phải có khả năng xử lý tình huống bất ngờ, nhất là trong các chương trình trực tiếp. Sức thuyết phục của một tác phẩm và khả năng tác động, ảnh hưởng đến công chúng phụ thuộc nhiều vào tính thuyết phục của những lập luận mà bình luận viên đưa ra. Đây cũng chính là thách thức lớn đối với tất cả những người làm truyền hình khi muốn sử dụng truyền hình như một công cụ hữu hiệu trong phản biện xã hội hiện nay.

PGS,TS Nguyễn Ngọc Oanh, Học viện Báo chí và Tuyên truyền

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Trần Thế Phiệt (2014), Tác phẩm báo chí chính luận, Nxb. Thông tin truyền thông.

2. Nguyễn Ngọc Oanh (2015), Chính luận truyền hình - Lý thuyết và kỹ năng sáng tạo tác phẩm, Nxb. Thông tấn, Hà Nội.

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Tạp chí Người Làm Báo trân trọng giới thiệu bài viết của đồng chí Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về xây dựng hệ thống chính trị với tiêu đề : "Tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả".
Đó là nhấn mạnh của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm trong phát biểu tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
Ngày 21/9, diễn đàn Tổng Biên tập năm 2024 với chủ đề “Báo chí giải pháp, hướng đi cho báo chí truyền thống” đã diễn tại tỉnh Bình Thuận. Diễn đàn do Báo Nhà báo và Công luận, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với tỉnh Bình Thuận tổ chức, thu hút sự tham gia hơn 100 đại biểu là lãnh đạo các cơ quan báo chí, các cơ quan quản lý báo chí trên cả nước.
Với tinh thần "Lá lành đùm lá rách", ngày 10/9, Hội Nhà báo Việt Nam ban hành công văn số 457/CV-HNBVN về việc hưởng ứng lời kêu gọi của đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khắc phục thiệt hại do cơn bão số 3.
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top