Kết nối tạp chí:
  • facebook
  • Tiwer
  • Youtube
  • Google

Khai mạc Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI Hội Nhà báo Việt Nam

Sáng 31/12, tại Cung Văn hóa lao động hữu nghị Việt – Xô (Hà Nội), Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nhà báo Việt Nam lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 – 2025, khai mạc phiên chính thức.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc; Thủ tướng Phạm Minh Chính; Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ gửi lẵng hoa chúc mừng.

Tham dự, có các đồng chí: Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng; Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh cùng các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, các nhà báo lão thành lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam qua các thời kỳ. Đại hội cùng đón nhận lẵng hoa chúc mừng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.

Các đại biểu làm lễ chào cờ tại Đại hội lần thứ XI Hội Nhà báo Việt Nam

Phát biểu khai mạc Đại hội, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân Lê Quốc Minh cho biết, Đại hội được tổ chức vào thời điểm toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta đang nỗ lực phấn đấu thực hiện thành công nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Cả hệ thống chính trị đang tích cực tạo ra nhiều bước phát triển quan trọng về mọi mặt, phát huy những thành quả của quá trình đổi mới, hướng tới dấu mốc năm 2030 nhân 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam và dấu mốc năm 2045 kỷ niệm 100 năm lập quốc.

Đánh giá hoạt động báo chí trong thời gian qua, đồng chí Lê Quốc Minh cho biết, trong nhiệm kỳ qua, tình hình chính trị thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường; kinh tế thế giới bị tác động tiêu cực do ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19 kéo dài suốt 2 năm. Hoạt động báo chí của nước ta trong bối cảnh đó cũng đối mặt nhiều khó khăn. Tuy nhiên, với tinh thần và sứ mệnh cống hiến cao cả, với truyền thống vẻ vang của những người làm báo cách mạng qua gần một thế kỷ, đội ngũ người làm báo cách mạng nước ta, tập hợp dưới mái nhà chung là Hội Nhà báo Việt Nam, đã nỗ lực phấn đấu, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng của Đảng, của nhân dân.

“Trong khó khăn, thử thách mới, đội ngũ những người làm báo cả nước càng thể hiện tinh thần đoàn kết, chung sức, chung lòng, vì một nền báo chí cách mạng chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân”, đồng chí Lê Quốc Minh khẳng định.

Đồng chí Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng biên tập Báo Nhân Dân, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam phát biểu tại Đại hội

Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh cũng nêu, Đại hội lần này có nhiệm vụ đánh giá, kiểm điểm việc thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ X Hội Nhà báo Việt Nam; kiểm điểm đánh giá việc thực hiện những chủ trương, nhiệm vụ về công tác báo chí nêu trong Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng; 15 năm thực hiện Chỉ thị 37-CT/TW của Ban Bí thư TƯ Đảng (Khóa IX) về “Nâng cao vai trò, chất lượng hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam trong thời kì mới”, triển khai thực hiện Chỉ thị số 43-CT/TW ngày 8-4-2020 của Ban Bí thư về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam trong tình hình mới”. Đại hội còn có nhiệm vụ hết sức quan trọng là bầu Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam khóa XI, nhiệm kì 2020-2025.

Những nội dung thảo luận tại Đại hội và những nhiệm vụ, giải pháp do Đại hội đề ra sẽ có ý nghĩa thiết thực góp phần xây dựng tổ chức Hội Nhà báo Việt Nam ngày càng vững mạnh, thúc đẩy nền báo chí cách mạng Việt Nam phát triển theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp, nhân văn, chủ động hội nhập với báo chí khu vực và thế giới, tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa thế giới phù hợp với văn hóa dân tộc Việt Nam.

Trình bày báo cáo chính trị tại Đại hội, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi cho biết, những năm qua, báo chí nước ta phát triển mạnh cả về quy mô, loại hình, công nghệ, số lượng, chất lượng, hiệu quả xã hội. Tính đến cuối năm 2021, cả nước có trên 830 cơ quan báo chí thuộc bốn loại hình: báo in, phát thanh, truyền hình và báo điện tử.

Đại hội lần thứ XI, Đại biểu toàn quốc Hội Nhà báo Việt Nam

Các cơ quan báo chí thực hiện nghiêm túc sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước; là diễn đàn tin cậy của nhân dân, là kênh thông tin đại chúng thiết yếu đối với đời sống xã hội. Báo chí đã tích cực, chủ động, kịp thời phản ánh, tuyên truyền, cổ vũ thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước; phản ánh chân thực đời sống chính trị, kinh tế- xã hội của đất nước và quốc tế; đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; thực hiện ngày càng có hiệu quả chức năng giám sát, phản biện xã hội. Báo chí là lực lượng chủ lực, đi đầu trong tuyên truyền phòng chống, đẩy lùi đại dịch Covid - 19.

Về kết quả thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm theo Nghị quyết Đại hội X, đồng chí Hồ Quang Lợi cho biết, Hội tiếp tục thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, pháp luật, chính sách của Nhà nước về công tác thông tin, báo chí; đẩy mạnh tuyên truyền học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; thực hiện tốt Đề án báo chí chất lượng cao giai đoạn 2016-2020, tổ chức tốt Giải báo chí Quốc gia và các giải báo chí chuyên ngành.

Bên cạnh đó, Hội thường xuyên đẩy mạnh công tác bồi dưỡng chính trị, nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp cho hội viên, người làm báo, trong nhiệm kỳ qua đã tổ chức hơn 500 lớp tập huấn, bồi dưỡng trên cả nước nhằm bồi dưỡng chính trị, nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp cho các hội viên, người làm báo. Hội cũng không ngừng củng cố hoạt động, tăng cường các hoạt động đối ngoại, tham gia xây dựng chính sách kinh tế báo chí…

Các đại biểu dự Đại hội lần thứ XI Hội Nhà báo Việt Nam

Bên cạnh những thành tựu, Hội cũng nghiêm túc nhìn nhận những mặt còn hạn chế trong nhiệm kỳ qua. Đó là: Một số tổ chức hội vẫn chưa thực sự chú trọng công tác giáo dục tư tưởng chính trị, đạo đức nghề nghiệp nên một số cơ quan báo chí xa rời tôn chỉ, mục đích, thiếu tinh thần trách nhiệm, dẫn đến những vi phạm pháp luật và đạo đức nghề nghiệp. Một số tổ chức hội thiếu năng động sáng tạo, chưa tập hợp và thu hút được hội viên, chưa coi trọng đúng mức công tác kiểm tra, giám sát, công tác thi đua khen thưởng còn hình thức. Một số cấp hội, cơ quan báo chí chưa quan tâm đúng mức công tác xây dựng Đảng, công tác tổ chức cán bộ; một bộ phận hội viên chưa đáp ứng được yêu cầu tác nghiệp báo chí trong môi trường truyền thông kỹ thuật số…

Báo cáo chính trị của Hội Nhà báo Việt Nam cũng đề ra những phương hương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới sau khi đã đánh giá thuận lợi, khó khăn và khuynh hướng phát triển báo chí trong bối cảnh mới, đặc biệt là sự ảnh hưởng của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.

Theo đó, trong nhiệm kỳ 2020 – 2025, báo chí Việt Nam sẽ tập trung tuyên truyền, cổ vũ việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; phản ảnh toàn diện mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, chú trọng nêu bật những thành tựu của đất nước, tích cực đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực; Học tập, quán triệt, thực hiện Nghị quyết Đại hội XI Hội nhà báo Việt Nam, xây dựng hệ thống tổ chức Hội nhà báo Việt Nam vững mạnh toàn diện; Xây dựng đội ngũ người làm báo cách mạng Việt Nam trong sạch, vững mạnh, đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao của yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; Tích cực bảo vệ quyền làm nghề hợp pháp và các quyền lợi chính đáng của người làm báo, hội viên; nâng cao phẩm chất, năng lực của cán bộ Hội từ Trung ương đến các cơ sở…

Đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Đại hội lần thứ XI, Hội Nhà báo Việt Nam

Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cũng đề nghị các đại biểu phát huy dân chủ đi đôi với nêu cao tinh thần trách nhiệm, kỷ cương, kỷ luật trong thảo luận, trong bầu cử tại Đại hội; tham gia tích cực, đầy đủ, có chất lượng tất cả các hoạt động của Đại hội, với sự cố gắng cao nhất, với ý thức, lòng tự hào, tình cảm và sứ mệnh cao cả của người đại biểu đại diện cho hội viên về dự Đại hội./.

Hương Ly

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Ngày 31/5, tại Hà Nội, Hội đồng Giải Báo chí Quốc gia đã khai mạc vòng chấm chung khảo Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XVIII năm 2023.
Đạo đức cách mạng là "gốc" của người cách mạng, những người bằng uy tín của mình được nhân dân tín nhiệm giao trọng trách nắm và giương cao ngọn cờ lãnh đạo cách mạng của dân tộc. Kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại (19/5/1890 - 19/5/2024) là dịp để mỗi cán bộ, đảng viên thêm quyết tâm học tập, tu dưỡng, rèn luyện và thực hành đúng, thực chất đạo đức cách mạng, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, mãi là ngọn cờ lãnh đạo dân tộc trong thời kỳ mới.
Thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa ký ban hành Quy định số 144-QĐ/TW ngày 9/5/2024 của Bộ Chính trị về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới.
Thay mặt Bộ Chính trị, đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương đã ký ban hành Quy định số 142-QĐ/TW ngày 23/4/2024 quy định thí điểm giao quyền, trách nhiệm cho người đứng đầu trong công tác cán bộ.