Hy sinh ấy đã thành bất tử!
18:10 08/08/2021
- Báo chí & Công chúng

Sông Ba Lòng
Sông Ba Lòng ngày ấy
Máy bay quần đảo trên đầu
Căn hầm chữ A chật hẹp
Chân chìm trong dòng nước dâng
Pháo từ Ái Tử dập dồn
Chặn đường tiến quân bộ đội
Quả đạn rơi trúng miệng hầm
Em lấy thân mình che đạn!
Chờ đến hoàng hôn chạng vạng
Em dẫn anh nhập đoàn quân
Tiến vào Đông Hà giải phóng
Lửa bom cháy rực trong đêm!
Giữa cuộc hành quân hối hả
Em chỉ vội nắm tay chào
Để đưa một đoàn quân khác
Đồng đội đang bị lạc nhau
Ngày Đông Hà giải phóng
Anh đi mọi nẻo tìm em
Người giao liên nhanh như sóc
Sững người, em đã hy sinh!
Mười năm sau anh về thăm
Ba Lòng ngô lúa mướt xanh
Em nằm nơi nao em hỡi?
Đồng đội bao năm kiếm tìm!
Ba Lòng chỉ có một lòng
Em cùng người dân theo Đảng
Hình người giao liên bất khuất
Như đang cùng với đoàn quân
Xây đẹp Đông Hà ngày mới!
Nguyễn Hồng Vinh
Sân bay Ái Tử nã pháo
Bài thơ trên được đăng trên báo Quảng Trị số 4/8/2021 (tỉnh có con sông Ba Lòng chảy từ thượng nguồn; thời kháng chiến chống thực dân Pháp, ta lập Chiến khu Ba Lòng). Trong những năm chiến tranh chống Mỹ cứu nước, Quảng Trị là một trong những chiến trường khốc liệt, nơi chứng kiến những hy sinh, mất mát to lớn của quân và dân ta; đồng thời là biểu tượng sáng ngời của lòng yêu nước nồng nàn và tinh thần chiến đấu quật cường, dũng cảm chấp nhận hy sinh cho độc lập, tự do và thống nhất Tổ quốc. Bởi thế, vùng đất này đã đi vào thơ ca, nhạc, họa - nguồn cảm hứng dồi dào, bất tận của nhiều thế hệ văn nghệ sĩ. Trong bài thơ Cô giao liên ở Ba Lòng, nhà thơ Nguyễn Hồng Vinh đã gửi gắm những ký ức và cảm xúc đặc biệt của mình, để lại trong lòng người đọc những rung cảm mạnh mẽ và suy tư sâu lắng về những hy sinh, mất mát trong chiến tranh, về tình đồng chí, tình người trên quê hương Quảng Trị.
Bộ đội tiến vào giải phóng Đông Hà
Bốn khổ thơ đầu là ký ức, là dòng hồi tưởng của “anh” về “em” – cô gái giao liên nhỏ nhắn, tận tụy, “nhanh như sóc” khi nhận nhiệm vụ dẫn đường những đoàn quân vào trận. Bằng những nét chấm phá tài tình, tác giả đã dựng nên bối cảnh, không khí của những ngày gian khổ, ác liệt ở chiến trường: ban ngày thì máy bay giặc đánh phá điên cuồng, em phải đưa bộ đội trú ẩn dưới những căn hầm chữ A chật hẹp, chân chìm dưới nước sông Ba Lòng để tránh máy bay quần đảo trên đầu và tránh pháo địch từ sân bay Ái Tử dội sang, sẵn sàng lấy thân mình che đạn để bảo vệ bộ đội. Chờ đến khi “hoàng hôn chạng vạng”, em đưa anh nhập đoàn quân vào trận giải phóng quê hương. Giữa trời đêm rực lửa đạn bom, dáng em con thoi đưa đường bộ đội - một hình ảnh thật đẹp biết bao! Điểm nhấn rực rỡ cho bức tranh đầy màu sắc ấy trở nên toàn bích, chính là cái nắm tay vội vàng trong lúc chia tay anh. Đó là hình ảnh thơ bùng nổ cảm xúc và hiệu ứng thẩm mỹ, gây ấn tượng và xúc động mạnh mẽ trong lòng người đọc:
Giữa cuộc hành quân hối hả
Em chỉ vội nắm tay chào
Để đưa một đoàn quân khác
Đồng đội đang bị lạc nhau
Lửa bom rực cháy
Khi cùng đồng đội hoàn thành nhiệm vụ giải phóng Đông Hà, anh đi mọi nẻo tìm em, nhưng lòng quặn đau khi được tin em đã hy sinh! Vậy là, cái nắm tay vội vàng, nhưng ấm áp và thiêng liêng hôm nào đã trở thành cái nắm tay vĩnh biệt! Em hòa mình vào đất mẹ và mãi mãi trở thành một ký ức quan trọng của đời anh. Câu hỏi “Em nằm nơi nao em hỡi” vang lên khắc khoải, nhói đau. Không còn khói bom, không còn lửa đạn, quê hương đã xanh màu xanh hòa bình của ngô, lúa, càng làm nỗi nhớ thương em thêm da diết, bồi hồi. Hai khổ thơ tiếp theo, tác giả hồi tưởng về em mang tính tự sự, nhưng lại ẩn chứa những cảm xúc phức hợp, tạo nên những khoảng trống thẩm mỹ độc đáo, khơi gợi sự tưởng tượng sâu sắc với bạn đọc:
Ngày Đông Hà giải phóng
Anh đi mọi nẻo tìm em
Người giao liên nhanh như sóc
Sững người, em đã hy sinh!
Mười năm sau anh về thăm
Ba Lòng ngô lúa mướt xanh
Em nằm nơi nao em hỡi?
Đồng đội bao năm kiếm tìm!
Câu hỏi xé lòng tác giả, nối theo những suy tư, trăn trở về em, về mảnh đất đã sinh ra em và cùng em bất tử. Máu của em và của bao người con ưu tú khác đã hòa vào đất mẹ để quê hương qua cơn nguy biến, để được sống trong hòa bình, hạnh phúc. Đất mang tên “Ba Lòng”, nhưng con người nơi đây chỉ có một lòng: đó là tấm lòng son sắt, quên mình vì nghĩa lớn, theo Đảng đến cùng để giải phóng quê hương. Em sẽ nằm mãi nơi đây, cùng lớp lớp người hậu thế làm nên vẻ đẹp của Đông Hà đổi mới, giàu đẹp hôm nay. Lớp người sinh ra cùng thời hoa lửa với em, hay những người trẻ hiện tại, sẽ chẳng ai lãng quên, và chẳng ai được quyền lãng quên em, lãng quên những người đã quả cảm hy sinh để khoác màu xanh cho đất quê mình.
Đông Hà ngày mới
Xuyên suốt bài thơ là câu chuyện cảm động về một cô gái giao liên đã hy sinh anh dũng trong những ngày Đông Hà đỏ lửa. Không cầu kỳ, hoa mỹ, tác giả Nguyễn Hồng Vinh đã nén chặt những cảm xúc dâng trào bằng ngôn ngữ thơ giản dị mà thẳm sâu. Từ ký ức và kỷ niệm mang tính cá nhân thông qua hình tượng nghệ thuật sinh động, đã trở thành tình cảm chung tha thiết, chân thành của nhiều người đối với người đã khuất. Nhìn lại hôm qua với những hy sinh to lớn của cha anh để hôm nay ta sống đúng với đạo lý của dân tộc “uống nước nhớ nguồn”, và sống có trách nhiệm hơn với Tổ quốc, với đồng bào, tất cả vì sự phồn vinh, hạnh phúc của quê hương, đất nước Việt Nam yêu dấu./.
(Đọc bài thơ Cô giao liên ở Ba Lòng của Nguyễn Hồng Vinh)
Thành Hạo
Bình luận: 0
Tin tức liên quan
- Câu chuyện về hành trình theo đuổi đam mê của các gương mặt trẻ tại giải thưởng “Bền đam mê” (09:43 02/04/2025)
- Hoa hậu môi trường thế giới Nguyễn Thanh Hà: Lan tỏa thông điệp xanh tại sự kiện “Triệu cây xanh vì môi trường quốc gia” (07:55 23/03/2025)
- Ra mắt cuốn sách kể chuyện lịch sử Hà Nội qua những công trình kiến trúc (05:54 06/12/2024)
- Tình trạng "báo hóa" trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội đã giảm đáng kể (04:45 29/11/2024)
- Hoa hậu Môi trường thế giới năm 2023 Nguyễn Thanh Hà: Môi trường chỉ có thể tốt hơn nếu lối sống của chúng ta thay đổi (08:18 09/11/2024)