Hội thảo du lịch 2021: “Du lịch Việt Nam – phục hồi và phát triển”
19:22 04/01/2022
- Kinh tế
Ngày 25/12, tại thị xã Cửa Lò (Nghệ An), Uỷ ban Văn hóa, Giáo dục Quốc Hội chủ trì phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) và UBND tỉnh Nghệ An tổ chức Hội thảo du lịch 2021 “Du lịch Việt Nam – Phụ hồi và phát triển”, nhằm mục đích trao đổi, đánh giá tác động của dịch bệnh COVID-19 đến ngành du lịch, cơ hội và thách thức đặt ra đối với du lịch Việt Nam giai đoạn “hậu COVID”. Tham dự Hội thảo có Đ/c Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc Hội.
Đ/c Vương Đình Huệ - Uỷ viên Bộ Chính trị – Chủ tịch Quốc Hội tham dự hội thảo. Ảnh Hồng Sơn
“Nhìn lại để tiến xa hơn”
Đó là nhấn mạnh của ông Nguyễn Văn Hùng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL tại Hội thảo Du lịch 2021 “Du lịch Việt Nam - phục hồi và phát triển”. Theo Bộ trưởng Hùng, dịch bệnh Covid-19 đã tác động tiêu cực đối với đời sống của nhân dân, nhất là người lao động, người nghèo, ảnh hưởng rất lớn đến tình hình sản xuất, kinh doanh tại các địa bàn kinh tế trọng điểm và du lịch nằm trong số các ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Năm 2021, lượng khách du lịch nội địa đạt 40 triệu lượt; tổng thu từ khách du lịch đạt 180.000 tỷ đồng. Tuy nhiên so với năm 2020 chỉ bằng 57%. “Thậm chí, hiện nay, lượng doanh nghiệp xin thu hồi giấy phép kinh doanh lữ hành chiếm gần 30% tổng số doanh nghiệp đã được cấp phép. Cùng với đó, hiện chỉ còn khoảng hơn 2.000 doanh nghiệp có giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế trên toàn quốc, trong đó rất nhiều doanh nghiệp vẫn đang đóng cửa hoặc dừng hoạt động”, ông Hùng nói về khó khăn của dịch Covid-19 với ngành du lịch.
Để phục hồi Ngành du lịch, Bộ VHTTDL đã đề ra một số giải pháp như hoãn nợ, miễn giảm thuế, cho vay ưu đãi hay chuyển đổi số trong du lịch. Quảng bá, xúc tiến du lịch trực tuyến, giữ chân và đào tạo lại nguồn nhân lực du lịch, phát huy vai trò dẫn dắt của cơ quan quản lý nhà nước về du lịch. Tiếp tục tiêm chủng cho người dân và người lao động trong ngành du lịch đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch. Mở cửa đất nước, mở cửa hàng không, không thể cách ly với khách, nếu cách ly không ai đến. Tránh tính trạng tại các địa phương khách đến rồi không đi được, thậm chí không về được. Chính phủ nên chỉ đạo việc khai báo y tế thống nhất trên một hệ thống. Tránh mất thời gian của du khách, doanh nghiệp. Với các địa phương trọng điểm về du lịch như Đà Nẵng, Kiên Giang, Cần Thơ, TP HCM, Lâm Đồng… đều cho rằng, cần có chính sách miễn, giảm các loại thuế, phí cho doanh nghiệp, các khoản phí tham quan. Thậm chí, giảm giá điện cho các cơ sở lưu trú du lịch.
Thành phố Nha Trang (Khánh Hoà) một điểm du lịch nổi tiếng của cả nước. Ảnh Hồng Sơn
Cần thống nhất trong việc mở cửa
Tại hội nghị nhiều chuyên gia cho rằng, đã đến lúc phải mở cửa để đón khách. Tuy nhiên, cần có giải pháp đồng bộ từ ban ngành và các địa phương. Phải nhất quán giữa các địa phương, để khách đến nơi này, khi có nhu cầu sang địa phương khác thì cũng sẽ được tạo điều kiện.
Một số chuyên tại hội thảo còn nhấn mạnh, mặc dù là một trong những ngành bị tác động nặng nề nhất bởi đại dịch Covid-19 trong 2 năm qua, nhưng du lịch là một trong những ngành có khả năng phục hồi nhanh nhất sau đại dịch nếu có chiến lược và sự chuẩn bị đúng đắn. Hơn nữa, khi du lịch được phục hồi sẽ tạo ra tác động lớn, thúc đẩy phục hồi, phát triển kinh tế, xã hội. Nhiều quốc gia trên thế giới đã sớm có chính sách, biện pháp để mở cửa, phục hồi du lịch. Việt Nam cần nhanh chóng đón bắt xu thế này, tránh lỡ nhịp với thế giới cũng như sức bật của lực cầu trong nước. Đại diện Bộ Y tế cũng cho rằng, phải đảm bảo mục tiêu kép nhưng đặt sức khỏe, tính mạng người dân lên trên hết. Các giải pháp phòng, chống dịch phải dựa trên cơ sở khoa học, phù hợp với thực tiễn và điều kiện của đất nước. Đảm bảo người dân được bảo vệ tốt nhất trước dịch bệnh, được tiếp cận dịch vụ y tế sớm nhất, nhanh nhất nhưng không gây ách tắc cho lưu thông, sản xuất.
Nhiều chuyên gia cho rằng, việc mở cửa là cần thiết nhưng phải thống nhất và đồng bộ trong tình hình mới. Ảnh Hồng Sơn
Phát biểu tại Hội thảo, ông Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nhấn mạnh, đã có nhiều cuộc hội thảo, hội nghị để bàn giải pháp phục hồi ngành du lịch. Tuy nhiên, cuộc Hội thảo hôm nay có ý nghĩa đặc biệt hơn khi hội tụ rất nhiều các ý kiến, sáng kiến, giải pháp tâm huyết, có lý luận khoa học và thực tiễn từ các cơ quan Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các bộ ngành, địa phương, doanh nghiệp, hiệp hội, và đặc biệt là các chuyên gia, nhà khoa học am hiểu, nghiên cứu sâu sắc về lĩnh vực này và các lĩnh vực liên quan. Tiếp tục làm rõ hơn mối quan hệ của Chương trình phục hồi kinh tế - xã hội chung của cả nước với các chương trình, kế hoạch, định hướng phục hồi, phát triển du lịch. Đồng thời, kiến nghị những giải pháp, chính sách, nhất là các chính sách về bảo đảm phòng chống dịch để mở cửa an toàn. Chính sách tài khóa, tiền tệ để phục hồi, phát triển du lịch, các chính sách nâng cao năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam trong bối cảnh mới.
Hồng Sơn
Bình luận: 0
Tin tức liên quan
- SHB cấp tín dụng đến 85% giá trị xe cho doanh nghiệp mua ô tô (10:44 13/01/2025)
- OCB tiên phong ứng dụng giải pháp dữ liệu số Oracle Exadata Cloud at Customer tại Việt Nam (07:14 13/01/2025)
- Tăng trưởng ấn tượng, OPES lần đầu lọt tốp 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam 2024 (06:12 10/01/2025)
- Vietcombank vững thế dẫn đầu, bứt phá với dấu ấn xanh (05:04 10/01/2025)
- Hàng nghìn phần quà hấp dẫn dành tặng chủ thẻ ghi nợ quốc tế SHB đầu năm mới (04:00 10/01/2025)