Kết nối tạp chí:
  • facebook
  • Tiwer
  • Youtube
  • Google

Hội nhập du lịch Việt Nam trong cộng đồng văn hóa - xã hội ASEAN

8/8/1967, Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ra đời, khởi đầu cho một tổ chức hợp tác khu vực toàn diện, một thực thể chính trị-kinh tế gắn kết và năng động. ASEAN hiện đã trở thành đối tác không thể thiếu của các nước và trung tâm lớn trên thế giới, là nhân tố quan trọng hàng đầu cho việc duy trì môi trường hòa bình, an ninh và hợp tác vì phát triển trong khu vực.

Trên đà phát trển, Cộng đồng chung ASEAN được thành lập vào ngày 31/12/2015, tạo nên một bước ngoặt lớn cho các nước ASEAN, làm sâu sắc thêm tiến trình liên kết để hiện thực hóa một Cộng đồng ASEAN vững mạnh.

Cộng đồng Văn hóa – Xã hội ASEAN là một trong ba trụ cột của Cộng đồng ASEAN, với mục tiêu góp phần xây dựng một Cộng đồng ASEAN “cam kết nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân thông qua các hoạt động hợp tác hướng tới con người, xây dựng một cộng đồng ASEAN hướng vào người dân, lấy người dân làm trung tâm và có trách nhiệm xã hội nhằm đạt được tình đoàn kết và thống nhất lâu bền giữa các quốc gia và người dân ASEAN thông qua việc tạo dựng một bản sắc chung và một xã hội chia sẻ, đùm bọc, hoà thuận và rộng mở, nơi cuộc sống và phúc lợi của người dân được nâng cao”.

Với vai trò là thành viên của ASEAN, du lịch Việt Nam đã luôn thể hiện trách nhiệm, tham gia tích cực và có nhiều đóng góp quan trọng trong việc xây dựng Cộng đồng Văn hóa – Xã hội ASEAN.

1. Trước hết Việt Nam là một điểm đến du lịch hấp dẫn trong mắt bạn bè quốc tế.

“Việt Nam đất nước ta ơi
Mênh mông biển lúa đâu trời đẹp hơn
Cánh cò bay lả rập rờn
Mây mờ che đỉnh Trường Sơn sớm chiều”.

Từ lâu, 4 câu thơ trên của nhà thơ Nguyễn Đình Thi đã đi vào tiềm thức mỗi người dân Việt Nam như một niềm tự hào về quê hương. Đất nước Việt Nam hình chữ S rất đẹp có cánh đồng lúa xanh mướt thẳng cánh cò bay, mở ra khung cảnh về một đất nước Việt Nam thanh bình. Rồi còn đó:

“Bạn ơi hãy đến thăm quê hương chúng tôi
Ngắm mặt biển xanh xa tít chân trời
Nghe sóng vỗ dạt dào biển cả
Vút phi lao gió thổi trên bờ
Buồm vươn cánh vượt sóng ra ngoài khơi
Trong nắng hồng bừng lên sáng ngời”.

                                   ( Bài hát Việt Nam quê hương tôi- Đỗ Nhuận)

Trong con mắt bạn bè thế giới từng đặt chân đến Việt Nam dù chỉ một lần thì nơi đây thu hút họ bởi những vẻ đẹp choáng ngợp về cảnh sắc non nước và một nền văn hóa lâu đời giàu bản sắc dân tộc. Từ khắp nơi trên mảnh đất này bạn không chỉ ngắm cảnh làng quê thơ mộng, những ngọn núi kỳ vĩ mà thiên nhiên còn ban tặng cho những bờ biển và đảo tuyệt đẹp. Điểm xuyết những bờ biển dài trắng những cồn cát là  những rặng phi lao rì rào trong gió, hàng dừa xanh bên bờ đại dương tỏa bóng cho những biệt thự, khách sạn hiện đại đầy tráng lệ đem đến cho du khách nghỉ ngơi sau những giờ phút nô đùa trên sóng. Trong ánh hoàng hôn, bạn còn bắt gặp nhiều thuyền thúng, thuyền chài của ngư dân chuẩn bị ra khơi. Những bãi biển đẹp như Vũng Tàu, Mũi Né, Nha Trang…, các đảo du lịch như Đảo Lý Sơn, Đảo Phú Quốc được xem là đảo ngọc của Việt Nam. Không gì tuyệt vời hơn cảm giác được ngồi trên một con thuyền nhỏ bồng bềnh rẽ sóng trên biển Phú Quốc vào lúc bình minh. Màu trời, màu nước như quyện hòa trong ánh mặt trời rực rỡ, tạo nên một khung cảnh như mơ, như thực. Hàng phi lao rì rào trong gió, con đường quanh co ven biển, mặt nước lấp lánh ngàn triệu bọt sóng hoan ca…

Hoặc như Chợ nổi Cái Răng ở Cần Thơ là một nét văn hóa đặc sắc ở Đồng bằng sông Cửu Long. Vùng đất “Chín rồng” đâu đâu cũng chỉ thấy nước, sông ngòi chi chít, cửa sông đan xen như mạng nhện, ghe thuyền ngày đêm xuôi ngược. Ấn tượng đầu tiên đập vào mắt du khách là hình ảnh thuyền bè tấp nập trên sông, buôn bán nhộn nhịp thu hút chân du khách

“Cần Thơ gạo trắng nước trong
Ai đi đến đó lòng không muốn về…”

Chợ nổi cái Răng ( Ảnh tác giả)

Việt Nam còn là đất nước của nhiều di sản văn hóa thế giới.

Đến Huế là chúng ta đến với mảnh đất của di sản văn hóa thế giới. Nghiêng mình bên dòng sông Hương thơ mộng, từ năm 1558 đến năm 1945, Huế từng là thủ phủ của 9 đời chúa Nguyễn ở Đàng Trong, là kinh đô của triều đại Tây Sơn và là kinh đô dưới 13 triều vua Nguyễn. Trải qua 4 thế kỷ, qua bao thăng trầm của lịch sử, Kinh đô Huế xưa kia nay đã trở thành di sản văn hóa, một quần thể di tích kiến trúc và thắng cảnh nổi tiếng của Việt Nam. Với vẻ đẹp riêng có, năm 1993, quần thể di tích cố đô Huế được Tổ chức Giáo dục - Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là Di sản văn hóa thế giới.  Quần thể di tích gồm Kinh thành, Hoàng thành và Tử cấm thành. Cung điện, đền đài, lăng tẩm thực sự làm say đắm khách tham quan bởi phong cách kiến trúc và vẻ đẹp cao quý. 

Kinh thành Huế về đêm, Nguồn: Internet

Năm 1994 Việt Nam có thêm một kỳ quan thiên nhiên nữa được công nhận – đó là Vịnh Hạ Long ở Vịnh Bắc Bộ với cảnh quan kỳ thú gồm gần 3000 hòn đảo, đá, vách đá và hang động. Người dân địa phương thường gọi Vịnh là kỳ quan thứ 8 của thế giới, với những hòn đảo có tên gọi riêng với vẻ quyến rũ làm mê đắm lòng người.

 

Vịnh Hạ Long, ảnh tác giả

Năm 1999, Hội An và Thánh địa Mỹ Sơn là địa danh tiếp theo của Việt Nam được công nhận là di sản văn hoá thế giới. Đô thị cổ Hội An ngày nay là một điển hình đặc biệt về cảng thị truyền thống ở Đông Nam Á giai đoạn thế kỷ XV-XIX được bảo tồn nguyên vẹn. Đô thị cổ ngày nay còn gìn giữ được bản sắc của kiến trúc cổ. Thánh địa Mỹ Sơn là di sản kiến trúc của nhà nước Chămpa cổ đại. Nơi đây lưu giữ các mảnh vỡ của kiến trúc Chăm – mảnh vỡ của tường, cột và bàn thờ với những hoa văn trang trí, tượng đá. 

Di sản tiếp theo được công nhận đó là Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng được coi là "Thiên Nam đệ nhất động" của Việt Nam, được che chở bởi những cánh rừng nhiệt đới và núi đá vôi kỳ vĩ. Thế giới động Phong Nha đã khiến du khách bất ngờ và choáng ngợp bởi không gian lung linh, huyền ảo.  Phong Nha như một món quà của tạo hoá đã ban tặng cho vùng đất này một hệ thống hang động thật lộng lẫy. Nhũ đá từ trên rũ xuống, mảng đá từ dưới nhô lên tua tủa như cây rừng với những hình dáng kỳ lạ kích thích trí tưởng tượng của con người. Song mỗi người đều có thể đặt những tên gọi riêng cho từng không gian, từng khối thạch nhũ trong hang động kỳ bí này tùy theo trí tưởng tượng khác nhau.

Ngoài ra Thành Nhà Hồ ở huyện Vĩnh Lộc- Thanh Hóa và Quần thể danh thắng Tràng An ở Ninh Bình cũng được UNESCO công nhận.

Với chuyến du lịch “chấm phá” như thế, tất nhiên chúng ta chưa thể trình bày hết một cách đầy đủ về nước Việt Nam xinh đẹp, nhưng nó cũng phần nào giúp cảm nhận được bản sắc và sự đa dạng phong phú. Dù là người Việt Nam hay đến từ bất cứ nơi nào trên thế giới những nhìn nhận khách quan về đất nước Việt Nam giúp chúng ta thêm yêu mảnh đất hình chữ S thân thương này và cùng chung tay góp sức xây dựng một Việt Nam hòa bình, bền vững và phát triển như nhà thơ Lê Anh Xuân đã viết “Có nơi đâu đẹp tuyệt vời/ Như sông, như núi, như người Việt Nam”.

Bên cạnh đất nước Việt Nam cảnh đẹp hữu tình, thì còn kết tinh trong đó vẻ đẹp là tâm hồn hết sức nghĩa tình, những con người Việt Nam giàu lòng mến khách, và một phong thái tự hào lẫy lừng về truyền thống bảo vệ và xây dựng đất nước. Vì vậy ngày càng tôi hiểu vì sao dải đất cong cong hình chữ S này như một hình ảnh nặng gánh trong tâm trí người Việt. Họ luôn tự so sánh mình với cây tre non mềm dẻo, có thể uốn cong nhưng không bao giờ gục ngã. Trong quá trình hình thành và phát triển, dân tộc Việt Nam không những phải đấu tranh với giặc ngoại xâm và làm nên những chiến thắng vang dội đi vào lịch sử dân tộc và thế giới, mà còn phải phòng chống thiên tai. Chính trong hoàn cảnh như thế đã gắn kết những con người Việt Nam xích lại gần nhau bảo vệ đất nước.

Với diện tích không lớn nhưng Việt Nam là một đất nước độc đáo, đa dạng các loại địa hình, cảnh quan thiên nhiên phong phú, giàu truyền thống, phong tục, tập quán, đậm đà bản sắc dân tộc. Thêm vào đó là sự đa dạng của cuộc sống các dân tộc, ngôn ngữ và ẩm thực. Chuyến du lịch đến đất nước Việt Nam sẽ thực sự là một chuyến đi đáng nhớ, tràn ngập những ấn tượng và sự kiện khó phai mờ trong tâm trí du khách. 

2. Hội nhập du lịch Việt Nam trong ASEAN

Thời gian qua Du lịch Việt Nam hội nhập ASEAN được triển khai theo hướng thúc đẩy ký kết và thực hiện các hiệp định thỏa thuận hợp tác cấp chính phủ, cấp ngành song phương và đa phương, tranh thủ hợp tác, hỗ trợ của các nước thông qua các chương trình, dự án cụ thể và các cam kết mở cửa tự do hóa thương mại dịch vụ du lịch trong các khuôn khổ WTO, ASEAN, APEC, GMS.... Trong đó, ASEAN là một trong những khuôn khổ hợp tác mà Du lịch Việt Nam tham gia sâu rộng và có hiệu quả nhất.

Du lịch Việt Nam bắt đầu tìm hiểu và tham gia các cơ chế hợp tác từ cuối những năm 1990, sau khi gia nhập ASEAN (1995). Việt Nam từng bước tham gia đầy đủ các hoạt động trong các nhóm/tiểu ban công tác du lịch từ đầu những năm 2000 và chủ động hội nhập từ cuối những năm 2000. Năm 2009, Việt Nam đăng cai và tổ chức thành công Hội nghị Bộ trưởng Du lịch và Diễn đàn Du lịch ASEAN (ATF) - sự kiện lớn nhất trong năm của du lịch ASEAN.

Du lịch Việt Nam đã tham gia xây dựng 130 sản phẩm du lịch chung để kết nối ít nhất 2 quốc gia trong ASEAN theo các nhóm chuyên đề như du lịch thiên nhiên, du lịch văn hóa và di sản, du lịch cộng đồng, du lịch đường biển và đường sông đồng thời tích cực triển khai Chiến lược marketing du lịch ASEAN 2011 - 2015 với tiêu đề “Đông Nam Á - cảm nhận sự ấm áp” tập trung vào khai thác các thị trường Trung Quốc và Ấn Độ, khách du lịch trải nghiệm và sáng tạo, khách du lịch khám phá, khách du lịch công vụ, khách du lịch lưu trú dài ngày và người cao tuổi, khách trong nội vùng ASEAN.

Hàng năm, Du lịch Việt Nam tham gia Hội chợ Du lịch quốc tế TRAVEX bên lề Diễn đàn Du lịch ASEAN, tham gia và có đóng góp tích cực tại các phiên họp định kỳ và họp chuyên đề. Bên cạnh các nội dung hợp tác du lịch ASEAN nói chung, Việt Nam còn tích cực và chủ động trong các cơ chế hợp tác du lịch tiểu vùng và giữa ASEAN với các nước, tổ chức đối tác. Các khuôn khổ hợp tác phổ biến là: Hợp tác kinh tế ACMECS (hợp tác kinh tế gồm 5 nước Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam); Hợp tác GMS (còn gọi là chương trình hợp tác Tiểu vùng Mê Kông mở rộng, gồm Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan, Myanmar và tỉnh Vân Nam, tỉnh Quảng Tây của Trung Quốc); Hợp tác CLMV (gồm Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam); Hợp tác giữa ASEAN với các nước và tổ chức đối tác (ASEAN với 3 nước Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc; ASEAN với Nga, ASEAN với Ấn Độ, ASEAN với Tổ chức Du lịch thế giới UNWTO, ASEAN với Ngân hàng phát triển châu Á ADB...), và hợp tác du lịch song phương để đóng góp vào cơ chế hợp tác du lịch trong ASEAN.

Gian hàng Du lịch Việt Nam tại Hội chợ Du lịch TRAVEX Philippines 2016,

3. Tác động của việc hội nhập Du lịch Việt Nam với ASEAN

Với dân số của ASEAN hơn 500 triệu dân, trong những năm qua, các thị trường nguồn du lịch thuộc khu vực ASEAN đóng góp khoảng 20% tổng số khách du lịch quốc tế đến Việt Nam. Một số nước ASEAN như Thái Lan, Singapore, Malaysia vừa là thị trường nguồn, vừa đóng vai trò là cửa ngõ quan trọng để khách du lịch quốc tế đến Việt Nam. Hợp tác du lịch với các nước ASEAN là quan hệ cùng có lợi khi các nước cùng hợp tác, bổ sung cho nhau về tất cả các khía cạnh trong phát triển du lịch, hỗ trợ nhau đồng thời cũng là hỗ trợ chính mình. 

Mặt khác, quá trình hợp tác đã góp phần nâng cao sự hiện diện và uy tín của Du lịch Việt Nam trong khu vực. Đồng thời, Du lịch Việt Nam được tiếp cận nhiều thông tin và bài học kinh nghiệm quý báu về phát triển du lịch và nhận được sự hỗ trợ tích cực của các nước có ngành Du lịch phát triển hơn như Thái Lan, Malaysia, Singapore…; góp phần quan trọng vào việc thực hiện yêu cầu “gắn thị trường du lịch Việt Nam với thị trường du lịch khu vực và thế giới” như Chiến lược phát triển Du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã đề ra.

 Nhìn chung, hội nhập về sản phẩm du lịch trong ASEAN đã góp phần đa dạng hóa các sản phẩm du lịch Việt Nam hiện nay và tranh thủ được các nguồn khách nối tour trong khu vực để qua đó tăng thêm sức hấp dẫn của du lịch khu vực ASEAN nói chung và khả năng kết nối khách giữa Việt Nam với các nước trong khu vực và ngược lại. Mặt khác, chất lượng sản phẩm, dịch vụ du lịch của Việt Nam cũng đã tăng lên rõ rệt, đáp ứng được yêu cầu của khách du lịch trong và ngoài khu vực ASEAN về cơ sở vật chất kỹ thuật dịch vụ lưu trú du lịch, chất lượng dịch vụ, chất lượng và sự đa dạng của ẩm thực trong sản phẩm du lịch, đặc biệt là đối với phân đoạn thị trường chất lượng cao, tập trung ở các trung tâm du lịch lớn trong nước.   

Tham gia đầy đủ các hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch chung trong ASEAN, hình ảnh và vị thế của Du lịch Việt Nam trong khu vực ASEAN được nâng lên do sự chủ động tổ chức và khởi xướng các sự kiện, hoạt động xúc tiến du lịch liên kết với các nước ASEAN. Thương hiệu quốc gia từng bước được cải thiện do các hoạt động tích cực của ngành Du lịch và các hoạt động xúc tiến quảng bá. Nhờ hội nhập quốc tế sâu rộng, du lịch nước ta đã xuất hiện trên bản đồ du lịch thế giới. Một số điểm đến nổi bật đã xác lập được thương hiệu trên thị trường quốc tế, tiêu biểu là Hạ Long, Hội An, Nha Trang, Đà Nẵng, Sa Pa, Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Một số điểm đến du lịch ngày càng được biết đến nhiều hơn như Quần thể danh thắng Tràng An, Đồng bằng sông Cửu Long, Hà Giang, Phú Quốc... 

Miền sông nước xuất hiện trong clip. Ảnh: Welcome to Vietnam.

Miền sông nước xuất hiện trong clip Welcome to Viet Nam.

Du lịch Việt Nam phát triển góp phần GDP của cả nước. Tại cuộc tổng kết trực tuyến công tác ngành du lịch Việt Nam 2015 diễn ra tại 3 điểm cầu Hà Nội, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh ngày 30/12, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Nguyễn Văn Tuấn cho biết: Năm 2015, du lịch Việt Nam đón 7,943 triệu lượt khách quốc tế, tăng gần 1% với năm 2014. Khách du lịch nội địa đạt 57 triệu lượt, tổng thu từ khách du lịch đạt 338.000 tỷ đồng. 

Hội nhập ASEAN là một bước ngoặt đánh dấu sự hội nhập khu vực một cách toàn diện của các nền kinh tế Đông Nam Á, qua đó mang lại những tác động tích cực tới Du lịch Việt Nam. Ngược lại các hoạt động hội nhập của Du lịch Việt Nam đóng góp vào quá trình hình thành Cộng đồng Kinh tế ASEAN.

Lê Thị Thu Thanh

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Với tinh thần "Lá lành đùm lá rách", ngày 10/9, Hội Nhà báo Việt Nam ban hành công văn số 457/CV-HNBVN về việc hưởng ứng lời kêu gọi của đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khắc phục thiệt hại do cơn bão số 3.
Báo chí nói chung là một trong những kênh chính tạo dư luận xã hội. Báo chí cách mạng Việt Nam càng cần trách nhiệm xã hội cao, vì báo chí là phương tiện thông tin thiết yếu đối với đời sống xã hội, tuyên truyền, phổ biến, góp phần xây dựng và bảo vệ đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thành tựu của đất nước và thế giới theo tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí, phục vụ lợi ích quốc gia - dân tộc, cộng đồng xã hội. Chính vì vậy, trong bối cảnh hiện nay, vai trò của người làm báo trong việc thực hiện trách nhiệm xã hội của báo chí là cực kỳ quan trọng, bởi họ có trách nhiệm phản ánh một cách chính xác, đa chiều cạnh và đa dạng về thực tế xã hội,... mang lại thông tin có giá trị, kịp thời cho độc giả.
Tháng 8/1945, chớp thời cơ chiến lược “ngàn năm có một”, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân Việt Nam tiến hành cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước, tạo nên một bước ngoặt lớn trong lịch sử dân tộc. Từ đây, nhân dân Việt Nam thoát khỏi thân phận nô lệ trở thành người chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình; đất nước ta bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội. Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945 là một trong những chiến công vĩ đại nhất của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta, là bản hùng ca bất diệt trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.
Theo thông tin từ Hội đồng chuyên môn bảo vệ sức khỏe cán bộ Trung ương, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, sau thời gian lâm bệnh, mặc dù được Đảng, Nhà nước, tập thể các giáo sư, bác sĩ tận tình cứu chữa, gia đình hết lòng chăm sóc, nhưng do tuổi cao, bệnh nặng, đồng chí đã từ trần lúc 13 giờ 38 phút, ngày 19-7-2024, tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Hưởng thọ 80 tuổi. Tạp chí Người Làm Báo trân trọng giới thiệu bài viết: “Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Nhà lãnh đạo lỗi lạc, trọn đời vì nước, vì dân” của Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam:
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top