Hội Nhà báo Việt Nam với bạn bè quốc tế trong kỷ nguyên hội nhập

Hoạt động đối ngoại lớn đầu tiên của Hội Nhà báo Việt Nam diễn ra vào tháng 9/1950, tức là chưa đầy 5 tháng sau khi hội được thành lập ngày 21/4/1950.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng với các đại biểu Liên đoàn các nhà báo ASEAN tại Nhà Quốc hội, ngày 26/11/2015. Ảnh: quochoi.vn

Nhà báo lão thành Phan Quang kể lại rằng, hồi đó, để sang được Thủ đô Helsinki (Phần Lan) dự Đại hội III của Tổ chức quốc tế các nhà báo (OIJ), đoàn đại biểu hội những người viết báo Việt Nam (nay là Hội Nhà báo Việt Nam) gồm các ông Trần Lâm và Thép Mới đã phải bí mật xuyên rừng vượt suối, tránh các trạm kiểm soát dày đặc của địch để ra nước ngoài. Hội nhà báo Việt Nam chính thức trở thành thành viên của OIJ từ đại hội lịch sử ấy.

70 năm đã trôi qua, hoạt động đối ngoại của Hội Nhà báo Việt Nam (HNBVN) rất phong phú và đa dạng. Trong khuôn khổ bài này, tôi chỉ giới hạn viết về quan hệ đối ngoại của HNBVN giai đoạn 2010 - 2015, thời gian tôi công tác ở Cơ quan Trung ương Hội.

1. Tháng 11/2013, tôi được lãnh đạo Hội cử sang Manila, Philippines dự Đại hội đồng Liên đoàn báo chí ASEAN (CAJ) lần thứ 17 do Câu lạc bộ Báo chí quốc gia (NPC) nước chủ nhà đăng cai. Đây là lần đầu tiên, tôi được tham dự một đại hội định kỳ hai năm một lần của CAJ. Đoàn đi gọn nhẹ, tôi và một cán bộ đối ngoại của Hội đều có thể giao tiếp trực tiếp bằng tiếng Anh. Các nhà báo Philippines đón tiếp chúng tôi nồng nhiệt. Ông Chủ tịch Câu lạc bộ vào tận khu làm thủ tục hải quan để đón. Ngay tối hôm đó, các nhà báo Philippines tổ chức gặp gỡ, chiêu đãi các đoàn đại biểu CAJ, gồm đoàn nhà báo Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Lào và Myanmar. Chưa gặp nhau bao giờ, nhưng các nhà báo với bản năng nhạy cảm nghề nghiệp đã sớm kết thân với nhau trên tinh thần đoàn kết và chia sẻ.

Hội nghị Ban Chấp hành OIJ tại Hà Nội tháng 7/1996. Ảnh: TL

Đại hội đồng 17 thành công tốt đẹp. NPC nhậm chức Chủ tịch CAJ thay Hội Nhà báo Indonesia. CAJ quyết định để HNBVN đăng cai kỳ họp của Ban Giám đốc - Cơ quan chấp hành của CAJ vào năm 2014, hướng tới việc chuyển giao chức Chủ tịch cho HNBVN vào năm 2015. Một điểm nổi bật đáng chú ý của Đại hội là NPC tổ chức sự kiện khá đơn giản, thủ tục nhẹ nhàng, không một quan chức chính phủ nào (được mời) dự. NPC là thành viên sáng lập CAJ hoạt động khá tích cực, thành viên ban lãnh đạo là các nhà báo trẻ, năng động và chuyên nghiệp.

Nhân dịp Đại hội đồng CAJ, để biểu dương sức mạnh chính trị của mình trong xã hội, thu hút sự ủng hộ của công chúng, NPC đã tổ chức một cuộc diễu hành rầm rộ trên đường phố thủ đô dài chừng 5 km, để phản đối vụ thảm sát Ampatuan (Ampatuan Massacre) trong vụ cảnh sát đàn áp cuộc bạo loạn xảy ra năm 2009, làm 46 người bị thiệt mạng, trong đó có 12 nhà báo. Họ tiếp tục đòi công lý cho các nhà báo.

Theo quy định của Hiến chương CAJ, Đại hội đồng tức là Đại hội nhiệm kỳ được tổ chức 2 năm một lần để tổng kết công tác và chuyển giao chức Chủ tịch luân phiên trong số 7 thành viên chính thức của Liên đoàn. CAJ được thành lập ngày 11/3/1975 tại Jakarta, Indonesia, lúc đầu có 5 thành viên, nay lên tới 11 (7 chính thức, 4 thành viên liên kết).

Hiến chương quy định là thế, nhưng do những khó khăn khách quan lẫn chủ quan, chu kỳ đại hội lâu nay diễn không ra đều, có khi phải kéo dài 1 hoặc 2 năm và số thành viên tham dự cũng ít khi đầy đủ. Tại Manila chẳng hạn, vắng tới 4 hội thành viên. Một trong những lý do dễ nhận thấy là không phải tổ chức thành viên nào (trừ HNBVN và HNB Lào) cũng được chính phủ nước sở tại ủng hộ về vật chất và tinh thần. Họ phải tự xoay sở để hoạt động. Vì những lý do như thế, Hiệp hội Quốc gia các nhà báo Singapore (SNUJ) nhiều năm nay tỏ ra thiếu nhiệt tình, ít tham gia các sự kiện của CAJ.

Năm 1991, HNBVN được mời dự Đại hội đồng CAJ với tư cách quan sát viên và tháng 3/1996 trở thành thành viên chính thức. Lần đầu tiên HNBVN tổ chức Đại hội đồng CAJ lần thứ 14, tại Hà Nội, tháng 12/2003. Tháng 9/2014, HNBVN đăng cai tổ chức Hội nghị Ban Giám đốc CAJ, được bầu làm Phó Chủ tịch CAJ.

Tháng 11/2015, HNBVN đăng cai một sự kiện quan trọng tại Hà Nội: Tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 40 năm ngày thành lập và Đại hội đồng CAJ lần thứ 18. Chủ tịch HNBVN Thuận Hữu được bầu làm Chủ tịch CAJ nhiệm kỳ 2015 - 2017.

Tham dự Đại hội đồng tại Việt Nam có đại diện 7 tổ chức thành viên: Câu lạc bộ Báo chí quốc gia Philippines (NPC), HNB Lào, HNB Indonesia (PWI), Hiệp hội Quốc gia các nhà báo Malaysia (NUJM), Liên đoàn báo chí Thái Lan (CTJ), HNB Myanmar và HNBVN. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã đến dự và phát biểu chào mừng.

Tổng Thư ký ASEAN Lê Lương Minh bay từ Trụ sở Ban Thư ký ASEAN ở Jakarta về dự và phát biểu, bày tỏ sự ủng hộ chính trị của mình với hoạt động liên kết của các nhà báo trong mục tiêu xây dựng Cộng đồng ASEAN. Đại hội đã ra Tuyên bố Hà Nội, bày tỏ quyết tâm tăng cường hiệu quả hoạt động của CAJ vì mục tiêu đoàn kết, phát triển trong Cộng đồng ASEAN.

Những năm sau này, HNBVN với tư cách Chủ tịch CAJ đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực nhằm nâng cao hiệu quả và vị thế của tổ chức các nhà báo ASEAN. Các nhà báo ASEAN rất ấn tượng với chất lượng tổ chức của HNBVN.

Đoàn Hội Nhà báo Việt Nam Hội đàm với Hội Nhà báo Thái Lan năm 2019

2. Cùng với quan hệ tốt đẹp trong khuôn khổ CAJ, quan hệ song phương của HNBVN với các đối tác báo chí nước ngoài trong thời kỳ hội nhập rất tốt. Hàng năm, HNBVN trao đổi đoàn thăm viếng lẫn nhau với các HNB Trung Quốc, Hàn Quốc, Lào, Campuchia, mới nhất là với HNB Cuba và một số đối tác châu Âu cùng các thành viên riêng rẽ trong Liên đoàn báo chí Thái Lan trên cơ sở thỏa thuận hợp tác song phương.

Các chuyến thăm, mỗi đoàn nhà báo từ các nước sang thăm Việt Nam và ngược lại đều có hiệu quả rất lớn, không chỉ tăng cường trao đổi chuyên môn, củng cố mối liên kết giữa các nhà báo mà còn góp phần tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau và tình hữu nghị giữa các nước. Cán bộ làm công tác đối ngoại ở HNBVN đã cố gắng làm tốt tới mức có thể. Có thực tế là tổ chức các nhà báo Hàn Quốc và Thái Lan, vì rất yêu quý Việt Nam nên mong muốn mỗi năm đồng thời cử một đoàn sang và đón một đoàn nhà báo Việt Nam đến, mỗi đoàn có thể có hàng chục thành viên và đi thăm nhiều, gặp gỡ nhiều.

Do chi phí đón tiếp, ăn, ở khách sạn, đi lại trong nước suốt 1 tuần khá tốn kém, nên đành phải tự hạn chế. Tuy hoạt động đối ngoại ở ta bao giờ cũng phải lên kế hoạch, dự toán kinh phí từ cuối năm trước, nhưng đôi khi có phát sinh thêm đoàn này đoàn nọ, rất khó thực hiện. Đôi khi tôi đã thất bại trong việc giải trình với các cơ quan chức năng để trao đổi các đoàn đông thành viên hơn nảy sinh do nhu cầu thực tế. Trong khi đó, nhu cầu giao lưu học hỏi của hội viên HNBVN cũng rất lớn, nên các nhà báo ta cũng như bạn thường “lách” bằng cách cử các đoàn riêng của các tổ chức báo chí địa phương đi tự túc.

Hội Nhà báo Việt Nam hội đàm với đoàn đại biểu Hội Nhà báo Hàn Quốc năm 2019

Trong nhiệm kỳ công tác, tôi đã dẫn đầu đoàn HNBVN sang thăm Trung Quốc hai lần, một lần hồi đầu nhiệm kỳ và một lần sau vụ giàn khoan HD 981 năm 2014. Nhìn chung, quan hệ giữa hai hội nhà báo có truyền thống tốt đẹp, hiểu biết lẫn nhau, đón tiếp trọng thị. Nhưng trong vụ HD 981, quan hệ giữa hai nước bị chùng xuống. Chuyến thăm của đoàn HNBVN năm đó được bạn sắp xếp muộn hơn so với dự kiến, lùi xuống cuối tháng 11/2014. Trong thời gian ở thăm, một thành viên nữ xinh đẹp của phía bạn đã “truyền đạt” ý trách móc là tại sao HNBVN lại gửi thư cho HNB Trung Quốc phản đối vụ HD981 (?!). Thế là rõ. Sau những hoạt động giao lưu ban đầu, mọi chuyện trở lại bình thường. Tình hữu nghị, sự hiểu biết lẫn nhau giữa các nhà báo đã khiến không khí đón tiếp nồng nhiệt trở lại.

Trong quan hệ giữa các hội nhà báo, tinh thần hữu nghị, sự hiểu biết lẫn nhau luôn ở mức cao. Mỗi chuyến thăm viếng lẫn nhau là những cuộc gặp gỡ bạn bè, đồng nghiệp, giao lưu trao đổi nghiệp vụ, bỏ qua các thủ tục lễ nghi. Khi trở về nước là những bài báo, bức ảnh phóng sự chân thực về đất nước con người đươc đăng tải trên báo chí. Đó chính là sứ mệnh của các nhà báo trong hoạt động đối ngoại./.

Hà Minh Huệ

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Ngày 13/1/2025, tại Thủ đô Hà Nội, Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức hội nghị toàn quốc về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Hội nghị nhằm đánh giá tình hình thực hiện các nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về phát triển khoa học, công nghệ; quán triệt, triển khai Nghị quyết số 57-NQ/TW, ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, tạo sự chuyển biến mang tính đột phá về nhận thức và tổ chức thực hiện, góp phần đưa đất nước phát triển giàu mạnh, hùng cường trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Tổng Bí thư Tô Lâm dự và phát biểu tại hội nghị. Tạp chí Người Làm Báo trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu:
Trong kỷ nguyên số, chuyển đổi nội dung số các tạp chí của Việt Nam có vai trò quan trọng trong tuyên truyền, phổ biến, giáo dục quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thành tựu của đất nước; đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; phổ biến tri thức, góp phần nâng cao dân trí, phát triển văn hóa và con người Việt Nam trên không gian mạng. Đồng thời, góp phần “xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại”(1) theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Ngày 16/12, tại thành phố Cần Thơ, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức hội nghị báo chí toàn quốc tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025.
Tạp chí Người Làm Báo trân trọng giới thiệu bài viết của đồng chí Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về xây dựng hệ thống chính trị với tiêu đề : "Tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả".
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top