Hội Báo toàn quốc 2024: Nâng cao tính Đảng, tính định hướng của báo chí
03:50 16/03/2024
- Diễn đàn
Trong khuôn khổ Hội Báo toàn quốc đã diễn ra phiên thảo luận với chủ đề "Nâng cao tính Đảng, tính định hướng trong hoạt động báo chí".
Tính Đảng, tính định hướng trong hoạt động báo chí là yêu cầu, là nguyên tắc cơ bản của báo chí cách mạng Việt Nam. Hiện nay cho thấy, vấn đề nâng cao tính Đảng, tính định hướng trong hoạt động báo chí đang trở thành một yêu cầu cấp thiết hơn bao giờ và phải có những giải pháp thiết thực.
Ông Ngô Minh Tuấn, Tổng Biên tập Tạp chí Xây dựng Đảng trình bày tham luận
Ông Ngô Minh Tuấn, Tổng Biên tập Tạp chí Xây dựng Đảng cho rằng, tính Đảng trên báo chí thể hiện qua mỗi tin, bài, người đọc có thể cảm nhận được tính đúng đắn, tính khoa học, tính cách mạng trong các nghị quyết của Đảng, đồng thời, độc giả có thể thấy được những tấm gương sáng để học tập và làm theo. Thông tin trên báo chí không chỉ là giúp cho đối tượng bạn đọc hiểu biết chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước mà quan trọng hơn, là giúp cho đối tượng đọc của mình hiểu đúng bản chất sự việc của chủ trương, đường lối đó, từ đó nâng cao nhận thức, bồi dưỡng đạo đức, thúc đẩy hành động, hướng lý tưởng người đọc tới mục tiêu vươn tới của Đảng.
Đó chính là việc khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Việc tuyên truyền, đưa, chủ trương, đường lối của Đảng vào cuộc sống được thể hiện trên nhiều phương diện, không chỉ thể hiện ở hình thức trình bày của báo chí, mà quan trọng hơn là thể hiện ở cách tiếp cận vấn đề, giải quyết vấn đề, cách thể hiện nội dung tư tưởng trong các tin, bài.
Cùng với tính Đảng, tính định hướng là yêu cầu cần có tính nguyên tắc, là chức năng, nhiệm vụ cơ bản, đồng thời là sinh mệnh chính trị của báo chí ở Việt Nam và được thể hiện một cách sinh động trên nhiều phương diện, ở nhiều góc độ. Sẽ là phiến diện nếu quan niệm định hướng chỉ là truyền đạt, chuyển tải “ý kiến chỉ đạo” của cấp trên xuống cấp dưới. Định hướng đúng nghĩa phải là cung cấp thông tin đầy đủ, chân thực, góp phần xây dựng niềm tin (có căn cứ) và hành động (chủ động, tự giác) cho đối tượng. Tính định hướng càng đúng, càng sâu sắc, được thể hiện càng sinh động, khoa học thì tính hấp dẫn càng mạnh, sức cuốn hút càng cao.
Tính định hướng cần được nhìn nhận ở hai góc độ, thứ nhất là phải luôn luôn đứng trên quan điểm của Đảng để nhìn nhận, phản ánh và giải quyết vấn đề mà báo chí đề cập. Thứ hai là trước một vấn đề vụ việc cụ thể đang có ý kiến khác nhau thì báo chí cần nêu chính kiến của mình, cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác, khách quan với lý lẽ xác đáng để giúp bạn đọc hiểu rõ bản chất sự việc, từ đó góp phần định hướng tư tưởng và ổn định dư luận. Đây là vấn đề khó, cần sự nhanh nhạy và có trình độ chuyên môn cao, có bản lĩnh chính trị vững vàng của người viết cũng như người duyệt bài đăng. Muốn nâng cao tính định hướng cần phải nâng cao tính hấp dẫn của báo chí. Tính định hướng càng đúng, càng sâu sắc, được thể hiện càng sinh động, khoa học thì tính hấp dẫn càng mạnh, sức cuốn hút càng cao.
Ông Tăng Hữu Phong, Tổng Biên tập Báo Sài Gòn Giải Phóng cho biết, thời gian qua, báo chí Việt Nam nói chung, Báo Sài Gòn Giải Phóng nói riêng luôn là một trong những lực lượng nòng cốt đề cao tính Đảng, giữ vai trò quan trọng trong việc cung cấp thông tin chính xác, tin cậy, định hướng, dẫn dắt dư luận xã hội tích cực, đặc biệt thể hiện rõ trong bối cảnh truyền thông xã hội phát triển mạnh hiện nay. Từ thực tiễn hoạt động báo chí của Báo Sài Gòn Giải phóng cho thấy, để giữ vững và nâng cao tính Đảng, tính định hướng trên báo, nhất là trong bối cảnh các phương tiện truyền thông xã hội phát triển mạnh mẽ như hiện nay, lãnh đạo Báo phải tăng cường công tác chỉ đạo, quản lý đội ngũ phóng viên, biên tập viên báo; trong đó, luôn tập trung và đề cao yêu cầu đổi mới phương thức tuyên truyền, thực hiện tốt mục tiêu tuyên truyền “đúng, trúng, kịp thời, hấp dẫn”.
Theo ông Tăng Hữu Phong, trong quá trình tuyên truyền, đội ngũ phóng viên của báo luôn bám sát thực tế cuộc sống, tăng cường xuống cơ sở, nắm bắt thông tin đa chiều, toàn diện; bảo đảm lượng thông tin phong phú, mang tính chất đối thoại hai chiều, qua đó tạo sự hấp dẫn với bạn đọc. Đảng ủy, Ban Biên tập Báo cũng rất chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng để đội ngũ người làm báo nhận thức sâu sắc làm báo là làm cách mạng, người làm báo là chiến sĩ tiên phong trên mặt trận tư tưởng - văn hóa của Đảng.
Trong bối cảnh công nghệ số, Internet phát triển mạnh mẽ hiện nay, viêc sử dụng mạng xã hội để truyền thông chính sách cũng là vấn đề được các cơ quan báo chí quan tâm thúc đẩy. Ông Nguyễn Hồng Sâm, Tổng Giám đốc Cổng Thông tin điện tử Chính phủ cho biết, thời gian qua đơn vị đã khai thác mạng xã hội trong truyền thông chính sách. Các nền tảng mạng xã hội là một cấu phần hết sức quan trọng trong hệ sinh thái truyền thông đa nền tảng của Cổng Thông tin điện tử Chính phủ trong quá trình chuyển đổi số báo chí, là công cụ hết sức hữu ích để lan tỏa thông tin chính xác, kịp thời, hiệu quả phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Ngoài tài khoản Thông tin chính phủ trên facebook với hơn 4,3 triệu người theo dõi, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ còn tham gia Zalo, Youtube, Twitter, Lotus... những thông tin, thông điệp quan trọng trong chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, "chúng tôi có thể ngay lập tức chuyển tới khoảng 15 - 17 triệu người dùng mạng xã hội", ông Hồng Sâm cho biết.
Tại phiên thảo luận, ông Nguyễn Minh Đức, Tổng Biên tập Báo Hànộimới cho biết, thực tế, báo Đảng đang gặp những thách thức trước yêu cầu bảo đảm nhiệm vụ cung cấp thông tin chính thống, kịp thời, sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân, nhất là sự cạnh tranh khốc liệt và các tác động tiêu cực của mạng xã hội và các kênh truyền thông khác. Với sứ mệnh là tiếng nói của cấp ủy, chính quyền, hệ thống chính trị và nhân dân, hệ thống báo Đảng, trong đó có Hànộimới có nhiều ưu thế cạnh tranh thông tin.
Ông Nguyễn Minh Đức, Tổng Biên tập Báo Hànộimới trình bày tham luận
Thứ nhất, trong bối cảnh thông tin bùng nổ, thiếu kiểm chứng, thì với vị thế của mình, báo Đảng hoàn toàn có thể tiếp cận nguồn tin “gốc” để có thông tin độc quyền. "Ví dụ, vừa qua một số cơ quan báo chí thông tin về công tác sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của Hà Nội chưa đầy đủ, toàn diện, nhất là việc liên quan đến bố trí công việc của đội ngũ cán bộ các phường, xã thuộc diện sắp xếp, gây ảnh hưởng đến tư tưởng, tâm lý của cán bộ. Phóng viên Báo Hànộimới đã phỏng vấn với đồng chí Giám đốc Sở Nội vụ - cơ quan tham mưu cho thành phố thực hiện Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 ngày 12-7-2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030, làm sáng tỏ vấn đề, định hướng dư luận", đồng chí Nguyễn Minh Đức cho biết.
Thứ hai, theo Tổng Biên tập báo Hànộimới, thế mạnh của hệ thống báo Đảng, đó là được tiếp cận, để cung cấp nguồn tin nhằm kịp thời thông tin về các chủ trương, chính sách có tác động đến mọi mặt của đời sống xã hội và từng người dân. Theo đó, Hànộimới xác định thông tin phải bảo đảm tính hai chiều, mỗi bài viết đều phải thể hiện rõ quan điểm của Đảng, Nhà nước, thành phố, phản ánh tâm nguyện của nhân dân, hơn hết là truyền đi thông điệp của sự thật, bản chất của mỗi sự việc, hiện tượng, vấn đề diễn ra hàng ngày, hàng giờ, giúp bạn đọc có cái nhìn xác thực, toàn diện hơn.
Ông Nguyễn Minh Đức nhấn mạnh: "Hệ thống báo Đảng luôn đi đầu trong việc tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng; ý thức rất rõ trách nhiệm của mình trong việc hiện thực hóa quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Cụ thể là trong việc tuyên truyền, phổ biến các nghị quyết của Đảng về phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Số lượng tác phẩm bày tỏ thái độ phê phán những hành vi tham nhũng, lãng phí, gây thất thoát tài sản nhà nước, những cán bộ quan liêu, hách dịch, sống xa hoa, thiếu gương mẫu về đạo đức, lối sống, làm suy giảm nghiêm trọng niềm tin của nhân dân vào Đảng... ngày càng nhiều, xuất hiện hằng ngày, không chỉ đáp ứng nhu cầu thông tin của bạn đọc mà còn góp phần “kích hoạt” tinh thần phòng, chống tham nhũng trong nhân dân".
Thứ ba, thông tin chính xác, nguồn tin chính xác, góp phần định hướng dư luận. Báo Hànộimới, với vai trò của mình, hệ thống báo Đảng luôn cố gắng thực hiện tốt vai trò là kênh thông tin quan trọng, góp phần định hướng dư luận. Những vấn đề "nóng" của đất nước, của Thủ đô trong quá trình phát triển luôn được phản ánh kịp thời, chính xác, đầy đủ trên các ấn phẩm của Báo Hànộimới. Báo còn chủ động, tích cực tham gia cùng Đảng bộ, chính quyền thành phố giải quyết những việc mới; việc khó như công tác giải phóng mặt bằng (điển hình là giải phóng mặt bằng Vành đai 4), triển khai dự án xử lý rác thải, giải quyết tranh chấp đất đai…
Ông Nguyễn Minh Đức cũng cho biết, hiện tại, Báo Hànộimới hằng ngày dành trang 3 để đăng chuyên đề Sự kiện và dư luận, có thông tin trao đi đổi lại giữa bạn đọc và báo. Báo Hànộimới cũng đã xây dựng và duy trì các chuyên mục chính luận như: "Nghị quyết và Cuộc sống", “Xây và Chống”, “Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng”, “Luận bàn và hành động”, "Khách mời Chủ nhật"... với nhiều bài phân tích sâu sắc, đưa ra chính kiến, thể hiện rõ thái độ khen, chê trước những vấn đề nóng bỏng của Thủ đô và đất nước, thẳng thắn đấu tranh với những hành vi trái pháp luật, qua đó định hướng dư luận.
Tuy nhiên, theo Tổng Biên tập báo Hànộimới, trước sự phát triển vũ bão của mạng xã hội và các phương tiện truyền thông khác, báo Đảng không thể độc quyền thông tin, không thể chỉ cung cấp những gì mình có. Những đặc thù được cho là bất lợi trong việc cạnh tranh thông tin của báo Đảng, có thể kể tới: Nội dung thông tin về các chủ trương, chính sách, các chỉ thị, nghị quyết, nhất là phản ánh vấn đề xây dựng Đảng vốn được xem là khó, khô... Thông tin trên báo Đảng còn nặng về tính chính trị, thông tin hội họp; hình thức thể hiện đơn điệu, khô khan, kém hấp dẫn bạn đọc. Chưa kể, đối tượng phản ánh của công tác tuyên truyền về xây dựng Đảng là hoạt động của các cấp ủy và của cán bộ, đảng viên. Do đó, lĩnh vực tuyên truyền này luôn đòi hỏi trách nhiệm cao đối với tập thể các cấp ủy khi cung cấp thông tin cho phóng viên.
Cũng tại phiên thảo luận, các đại biểu cũng đề cập đến vấn đề “đồng phục thông tin” khi thực hiện truyền thông chính sách trên báo chí. Giải quyết vấn đề này đòi hỏi mỗi cơ quan báo chí, mỗi nhà báo chú trọng đến việc lao động báo chí, cần phải chủ động đi sâu vào thực tiễn để đưa ra những thông tin mới, những khuyến nghị, tư vấn, phản biện.
Qua một số quan điểm đã nêu, các diễn giả có cùng quan điểm về sự cần thiết phải khắc phục tình trạng “đồng phục thông tin” và cho rằng, mỗi cơ quan báo chí cần giữ được bản sắc riêng và có hướng đi riêng, với cùng một nội dung nhất định, tùy theo sắc thái của từng tờ báo để làm phong phú hình thức truyền tải, các cơ quan báo chí cần chú trọng vấn đề con người và yếu tố quan trọng nhất vẫn là chât lượng nội dung.
Hương Giang
Bình luận: 0
Tin tức liên quan
- Kỷ niệm 70 năm Báo ảnh Việt Nam (15/10/1954 - 15/10/2024): (03:42 09/10/2024)
- Đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền quảng bá Giải Diên Hồng lần thứ 3 (03:45 03/10/2024)
- Nhà báo Nguyễn Đức Cảnh: Toả sáng một nhân cách, một tài năng (12:28 01/10/2024)
- Giải Báo chí viết về chuyển đổi số TP. HCM nhận bài dự thi đến 30/11/2024 (10:32 01/10/2024)
- Phát động Giải thưởng Báo chí tài nguyên và môi trường năm 2024 (03:08 27/09/2024)