Hành trình tiếp nối để phát triển bền vững

LTS: Giữa muôn vàn thử thách của thời đại báo chí số, TS Đào Xuân Hưng, Tổng Biên tập Tạp chí Tài nguyên và Môi trường không chỉ là người "cầm lái con thuyền" vững vàng vượt qua khó khăn mà còn là nguồn cảm hứng mạnh mẽ, khơi dậy tinh thần cống hiến trong tập thể. Với trái tim tràn đầy nhiệt huyết và tình yêu sâu sắc dành cho ngành, ông đã dẫn dắt tạp chí vượt qua những giai đoạn khó khăn, đổi mới sáng tạo cả về nội dung lẫn hình thức. Bằng tầm nhìn chiến lược và ý chí kiên định, ông không chỉ biến thách thức thành cơ hội mà còn đặt nền móng cho sự phát triển bền vững của tạp chí, giúp tiếng nói của ngành tài nguyên và môi trường lan tỏa mạnh mẽ trong bối cảnh nhiều biến động. Nhân dịp sắp bước sang năm mới 2025, phóng viên Tạp chí Người Làm Báo đã có cuộc trao đổi với TS Đào Xuân Hưng, Tổng Biên tập Tạp chí Tài nguyên và Môi trường.

Tổng Biên tập Tạp chí Tài nguyên và Môi trường Đào Xuân Hưng giới thiệu ấn phẩm của Tạp chí Tài nguyên và Môi trường với đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; đồng chí Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông tại Hội báo toàn quốc tháng 3 năm 2023.

Phóng viên: Thưa TS Đào Xuân Hưng, nhiệm kỳ 5 năm của ông tại Tạp chí Tài nguyên và Môi trường, đặc biệt trong giai đoạn đại dịch Covid-19 bùng phát, đã để lại nhiều dấu ấn. Nhìn lại hành trình từ cuối năm 2019 đến nay, ông có thể chia sẻ những kinh nghiệm lãnh đạo, quản lý để vượt qua khó khăn và bài học đáng nhớ trong suốt chặng đường vừa qua?

TS Đào Xuân Hưng: Khi nhận nhiệm vụ, tôi đã ý thức rõ ràng về trách nhiệm của mình với đổi mới của một tạp chí in trước sự phát triển của báo chí điện tử và chuyển đổi số báo chí. Bởi lẽ Tạp chí Tài nguyên và Môi trường không chỉ là tạp chí khoa học, mà còn thực hiện các chức năng quan trọng thông tin nghiên cứu lý luận, chính trị, nghiệp vụ, tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các hoạt động bảo vệ tài nguyên, môi trường trong 9 lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Đồng chí Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam và lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng các đại biểu thực hiện nghi thức ra mắt chuyên trang Tạp chí điện tử tiếng Anh Tài nguyên và Môi trường

Giai đoạn đầu nhiệm kỳ, đặc biệt khi đại dịch Covid-19 xuất hiện, đó là một thử thách lớn với những hạn chế về ngân sách, nhân lực và sự chuyển đổi mạnh mẽ từ tạp chí in sang tạp chí điện tử. Tuy nhiên, chính trong những khó khăn này, chúng tôi đã tìm thấy cơ hội để phát triển, với tinh thần đoàn kết của đội ngũ và sức mạnh vượt khó của cả tập thể.

Ngoài những khó khăn về tài chính và nhân sự, khi nguồn thu giảm sút và nhân lực ít ỏi phải làm việc trong điều kiện giãn cách xã hội, chúng tôi vẫn phải đảm bảo hoạt động xuất bản không bị gián đoạn. Toàn bộ đội ngũ đã nhanh chóng triển khai làm việc từ xa, ứng dụng công nghệ thông tin và phát huy tinh thần trách nhiệm, sự tận tụy của các phóng viên, biên tập viên. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng tập trung đổi mới nội dung và hình thức, nâng cao chất lượng tin, bài, ảnh, duy trì các chuyên mục và đảm bảo thông tin tuyên truyền đúng định hướng các chủ trương, chỉ đạo từ Ban cán sự Đảng và lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Đồng chí Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam tặng bằng khen cho lãnh đạo Tạp chí Tài nguyên và Môi trường

Thời điểm khó khăn này cũng là cơ hội để chúng tôi đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển các sản phẩm mới như mở rộng các chuyên mục khoa học, công nghệ trên nền tảng trực tuyến. Điều này không chỉ giúp tạp chí duy trì kết nối với độc giả trong nước mà còn giúp ngành tài nguyên và môi trường Việt Nam vươn xa ra thế giới. Mỗi thành tựu đạt được đều là kết quả của sự đồng lòng, sáng tạo và đam mê của toàn thể cán bộ, phóng viên, biên tập viên. Bài học lớn nhất mà tôi đúuc kết từ hành trình này là: Trong mỗi khó khăn luôn tồn tại cơ hội, chỉ cần chúng ta có quyết tâm và sự gắn kết, không gì là không thể vượt qua.

Phóng viên: Thưa ông, vậy đâu là những thành tựu nổi bật mà ông và tập thể tạp chí đã đạt được trong nhiệm kỳ vừa qua?

TS Đào Xuân Hưng: Nhiệm kỳ 5 năm qua đánh dấu nhiều đổi mới quan trọng và thành công đáng ghi nhận của Tạp chí Tài nguyên và Môi trường. Chúng tôi đã không ngừng nâng cao chất lượng nội dung tạp chí in, tập trung vào các vấn đề trọng tâm của ngành. Các bài viết mang tính lý luận và thực tiễn cao, được đóng góp bởi các chuyên gia, nhà khoa học uy tín, đã phản ánh rõ nét những thành tựu và thách thức trong công tác quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường. Tạp chí in luôn chú trọng thông tin chuyên sâu về các kết quả nghiên cứu khoa học, cơ sở lý luận và hoạt động thực tiễn của ngành Tài nguyên và Môi trường, đồng thời hướng đến là kênh thông tin của các kết quả nghiên cứu, phân tích đưa ra các giải pháp, bài học kinh nghiệm, góp phần hoàn thiện cơ chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường.

TS Đào Xuân Hưng, Tổng Biên tập Tạp chí Tài nguyên và Môi trường trao tặng những ấn phẩm cho ông Chang-hoon Jung, Giám đốc Nhật báo Gyeongnam Maeil (Hàn Quốc)

Năm 2021, xuất bản tạp chí điện tử; năm 2023, xuất bản tạp chí điện tử tiếng Anh, đây là những đột phá vượt qua giới hạn của một tạp chí in, tuyên truyền sâu rộng tới độc giả trong nước và nước ngoài, đồng thời kết nối cộng đồng quốc tế quan tâm nghiên cứu về lĩnh vực tài nguyên và môi trường. Việc ra mắt tạp chí điện tử tiếng Anh đã đa dạng hóa các loại hình, ngôn ngữ nhằm truyền tải thông tin tới bạn đọc cả trong và ngoài nước, thực sự cần thiết trong bối cảnh hội nhập toàn cầu hiện nay. Tạp chí tiếng Anh được xuất bản đã đóng góp thiết thực trong việc tuyên truyên nâng cao vị thế quốc gia về môi trường, biến đổi khí hậu; quảng bá hình ảnh đất nước, con người, văn hóa Việt Nam; thông tin, tuyên truyền về các chủ trương, chính sách lớn của Nhà nước; các hoạt động quản lý, khai thác, sử dụng và bảo vệ tài nguyên, môi trường của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Đồng thời, cũng thể hiện sự nỗ lực và tinh thần không ngừng đổi mới của Ban biên tập và toàn thể cán bộ, nhà báo, phóng viên của Tạp chí Tài nguyên và Môi trường, góp phần tuyên truyền sâu rộng về kết quả thành tựu về thực hiện Net Zero của Việt Nam.

Song song với hoạt động chuyên môn, tạp chí cũng tiên phong trong công tác chuyển đổi số báo chí. Chúng tôi phát triển mạnh mẽ nội dung trên các nền tảng mạng xã hội như: Facebook, YouTube, TikTok, với hàng triệu lượt xem và tương tác tích cực. Năm 2024, tạp chí đã sản xuất 1.078 video thời tiết trên YouTube, đạt gần 900 nghìn lượt xem, trong khi TikTok thu hút 6,6 triệu lượt xem và nhiều video vượt mốc 100 nghìn lượt/ngày. Các bản tin về bão, lũ và cảnh báo thiên tai đã kịp thời phục vụ công tác thông tin, truyền thông, góp phần hỗ trợ phòng chống thiên tai hiệu quả.

Tạp chí Tài nguyên và Môi trường và Tạp chí Giao thông vận tải ký biên bản hợp tác

Ngoài các ấn phẩm định kỳ, Tạp chí Tài nguyên và Môi trường còn xuất bản các ấn phẩm chuyên ngành như: Chuyên đề về “Khoa học và Công nghệ”; chuyên đề “Dân tộc và Tôn giáo”; các ấn phẩm kỷ yếu “Đại hội thi đua yêu nước ngành Tài nguyên và Môi trường giai đoạn 2020 - 2025”; kỷ yếu 20 năm thành lập Bộ Tài nguyên và Môi trường “20 năm tạo dựng nền tảng, khẳng định vị trí, đổi mới phát triển”; xuất bản cuốn sách “Kinh tế biển Việt Nam: Những vấn đề lý luận và thực tiễn”, sổ tay danh bạ ngành Tài nguyên và Môi trường,....những ấn phẩm đó đã góp phần quan trọng vào tuyên truyền về công tác quản lý, khai thác, sử dụng và bảo vệ tài nguyên và môi trường, vì một tương lai phát triển bền vững của đất nước.

Kỷ niệm 20 năm thành lập Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tạp chí Tài nguyên và Môi trường đã có sáng kiến và tổ chức thành công “Hội nghị các nhà khoa học trẻ ngành Tài nguyên và Môi trường” và chính thức ra mắt “Câu lạc bộ các nhà khoa học trẻ ngành Tài nguyên và Môi trường”, đây là ý tưởng của Tạp chí Tài nguyên và Môi trường với mong muốn quy tụ được các nhà khoa học trẻ trong toàn ngành có đam mê nghiên cứu khoa học và khát vọng công hiến xây dựng ngành Tài nguyên và Môi trường phát triển bền vững.

Ngoài ra, tạp chí đã tổ chức thường niên nhiều sự kiện nổi bật với sự tham gia của nhiều nhà khoa học, nhà quản lý trong và ngoài nước như: Diễn đàn Môi trường; hội thảo “Thúc đẩy chuyển đổi năng lượng xanh - Hướng tới mục tiêu Net Zero”, diễn đàn “Phụ nữ tiên phong phát triển kinh tế tuần hoàn”...Nhân dịp kỷ niệm 21 năm thành lập (13/10/2003 - 13/10/2024), Tạp chí Tài nguyên và Môi trường tổ chức chức kỷ niệm 21 năm và tọa đàm với chủ đề “Phát huy vai trò của hội viên Chi hội nhà báo trong phát triển Tạp chí Tài nguyên và Môi trường” tại Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng, xã Tân Thái, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên.

Tạp chí Tài nguyên và Môi trưởng trồng cây chương trình “Chùa xanh” ở chùa Phật tích Trúc lâm Bản Giốc, Cao Bằng

Về hợp tác quốc tế, tạp chí đã ghi nhận những bước tiến quan trọng, tiêu biểu là việc đón tiếp đoàn Nhật báo Gyeongnam Maeil (Hàn Quốc) và ký biên bản hợp tác đã mở ra cơ hội hợp tác trong lĩnh vực truyền thông môi trường và chống biến đổi khí hậu. Những hoạt động này không chỉ nâng cao trách nhiệm xã hội mà còn khẳng định vị thế tiên phong của tạp chí trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường.

Những thành tựu đạt được không chỉ phản ánh nỗ lực đổi mới, sáng tạo của tạp chí mà còn khẳng định vai trò là cơ quan lý luận, chính trị, khoa học và nghiệp vụ chuyên sâu, đồng hành cùng sự phát triển bền vững của ngành tài nguyên và môi trường.

Phóng viên: Trong nhiệm kỳ của mình, ông và tạp chí đã đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận về mặt chuyên môn. Vậy, trong lĩnh vực an sinh xã hội, tạp chí đã thực hiện những hoạt động nổi bật nào?

TS Đào Xuân Hưng: Tôi luôn tâm niệm rằng, báo chí không chỉ có nhiệm vụ về chuyên môn nghiệp vụ cung cấp thông tin, mà còn có chức năng về công tác xã hội, đồng hành cùng cộng đồng. Hưởng ứng đề án "Trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021 - 2025" của Chính phủ, tạp chí đã triển khai nhiều chương trình trồng cây xanh với mục tiêu xây dựng không gian xanh bền vững, góp phần giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu và tuyên truyền giáo dục cho thể hệ trẻ về việc ý nghĩa của việc trồng cây xanh bảo về môi trường như chương trình: “Chùa xanh” “Trường xanh”, “Đường xanh”. Đến nay các chương trình đã trồng được gần 15.000 cây xanh và sẽ tiếp tiếp tục được tổ chức triển khai ở các các địa phương, chùa, trường học trên cả nước.

Hoạt động thiện nguyện của Tạp chí Tài nguyên và Môi trường

Bên cạnh đó, tạp chí còn đồng hành với doanh nghiệp, nhà hảo tâm tổ chức các chương trình ý nghĩa như: “Ký ức mầu xanh”, “Xuân ấm mầm xanh”, đến nay các chương trình đã xây dựng được 3 ngôi nhà tình nghĩa và trao tặng hàng nghìn xuất quà ý nghĩa tới các thương binh, thân nhân gia đình chính sách, học sinh nghèo vượt khó, các gia đình có hoàn cảnh khó khăn ở các địa phương.

Phóng viên: Nhìn lại những thành quả đạt được trong thời gian qua, ông có những dự định và kế hoạch gì để duy trì và phát triển tạp chí trong thời gian tới?

TS Đào Xuân Hưng: Tôi thực sự hài lòng khi những nỗ lực của cả tập thể với những thành quả đã đạt được, điều đó cho thấy chúng tôi đang đi đúng hướng. Tuy nhiên, vẫn còn những trăn trở về làm thế nào để tiếp tục phát huy tối đa tiềm năng của đội ngũ, từ việc nâng cao năng lực chuyên môn đến khơi dậy sự sáng tạo trong công việc. Bên cạnh đó, một nhiệm vụ quan trọng khác là tăng cường sự hiện diện của tạp chí trên các nền tảng số, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của độc giả trong thời đại công nghệ. Đồng thời, chúng tôi cần không ngừng cải tiến nội dung, đảm bảo các bài viết ngày càng chuyên sâu, chất lượng và hấp dẫn hơn, để tạp chí tiếp tục giữ vững vị thế là cầu nối tri thức trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường.

Trước nhu cầu chuyển đổi số báo chí hiện nay tạp chí chuyên ngành nói riêng đã có nhiều thay đổi, đòi hỏi các tòa soạn và mỗi nhà báo phải tự làm mới mình để xuất bản và cho ra đời các tác phẩm báo chí chất lượng cao, ấn phẩm tạp chí có tác động tích cực trong xã hội, phục vụ công tác nghiên cứu khoa học, thực hiện tốt hơn sứ mệnh của báo chí chuyên ngành Tài nguyên và Môi trường. Tạp chí tập trung xây dựng đội ngũ nhân sự chất lượng cao, thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện và sáng tạo trong sản xuất các sản phẩm báo chí. Chúng tôi sẽ không chỉ đổi mới về nội dung mà còn về cách tiếp cận độc giả, đặc biệt là thông qua các nền tảng số như: Facebook, YouTube và TikTok. Tôi tin rằng báo chí hiện đại phải có sức lan tỏa và tạo ra giá trị tích cực cho xã hội. Bên cạnh đó, tôi sẽ đặc biệt chú trọng vào việc phát triển các giải pháp bền vững cho kinh tế báo chí, giúp tạp chí ổn định và phát triển lâu dài.

Đại diện lãnh đạo 13 tạp chí ký kết thi đua xây dựng môi trường văn hóa trong cơ quan báo chí

Đối với kế hoạch năm 2025, Tạp chí Tài nguyên và Môi trường tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm xây dựng một tạp chí in khoa học uy tín có điểm số khoa học cao, tạp chí điện tử, tạp chí tiếng Anh có nội dung chuyên sâu, các ấn phẩm khoa học công nghệ, các chuyên đề về các lĩnh vực quản lý của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Phát triển các nội dung có chất lượng trên các nền tảng mạng xã hội, với nội dung tập trung vào các lĩnh vực quản lý của Bộ Tài nguyên và Môi trường, như xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật về tài nguyên và môi trường. Đồng thời, chúng tôi sẽ chú trọng vào công tác tuyên truyền các luật và chính sách liên quan đến tài nguyên và môi trường, đặc biệt là Luật Đất đai, Luật Tài nguyên nước, Luật Địa chất & Khoáng sản, công tác quản lý chất thải rắn và bảo vệ môi trường. Tạp chí sẽ bám sát công tác xây dựng thể chế và tham vấn chính sách, thực hiện các bài viết chuyên sâu, có hàm lượng khoa học, phục vụ cho việc hoàn thiện các chính sách của ngành.

Ngoài ra, tạp chí sẽ nâng cao chất lượng, tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức đóng góp tích cực cho công tác nghiên cứu khoa học, truyền thông chính sách thực sự trở thành diễn đàn của các nhà khoa học, nhà quản lý, cộng đồng doanh nghiệp về tài nguyên và môi trường. Chúng tôi cũng sẽ phát triển đội ngũ cộng tác viên là các nhà khoa học, nhà quản lý uy tín, để đảm bảo tính chuyên môn cao và chính xác trong các bài viết. Tạp chí cũng sẽ tích cực phối hợp với các đơn vị trong Bộ Tài nguyên và Môi trường để thực hiện nghiên cứu khoa học về vai trò và hiệu quả của truyền thông trong công tác quản lý nhà nước về  lĩnh vực tài nguyên và môi trường. Bên cạnh đó, tiếp tục tăng cường công tác đào tạo và đào tạo lại cán bộ, phóng viên, xây dựng đội ngũ những người làm tạp chí theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại.

Phóng viên: Cảm ơn ông đã chia sẻ rất chân thành và sâu sắc. Xin chúc ông và Tạp chí Tài nguyên và Môi trường ngày càng phát triển vững mạnh!

Ngọc Huyền (thực hiện)

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Trong kỷ nguyên số, chuyển đổi nội dung số các tạp chí của Việt Nam có vai trò quan trọng trong tuyên truyền, phổ biến, giáo dục quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thành tựu của đất nước; đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; phổ biến tri thức, góp phần nâng cao dân trí, phát triển văn hóa và con người Việt Nam trên không gian mạng. Đồng thời, góp phần “xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại”(1) theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Ngày 16/12, tại thành phố Cần Thơ, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức hội nghị báo chí toàn quốc tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025.
Tạp chí Người Làm Báo trân trọng giới thiệu bài viết của đồng chí Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về xây dựng hệ thống chính trị với tiêu đề : "Tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả".
Đó là nhấn mạnh của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm trong phát biểu tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top