Hành trình gian nan của những phóng viên "cầm máu cho rừng"

Đem theo ít thức ăn khô, nước uống và phương tiện tác nghiệp, tôi và 1 đồng nghiệp cải trang thành người của dự án điện gió đi khảo sát cột đo gió. Nguồn tin chỉ đường quá sơ sài, nên sau nhiều lần lạc đường và 5 giờ lội bộ từ đồi này sang đồi khác, chúng tôi chạm mặt hàng loạt cây rừng bị cưa xẻ, đốn hạ nằm ngổn ngang giữa rừng tự nhiên ở xã Đakrông, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị.

Phóng viên Báo Lao Động bấm định vị ghi nhận 1 địa điểm rừng tự nhiên bị đốn hạ. Ảnh: ĐĐ

“Đường vào hiện trường đơn giản”, cứ đi là… lạc

Huyện miền núi Đakrông cách trung tâm tỉnh Quảng Trị 40km, người dân sinh sống phần lớn là đồng bào thiểu số Vân Kiều, Pa Cô. Nơi này còn khá nhiều rừng tự nhiên, nên tình trạng phá rừng không hiếm.

Từ nguồn tin có vụ phá rừng nghiêm trọng, UBND tỉnh Quảng Trị không hề hay biết vì cấp dưới chưa báo cáo, nên chúng tôi lập tức lên đường. “Địa điểm phá rừng ở… giữa rừng. Cứ vào bản Làng Cát trên, xuống suối rồi theo đường mòn và lốp ôtô tải, đi thẳng là đến” – nguồn tin chỉ dẫn.

Xác định hiện trường phá rừng thuộc bản Làng Cát và Pa Tầng ở xã Đakông (huyện Đakrông), chúng tôi vào đây, tìm thuê người dẫn đường, nhưng ai cũng lắc đầu từ chối. Sau 2 lần đến bản Làng Cát, gặp mưa lớn, đường trơn phải quay về, chúng tôi tiếp tục nghe ngóng thời tiết, rồi quay trở lại.

Đường vào hiện trường vụ phá rừng. Ảnh: HT

5h sáng rời trung tâm tỉnh Quảng Trị, hơn 6h có mặt ở bản Làng Cát với thức ăn, nước uống và phương tiện, đến 7h thì tôi và 1 nam đồng nghiệp bắt đầu men theo suối Cu Dong để tìm đoạn đường hằn lốp bánh ôtô tải.

2 ngày không mưa, nước suối chỉ nửa bánh xe môtô, nên di chuyển không mấy khó khăn. Qua khỏi suối Cu Dong, đến suối Pa Chồ thì đường bắt đầu khó đi vì đối mặt với toàn đồi núi cao.

Lê lết đến được chân con dốc mà người bản địa gọi là “Mạ Ơi”, xe môtô không di chuyển được nữa. Bỏ lại xe môtô ngay khóm tre ở chân dốc, chúng tôi cuốc bộ theo đường mòn. Dọc đường đi, thi thoảng gặp vài người làm nương rẫy hoặc chăn trâu, một số địa điểm có nhà sàn cũ không người ở, vì người dân đã dời làng ra gần Quốc lộ 9.

Bắt đầu từ đây, đường độc đạo chia thành nhiều ngã rẽ. Nhớ lời nguồn tin, rằng “đường vào hiện trường đơn giản, cứ theo đường mòn có lốp bánh xe” là đến, nhưng ở đây hướng nào cũng có vết bánh xe, nên chúng tôi phải phán đoán, rồi chấp nhận chọn ngẫu nhiên. Vì lạc đường mấy lần, nên đến trưa chúng tôi mới tiếp cận đến gần đồi Cò A Chuài - nơi được cho giáp với đồi Le Pút, là hiện trường vụ phá rừng.

Để hạn chế việc sai đường, chúng tôi phải chọn vị trí cao, rồi trèo lên 1 cây cao nữa để định vị. Khi xác định được một đám màu vàng trơ trọi giữa thảm rừng xanh, chúng tôi mạnh dạn di chuyển, và bắt đầu ghi nhận các cây rừng đường kính khoảng 40-60cm ở hai bên đường đi bị đốn hạ.

Cây rừng bị đốn hạ nằm la liệt giữa rừng tự nhiên. Ảnh: HT

Tiếp tục đi theo đường mòn, chúng tôi tìm được vị trí phá rừng nghiêm trọng kéo dài từ tọa độ E00562498 N01838018 đến E00562756 N01837673.

Ở đây, rừng tự nhiên 2 bên đường bị đốn hạ la liệt, có nơi, những thân cây có đường kính từ khoảng 50cm đến 80cm bị cắt phần gốc, cưa xẻ.

Có nơi, cây lớn, cây bé bị đốn hạ còn nguyên trạng nằm xếp chồng lên nhau. Giữa trưa nắng, lội dọc hết các khoảnh rừng để bấm tọa độ từng vị trí, chúng tôi xót xa ghi nhận có hơn 10ha rừng tự nhiên bị đốn hạ trắng.

Nắm thông tin vụ phá rừng… trên báo

Từ các tọa độ ghi nhận được, chúng tôi xác định hiện trường vụ phá rừng nằm trong tiểu khu 699 và 708. Cơ quan chức năng đầu tiên mà chúng tôi đến làm việc, là UBND xã Đakrông.

Ông Hồ Thanh – Chủ tịch UBND xã Đakrông cho hay, người đồng bào thiểu số ở thôn Làng Cát là đồng bào thiểu số, sống bằng nghề nông, nên đã phá rừng để làm rẫy.

Tôi đặt câu hỏi, ở hiện trường, các cây gỗ lớn phần lớn đã bị cưa xẻ, vận chuyển đi hết, vậy mục đích phá rừng có phải lấy đất làm rẫy?

Ông Hồ Thanh trả lời rằng, xã có phối hợp với kiểm lâm, bắt một số vụ vận chuyển gỗ lậu từ khu vực phá rừng ra, nhưng gỗ dùng để làm nhà?

Còn tại Hạt Kiểm lâm huyện Đakrông, ông Trần Đại Đức – Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện nói rằng, vụ phá rừng được phát hiện bắt đầu từ ngày 5.4, đến ngày 12.4 thì thống kê cơ bản các diện tích rừng bị phá. Nhưng ông Đức xin phép không cung cấp diện tích rừng bị phá, vì hiện đang điều tra.

Rừng tự nhiên bị đốn hạ trắng. Ảnh: HT

Tìm hiểu ở UBND huyện Đakrông, chúng tôi thu thập được nguồn tin, rừng bị phá ở tiểu khu 699 và 708, 100% rừng tự nhiên phục hồi, trong đó 1 phần thuộc quản lý của xã Đakrông, 1 phần thuộc quản lý của các hộ dân bản Làng Cát và 1 phần thuộc quản lý của cộng đồng bản Pa Tầng (xã Đakrông) với tổng diện tích bị xâm hại 26ha, trong đó 18ha bị phá trắng.

Khi phát hiện vụ phá rừng, kiểm lâm đã báo cáo với các đơn vị liên quan, phối hợp với chính quyền xã, lực lượng công an và ban quản lý rừng cộng đồng ở thôn Làng Cát đến hiện trường để thu thập thông tin, tiến hành điều tra vì có dấu hiệu hình sự.

Khi những thông tin nói trên xuất hiện trên mặt báo, UBND tỉnh Quảng Trị ra văn bản hỏa tốc, đề nghị UBND huyện Đakrông xác minh các thông tin báo nêu, và đặt câu hỏi: Tại sao vụ phá rừng nghiêm trọng, được phát hiện từ đầu tháng 4.2022 nhưng UBND tỉnh Quảng Trị không được báo cáo.

Tiếp đó, Bộ NNPTNT cũng ra văn bản, đề nghị xác minh, xử lý nghiêm vụ phá rừng mà Báo Lao Động đã phản ánh.

Cơ quan chức năng thành lập đoàn kiểm tra vụ phá rừng sau phản ánh của Báo Lao Động. Ảnh: HT

Được biết, sau khi báo nêu và UBND tỉnh Quảng Trị có chỉ đạo, lực lượng công an, kiểm lâm, viện kiểm sát đã phối hợp vào cuộc điều tra.

Bước đầu, có 7 đối tượng đã khai nhận việc phá một số diện tích rừng. Cơ quan chức năng cũng đã lập 1 chốt kiểm soát trên tuyến đường dẫn vào hiện trường vụ phá rừng.

Đồng thời, UBND tỉnh Quảng Trị đề nghị các đơn vị tăng cường công tác bảo vệ rừng, điều tra, xác minh làm rõ hành vi, đối tượng vi phạm và các tổ chức, cá nhân có liên quan để xảy ra tình trạng phá rừng để xử lý nghiêm.

Nguồn: Báo Lao Động

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Ngày 13/1/2025, tại Thủ đô Hà Nội, Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức hội nghị toàn quốc về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Hội nghị nhằm đánh giá tình hình thực hiện các nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về phát triển khoa học, công nghệ; quán triệt, triển khai Nghị quyết số 57-NQ/TW, ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, tạo sự chuyển biến mang tính đột phá về nhận thức và tổ chức thực hiện, góp phần đưa đất nước phát triển giàu mạnh, hùng cường trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Tổng Bí thư Tô Lâm dự và phát biểu tại hội nghị. Tạp chí Người Làm Báo trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu:
Trong kỷ nguyên số, chuyển đổi nội dung số các tạp chí của Việt Nam có vai trò quan trọng trong tuyên truyền, phổ biến, giáo dục quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thành tựu của đất nước; đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; phổ biến tri thức, góp phần nâng cao dân trí, phát triển văn hóa và con người Việt Nam trên không gian mạng. Đồng thời, góp phần “xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại”(1) theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Ngày 16/12, tại thành phố Cần Thơ, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức hội nghị báo chí toàn quốc tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025.
Tạp chí Người Làm Báo trân trọng giới thiệu bài viết của đồng chí Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về xây dựng hệ thống chính trị với tiêu đề : "Tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả".
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top