Kết nối tạp chí:
  • facebook
  • Tiwer
  • Youtube
  • Google

Hải Phòng: Tích cực vận động người dân hạn chế rút bảo hiểm xã hội một lần

Hoàn cảnh khó khăn, nhận thức chưa đầy đủ về chính sách Bảo hiểm Xã hội (BHXH)… là những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng người lao động (NLĐ) rút BHXH một lần ồ ạt tại Hải Phòng từ đầu năm 2023 đến nay.

Tư vấn về chính sách bảo hiểm xã hội cho người lao động tại bộ phận một cửa của Ủy ban nhân dân quận Hồng Bàng, thành phố Hải Phòng.

Nhằm hạn chế, kéo giảm tình trạng rút bảo hiểm xã hội một lần, Bảo hiểm xã hội thành phố Hải Phòng triển khai nhiều giải pháp tích cực trong nỗ lực tiến tới mục tiêu mọi người đều có bảo hiểm xã hội và xây dựng nền an sinh vững bền.

Tuy chưa phải “điểm nóng” về tình trạng rút bảo hiểm xã hội một lần, nhưng trong 9 tháng qua, toàn thành phố Hải Phòng có hơn 15 nghìn trường hợp rút bảo hiểm xã hội một lần, tăng so với cùng kỳ và bằng số người nhận bảo hiểm xã hội một lần của cả năm 2022. Theo Bảo hiểm xã hội Hải Phòng, trên địa bàn bình quân số người nhận bảo hiểm xã hội một lần tăng 8,4% qua các năm.

Chị Nguyễn Thị Hải, ở phường Đồng Quốc Bình (quận Ngô Quyền) chia sẻ, chị làm việc ở doanh nghiệp tư nhân và tham gia bảo hiểm xã hội đã hơn bảy năm, do điều kiện gia đình, chị xin nghỉ làm ở doanh nghiệp để ra kinh doanh tại nhà, cho nên rút bảo hiểm xã hội một lần để lấy vốn kinh doanh…

Theo Bảo hiểm xã hội thành phố Hải Phòng, có rất nhiều lý do và nguyên nhân sâu xa mà người lao động có thể không chia sẻ hết khi đến làm thủ tục rút bảo hiểm xã hội một lần. Qua khảo sát thực tế, người lao động khi nộp hồ sơ thanh toán bảo hiểm xã hội một lần đều đưa ra những lý do riêng như: do bị mất việc làm phải đối mặt với khó khăn tài chính trước mắt; để giải quyết khó khăn kinh tế như: trả nợ, mua nhà, lấy vốn đầu tư, kinh doanh, ra nước ngoài lao động, hoặc bị mắc trọng bệnh...

Chị Phạm Thùy Dương, cán bộ bảo hiểm xã hội tại bộ phận một cửa của Ủy ban nhân dân quận Hồng Bàng chia sẻ, phần lớn người lao động xin rút bảo hiểm xã hội một lần là những người trẻ vì họ cho rằng khi thay đổi công việc họ vẫn còn thời gian để tham gia bảo hiểm xã hội ở nơi khác khi kiếm được việc làm mới. Và rất ít người đã “cứng tuổi” rút bảo hiểm xã hội một lần, có lẽ do họ có nhiều kinh nghiệm và cảm nhận được giá trị của tiền lương cùng những ưu đãi về bảo hiểm y tế khi họ không còn sức làm việc hoặc về hưu, không muốn trở thành “gánh nặng” cho con cháu…

Tại Thủy Nguyên, một huyện lớn với 330 nghìn dân, trong 8 tháng năm 2023 có hơn 2.800 người rút bảo hiểm xã hội một lần. Giám đốc Bảo hiểm xã hội huyện Thủy Nguyên Nguyễn Văn Nhiên cho hay, có ngày cao điểm, bảo hiểm xã hội huyện tiếp nhận gần 200 trường hợp xin rút bảo hiểm xã hội một lần, nhất là khoảng thời gian dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều cơ sở sản xuất phải tạm đóng cửa, nhiều người lao động thiếu, nhỡ việc làm. Trong đó có cả lý do tâm lý “đám đông” lan truyền khiến nhiều người dao động và đăng ký rút bảo hiểm xã hội một lần…

Trưởng phòng Chế độ bảo hiểm xã hội thành phố Hải Phòng Phạm Thị Thanh Vân cho biết, bảo hiểm xã hội thành phố triển khai nhiều giải pháp nhằm giảm tình trạng rút bảo hiểm xã hội một lần.

Trong đó, Bảo hiểm xã hội thành phố Hải Phòng tăng cường truyền thông, đối thoại với doanh nghiệp, với người lao động về lợi ích tham gia bảo hiểm xã hội và những thiệt thòi khi rút bảo hiểm xã hội một lần; phân tích giải pháp hiệu quả là hưởng chế độ trợ cấp thất nghiệp để vượt qua khó khăn lúc mất việc; hoặc bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội, để khi có điều kiện thì tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc hoặc tự nguyện (bảo hiểm xã hội tự nguyện vẫn được ngân sách hỗ trợ một phần theo mức đóng)…

Đặc biệt, tại bảo hiểm xã hội các quận, huyện nơi người lao động đến làm thủ tục rút bảo hiểm xã hội một lần, công tác tư vấn, giải thích chế độ, chính sách được quan tâm chú trọng hơn cả.

Tại đây, các cán bộ bảo hiểm xã hội đều nhiệt tình tư vấn cho người lao động về những thiệt thòi khi thanh toán bảo hiểm xã hội một lần đồng nghĩa với việc mất đi cơ hội hưởng lương hưu khi về già và sẽ phụ thuộc nhiều vào con cháu, xã hội; mất đi cơ hội tự chủ, tự quyết về tài chính và cuộc sống của mình. Nhất là khi tuổi cao lại không may mắc bệnh sẽ không có thẻ bảo hiểm y tế và phải đối mặt với nguy cơ không thể chi trả nếu bệnh tình kéo dài…

Nhiều người lao động đến nộp hồ sơ thanh toán bảo hiểm xã hội một lần tại bộ phận một cửa bảo hiểm xã hội các quận, huyện, sau khi được tư vấn đã từ bỏ ý định của mình để cuộc sống bảo đảm an toàn khi về hưu. Thậm chí có người còn tích cực tham gia đóng bảo hiểm xã hội thêm cho người thân trong gia đình hoặc quay trở lại tham gia đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện…

Anh Bùi Văn Cường, sinh năm 1980, ở thôn Tây Trại, xã Trung Hà, huyện Thủy Nguyên đến làm thủ tục rút bảo hiểm xã hội một lần, sau khi được tư vấn, giải thích anh đã dừng việc rút bảo hiểm xã hội một lần. Không những thế, anh Cường còn tiếp tục xin tham gia bảo hiểm xã hội cho vợ là Đỗ Thị Kim Thúy, sinh năm 1981. Tương tự như vậy, anh Vũ Văn Tư, sinh năm 1975, ở xóm 7, thôn Hoàng Pha, xã Hoàng Động cũng từ bỏ ý định rút bảo hiểm xã hội một lần và tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội cho vợ là Vũ Thị Dinh, sinh năm 1979...

Từ thực tiễn cơ sở, bà Phạm Thị Thanh Vân cho biết thêm, thời gian tới, nhà nước cần có những giải pháp tổng thể mang tính vĩ mô để thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, thu hút đầu tư FDI, tạo môi trường và nhiều việc làm tốt, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động.

Bên cạnh đó, nhà nước thực hiện hiệu quả chính sách đào tạo nghề, giới thiệu việc làm cho người lao động; sửa Luật Bảo hiểm xã hội theo hướng mở rộng đối tượng tham gia, quyền lợi hưởng; giảm dần số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu, tạo điều kiện cho người lao động có nhiều cơ hội để hưởng lương hưu khi hết tuổi lao động; xử lý nghiêm tình trạng mua-bán, cầm cố sổ bảo hiểm xã hội, các vi phạm về đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động…

Cùng với đó, các cấp công đoàn, chủ sử dụng lao động cũng cần phối hợp cơ quan bảo hiểm xã hội trong truyền thông rộng rãi về tính ưu việt, lợi ích lâu dài khi tham gia bảo hiểm xã hội; khuyến nghị người lao động nên bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội khi thiếu việc và tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc hoặc tự nguyện để tự bảo đảm cuộc sống và chăm sóc sức khỏe cho bản thân khi hết tuổi lao động, về già.

Bảo My

Tags
Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Ngày 31/5, tại Hà Nội, Hội đồng Giải Báo chí Quốc gia đã khai mạc vòng chấm chung khảo Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XVIII năm 2023.
Đạo đức cách mạng là "gốc" của người cách mạng, những người bằng uy tín của mình được nhân dân tín nhiệm giao trọng trách nắm và giương cao ngọn cờ lãnh đạo cách mạng của dân tộc. Kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại (19/5/1890 - 19/5/2024) là dịp để mỗi cán bộ, đảng viên thêm quyết tâm học tập, tu dưỡng, rèn luyện và thực hành đúng, thực chất đạo đức cách mạng, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, mãi là ngọn cờ lãnh đạo dân tộc trong thời kỳ mới.
Thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa ký ban hành Quy định số 144-QĐ/TW ngày 9/5/2024 của Bộ Chính trị về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới.
Thay mặt Bộ Chính trị, đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương đã ký ban hành Quy định số 142-QĐ/TW ngày 23/4/2024 quy định thí điểm giao quyền, trách nhiệm cho người đứng đầu trong công tác cán bộ.