Hải Phòng: Nỗ lực thu ngân sách nội địa cao, bền vững

Hải Phòng đang nỗ lực trong 3 tháng cuối năm đạt mục tiêu thu nội địa cả năm đạt tổng số thu 45.000 tỷ đồng. Để đạt mục tiêu này, thành phố phải vượt qua nhiều khó khăn nhưng hoàn toàn khả thi với kết quả 9 tháng vừa đạt được.

Các đồng chí lãnh đạo thành phố tham quan khu vực trưng bày sản phẩm của doanh nghiệp FDI

9 tháng năm 2024, số thu ngân sách nội địa của Hải Phòng đạt  38.700 tỷ đồng, bằng 103% dự toán pháp lệnh năm 2024;  86% dự toán HĐND thành phố giao; tăng 77,4% so với cùng kỳ năm 2023. Đây là kết quả rất ấn tượng của Hải Phòng trong bối cảnh tiếp tục có nhiều khó khăn, thách thức, tác động. Tuy nhiên, thành phố đang đặt ra những yêu cầu cao hơn trong công tác thu ngân sách nội địa, bảo đảm hiệu quả nhưng bền vững.

Nhiều chỉ tiêu sắc thuế đạt cao, ấn tượng

Cục trưởng Cục Thuế Hải Phòng Nguyễn Tiến Trường cho biết, với kết quả thu ngân sách nội địa 9 tháng năm 2024, đạt 103% dự toán của Hải Phòng cao hơn mức bình quân chung toàn quốc (82 %); Hà Nội đạt 89,6%; Thành phố Hồ Chí Minh đạt 73,9%; Cần Thơ đạt 66,1%... Đáng chú ý, tốc độ tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2023 của Hải Phòng đạt 77,4% cũng cao hơn so với mức bình quân chung toàn quốc và một số địa phương (toàn quốc tăng 16%; Hà Nội tăng 16,6%; Đà Nẵng tăng 33,3%; Thành phố Hồ Chí Minh tăng 11,8%; Cần Thơ tăng 8,9%).

Cũng rất đáng mừng khi có 16/18 chỉ tiêu đạt tốc độ thu bình quân năm 75% trở lên so với dự toán trung ương giao là: khu vực doanh nghiệp nhà nước địa phương đạt 77,5%; khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 77,8%,; khu vực doanh nghiệp ngoài quốc doanh đạt 85,7%; thuế thu nhập cá nhân đạt 89,4%; thuế bảo vệ môi trường đạt 101,3%; lệ phí trước bạ đạt 91,1%; phí, lệ phí đạt 88,1%; thuế sử dụng đất phi nông nghiệp đạt 103,5%; tiền cho thuê đất đạt 458,1%; thu tiền sử dụng đất đạt 100,2%; thu tiền bán nhà thuộc sở hữu nhà nước đạt 1.259,9%; thu từ hoạt động xổ số đạt 106%; thu tiền sử dụng khu vực biển đạt 252,8%; thu hồi vốn và lợi nhuận đạt 97,7%; thu khác ngân sách đạt 274,2%; thu quỹ đất công ích đạt 136,4%.

So với dự toán HĐND giao có 12/18 chỉ tiêu đạt tốc độ thu bình quân năm 75% trở lên là thu từ doanh nghiệp ngoài quốc doanh; thuế thu nhập cá nhân; thuế bảo vệ môi trường; phí, lệ phí; thuế sử dụng đất phi nông nghiệp; tiền cho thuê đất; thu tiền sử dụng đất; thu tiền bán nhà; thu từ hoạt động xổ số; thu tiền sử dụng khu vực biển; thu hồi vốn và lợi nhuận; thu khác ngân sách; thu quỹ đất công ích…

Lãnh đạo Cục Thuế Hải Phòng nhận định, trong bối cảnh nguồn thu bị tác động bởi nhiều biến động của thị trường trong nước và thế giới, đặc biệt việc Chính phủ áp dụng giảm 2% thuế giá trị gia tăng thì kết quả đạt được như trên của Hải Phòng là khá khả quan, đáng ghi nhận. Nhiều quận, huyện có số thu khá cao, vượt mức kế hoạch như Kiến An đạt 146%; Dương Kinh đạt 135%; An Lão đạt 135%; Cát Hải đạt 126%; Lê Chân đạt 121%; Kiến Thụy đạt 115%; Vĩnh Bảo đạt 93%; Tiên Lãng đạt 81%.

Hướng tới mục tiêu thu bền vững

Mặc dù đạt số thu cao nhưng  thành phố chưa thực sự yên tâm, bởi trong cơ cấu thu, các khoản thu từ đất vẫn chiếm tỷ lệ lớn.

Cụ thể, 9 tháng năm 2024, các khoản thu từ nhà, đất đạt 17.698 tỷ đồng, bằng 133,5% dự toán pháp lệnh; 97% dự toán HĐND thành phố; gấp gần 6 lần so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó chủ yếu là thu tiền sử dụng đất đạt gần 12.000 tỷ đồng, gấp 5,6 lần so với cùng kỳ năm 2023. Như vậy, số thu từ đất đang chiếm khoảng gần 45% số thu chung. Vì thế, lãng đạo thành phố  yêu cầu ngành thuế và các địa phương hướng tới mục tiêu thu bền vững, giảm dần sự phụ thuộc vào số thu tiền đất.

Bên cạnh đó, còn một số khoản thu, sắc thuế chưa đạt yêu cầu. Lãnh đạo Cục Thuế Hải Phòng cho biết, có 2/18 chỉ tiêu chưa đạt tốc độ thu bình quân (dưới 75%) là khu vực doanh nghiệp trung uong đạt 56,9%; thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản đạt 73%. 

Ngoài ra, có 6/18 chỉ tiêu chưa đạt tốc độ thu bình quân (dưới 75%) so với dự toán HĐND thành phố giao là khu vực doanh nghiệp trung ương đạt 53,3%; khu vực  doanh nghiệp nhà nước địa phương đạt 62,9%; khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 74,7%; lệ phí trước bạ đạt 68,3%; thu tiền bán nhà thuộc sở hữu nhà nước đạt 28% do có 414 tỷ đồng tiền bán nhà đang hạch toán vào mục thu khác ngân sách; thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản đạt 68,9%.

Dây chuyền sản xuất của Công ty CP Bia Hà Nội - Hải Phòng

Đáng chú ý, số thu từ khu vực doanh nghiệp trung ương luỹ kế 9 tháng ước thu 1.036,5 tỷ đồng, số tuyệt đối giảm 86,5 tỷ đồng, chủ yếu do ảnh hưởng lớn bởi chính sách giảm 2% thuế GTGT quy định tại Nghị định số 94/2023/NĐ-CP ngày 28/12/2023 và Nghị định số 72/2024/NĐ-CP ngày 30/6/2024 của Chính phủ và một số khoản đột biến năm trước có nhưng năm nay không còn.

Một số doanh nghiệp giảm lớn như: Công ty cổ phần Nhiệt điện Hải Phòng giảm khoảng 102 tỷ đồng so với cùng kỳ do ảnh hưởng của chính sách giảm thuế GTGT do thuế GTGT đầu ra được giảm trong khi thuế GTGT đầu vào mặt hàng than, dầu không được giảm; Công ty cổ phần vận tải xăng dầu VIPCO giảm 73,5 tỷ đồng, trong đó thuế GTGT giảm 29 tỷ đồng và thuế TNDN giảm 44,5 tỷ đồng do năm trước có hoạt động thanh lý tàu nhưng năm nay không còn…

Cục Thuế Hải Phòng đánh giá, nguồn thu những tháng cuối năm năm 2024 sẽ không còn có những khoản thu lớn như những tháng cuối năm 2023, cộng với ảnh hưởng thiệt hại nặng nề của người nộp thuế sau cơn bão số 3 trong tháng 9/2024 nên nhiệm vụ thu 3 tháng cuối năm khá nặng nề, đòi hỏi các biện pháp quyết liệt, hiệu quả.

Theo đó, ngoài sự nỗ lực chung của toàn ngành thuế, Cục Thuế Hải Phòng đề nghị UBND thành phố tiếp tục theo dõi, chỉ đạo các sở, ban, ngành rà soát, yêu cầu các công ty, tập đoàn không có trụ sở ở Hải Phòng khi thực hiện các dự án tại Hải Phòng (đặc biệt là các dự án lớn, trọng điểm) bao gồm cả dự án bất động sản và dự án sản xuất kinh doanh phải thành lập pháp nhân mới (công ty hoặc chi nhánh kê khai, hạch toán độc lập tại Hải Phòng) nhằm tăng thu ngân sách.

Đối với công tác quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử, Cục Thuế đề nghị UBND thành phố quan tâm chỉ đạo về việc phối hợp giữa các sở, ngành trong công tác quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số; chỉ đạo ngân hàng nhà nước Viêt Nam chi nhánh Hải Phòng chỉ đạo các ngân hàng thương mại trong cung cấp thông tin liên quan đến các giao dịch thương mại điện tử.

Cục Thuế đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài chính cùng các sở, ngành có liên quan tham mưu, báo cáo UBND thành phố sớm ban hành quyết định điều chỉnh bảng giá đất và có hướng dẫn, chỉ đạo việc áp dụng các văn bản quy phạm pháp luật để từ đó cơ quan thuế kịp thời tính nghĩa vụ tài chính về đất đai đối với các hồ sơ phát sinh từ ngày 1/8/2024 (thời điểm Luật Đất đai số 31/2024/QH15 của Quốc hội ban hành có hiệu lực).

Đồng thời, đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường tăng cường phối hợp với Cục Thuế, trao đổi thông tin về cấp phép hoạt động khai thác khoáng sản để Cục Thuế có cơ sở cập nhật vào ứng dụng bản đồ số mỏ khoáng sản nhằm tăng cường công tác quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh tài nguyên, khoáng sản; đẩy mạnh áp dụng công nghệ thông tin trong giải quyết các thủ tục hành chính về đất đai, cụ thể là trao đổi thông tin, luân chuyển các hồ sơ liên quan đến xác định nghĩa vụ tài chính về đất giữa Văn phòng đăng ký đất đai (Sở Tài nguyên và Môi trường) và cơ quan thuế bằng phương thức điện tử.

Cục Thuế thành phố ước thu nội địa năm 2024 đạt khoảng 47.100 tỷ đồng, bằng 125,3% dự toán trung ương giao,  104,7% dự toán HĐND thành phố giao, 108,3% so cùng kỳ. Nếu đạt số thu này thì Hải Phòng tiếp tục vươn tới đỉnh cao trong công tác thu ngân sách nội địa, vượt mức kế hoạch hơn 2000 tỷ đồng. Tuy nhiên, hướng tới mục tiêu thu bền vững mới là đích đến của Hải Phòng và đã tới lúc Hải Phòng cần tăng thu từ các khu vực kinh tế, giảm dần sự phụ thuộc vào số thu tiền đất để nguồn thu ngân sách nội địa thực sự có ý nghĩa, đáp ứng yêu cầu phát triển bứt phá của thành phố.

Trọng Hồng

 

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Tạp chí Người Làm Báo trân trọng giới thiệu bài viết của đồng chí Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về xây dựng hệ thống chính trị với tiêu đề : "Tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả".
Đó là nhấn mạnh của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm trong phát biểu tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
Ngày 21/9, diễn đàn Tổng Biên tập năm 2024 với chủ đề “Báo chí giải pháp, hướng đi cho báo chí truyền thống” đã diễn tại tỉnh Bình Thuận. Diễn đàn do Báo Nhà báo và Công luận, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với tỉnh Bình Thuận tổ chức, thu hút sự tham gia hơn 100 đại biểu là lãnh đạo các cơ quan báo chí, các cơ quan quản lý báo chí trên cả nước.
Với tinh thần "Lá lành đùm lá rách", ngày 10/9, Hội Nhà báo Việt Nam ban hành công văn số 457/CV-HNBVN về việc hưởng ứng lời kêu gọi của đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khắc phục thiệt hại do cơn bão số 3.
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top