Giữ uy tín nghề báo trong xã hội
17:28 07/09/2022
- Báo chí & Công chúng

Hiểu đúng về uy tín của nghề báo
Trước hết, cần khẳng định rằng, phần lớn các cơ quan báo chí, người làm báo luôn giữ được chữ“tín” với công chúng. Thời gian qua, những đóng góp to lớn của báo chí trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và góp phần thúc đẩy xã hội phát triển văn minh, tiến bộ là không thể phủ nhận. Phần đông người làm báo vẫn tâm huyết nuôi dưỡng, duy trì “lửa nghề” theo đúng tinh thần “phụng công, thủ pháp”, không thiên lệch, không “bẻ cong” ngòi bút vì mục đích, lợi ích cá nhân. Đặc biệt, trong đợt cao điểm dịch COVID -19, đội ngũ cán bộ, phóng viên báo chí luôn thể hiện rõ bản lĩnh nhà báo - chiến sĩ, xông pha tác nghiệp ở những nơi khó khăn, gian khổ và nguy cơ lây nhiễm rất cao, góp phần cổ vũ, động viên các lực lượng làm nhiệm vụ nơi tuyến đầu chống dịch.
Ngoài ra, báo chí còn phát hiện, tuyên truyền, cổ vũ những tấm gương cao cả, những việc làm tình nghĩa, góp phần nhân lên những cái tốt, cái đẹp, cái hay trong cộng đồng; tích cực tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Những việc làm đó được Đảng, Nhà nước ghi nhận, nhân dân đánh giá cao. Đó cũng là “nét son” làm nên uy tín của báo giới nước nhà.
Đã có rất nhiều nhà báo viết về những mặt tích cực và tiêu cực của đời sống xã hội. Và, thực tế cũng cho thấy những bài báo hay, có giá trị, đều là sản phẩm của những nhà báo đã từng lăn lộn với thực tiễn cuộc sống, không sợ gian khổ, hy sinh và có trách nhiệm với bài viết của mình. Sự hời hợt và thói vô trách nhiệm không thể tạo ra được những tác phẩm báo chí có giá trị. Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay, khi mà đồng tiền có thể đánh gục những ngòi bút thiếu bản lĩnh, khi mà nhiều nhà báo bị kỷ luật, tước thẻ vì vi phạm đạo đức nghề nghiệp, thì chữ “tín” được đặt ra cấp thiết hơn bao giờ hết. Có giữ được chữ “tín” với nghề, nhà báo mới tạo được được niềm tin với công chúng và góp phần dẫn dắt dư luận xã hội theo hướng tiến bộ, văn minh.
Gìn giữ và nâng cao chữ tín
Thời đại bùng nổ thông tin do tác động của cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 đã giúp công chúng có thể tiếp cận nhiều kênh, nhiều luồng thông tin khác nhau. Nhưng cũng ngay lúc này, nhiệm vụ của báo chí không những không nhẹ nhàng đi, mà thậm chí còn nặng nề hơn. Điều đó đồng nghĩa rằng, xã hội càng phát triển thì vai trò xã hội của báo chí cũng càng phong phú, đa dạng. Bởi báo chí chính là yếu tố kích thích, thúc đẩy xã hội phát triển, và ngược lại, xã hội phát triển, sẽ lại đặt ra cho báo chí những yêu cầu và nhiệm vụ tương ứng.
Để làm tốt vai trò, trách nhiệm của mình, báo chí và người làm báo cần nâng cao nhận thức chính trị, trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân, đồng thời nhanh chóng đổi mới nhiệm vụ để thông tin không chỉ đúng mà còn hay, sinh động, hấp dẫn. Nếu nhà báo không ý thức đầy đủ trách nhiệm trong việc sử dụng ngòi bút thì báo chí sẽ trở thành “con dao nhọn” đối với xã hội và đối với bản thân: “Người làm báo, muốn đạt thiên chức của mình, trước hết phải biết nói sự thật, dám nói sự thật... Tờ báo, nếu người làm báo biết sử dụng nó đúng mức thì đó là một lợi khí cải tạo xã hội có sức mạnh vạn năng. Người không biết dùng nó thì đó là con dao nhọn đâm ngay chính mình trước nhất” [1, tr.55]. Phản ánh chân thực, khách quan hiện thực là thiên chức, là đạo đức nghề nghiệp, là phẩm giá của nhà báo.
Nick Davies - phóng viên báo Guardian, tác giả cuốn Tin tức Trái đất phẳng (2011) - đã viết những dòng tâm huyết: “Đối với nhà báo, giá trị định nghĩa là tính trung thực - nỗ lực kể sự thật. Đó là mục tiêu hàng đầu của chúng ta. Tất cả việc làm của chúng ta - và tất cả những gì nói về chúng ta - đều phải xuất phát từ nguồn duy nhất là nói sự thật” [2, tr. 24,25]. Đánh mất sự ngay thẳng và trung tín là tự sát trong nghề báo. Cùng đưa tin về một sự việc, nhưng nhà báo có đạo đức nghề nghiệp sẽ đặt lợi ích của số đông, của công chúng, nhân dân lên trên, còn nhà báo thiếu đạo đức nghề nghiệp sẽ đánh mất sự chân thực của thông tin vì những vụ lợi cá nhân. Nhà báo lão thành Phan Quang cho rằng: “Trong bất kỳ trường hợp nào, nhà báo cũng phải tác nghiệp “sạch sẽ”, phải đàng hoàng trung thực khi hành nghề”.
Theo ông, “Trung thực không chỉ là phẩm chất quan trọng của nhà báo mà còn là đạo lý làm người. Nghề báo, một nghề đòi hỏi sự trung thực và tôn trọng sự thật. Tính quá đà, “tô hồng và bôi đen” trong báo chí là điều hết sức nguy hiểm và tối kỵ với nghề báo.[3] Thực tiễn đời sống báo chí thế giới và báo chí Việt Nam cho thấy, vị thế, thương hiệu của một cơ quan báo chí bao giờ cũng được xác lập, hình thành và xây dựng bởi đội ngũ những nhà báo có uy tín, những cây bút tên tuổi. Tạo dựng được uy tín đối với công chúng vốn đã khó, nhưng giữ được uy tín trong lòng công chúng càng không phải là chuyện dễ dàng.
Có những cây bút từng tạo ra “bút lực” hấp dẫn khiến đồng nghiệp và công chúng mến mộ, nhưng do bị cám dỗ, mua chuộc nên đã tự biến mình thành kẻ “thân bại danh liệt”. Một số tờ báo từng có năm tháng “nổi đình nổi đám” trên trường báo chí, nhưng do bị cuốn theo “cơn lốc” thương mại hóa, chạy theo thị hiếu tầm thường của một bộ phận độc giả mà tự làm mờ dần “tên tuổi” của chính mình trong lòng bạn đọc. Như vậy mới nói, báo chí tồn tại nhờ niềm tin xã hội. Giá trị của báo chí không ở đâu xa, mà chính là những thông tin khách quan, trung thực, bổ ích mà báo chí mang lại cho công chúng và xã hội. Mạng xã hội, dù có một số thông tin của cá nhân đưa ra nhanh nhạy đến mấy, nhưng cũng không thể và không bao giờ thay thế được sứ mệnh của báo chí, vì tính chính xác, nhân văn mới là giá trị cốt lõi và là lý do tồn tại của báo chí.
Đã đến lúc, đội ngũ những người làm báo phải có những hành động, việc làm thiết thực để củng cố, tăng cường niềm tin của xã hội vào báo giới, nỗ lực “lấy lại thương hiệu cho những người làm nghề báo”. Hơn bao giờ hết, ngoài việc nâng cao, trau dồi năng lực chuyên môn, nhà báo còn phải rèn giũa bản thân, giữ vững đạo đức nghề nghiệp. Đó là một trong những điều kiện tiên quyết, đảm bảo xây dựng được uy tín của nghề báo trong xã hội. Làm tốt nghề đã khó, giữ uy tín còn khó gấp vạn lần. Công cuộc xây dựng lại niềm tin không diễn ra trong một sớm một chiều, đó là quá trình tạo dựng lâu dài. Trong đó, mỗi nhà báo phải nêu cao tinh thần tự trọng nghề nghiệp, chuẩn mực trong tác nghiệp, cẩn trọng trong mỗi tin, bài, cháy bỏng ngọn lửa yêu nghề... Đó chính là những sợi chỉ đỏ xuyên suốt cả cuộc đời làm báo. Như nhà báo Hà Đăng đã từng chia sẻ trong một lần trả lời phỏng vấn, khi phóng viên hỏi: “Ông đánh giá thế nào về lớp nhà báo trẻ hiện nay và có lời khuyên gì với họ?”, ông nói: “Khuyên thì không dám, nhưng tôi mong các bạn trẻ đừng có tự ti, cũng đừng có được vài bài báo hay đã cho rằng cái gì mình cũng hiểu, coi thường thiên hạ và đồng nghiệp. Đừng mắc bệnh “ngôi sao”. Hãy rèn luyện và rèn luyện nhiều nữa đi” [4].
Đối với người làm báo, giữ được chữ “tín” với công chúng là cơ sở bảo đảm cho ngòi bút của mình trở nên có “uy lực” trong xã hội. Vì thế, mỗi nhà báo chú trọng chăm lo tạo dựng uy tín tốt đẹp, bền vững cho mình là cách góp phần bồi đắp, tăng cường uy tín cho cơ quan báo chí. Khi tất cả các cơ quan báo chí cùng chung tay góp sức xây dựng uy tín nghề nghiệp, sẽ góp phần thiết thực giữ gìn, nâng cao uy tín cho nền báo chí cách mạng Việt Nam.
Đặng Thị thúy Nga
Tài liệu tham khảo:
1. Trần Hữu Quang (2009), Làm báo là một nghề hay một sứ mệnh, In trong Nhà báo viết về nghề báo, Nxb. Trẻ.
2. Nick Davies (2011), Tin tức Trái đất phẳng, Nxb. Dân Trí.
3. Hữu Nguyên (12/8/2010), Bảo vệ nhà báo vì lợi ích xã hội, daidoanket.vn.
4. Hà Đăng, Ngày xuân nghĩ về nghề báo, Tạp chí Người Làm báo, số T1-2/2016.
Bình luận: 0
Tin tức liên quan
- Câu chuyện về hành trình theo đuổi đam mê của các gương mặt trẻ tại giải thưởng “Bền đam mê” (09:43 02/04/2025)
- Hoa hậu môi trường thế giới Nguyễn Thanh Hà: Lan tỏa thông điệp xanh tại sự kiện “Triệu cây xanh vì môi trường quốc gia” (07:55 23/03/2025)
- Ra mắt cuốn sách kể chuyện lịch sử Hà Nội qua những công trình kiến trúc (05:54 06/12/2024)
- Tình trạng "báo hóa" trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội đã giảm đáng kể (04:45 29/11/2024)
- Hoa hậu Môi trường thế giới năm 2023 Nguyễn Thanh Hà: Môi trường chỉ có thể tốt hơn nếu lối sống của chúng ta thay đổi (08:18 09/11/2024)