Kết nối tạp chí:
  • facebook
  • Tiwer
  • Youtube
  • Google

Giải mã hiện tượng tin đồn và tính chân thực của báo chí trong môi trường truyền thông hiện nay

Trong xã hội hiện đại, khi mà đám đông luôn có một sức mạnh vô hình lẫn hữu hình, nhà báo cần phải ứng xử như thế nào? Sự tỉnh táo của nhà báo và nguyên tắc tối thượng về tính chân thật của báo chí luôn phải đặt ở vị trí quan trọng nhất trong môi trường truyền thông hiện nay.

Quy trình từ người phát tin đồn đến dư luận xã hội

Tin đồn – “quả bom” công phá

Trong Từ điển Tiếng Việt, “tin đồn” là tin được truyền miệng cho nhau một cách không chính thức, không rõ nguồn gốc và không đảm bảo tính chính xác. Tuy nhiên, theo hai nhà tâm lý học người Mỹ Gordon Allport và Postman, tin đồn là sự khẳng định về một chủ thể được quan tâm mà không có đủ bằng chứng đáng tin cậy được đưa ra. Trong đó, tin đồn thông thường có một phần được cho là sự thật. Như vậy, tin đồn vẫn là khái niệm còn khá mơ hồ, chưa được “định danh” một cách cụ thể trong khoa học xã hội.

Trong thực tế, hầu hết các lý thuyết nghiên cứu về nó đều khẳng định, tin đồn xuất phát từ (hoặc liên quan đến) một số công bố có tính xác thực, song ít được xác nhận cụ thể. Nếu nhìn từ giác độ truyền thông, tin đồn là một sản phẩm thông tin mang đặc tính tâm lý xã hội, nó phụ thuộc khá nhiều vào trạng thái tâm lý tiếp nhận của công chúng và chủ thể truyền thông. Và khi con người bị rơi vào trạng thái hoảng loạn, hoài nghi, thậm chí thiếu thông tin, xã hội sẽ nảy sinh tin đồn.

Đặc biệt, với sự phát triển mạnh mẽ của truyền thông xã hội, tốc độ lan truyền của tin đồn luôn tỷ lệ thuận với tầm quan trọng và sự mập mờ của nó. Hay nói cách khác, vấn đề mà tin đồn đề cập càng quan trọng, hấp dẫn với công chúng và mơ hồ bao nhiêu thì xuất hiện nhiều tin đồn bấy nhiêu.

Trong đời sống truyền thông, tin đồn là “sản phẩm truyền thông” chứa đựng nhiều yếu tố nhiễu trong quá trình truyền thông, bởi nó chịu sự tác động của nhiều yếu tố như: trình độ, nhận thức, sở thích, thói quen, hoàn cảnh của người truyền tin và đối tượng tiếp nhận thông tin. Do đó, mỗi lần tin đồn được truyền đi, nó lại được thêm hoặc bớt những tình tiết theo hoàn cảnh hoặc đối tượng tiếp nhận. Vì vậy, nguy cơ sai lệch thông tin trong tin đồn là vô cùng lớn, dẫn đến  hậu quả khó lường, thậm chí mất kiểm soát thông tin.

Điều nguy hại hơn, khi tin đồn được “chính thống hóa” trên báo chí, với sức mạnh vô biên của các phương tiện truyền thông đại chúng, nó trở thành “quả bom” có sức công phá khủng khiếp. Bởi tin đồn là những vấn đề được nhiều người quan tâm, và đặc biệt nguy hiểm khi nó biến thành dư luận xã hội. Trong thực tế, bản chất của tin đồn không phải là cơ sở để công chúng tin tưởng hoặc bị ảnh hưởng…

Do đó, vấn đề then chốt là giải quyết tốt mối quan hệ giữa chủ thể truyền thông và tin đồn. Khi các phương tiện truyền thông trở thành “vật dẫn” đưa tin từ không thành có, từ tin đồn biến thành dư luận xã hội, thì trách nhiệm xã hội của nhà báo cần phải được nhìn nhận một cách nghiêm túc và thẳng thắn hơn.

Tin đồn có sức mạnh vô biên. Ảnh minh họa

Khủng hoảng niềm tin – hậu quả của việc “chính thống hóa” tin đồn

Thời gian qua, vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm xuất hiện tràn lan trên các trang báo mạng ở nước ta, khiến công chúng tỏ ra hoang mang, không phân biệt được thật hư. Một ví dụ gây hậu quả khá nghiêm trọng, vào đầu năm 2013, nhiều cư dân mạng đã lan truyền các thông tin vô căn cứ về gạo giả, trong sữa – trứng – bánh yoyo có đỉa, mì ăn liền xuất hiện sinh vật lạ…

Cụ thể, ngày 16/08/2013, hàng trăm người dân hiếu kỳ đổ về nhà bà N.T.X. (Hà Tĩnh) để chứng kiến “sinh vật lạ” ngoe nguẩy, co giãn như con đỉa trong tô mì tôm. Ngay sau đó, nhiều trang mạng liên tiếp đưa tin dồn dập, phản ánh việc một “sinh vật lạ” xuất hiện trong tô mì tôm. Sau khi thông tin đó được lan nhanh trên các trang mạng đã khiến người tiêu dùng sợ mì tôm, thậm chí có người còn bài xích loại “thực phẩm bẩn” này. Ngày 10/09/2013, Báo Công An TP.HCM đưa tin, Viện Kiểm nghiệm an toàn thực phẩm quốc gia đã chính thức kết luận “không phát hiện sinh vật lạ trong mì tôm “ba miền” và sản phẩm này đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm theo quy định của Bộ Y tế”.

Tại Mỹ, ngày 15/04/2013, gần địa điểm tổ chức cuộc thi marathon ở Boston đã xảy ra hai vụ nổ bom khiến 3 người thiệt mạng, hơn 200 người bị thương. Cảnh sát Boston, Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI), Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) đã phải vào cuộc. Trong thời gian thành phố Boston bị phong tỏa vào ban đêm, các cư dân mạng đã triển khai một cuộc truy bắt nghi phạm còn lại thông qua mạng Internet. Những tin đồn liên quan đến vụ nổ bom đã nhanh chóng được phát tán trên các mạng xã hội và diễn đàn như Twitter, Facebook… khiến nhiều hãng truyền thông lớn của Mỹ đã “chạy đua” với những tin đồn thất thiệt đó làm “vật dẫn” truyền tải thông tin một cách nhanh chóng và rộng rãi, gây rúng động xã hội Mỹ.

Trước những bê bối truyền thông đó, chuyên gia báo chí và mạng xã hội thuộc Học viện Báo chí BBC Mark Blank-Settle chia sẻ: “Trong những ngày này, Twitter bộc lộ cả mặt tốt nhất và cả xấu nhất của nó: tốc độ lan truyền thông tin nhanh chóng, nhưng thường sai sự thật và một số trường hợp còn được phát tán do cố tình”. Liên quan đến vụ đánh bom ở Boston, Tờ New York Post đưa tin một nghi phạm quốc tịch Arab Saudi tham gia vào vụ đánh bom đã bị khống chế trong một bệnh viện ở Boston. Và, theo tin của Hãng Fox News, nghi phạm này bị bỏng nặng.

Tuy nhiên ngay sau đó, FBI tuyên bố, người đàn ông mang quốc tịch Arab Saudi được nhắc đến trong bản tin của Fox News là đối tượng được cơ quan cảnh sát xét hỏi bình thường, chưa thể khẳng định là nghi phạm… Vụ đánh bom ở Boston đã dẫn đến cuộc khủng hoảng lớn về lòng tin của công chúng Mỹ đối với các phương tiện truyền thông nước này.

Khủng hoảng niềm tin của độc giả từ những tin đồn xấu. Ảnh minh họa

Bàn về tính chân thực của báo chí

Nhà nghiên cứu báo chí Melvin Mencher – tác giả của cuốn News reporting and writing cho rằng, nếu khái quát nội dung công việc của các phóng viên mà chúng ta quan sát được, có thể rút ra như sau: “Để đưa tin một cách chính xác, nhà báo có thể sử dụng các phương pháp: Quan sát trực tiếp và sử dụng nguồn tin của những nhân vật quyền uy, đáng tin cậy và nguồn tin từ những sự kiện có liên quan.

Tuy nhiên, để cung cấp cho công chúng những bài viết chân thực, tin cậy, nhà báo buộc phải tuân thủ một số nguyên tắc về tính chân thực, cụ thể: Tính chân thực là chuẩn tắc tối cao trong làm báo; yêu cầu cuối cùng trong làm báo; giá trị, lý do và ý nghĩa cơ bản để báo chí có thể tồn tại; mục tiêu cuối cùng mà những người làm báo theo đuổi trong quá trình tác nghiệp”. Vậy, thế nào là tính chân thực của báo chí?

Với tư cách là công cụ để phản ánh sự thật khách quan, các bài viết, bản tin trên báo chí thường bị bóp méo, mất đi sự chân thực trong quá trình kiểm chứng và sàng lọc. Do vậy, sự thật là cội nguồn của báo chí. Báo chí lấy sự thật làm tiền đề để tồn tại! Sứ mệnh cơ bản của báo chí là giúp công chúng tìm hiểu trạng thái biến động chân thực của môi trường khách quan, chính vì vậy, báo chí buộc phải phản ánh một cách chân thực các vấn đề khách quan, không đưa tin sai sự thật.

Nếu báo chí không thể bảo đảm tính chân thực, ắt sẽ làm mất giá trị cơ bản của báo chí trong quá trình truyền thông, làm mất đi trách nhiệm nghề nghiệp cơ bản mà nó phải gánh vác. Chính vì vậy, từ trước tới nay, giới báo chí luôn cho rằng, tính chân thực là nguyên tắc tối thượng trong làm báo. Do đó, bất cứ lúc nào, nhà báo luôn phải tỉnh táo và hiểu rõ các nguyên nhân dẫn đến hiện tượng đưa tin sai sự thật.

Nhìn lại những bài báo sai sự thật trên báo chí Việt Nam vài năm gần đây có thể thấy, không ít câu chuyện là do người viết nghe theo tin đồn, điển hình như vụ bố chồng “dính” con dâu ở Tiền Giang (ngày 18/09/2012). Có thể vì nhuận bút, hoặc các lợi ích cá nhân khác, nhà báo bất chấp sự thật, xuyên tạc câu chuyện ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín, tổ chức hay cá nhân nào đó…

Sai sự thật mang tính kỹ thuật là hành vi dùng để chỉ nhà báo không có sự theo đuổi về lợi ích và động cơ chủ quan để cố tình đưa tin sai sự thật mà do sự chi phối của các điều kiện chủ quan và khách quan, không thể đưa tin đúng sự thật theo diện mạo ban đầu của sự thật khách quan.

“Theo thống kê, số lượng bài báo sai sự thật do nguyên nhân này gây ra chiếm khá lớn. Rất nhiều bài báo sai sự thật được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng ở Việt Nam là do các phóng viên không có mặt trực tiếp tại hiện trường, không điều tra sâu, không kiểm chứng thông tin từ nhiều nguồn… thậm chí là nghe lại từ tin đồn”.

Tuy nhiên, cho dù là sai sự thật mang tính mục đích hay tính kỹ thuật, hậu quả gây ra đều hết sức nghiêm trọng. Những ảnh hưởng của các bài báo sai sự thật không chỉ là uy tín, tiếng tăm của phóng viên và cơ quan báo chí mà quan trọng hơn là nó đã che giấu, gây trở ngại cho nhận thức và phán đoán của công chúng đối với những biến đổi chân thực về môi trường sống, khiến họ có thể đưa ra sự lựa chọn và quyết sách sai về những hành vi xã hội của bản thân. Chính vì vậy, đưa tin sai sự thật không những là kẻ thù của người làm công tác báo chí, mà còn là kẻ thù của xã hội và công chúng.

Tính chân thật - nguyên tắc tối thượng của báo chí

Tính chân thật – nguyên tắc tối thượng của báo chí

Năm 1974, nhà chính trị học, xã hội học người Đức Elisabeth Noelle Neumann giới thiệu lý thuyết vòng xoáy của sự im lặng (Spiral of Silence), giải thích một phần dư luận xã hội được hình thành như thế nào? Trong đó, lý thuyết này lý giải tại sao con người thường có xu hướng giữ im lặng khi họ cảm giác thấy quan điểm của mình là thiểu số. Quan điểm này cho thấy sức mạnh của đám đông trong việc hình thành và định hướng dư luận xã hội.

Và, trong một số trường hợp, tin đồn sẽ trở thành phương tiện của những “thủ lĩnh” đám đông, tạo ra những ngụy biện để đánh lừa niềm tin của công chúng. Qua đó có thể thấy, nếu như công chúng trong lý thuyết “vòng xoáy của sự im lặng” lấy yếu tố tâm lý làm sức mạnh để nhân lên niềm tin vào thông tin mà số đông đưa ra, thì công chúng trong hiện tượng tin đồn lại lấy yếu tố hấp dẫn, tò mò hay gọi là sự thỏa mãn tâm lý của đám đông để nhân lên sức mạnh chưa từng có của thông tin.

Trước những tin đồn như vậy, nhà báo luôn phải nhớ rằng, sự thực là “sinh mệnh” của báo chí. Báo chí – truyền thông không chỉ là nơi cung cấp thông tin chính xác, bổ ích cho công chúng, mà còn phải định hướng dư luận xã hội, bác bỏ những tin đồn thất thiệt. Không phải vấn đề nào cũng có thể đưa lên các phương tiện truyền thông đại chúng, mà đòi hỏi người làm báo cần có sự “nhạy cảm nghề nghiệp” trong chọn lựa, xử lý và có liều lượng thông tin. Vấn đề nhà báo sử dụng tin đồn trên mạng để “chính thống hóa” bài báo của mình không chỉ xảy ra ở Mỹ hay Việt Nam, mà xuất hiện nhiều ở các nước trên thế giới, có thể rút ra một số vấn đề sau:

Thứ nhất, chú ý quan sát một cách toàn diện. Khi đưa tin về bất kỳ lĩnh vực nào nhà báo đều phải chú ý lắng nghe các ý kiến đa chiều, phỏng vấn từ hai phía có quan điểm trái chiều, không thể chỉ nghe ý kiến của một bên.

Thứ hai, cấm kỵ lối tưởng tượng chủ quan, giữ bí mật cho nguồn tin. Trong quá trình quan sát những thay đổi của môi trường khách quan, những kinh nghiệm sống vốn có của con người sẽ tác động và ảnh hưởng tới sự nhận thức và phán đoán của họ. Người làm báo cần phải tự nhắc nhở mình rằng, không nên dựa vào sự tưởng tượng chủ quan để hình thành nên kết luận quan sát đối với sự vật, kể cả là sự “tưởng tượng hợp lý” cũng phải tuyệt đối tránh!

Liên quan đến vấn đề này, Hãng AP (Mỹ) yêu cầu phóng viên không được phép đăng tải trên mạng xã hội bất kỳ thông tin gì có thể đe dọa sự an toàn về tính mạng của các phóng viên AP khác – ví dụ địa điểm cụ thể mà phóng viên AP đang có mặt để đưa tin, vì có thể những phóng viên này sẽ bị bắt cóc hoặc tấn công. Dĩ nhiên, trong một số tình huống, thông tin được công khai sẽ giúp phóng viên thoát khỏi được nguy hiểm, nhưng chỉ có những lãnh đạo cấp cao của AP mới được phép đưa ra quyết định cuối cùng đối với những sự kiện này. 2018

Thứ ba, nhà báo không phát tán tin đồn trên mạng xã hội. Sau một loạt những tin đồn thất thiệt về vụ đánh bom ở Boston, ngày 07.05.2013, Hãng thông tấn AP (Mỹ) công bố quy định Hướng dẫn sử dụng mạng xã hội dành cho phóng viên AP, trong đó có một nội dung đáng chú ý là yêu cầu phóng viên không phát tán những tin đồn trên các trang tiểu blog (micro-blog). Điều đó cho thấy, tư duy quản lý của AP đã dự báo được cuộc khủng hoảng niềm tin đang và sẽ xảy ra trong tương lai do sự phát triển mạnh mẽ của truyền thông xã hội.

Thứ tư, kiên trì nguyên tắc kiểm chứng. Nói như vậy có nghĩa rằng, cần có sự kiểm chứng đối với ít nhất hai nguồn tin độc lập – không liên quan gì đến sự kiện. Hiện tại có một quan điểm cho rằng, do hoạt động đưa tin được thúc đẩy cùng với việc sự kiện khách quan được nhận thức từng bước nên khi nhận được nguồn tin, phóng viên cần đưa tin ngay, không cần kiểm chứng về tính chân thực, sau đó nếu phát hiện ra sai sự thật sẽ đính chính ở các bản tin tiếp theo.

Đây thật sự là một sự lựa chọn hết sức nguy hiểm! Nếu làm như vậy, phóng viên sẽ phải trả giá bằng việc cơ quan báo chí để mất uy tín trong hoạt động truyền thông. Chỉ cần nhà báo làm như thế một lần, sẽ khiến độc giả và khán giả luôn nghi ngờ về bài báo, bản tin mà nhà báo là người đầu tiên đưa tin về sự kiện đó. Bản tin của nhà báo ở thời điểm sớm nhất, cũng vì thế mà mãi mãi mất đi giá trị và ý nghĩa tại thời điểm đưa tin đầu tiên.

Quy trình từ chủ thể nhà báo phát tin đồn đến dư luận xã hội

Trong quá trình viết báo, đối với mỗi yếu tố sự thật được đề cập trong bài báo đều cần phải trải qua quá trình kiểm chứng. Không những cần kiểm chứng về các yếu tố quan trọng cấu thành nên sự kiện như khi nào, ở đâu, ai, việc gì, tại sao, mà còn phải kiểm chứng về mọi tư liệu bối cảnh xuất hiện trong sự kiện.

“Khi thông tin sai sự thật, hoặc tin đồn “chễm chệ” trên các trang mạng, thậm chí xuất hiện trên vài tờ báo mà chưa được kiểm chứng thực hư, không chỉ tác động trực tiếp đến tâm lý của công chúng, mà còn kéo theo nhiều hệ lụy khác gây ảnh hưởng không nhỏ đến kinh tế, chính trị, uy tín và danh dự của tổ chức, cá nhân nào đó, thậm chí gây ra những bất ổn trong xã hội”. 

Vì vậy, nếu không có sự sàng lọc, kiểm chứng nguồn tin để tin đồn “tung hành” trên báo chí, vô hình trung vai trò và uy tín của báo giới trong mắt của công chúng bị hạ thấp, lòng tự trọng nghề nghiệp của những người làm báo chân chính tổn thương nặng nề.

Nguyễn Thành Lợi

-----
Tài liệu tham khảo
1. Tạp chí Người làm báo
2. Báo Công an TP.HCM
3. http://www.ap.org/Images/Social-Media-Guidelines_tcm28-9832.pdf
4.http://www.ap.org/images/socialmediaguidelinesforapemployees-revisedjanuary2012_tcm28-4699.pdf
5. http://www.ap.org

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Với tinh thần "Lá lành đùm lá rách", ngày 10/9, Hội Nhà báo Việt Nam ban hành công văn số 457/CV-HNBVN về việc hưởng ứng lời kêu gọi của đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khắc phục thiệt hại do cơn bão số 3.
Báo chí nói chung là một trong những kênh chính tạo dư luận xã hội. Báo chí cách mạng Việt Nam càng cần trách nhiệm xã hội cao, vì báo chí là phương tiện thông tin thiết yếu đối với đời sống xã hội, tuyên truyền, phổ biến, góp phần xây dựng và bảo vệ đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thành tựu của đất nước và thế giới theo tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí, phục vụ lợi ích quốc gia - dân tộc, cộng đồng xã hội. Chính vì vậy, trong bối cảnh hiện nay, vai trò của người làm báo trong việc thực hiện trách nhiệm xã hội của báo chí là cực kỳ quan trọng, bởi họ có trách nhiệm phản ánh một cách chính xác, đa chiều cạnh và đa dạng về thực tế xã hội,... mang lại thông tin có giá trị, kịp thời cho độc giả.
Tháng 8/1945, chớp thời cơ chiến lược “ngàn năm có một”, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân Việt Nam tiến hành cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước, tạo nên một bước ngoặt lớn trong lịch sử dân tộc. Từ đây, nhân dân Việt Nam thoát khỏi thân phận nô lệ trở thành người chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình; đất nước ta bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội. Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945 là một trong những chiến công vĩ đại nhất của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta, là bản hùng ca bất diệt trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.
Theo thông tin từ Hội đồng chuyên môn bảo vệ sức khỏe cán bộ Trung ương, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, sau thời gian lâm bệnh, mặc dù được Đảng, Nhà nước, tập thể các giáo sư, bác sĩ tận tình cứu chữa, gia đình hết lòng chăm sóc, nhưng do tuổi cao, bệnh nặng, đồng chí đã từ trần lúc 13 giờ 38 phút, ngày 19-7-2024, tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Hưởng thọ 80 tuổi. Tạp chí Người Làm Báo trân trọng giới thiệu bài viết: “Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Nhà lãnh đạo lỗi lạc, trọn đời vì nước, vì dân” của Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam:
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top