Kết nối tạp chí:
  • facebook
  • Tiwer
  • Youtube
  • Google

Giải Diên Hồng lần thứ hai: Đổi mới toàn diện về chất lượng

03:32 27/07/2023 - Diễn đàn
Ngày 26/7, tại Nhà Quốc hội, Ban Chỉ đạo Giải báo chí toàn quốc về Quốc hội và Hội đồng nhân dân (Giải Diên Hồng) tổ chức phiên họp tổng kết Giải Diên hồng lần thứ nhất - năm 2023.

Đồng chí Trần Thanh Mẫn, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội  phát biểu kết luận phiên họp.

Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Trưởng Ban Chỉ đạo Giải; Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo, Trưởng Ban Tổ chức Giải chủ trì phiên họp.

Báo cáo tổng kết về tổ chức Giải, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Trợ lý Chủ tịch Quốc hội Phạm Thái Hà , Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tổ chức Giải cho biết, Ban Tổ chức Giải đã nhận được sự quan tâm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đặc biệt là sự chỉ đạo sát sao của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội, Trưởng Ban Chỉ đạo Giải Trần Thanh Mẫn; sự phối hợp tích cực, thường xuyên, liên tục, trách nhiệm cao của các cơ quan liên quan. Hội đồng chấm Giải đã hoạt động chuyên nghiệp, trách nhiệm trên tinh thần khách quan, vô tư đã xác định đúng, trúng và thuyết phục các tác phẩm đạt Giải.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, Ban Tổ chức cũng gặp một số khó khăn. Đây là lần đầu tiên Văn phòng Quốc hội chủ trì tổ chức giải báo chí quy mô cấp quốc gia nên chưa có nhiều kinh nghiệm. Thời gian phát động, chấm và trao Giải chỉ trong hơn 5 tháng (từ 27/12/2022 - 9/6/2023) nên không tránh khỏi lúng túng trong thực hiện. Sự phối hợp của một số đơn vị còn chưa chặt chẽ, chưa chủ động trong việc tháo gỡ khó khăn nên phần nào làm ảnh hưởng đến công tác tổ chức Giải.

Qua thảo luận, các thành viên Ban Chỉ đạo đánh giá, Giải Diên Hồng lần thứ nhất đã thành công tốt đẹp, để lại tiếng vang trong đội ngũ người làm báo Việt Nam, thu hút được sự quan tâm của cả hệ thống chính trị, cử tri và nhân dân cả nước về vị trí, vai trò, hoạt động của cơ quan dân cử, đại biểu dân cử và tôn vinh các nhà báo viết về đề tài cơ quan dân cử. Các tác phẩm được trao Giải đều là những tác phẩm xuất sắc nhất, xứng đáng nhất, có tính lan tỏa tới dư luận xã hội. Các thành viên Ban Chỉ đạo cũng bổ sung các tiêu chuẩn chặt chẽ, khách quan trong tuyển chọn các tác phẩm dự Giải, tổ chức, xây dựng và triển khai kế hoạch tổ chức Giải Diên Hồng lần thứ hai.

Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn ghi nhận, đánh giá cao Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội và các cơ quan thông tấn, báo chí, các cơ quan, đơn vị hữu quan, các nhà tài trợ đã đồng hành, phối hợp chặt chẽ với Ban Tổ chức và Văn phòng Quốc hội tổ chức thành công Giải.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị, Ban Tổ chức và Văn phòng Quốc hội tiếp thu các ý kiến đóng góp để đề xuất với Ban Chỉ đạo Giải Diên Hồng lần thứ hai năm 2024; nhanh chóng hoàn thiện, ban hành kế hoạch tổ chức và thể lệ Giải Diên Hồng lần thứ hai; chú trọng hơn nữa tới chất lượng tác phẩm được trao giải…

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội lưu ý Văn phòng Quốc hội cần tổ chức lớp tập huấn cho phóng viên báo chí của Trung ương và địa phương về tổ chức, hoạt động của cơ quan dân cử, đại biểu dân cử để có nhiều tác phẩm chất lượng, sinh động, mới mẻ, nhiều góc nhìn hơn nữa tham dự Giải, bảo đảm Giải Diên Hồng lần thứ hai có sự đổi mới toàn diện về chất lượng; tăng cường và đề cao sự phối hợp hiệu quả giữa các chủ thể trong Ban Tổ chức Giải, giữa Ban Tổ chức Giải với các đơn vị, tổ chức liên quan để đồng hành, bảo đảm nguồn lực tổ chức thành công Giải.

Trà Vũ

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Báo chí nói chung là một trong những kênh chính tạo dư luận xã hội. Báo chí cách mạng Việt Nam càng cần trách nhiệm xã hội cao, vì báo chí là phương tiện thông tin thiết yếu đối với đời sống xã hội, tuyên truyền, phổ biến, góp phần xây dựng và bảo vệ đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thành tựu của đất nước và thế giới theo tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí, phục vụ lợi ích quốc gia - dân tộc, cộng đồng xã hội. Chính vì vậy, trong bối cảnh hiện nay, vai trò của người làm báo trong việc thực hiện trách nhiệm xã hội của báo chí là cực kỳ quan trọng, bởi họ có trách nhiệm phản ánh một cách chính xác, đa chiều cạnh và đa dạng về thực tế xã hội,... mang lại thông tin có giá trị, kịp thời cho độc giả.
Tháng 8/1945, chớp thời cơ chiến lược “ngàn năm có một”, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân Việt Nam tiến hành cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước, tạo nên một bước ngoặt lớn trong lịch sử dân tộc. Từ đây, nhân dân Việt Nam thoát khỏi thân phận nô lệ trở thành người chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình; đất nước ta bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội. Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945 là một trong những chiến công vĩ đại nhất của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta, là bản hùng ca bất diệt trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.
Theo thông tin từ Hội đồng chuyên môn bảo vệ sức khỏe cán bộ Trung ương, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, sau thời gian lâm bệnh, mặc dù được Đảng, Nhà nước, tập thể các giáo sư, bác sĩ tận tình cứu chữa, gia đình hết lòng chăm sóc, nhưng do tuổi cao, bệnh nặng, đồng chí đã từ trần lúc 13 giờ 38 phút, ngày 19-7-2024, tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Hưởng thọ 80 tuổi. Tạp chí Người Làm Báo trân trọng giới thiệu bài viết: “Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Nhà lãnh đạo lỗi lạc, trọn đời vì nước, vì dân” của Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam:
Ngày 31/5, tại Hà Nội, Hội đồng Giải Báo chí Quốc gia đã khai mạc vòng chấm chung khảo Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XVIII năm 2023.
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top