Gia Lai: Tổ chức lễ kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập tỉnh
16:07 22/05/2022
- Vấn đề sự kiện

Toàn cảnh buổi lễ. Ảnh: VGP
Đến dự lễ kỷ niệm có Uỷ viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các bộ, ban, ngành, các đơn vị trung ương, các vị khách quốc tế, đại biểu các tỉnh, thành phố.
Về phía chủ nhà Gia Lai, có các đồng chí trong Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, HĐND, UBND, Mặt trận tổ quốc Việt Nam tỉnh, các đồng chí lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ cùng hàng ngàn cán bộ, nhân dân, lực lượng vũ trang trong tỉnh.
Đồng chí Hồ Văn Niên, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Gia Lai tóm tắt quá trình xây dựng và trưởng thành của tỉnh Gia Lai trong 90 năm thành lập (1932-2022). Ảnh: Đức Thụy
Tại buổi lễ, đồng chí Hồ Văn Niên cho biết, những năm qua, Gia Lai trở thành một điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư trong và ngoài nước, đặc biệt trên các lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp chế biến, năng lượng tái tạo và du lịch… giai đoạn 2016 - 2020 có 515 dự án đầu tư vào địa bàn tỉnh với tổng vốn đăng ký 832.925 tỷ đồng, tăng gấp 5 lần số dự án và tăng 36 lần về vốn so với giai đoạn 2011 - 2015. Trong năm 2021 đã chấp thuận chủ trương đầu tư cho 54 dự án, tổng vốn đăng ký là 21.645 tỷ đồng (trong đó có 16 dự án điện gió được đầu tư). Toàn tỉnh hiện có là 7.982 doanh nghiệp, 358 hợp tác xã và 02 liên hiệp hợp tác xã.
Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được quan tâm đầu tư, với nét riêng nổi bật của tỉnh là xây dựng nông thôn mới trong đồng bào dân tộc thiểu số. Đến nay, thành phố pleiku đã được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới và hiện đã trình hồ sơ đề nghị Trung ương xét, công nhận 2 thị xã An Khê và Ayun Pa hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2020; toàn tỉnh có 100 xã và 123 thôn, làng đạt chuẩn nông thôn mới, có 214 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP.
Trong giai đoạn 2016 - 2020, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 21.598 tỷ đồng, tăng bình quân hằng năm 7,02%; năm 2021 đạt 7.881 tỷ đồng. Tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2020 đạt 580 triệu USD, tăng bình quân giai đoạn 2016-2020 là 14,38%/năm, năm 2021 đạt 610 triệu USD. Công tác quản lý tài nguyên, khoáng sản, bảo vệ môi trường có nhiều chuyển biến tích cực.
Các lĩnh vực văn hóa - xã hội có bước phát triển mới vượt bậc. Quy mô, chất lượng giáo dục tăng lên qua từng năm, trong đó có giáo dục dân tộc được đặc biệt quan tâm; đến cuối năm 2021, toàn tỉnh có 54% trường học đạt chuẩn quốc gia. Công tác dạy nghề được quan tâm; tỷ lệ lao động qua đào tạo toàn tỉnh đạt 55%. Công tác phát triển sự nghiệp y tế thu được những thành tựu quan trọng. Mạng lưới y tế, đặc biệt là y tế cơ sở được củng cố và phát triển. Đặc biệt, trong thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, các đơn vị, đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế đã hết sức nỗ lực, cố gắng vừa triển khai công tác phòng, chống dịch, vừa đảm bảo công tác khám chữa bệnh, cấp cứu, điều trị, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.
Công tác quản lý và hoạt động nghiên cứu, phát triển công nghệ từng bước được đổi mới phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Công tác bảo tàng, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc gắn với phát triển du lịch địa phương được quan tâm.
Toàn tỉnh hiện có 31 di tích đã xếp hạng (gồm 1 quần thể di tích cấp quốc gia đặc biệt; 14 di tích, cụm di tích quốc gia; 16 di tích cấp tỉnh) và 43 di tích trong danh mục kiểm kê thuộc các loại hình: Di tích lịch sử; di tích khảo cổ; di tích kiến trúc nghệ thuật; danh lam thắng cảnh. Đặc biệt, Không gian văn hoá Cồng chiêng Tây nguyên được UNESCO công nhận là Di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại; Khu Dự trữ sinh quyển Cao nguyên Kon Hà Nừng đã được UNESCO công nhận là Khu Dự trữ sinh quyển thế giới.
Công tác an sinh xã hội được đảm bảo, công tác giảm nghèo được quan tâm chỉ đạo, đạt nhiều kết quả quan trọng. Tỷ lệ hộ nghèo từ 19,71% năm 2015 giảm còn 4,5% vào năm 2020, đến cuối năm 2021 giảm còn 3,96%, trong đó, hộ nghèo dân tộc thiểu số 12.945 hộ (giảm 4.233 hộ so với cuối năm 2020).
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu ý kiến chỉ đạo tại buổi Lễ. Ảnh: Đức Thụy
Phát biểu chỉ đạo tại buổi Lễ, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, để những tiềm năng, lợi thế và nguồn lực to lớn đó được phát huy, góp phần hiện thực hóa mục tiêu đưa Gia Lai trở thành một tỉnh giàu mạnh, người dân được sống trong sung túc, bình yên và hạnh phúc, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Gia Lai cần nỗ lực hơn nữa, đoàn kết hơn nữa, không ngừng đổi mới, dám nghĩ, dám làm, chủ động, sáng tạo, tự lực, tự cường, đi lên từ bàn tay, khối óc, mảnh đất khung trời của mình, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, phấn đấu hoàn thành tốt mục tiêu của năm 2022 và những năm tiếp theo…
Bên cạnh đó, Đảng bộ, quân và dân các dân tộc tỉnh Gia Lai tiếp tục gìn giữ, củng cố và vun đăp cho khối đoàn kết các dân tộc, tính thống nhất trong Đàng bộ và hệ thống chính trị, tạo được sự đồng thuận giữa các dân tộc.
Quán triệt và thực hiện hiệu quả Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Gia Lai lần thứ XVI, trong đó có việc hiện thực hóa 17 chỉ tiêu chủ yếu của nhiệm kỳ 2020-2025.
Tập trung triển khai có hiệu quả các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về phòng-chống dịch Covid-19 và phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội; hoàn thành việc tiêm vắc-xin cho các nhóm đối tượng, trong đó có trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi theo kế hoạch và hướng dẫn của Bộ Y tế và mục tiêu của Chính phủ đã đề ra.
Tiếp tục hoàn thiện bộ máy chính quyền tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Làm tốt công tác quy hoạch theo hướng phát triển bền vững. Quan tâm phát triển văn hóa-xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của các tầng lớp nhân dân. Củng cố quốc phòng-an ninh, đối ngoại là nhiệm vụ thường xuyên, trọng yếu…
Đại diện UNESCO tại Việt Nam trao Bằng chứng nhận Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cao nguyên Kon Hà Nừng cho lãnh đạo tỉnh Gia Lai. Ảnh: Đức Thụy
Nhân dịp này, tỉnh Gia Lai vinh dự đón nhận Bằng chứng nhận của UNESCO về Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cao nguyên Kon Hà Nừng; Bằng xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt đối với Quần thể di tích Tây Sơn Thượng Đạo và Bằng xếp hạng di tích khảo cổ quốc gia Rộc Tưng - Gò Đá.
Ngày 24/5/1932, Toàn quyền Đông Dương ban hành Nghị định tách một phần đất phía Nam tỉnh Kon Tum (gồm Đại lý Pleiku và Đại lý Cheo Reo) để thành lập tỉnh Pleiku. Tòa Đại lý hành chính Pleiku đổi lại thành Tòa Công sứ.
Nằm phía bắc Tây Nguyên núi sông hùng vĩ, giữ một vị trí chiến lược quan trọng ở miền Trung đất nước, tỉnh Gia Lai có lịch sử lâu đời với nền văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc của đồng bào Jrai, Bahnar, Kinh và nhiều dân tộc thiểu số khác cùng chung sống đoàn kết. Trải qua lịch sử lâu dài chống chọi với thiên nhiên khắc nghiệt, chiến đấu với nhiều kẻ thù xâm lược, ghi bao chiến công oanh liệt đã hun đúc cho nhân dân trong tỉnh truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam: lao động cần cù, sáng tạo trong dựng nước; yêu quê hương đất nước, anh dũng, kiên cường, bất khuất trong đấu tranh giữ nước.
Đại diện lãnh đạo Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch trao Bằng xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt đối với Quần thể di tích Tây Sơn Thượng Đạo và Bằng xếp hạng di tích khảo cổ quốc gia Rộc Tưng - Gò Đá cho lãnh đạo tỉnh Gia Lai. Ảnh: Đức Thụy
Từ những năm 30, 40 của thế kỷ trước, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, nhân dân các dân tộc Gia Lai với lòng yêu nước nồng nàn đã vùng dậy chống đế quốc xâm lược, cùng toàn dân tộc Việt Nam chớp thời cơ ngàn năm có một làm cuộc Cách mạng Tháng Tám (1945) thành công, giành độc lập dân tộc, lập Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á.
Trong khí thế cách mạng hào hùng, Đảng bộ Đảng Cộng sản Đông Dương tỉnh Gia Lai ra đời ngày 10/12/1945, đảm nhận sứ mệnh và vai trò đội tiên phong lãnh đạo quân, dân trong tỉnh xây dựng chính quyền cách mạng, tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1946 - 1954), rồi tiếp đến cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954 - 1975).
Sau 30 năm chiến đấu liên tục, chịu đựng nhiều gian khổ, mất mát hy sinh, song hết sức hào hùng và rực rỡ chiến công, Đảng bộ, quân và dân tỉnh Gia Lai đã giành được thắng lợi quyết định, giải phóng tỉnh lỵ Pleiku (ngày 17/3/1975) và toàn tỉnh Gia Lai, góp phần vào thắng lợi chung của dân tộc, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Hòa bình lập lại, toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tỉnh nhanh chóng bắt tay vào xây dựng cuộc sống mới; xây dựng Đảng bộ không ngừng lớn mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức.
Văn Thư
Bình luận: 0
Tin tức liên quan
- Khai mạc Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV (11:18 05/05/2025)
- Hành trình 75 năm của Hội Nhà báo Việt Nam (01:01 21/04/2025)
- Hội Nhà báo Việt Nam “Về nguồn” tại Thái Nguyên (10:10 20/04/2025)
- Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII: Hội nghị lịch sử bàn về những quyết sách lịch sử (06:35 12/04/2025)
- Khai mạc trọng thể Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII (04:42 10/04/2025)